Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012
Lại lan man chuyện đọc sách.
Lâu lâu rồi tôi cũng đã lan man về chuyện đọc sách, cũng như đã lan man về chuyện cà phê, hôm nay cuối tuần rảnh rỗi lại muốn trở lại câu chuyện này.
Đọc sách đối với tôi là một thói quen và cũng là một cái thú từ thời còn nhỏ, may mắn ở Saigon trước đây (trước năm 75), và sau này thì sách vở không thiếu, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều sách vở đủ mọi thể loại, từ tiểu thuyết viết bởi tác giả trong nước, sách dịch Đông, Tây, kim, cổ... cho đến sách nghiên cứu về đủ mọi đề tài, xã hội có gì đều có sách viết về những đề tài đấy cho chúng ta tha hồ tìm hiểu, nghiên cứu... Học hành trên ghế nhà trường thường chỉ là cái cơ bản, để người ta tiếp tục tự đọc thêm sách, bổ sung cho cái kiến thức của mình, và nguồn sách thường luôn luôn không thiếu, sách mua, sách mượn tại các thư viện, hoặc mượn, trao đổi với bạn bè... Trước đây cũng phổ biến loại sách cho mướn, thường chỉ là sách truyện giải trí, loại sách này thường gặp là tiểu thuyết các loại, trước năm 75 ở Saigon là tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, những Cô gái đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc đỉnh ký... là những ví dụ...
Như tôi cũng đã kể, thời trẻ xa nhà trong "hành trang" (ba lô) của tôi luôn có những quyển sách. Tiểu thuyết thường có những sách dịch thời bấy giờ (trước năm 75 ở miền Nam), những Hemingway, Salinger, Remarque, Hermann Hesse, Victor Hugo, Albert Camus, Andre Gide, Saint Exupery, Lỗ Tấn, Kawabata, Suzuki, Maxime Gorky, Leon Tolstoy, Dostoievsky... Thêm một số sách viết về Phật giáo, kinh thánh, và những quyển sách tự học chữ Nho, hay sách hàm thụ học chữ Hán... Tôi nhớ khi ở Pleiku, trong doanh trại tôi đóng quân, tôi ở trong một cái conex (container) của Mỹ bằng sắt (mỗi bề chừng độ 3m), luôn có cà phê và sách, đến nỗi nhiều bạn bè đồng đội gọi cái conex của tôi là "cốc", và coi tôi như một "đạo sỹ" vậy...
Những năm tháng ấy tôi đã đọc khá nhiều sách mang theo, khi theo hành quân thì tôi đọc trong rừng, nơi lô cốt trú ẩn của một đồn biên giới, hay trong những nhà sàn nơi làng Thượng..., khi về phố rảnh rỗi thì thường đọc trong những quán cà phê, có khi đọc trong sân chùa... như tôi đã viết, quán cà phê là nơi ta có thể chỉ gọi một ly cà phê là có thể ngồi mấy tiếng đồng hồ thoải mái đọc sách, đến nỗi có nơi ở mấy tháng trời như thị xã Tuy Hòa ngày xưa, quán cà phê có tên rất dễ nhớ là quán... Nhớ (nghe một người bạn mới đến Tuy Hòa năm ngoái nói quán vẫn còn), đã dành hẳn cho tôi một bàn nhỏ nơi một góc sân dưới bóng cây mát mẻ, chỉ khi nào tôi ghé mới dọn bàn ấy ra, và một tiệm sách lớn nhất Tuy Hòa thời bấy giờ (ở đường Trần Hưng Đạo), nơi một anh chủ tiệm sách hơn tôi một vài tuổi, ở trong quân đội địa phương (tôi quên mất tên tiệm sách), tôi ghé xem và mua sách có dịp chuyện trò nên quen (tôi có nói trong một entry lâu rồi), anh bạn chủ tiệm sách này nghe nói sau 75 đi học tập về đã đi ra nước ngoài... Ở Tuy Hòa cũng có một tiệm cho thuê sách tôi cũng hay ghé mướn sách nên quen, tôi cũng đã kể...
Sau năm 75 thì như các bạn nào ở Saigon đã biết, qua vài đợt "truy quét văn hóa phẩm đồi trụy" sách vở bị tịch thu sạch, lúc bấy giờ sách về tôn giáo cũng phải giao nộp tuốt, tất cả sách vở của tôi có đều chịu chung số phận ấy, không hiểu sao sau này tôi còn giữ được vài quyển, chẳng hạn bộ sách Tự học chữ nho của GS Đào Mộng Nam, Chiến quốc sách, Sử ký Tư Mã Thiên, Thiền và tâm phân học, Dục tính và văn minh... Tôi cũng đã viết ở một entry cũ, sau này vào khoảng những năm 80, 90 sách ở Saigon bắt đầu cho in nhiều trở lại, tôi cũng đã mua được kha khá, một tủ sách gồm những tiểu thuyết dịch, sách tìm hiểu..., nhưng thời ấy sách được in trên giấy xấu quá, đen thui thùi lùi, có khi trên trang giấy có... độn cả rơm rác, mực in lem nhem, sách mới mua đọc còn nhức mắt, cho nên bây giờ tủ sách còn đó mà ít khi dám lấy ra xem, được cái thời đó sách bán khá rẻ so với thời nay...
Bây giờ sách đã in đẹp, màu sắc tươi tắn, chữ nghĩa rõ ràng và tôi vẫn thường hay "lượn" qua những nhà sách, nhất là những cửa hàng sách bán giảm giá, hoặc bán sách cũ. Sách bây giờ in khá nhiều, đẹp, nhưng chất lượng cũng rất... trời ơi, sách dịch đủ loại, sách trong nước viết, cũng đủ loại, về đủ mọi đề tài, thể loại, đủ tên tuổi... nhưng muốn mua một quyển sách "đọc được" (dĩ nhiên chữ "được" ở đây là theo chủ quan của mình) cũng khá khó... Chẳng hạn chỉ riêng loại sách viết về Phật giáo, vào một nhà sách chuyên bán loại sách này, có cả ngàn đầu sách, vậy mà thỉnh thoảng tôi mới lựa được cho mình một quyển, thường là phải lật đọc lướt nhanh sơ qua, rồi theo "kinh nghiêm đọc sách" bấy lâu đánh giá nội dung, cách viết, nếu thấy "hợp" mới "OK" bỏ tiền mua. Tôi biết những nhà sách ở Saigon có những quyển sách mới bán giảm giá khoảng 20% đến 30%, hoặc những tiệm sách chuyên bán những loại sách cũ (sách cũ trước năm 75 và sau năm 75), có những nơi như thế tôi đã tìm được những quyển sách giá trị, giá khá rẻ... Ở Saigon bây giờ thỉnh thoảng cũng có những "Hội sách", là một dịp để những nhà xuất bản, nhà sách giới thiệu sách của mình in, và bán sách. Những hội sách này thường tung những sách bán không chạy ra bán giảm giá, có loại giảm đến 50%, nếu chịu khó tìm kiếm lục lọi nơi những hội sách như thế bạn cũng sẽ tìm được những quyển sách thích hợp, với giá rẻ bất ngờ...
Tôi cũng vẫn còn thói quen đọc sách nơi một quán cà phê, hay tôi cũng thường mang theo trong người một hai quyển sách mình ưa thích, có chút thời giờ rảnh rỗi là mang ra đọc, sách luôn mang lại cho chúng ta những kiến thức, hiểu biết, cũng là một cách "giết thời giờ" có ích...
Người chịu khó đọc sách nhiều thì sẽ có kiến thức rộng thôi.Riêng tôi trước 75 thì rất thích đọc sách,nhưng bây giờ thì lại lười đọc sách nên đầu óc bây giờ nó cùn rồi.
Trả lờiXóaSau 1975, nhà em cũng có những cuốn mà ngoài này hồi đó không có như Kinh Thi, Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng đến thơ Nguyên Sa ( bản in giấy tốt); Giai thoại làng Nho... Bây giờ thì sách quá nhiều.
Trả lờiXóaNgoài Bắc ngày xưa, hiệu sách bày sách, dù ít ỏi, chủ yếu là sách trong nước và đôi khi có vài tác phẩm kinh điển và sách Liên Xô, nhưng chỉ để làm mẫu, không bán. Em nhớ có cuốn Thơ Tagore, bày mốc trên tủ kính nhưng dăm ba lần em đi qua năn nỉ họ cũng không bán. Hồi đó lạ thật!!
Chị Mai thử đọc lại xem sao, coi vậy chứ quen đọc sách không hẳn là để có kiến thức rộng, mà nó tạo cho mình thói quen suy nghĩ, cách đặt vấn đề để tìm hiểu.. trong nhiều lãnh vực của đời sống đó :-)))
Trả lờiXóaMột dạo thấy PNH kê lên một số sách Phật giáo dùng tham khảo khi viết Cảm nhận Phật giáo. Trong đó bu chú ý quyển " Tư tưởng Phật học, Tác giả Walpola Rahula, Việt dịch Thích Nữ Trí Hải, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh Saigon xuất bản năm 1974."
Trả lờiXóaQuyển này chính là "Đức Phật đã day những gì" do NXB tôn giáo ấn hành năm 2000 so với quyển trước có thêm vào kinh Tứ Niệm Xứ"
Chỉ cẩn đổi tên sách, làm người mua rồi vẫn mua lại như bu tui!
Phải chăng đây là thủ đoạn những của các nhà xuất bản đánh lừa khách ??
Trước năm 75 ở Saigon đã dịch và xuất bản khá nhiều thơ Tagore, thời ấy tôi cũng mua hầu hết in trên giấy tốt, năm 75 phải giao nộp hết, hihi!
Trả lờiXóaQuyển "Tư tưởng Phật học, Tác giả Walpola Rahula, Việt dịch Thích Nữ Trí Hải, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh Saigon xuất bản năm 1974." sau năm 2000 có in lại và bu mua thêm quyển đó, trong khi trên giá sách đã có "Đức Phật đã dạy những gì".
Trả lờiXóaĐúng là quyển sách này có in lại như bác Bu nói, tôi cũng có quyển "Đức Phật đã dạy những gì" do NXB Tôn giáo ấn hành năm 2000, do một ni cô tặng, quyển sau này có thêm thắt như bác Bu đã nói, bây giờ không ít NXB lấy lại sách cũ, thêm bớt đặt tựa lại thành sách mới, sách viết về PG có một số như vậy...
Trả lờiXóaNhư quyển "Các tông phái của đạo Phật", tác giả Junjiro Takakusu (Nhật Bản), Tuệ Sỹ dịch, Ban tu thư Viện Đại Học Vạn hạnh xuất bản năm 1972 tại Saigon, đến năm 2011 NXB Phương Đông xuất bản in hêt nhưng lấy tên Tinh hoa Triết học Phật giáo...
Trả lờiXóaCác NXB kiếm chác ngay trên lưng Phật huhuhu!
Trả lờiXóaHihi, biết sao được, trước đây ở Saigon, có một số NXB như Cảo Thơm, Lá Bối, Kinh Thi... rất nghiêm túc trong việc XB sách... Bây giờ xã hội có khác, ngay cả NXB Tôn giáo cũng XB nhiều quyển sách về Phật giáo rất trời ơi...
Trả lờiXóaem chỉ đọc tiểu thuyết thôi ...còn sách nghiên cứu thì ít đọc , heheheh....
Trả lờiXóacác tác giả anh kể hầu như em chưa đọc bao giờ , chỉ có đọc cuốn Ngư ông và biển cả của Hemingway , mà cuốn này thì em được thưởng năm lớp 6 :)
Trước năm 75, những tác giả sách dịch kể trên được dịch nhiều ở Saigon, sách của Hemingway thì được dịch khá nhiều, tiêu biều là Ngư ông và biển cả, Chuông gọi hồn ai... Có lẽ lúc chị P. chưa kịp đọc thì đã GP.
Trả lờiXóatrước 75 em chỉ đọc sách Tuổi Hoa , mà loại hoa đỏ ( loại phiêu lưu ) ...
Trả lờiXóasau 75 có mượn được cuốn Dòng sông ly biệt của Quỳngh Dao do Liêu Quốc Nhĩ dịch , coi cũng lôi cuốn ....dạo sau này em thấy nhà sách có sách của Quỳnh Dao mua về một cuốn coi thử thì câu cú in lủng củng , chữ thường và chữ hoa vô tội vạ....em quăng luôn ....
những truyện em đọc là hồi đó mượn ở Thư Viện Vũng Tàu trong thời gian em làm việc ngoài đó như là Jane Eyre - Charlotte Bronte .... Thành trì, Thanh gươm công lý - Archibald Joseph Cronin .....Cuốn theo chiều gió - Margaret Mitchell ....
từ dạo có internet thì em đọc trên mạng , nhưng không đọc nhiều , nhìn màn hình vi tính mau mỏi mắt :)
@nguoidan147, Tuổi Hoa là loại sách có từ trước năm 70 ở Saigon, viết cho Tuổi học trò, thường in những sách phiêu lưu mạo hiểm đọc khá hấp dẫn...
Trả lờiXóaRiêng loạt sách dịch của Quỳnh Dao vào những năm gần GP do Liêu Quốc Nhĩ dịch là loại sách tình cảm, nhẹ nhàng, thích hợp với phụ nữ, cũng được nhiều độc giả ưa thích, tôi cũng có đọc và xem phim Jane Eyre (Hoàng Hải Thủy phóng tác trước năm 75 với tựa là Kiều Giang)... nói chung sách dịch sau năm 75 có nhiều loại rất cẩu thả từ cái gọi là dịch lẫn in ấn, chẳng hạn sách của Quỳnh Dao như bạn kể, kể cả loại sách "Học làm người" của Lâm Ngữ Đường...
Lâu rồi em không đọc sách.
Trả lờiXóaChà chà, em chỉ biết đúng 5 ông. Nhưng lại chưa đọc trọn vẹn cuốn nào của 5 ông này.
Trả lờiXóaNếu có thể bạn nên bỏ chút thời giờ kiếm một vài cuốn sách đọc, nó mang lại cho ta niềm vui của hiểu biết. Tôi mới mua được một quyển sách viết về nghệ thuật Phật giáo, nói về tranh, tượng & thần phổ... của một nhà nghiên cứu người Pháp Louis Frédéric, sách dịch in ấn đẹp rất hay, trong đó có nói về bức tượng Phật ngồi thõng 2 chân mà tôi đã chụp hồi đi Thái lan và bạn đã hỏi, thế ngồi của bức tượng này trong sách gọi là "Hiền tọa".
Trả lờiXóaTôi post lại, bức tượng ở bìa phải của hình.
Còn về cách đặt tay của những tượng khác gọi là "Thủ ấn", mỗi một thế có ý nghĩa khác nhau.
Như tôi đã nói, có dịp bạn cứ đọc... :-))
Trả lờiXóaVâng!
Trả lờiXóaCảm ơn anh Hiệp đã chỉ nhé!
hồi Hội chợ sách còn ở Bà Huyện Thanh Quan , em đi mua được bộ Chuyện Đông Chuyện Tây của An Chi , chồng em mua bộ Tam Quốc bản in mới , giấy trắng , bìa cứng đẹp ....từ hồi HCS mở ở công viên Lê Văn Tám , em đi tới toàn là ăn gỏi khô bò , uống nước mía rồi đi về , chẳng mua được cuốn nào , heheheh.....
Trả lờiXóahồi lần rồi đi , gian hàng nhộn nhịp nhất là của Dâu Tây ( Joe - người Canada ) , anh chàng xuất bản cuốn sách gì đó mà các cháu tuổi teen vây quanh chụp hình xin chữ ký lia lịa :)
Hồi xưa sánh hiếm lắm, nhưng ông già em chịu mua, hai ông bà đọc nhiều, con cái cũng đọc theo. Nhà có tủ sách nhỏ nhỏ mà như thư viện, nhiều người đến mượn về đọc, đọc xong lại trả để mượn cuốn khác. Có người thấy bìa rách còn đóng lại dùm... Bây giờ, sách đó phải bỏ gần như hết vì giấy ngày xưa quá xấu, mủn ra hết. Cũng tiếc!
Trả lờiXóaÀ, hồi hội chợ sách mấy lần mở ở Bà Huyện Thanh Quan là chỗ Hội trường Thành Ủy, gần nhà nên tôi hay ghé. Sau này bên công viên Lê Văn Tám tôi cũng có ghé và mua được ít nhiều, đa số là sách... giảm giá. Hihi tới đó xực gỏi khô bò với uống nước mía cũng được lắm chớ.
Trả lờiXóaSau này hay có mục giao lưu giữa tác giả và độc giả...
Sách ở Saigon hình như thời nào cũng nhiều không đến nỗi hiếm, kể cả hệ thống thư viện nữa, mượn sách khá dễ dàng.
Trả lờiXóaBây giờ sách in đẹp, nhiều, nhưng hơi cẩu thả trong việc biên tập, ít có sách hay...
Gió cũng mê đọc sách lắm anh H ơi . Mê từ thời còn trẻ đến giờ . Bây gờ thỉnh thoảng vẫn có cái thú đi dạo nhà sách khi có dịp chỉ là chưa có duyên để hướng đến đọc sách Phật Pháp như anh và anh Bu thôi ...
Trả lờiXóaĐúng là nhiều tác phẩm đọc trước năm 1975 rồi giờ đọc lại với người dịch khác cứ thấy nhạt ..Chẳng biết mình có cực đoan không nhưng hôm rồi Gió ra nhà sách nhìn một bộ sách của Khahil Gibran giở ra lại đóng vào . Lượm về mỗi cuốn mà vẫn chưa hứng đọc . :) Sách là người bạn an toàn nhất anh H nhỉ ?
Em đặt chổ ở đây để hôm nào rảnh sẽ đọc entrry cùng các comment ha. Giờ em có việc phải đi rồi. :)
Trả lờiXóaĐọc sách là một niềm vui, một "cái thú", riêng về sách Phật giáo cũng coi như có duyên sẽ đọc được, nói vậy chứ nhiều người cũng muốn đọc sách về PG nhưng có cái khó (không hẳn là sách viết khó đọc) mà sách nhiều quá, chẳng biết bắt đầu từ đâu...
Trả lờiXóaSách trước đây, nhất là loại sách dịch, đa số là do những người dịch có tâm huyết, có trình độ dịch, và cũng do đa số NXB nghiêm túc... bây giờ bát nháo hơn nhiều...
Cô Lan luôn nghiêm túc ngay cả trong việc đọc entry hay comments, rất đáng tuyên dương :-)))
Trả lờiXóa