PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Tư thế, Thủ ấn (MUDRAS) nơi tượng Phật giáo.


Lâu nay đến chùa tôi thường chú ý đến những tượng Phật, và trong lần đi Thái Lan vào tháng 5 vừa qua, nơi Phật giáo là quốc giáo của họ, được đến thăm 2 ngôi chùa nổi tiếng của người Thái ở Bangkok, là chùa Phật ngọc thuộc Hoàng cung Thái Lan, và Chùa Vàng, nơi có pho tượng Phật bằng vàng nặng 5,5 tấn, tôi cũng có chụp vài tấm hình. Từ trước đến nay tuy chú ý đến những tượng Phật nhưng tôi ít để ý đến tư thế của tượng, và cũng chỉ biết phân biệt đại khái như mọi người, là tượng Phật nói chung, tượng Di Lặc, hay tượng Quán Thế Âm.

Thời gian vừa qua, nhân có dịp trao đổi với bạn bè về Phật giáo, tôi cũng thử tìm kiếm qua sách vở, những thông tin trên mạng, và rồi tôi vỡ ra được vài điều...


Chú ý đôi chút các bạn sẽ thấy nơi 2 tấm hình tôi đưa lên bên trên tuy cùng là tượng Phật ngồi xếp bằng, nhưng bàn tay của Phật để khác nhau. Trước hết tôi xin nói về thế ngồi, ở 2 tấm hình bên trên đức Phật đều ngồi trong tư thế Thiền định, trong tiếng Phạn và tiếng Pali đều gọi là Bhàvanà. Hai Bàn tay của đức Phật ở tấm hình thứ nhất đặt ngửa lên nhau để trong lòng, tư thế của 2 bàn tay như thế được gọi là Thiền định ấn. Nơi tấm hình thứ hai bàn tay trái của Phật đặt ngửa để trong lòng, bàn tay phải để xuôi úp khoảng gần đầu gối, những đầu ngón tay khẽ chạm xuống đất, Thủ ấn ở thế này được gọi là Xúc địa ấn. Thủ ấn này theo truyền thuyết, là khi đức Cồ Đàm thiền định 6 ngày đêm dưới gốc cây Bồ đề trước khi đạt được Giác ngộ, ngồi thiền trong tư thế này, ngài đã lấy Đất làm chứng cho quyết tâm của mình, và khi Ma vương kéo đến ngăn cản ý việc Thiền định của Phật, thì Thần đất đã gửi đến một đạo binh để chống lại ý định của Ma vương. Cả 2 Thủ ấn Thiền định ấn và Xúc địa ấn kể trên hay được nhìn thấy nơi tranh tượng của đức Phật Thích Ca (Phật hiện tại hay còn gọi là Phật lịch sử), và tranh tượng của đức Phật A Di Đà (Phật quá khứ), không phân biệt, những bức tượng Phật chúng ta hay thấy trong những ngôi chùa thường ở trong tư thế Thiền định và hai bàn tay đặt ở những Thủ ấn tôi vừa kể.


Ngoài hai Thủ ấn thông thường trên chúng ta cũng thường thấy những tranh tượng Phật 2 bàn tay đặt trong những tư thế khác, chẳng hạn bức tượng tôi chụp nơi chùa Phật vàng bên trên, tượng cũng ngồi xếp bằng trong tư thế thiền định, tuy nhiên 2 tay  chắp trước ngực đảnh lễ cung kính. Đây là một Thủ ấn có tên gọi
Hợp chưởng ấn (Anjali), biểu lộ sự hiến dâng và kính lễ, thủ ấn này hiếm khi được thực hiên bởi các vị Đại Phật, bởi vì họ đã ở thượng đỉnh trong hệ thống tín ngưỡng Phật giáo, cũng không thể hiện nơi Phật lịch sử Thích Ca. Tuy nhiên thủ ấn này được sử dụng một cách ngoại lệ bởi Phật A Di Đà, khi vị Đại Phật đảm đương chức năng của một Bồ tát, đặc biệt nơi hình thức Phật giáo Nhật Bản Gokoshiyu Amida, cũng được dùng phổ quát bởi dân chúng Ấn Độ, Đông Nam Á để chào kính. Thủ ấn gợi ra sự hiến dâng và thiện ý... Chúng ta đã thấy, tại Thái Lan, hay Lào, người dân thường chắp tay vái chào như thế.


Chúng ta cũng thường thấy những tư thế khác tư thế Thiền định nơi những tượng Phật, chẳng hạn bức tượng Phật nằm nghiêng về phía bên tay phải bên trên. Đây là bức tượng biểu thị khi Phật nhập niết bàn (tịch diệt), tư thế này được gọi là Đại niết bàn tọa. Tấm hình bên trên các bạn cũng nhìn thấy tượng Phật đang ngồi buông  2 chân phía sau tượng Phật nhập niết bàn tựa như đang ngồi trên ghế, tư thế ngồi này được gọi là Hiền tọa (Bhadrasan).


Một bức tượng Phật khác tôi cũng chụp được nơi chùa Phật vàng, đó là một tượng Phật đang trong tư thế bước đi, bức tượng này được gọi là Kinh hành. Những tư thế, Thủ ấn trên những bức tượng tôi đã chụp tại Thái Lan kể trên là khá phổ biến nơi các tranh tượng Phật giáo, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những tranh, tượng, hoặc những Thủ ấn Phật giáo khác ít thấy tại các chùa chiền hơn, có một dịp nào khác tôi sẽ trở lại... Trong những tấm hình tôi chụp tượng Phật nơi 2 ngôi chùa Phật ngọc và Chùa Vàng tại thủ đô Bangkok Thái Lan, đặc biệt có một tượng khá kỳ lạ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy, có đưa hình lên, tôi sẽ post lên dưới đây, chị Huynhtran có nói đến và tôi đoán là tượng Phật Di Lặc bởi hình dáng, nhưng bây giờ có tài liệu trong tay, mọi việc có vẻ rõ ràng hơn một chút xíu, nhưng thật ra cũng chưa thể xác định được tượng Phật này là ai trong các vị Phật?


Nhìn bức tượng trên, nếu xét theo cách ăn mặc (không mặc áo, hở ngực và bụng), và hình dáng thân mình mập mạp, bụng phệ, cùng tư thế ngồi thoải mái, kể cả nụ cười trên khuôn mặt thì có lẽ chúng ta liên tưởng ngay đến Di Lặc theo phong cách Trung Hoa, là vị Phật tương lai trong Phật giáo Đại thừa Bắc truyền. Tuy nhiên đầu của tượng không phải là đầu tượng Di Lặc như chúng ta vẫn thường thấy, mà giống như đầu của tượng Phật quá khứ (Phật A Di Đà) hoặc Phật lịch sử (Phật Thích Ca) hơn. Tay của tượng một bên cầm một cái bình, một bên cầm Tích trượng. Sách vở Phật giáo có giải thích, Dược sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai (Bhaisaijya-guru-Vaidurya- prabha-Tathagata), mà ta hay gọi đơn giản là Dược sư Phật trên hai tay có cầm bình và tích trượng như thế, bình là bình thuốc chữa khỏi bệnh tật cho chúng sinh. Dược sư Phật là Giáo chủ của Thế giới Tịnh Lưu Ly (Vaidurya-prabhasa) ở Phương Đông. Với những ý nghĩa sách vở như thế và hình thể của tượng thật tôi cũng không sao đoán được tượng này tượng trưng cho Phật nào, hoặc vị thần Phật giáo nào?

Tham khảo:
- Tranh tượng & Thần Phổ Phật giáo, tác giả Louis Frédéric, Phan Quang Định dịch, NX Mỹ Thuật xuất bản năm 2005.
- Dược sư kinh pháp, Huyền Thanh biên dịch, NXB Phương Đông xuất bản năm 2010.

11 nhận xét:

  1. Anh Hiệp chịu khó tìm hiểu rất kỷ về các tượng Phật với những tư thế khác nhau nhỉ, khi đi Thái Lan tôi cũng có đến những nơi này, nhưng tôi cũng không rõ lắm về các hình tượng và các thế ngồi khác nhau của các vị Phật.Hôm nay anh nói tôi cũng hiểu được đôi chút.

    Trả lờiXóa
  2. Sang Thái lan em thấy có cái rất khác ta, là những pho tượng Phật được bày trong chùa dường như không cố định như ta hay Lào... mà bày như trong triển lãm. Ở ngôi chùa lớn, nơi Thái tử từng quy y, có tượng Vua Rama IV và con thuyền, những pho tượng được bày trên những chiếc bàn phủ vải đỏ, đặt khá thấp, như vậy là thỉnh thoảng họ lại kê xếp lại... Bên ta, nhất là ngoài Bắc, đồ thờ cúng nói chung, đặc biệt là tượng thì cố định, chỉ lau chùi, bao sái trong dịp đặc biệt.

    Trả lờiXóa
  3. Tìm hiểu Phật giáo, trao đổi với bạn bè, dần dà tôi biết thêm được ít nhiều điều cũng rất thú vị chị Mai.

    Trả lờiXóa
  4. Đúng rồi Toro, ngoài những pho tượng lớn đặt cố định thì những tượng trung trung nhỏ nhỏ họ đặt như trưng bày vậy, bên mình lại khác, ít dám dịch chuyển tượng.

    Trả lờiXóa
  5. @torovn, trong quyển sách của Louis Frédéric mà tôi đã ghi Tham khảo có viết thế này "Tượng Phật, hay chỉ một phần của bức tượng, không thể xem đơn giản như một tác phẩm nghệ thuật mà là một di sản thiêng liêng, không thể tùy tiện đem bài trí bất kỳ nơi đâu tùy thích mà phải trân trọng đặt vào những nơi chốn thích hợp".

    Trả lờiXóa
  6. Người tu hành kết Thủ ấn thì cảm nhận được uy lực của Phật, Bồ tát, và cùng với các Ngài trở thành một thể, cho nên lúc kết ấn, giải ấn, cần phải cung kính, trân trọng và xin thầy đích thân trao cho. Hai tay (nhật nguyệt chưởng, , nhị vị) và 10 ngón tay kết thủ ấn đều bao gồm ý nghĩa khác nhau. Tay trái, tay phải lần lượt tượng trưng cho chỉ quán (tay trái là chỉ, tay phải là quán), định tuệ, quyền thực, từ bi…, từ ngón út đến ngón cái theo thứ tự biểu thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc địa, thủy, hỏa, phong, không. Thue ấn đại biểu cho Phật là Trí quyền ấn của Đại nhật thuộc kim cương giới; còn Thai tạng giới thì dùng Pháp giới định ấn của Đại nhật, Lực đoan định ấn của Di đà để tượng trưng cho ngũ ấn của Ngũ trí, Ngũ Phật. Ngoài ra còn có các ấn khác như Thí vô úy ấn, Dữ nguyện ấn…Hoa sen của Bồ tát quán âm, kiếm sắc của Bồ tát văn thù cho đén cây gậy mang đầu người của Diệm ma pháp vương…đều là Khế ấn cả. Lại nữa, người mới vào Mật giáo, trước hết phải học tập 18 đạo khế ấn.

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn bác Bu đã đưa thêm những thông tin khá sâu của Thủ ấn Phật giáo để mọi người cùng tìm hiểu.

    Trả lờiXóa
  8. Bác Bu hướng dẫn mọi người vài kiểu ấn dễ sử dụng như ấn cho tâm bình an, hết lo âu, sợ hãi... thì hay lắm đấy ạ.

    Trả lờiXóa
  9. Em đọc entrry này và những comment thấy hay quá, nhất là phần comment của anh Bu nhưng chắc em phải vào đọc lại vài lần nữa mới thông suốt được. :)

    Trả lờiXóa
  10. Hihi, cô Lan ráng đọc, mai mốt vào chùa ở :-)))

    Trả lờiXóa
  11. Em mà vào chùa ở thì chỉ phá mất sự tôn nghiêm của chùa thôi, tánh em không thích bị ràng buộc vào khuôn phép nào hết cho nên em chỉ thích rong chơi thôi. :)))))))

    Trả lờiXóa