Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012
Rằm tháng bảy.
Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012
Sách.
Thỉnh thoảng tôi có viết về sách và đọc sách, vì với tôi đây là một thói quen từ thuở bé trong gia đình, một thói quen chắc chắn khi nào còn có thể đọc được chữ tôi sẽ vẫn còn giữ không thể bỏ. Cùng với thói quen đọc sách thì cách tốt nhất để có sách đọc là mua sách, thời còn là học sinh tôi đã mua sách, dĩ nhiên lúc ấy chẳng có tiền nhiều để mà mua sách, thỉnh thoảng chỉ mua những quyển sách nào mà mình thích hoặc cần lắm. Ở một vài entry trước tôi cũng đã nói những ngày trước năm 1975, chủ yếu là khoảng thời gian từ năm 1971 đến tháng 4 năm 1975 tôi xa nhà (xa Sài Gòn) tôi đã mua khá nhiều sách, đủ loại, sách văn học, sách học chữ Nho, sách khảo cứu, sách về Phật giáo...
Nhưng cho đến năm 1975 (sau 30 tháng 4), thì tất cả sách vở của tôi có được đều bị chung một số phận của... sách (một giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ) là bị tịch thu sạch với "chủ đề" xóa "văn hóa phẩm đồi trụy". Thật sự là tôi không trách gì thảm trạng đó, vì đó là "cái nạn" chung của tình hình "hỗn quân hỗn quan" lúc bấy giờ. Thật ra thì tôi cũng vẫn còn giữ lại được mươi lăm quyển ít ỏi, đó là những sách như tự điển Việt Nam, Hán - Việt, Pháp - Việt, hoặc Anh - Việt, và một vài quyển sách về Phật giáo, Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách, sách học chữ Nho...
Quyển Nho Văn - Giáo khoa toàn thư in tại Sài Gòn năm 1970.
Bảng tra chữ Nôm - in tại Hà Nội Năm 1976.
Chủ nhật vừa rồi về thăm ông cụ tôi, lục lại đám sách cũ trên kệ sách tình cờ tôi đã tìm lại được mấy quyển sách rất hay, không những ở nội dung của sách, mà còn vì đây là những quyển sách một thời tôi đã mua được... Quyển sách đầu tiên tôi muốn nói đến là quyển Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, quyển sách này do Phạm Quỳnh và một nhóm học học giả miền Bắc soạn phát hành vào năm 1931 tại Hà Nội, như trang đầu tiên của tự điển có in phía dưới: (HaNoi - Ấn quán Trung-Bắc Tân-Văn 1931)
HANOI
Imprimerie Trung-Bac Tân-Van
1931
Theo sách vở chép thì quyển Việt Nam Tự Điển của nhóm Khai Trí Tiến Đức được in ấn trên "nền" của quyển tự điển "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, tuy nhiên Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ngoài phần chữ quốc ngữ, còn phần ghi chú bằng chữ Nôm và chữ Hán, trong khi quyển Việt Nam Tự Điển của nhà Khai Trí Tiến Đức chỉ có phần ghi chú bằng chữ Hán, đối với những từ ngữ âm Hán Việt, còn từ "Nôm" thì chỉ ghi bằng chữ quốc ngữ, không có phần chú thích bằng chữ Nôm. Quyển sách Việt Nam Tự Điển được in lại tại Sài Gòn vào năm 1968, và tôi đã mua tại Sài Gòn vào khoảng năm 1972 hoặc 1973 trong một lần về phép, vậy là đã ngót bốn mươi năm. Ngoài trang đầu còn chữ ký bằng bút chì của tôi, tên ký lúc bấy giờ, và cả chữ Phạm Ngọc Hiệp viết bằng chữ Nho, nhưng không hiểu sao tôi lại không ghi ngày tháng năm... Đây là một quyển Tự điển Việt Nam rất hay, trong quyển sách này có giải nghĩa được những từ ngữ cổ mà Tự điển tiếng Việt bây giờ không có...
Quyển thứ hai là quyển Nho Văn Giáo Khoa Toàn Thư, của Giáo sư Nguyễn Văn Ba - Việt Nam Văn Hiến tái bản lần thứ 3 tại Sài Gòn năm 1970, tôi cũng đã mua cùng với quyển Việt Nam Tự Điển của nhà Khai Trí Tiến Đức...
Quyển thứ ba là quyển Bảng Tra Chữ Nôm, quyển này của Viện Ngôn Ngữ Học - Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội - Hà Nội xuất bản năm 1976 tại Hà Nội, và tôi cũng mua ở Sài Gòn vào năm đó (1976), trên quyển sách còn chữ ký và ghi cả năm mua, quyển sách này là một loại Tự vị về chữ Nôm...
Tìm lại được những quyển sách này tựa như tôi đã gặp lại được những bạn bè thân thiết sau mấy mươi năm...
Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012
Di tích...
Chùa Trăm Gian bị hủy hoại:
Báu vật không người trông coi
TT - Chùa Trăm Gian tuổi ngót ngàn năm, di tích quốc gia đặc biệt quý hiếm đã bị hủy hoại mà không ai hay. Chỉ có thể nói là một vụ việc bi hài khó tưởng tượng đã diễn ra.
Gác khánh và nhà tổ cổ kính còn vững chãi bỗng dưng bị đập bỏ để dựng các công trình... một ngày tuổi - Ảnh: quân anh
Chùa Trăm Gian danh tiếng ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội khởi dựng từ thời Lý, được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đã ngót nửa thế kỷ. Vậy mà bao năm nay nó liên tục bị trùng tu tôn tạo kiểu làm hỏng di tích, vụ nào cũng thuộc diện “không thể nào quên”, và ở tình trạng khi phát hiện nó đã “lỡ” rồi, đành lặng lẽ... rút kinh nghiệm, bỏ qua. Sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng ximăng, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng; xây mới các dãy hành lang đánh bóng cột kèo bằng vécni. Chưa hết, một bãi chiến trường của gạch, đá, gỗ lạt đang ngổn ngang trưng ra trong những ngày cuối tháng 8-2012 này ở chùa Trăm Gian.
Làm mới cho nó vững bền
Suốt hơn 100 ngày thi công ầm ĩ vừa qua, nhiều tỉ đồng được “tài trợ” làm hủy hoại di tích quốc gia rồi, mà cơ quan chức năng từ thôn, xã, huyện, thành phố, trung ương không ai hay biết. Đến khi nhận được tin “sét đánh” thì ôi thôi nhà tổ, gác khánh tuyệt đẹp, cổ kính ngàn năm của chùa đã bị đập ra, xây mới hoàn toàn. “Công trình trái phép” cơ bản đã “kịp tiến độ” - làm mới di tích 100% trước khi thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cùng Cục Di sản văn hóa... về thị sát. Ngày 24-8, ngay lập tức, biên bản yêu cầu đình chỉ thi công “làm mới” chùa Trăm Gian được ký tại sân chùa. Nhưng đã quá muộn. Sự đã rồi. Giờ biết kêu ai?
Các bức ảnh cũ còn nguyên. Bậc đá cao vút dẫn vào chùa bao năm nay rêu phong cổ kính, đá được đẽo gọt thủ công tuyệt mỹ, giờ bị đập ra toàn bộ, ném di vật chỏng chơ ngay sân chùa, để đá xẻ thời nay thay thế. Khu gác khánh vững chãi, thâm nghiêm, cột lim to, nền gạch vững hơn bàn thạch tọa lạc cạnh chùa chính, gần nhà tổ, gần cây hương nghi ngút khói ngàn năm lịch sử giờ mở lại xem trong ảnh vẫn thấy rõ cả trống đại, khánh lớn, rồi các cụ vãi vui vầy cửa Phật. Vậy mà những người chủ trương làm mới chùa Trăm Gian bảo với các quan thanh tra rằng: “Di tích cổ sắp đổ, chúng tôi phải dỡ ra khẩn cấp trước mùa mưa bão 2012” (!). Kết quả là từ đá tảng xanh chân cột, đá gạch cổ viền quanh di tích, các cấu kiện gỗ, ngói, rui mè..., tất cả đều bị đập phá bằng búa tạ, dỡ ra ném bỏ. Một gác khánh mới toanh từ nền đất lên đến đỉnh nóc đã hình thành, khi đoàn thanh tra đến đơn vị thi công chỉ còn thiếu lợp nốt ngói lên nóc nữa là coi như xong “gác khánh và nhà tổ... một ngày tuổi”.
Nhà tổ thì nhiều cột mục hơn so với gác khánh quá vững chãi vừa bị “chết oan” kia, nhưng như các chuyên gia bảo tồn từng nhiều lần khuyến cáo, cột lim nào cũng dễ bị tiêu tâm rỗng lõi. Nhưng nó mục rỗng lõi thì không có nghĩa là buộc phải dỡ ra thay mới. Nếu để yên thì nó vẫn cứ vững chãi mãi. Mà nếu trùng tu thì cần thay thế có tính toán, thậm chí chèn, kê, luồn gỗ vào các khúc tiêu tâm đó để có một cái cột vững chãi theo đúng nghĩa bảo tồn. Nhưng dù ai nói ngả nói nghiêng, nhà chùa vẫn dỡ toàn bộ nhà tổ, bỏ tất tật cấu kiện gỗ, gạch, đá cũ, bóc cả nền lên, đào hoắm xuống hơn chục xăngtimet, đổ bêtông toàn bộ, 100% vật liệu mới, dựng một cái nhà tổ mới toanh. Cụ Tuệ, năm nay 82 tuổi, được bà con “chuộng xây mới” bầu ra làm người chấp tác vinh dự nhất, được leo lên cất nóc cho di tích đang được làm mới. Cụ khoe: “Di tích còn tốt, gỗ lạt còn tốt, nhiều cái không cần thay, cứ để vậy thì còn lâu mới hỏng, nhưng có điều kiện thì chúng tôi tổ chức dỡ ra, thay mới toàn bộ cho nó bền. Không lấy lại một cái cấu kiện cũ nào cả. Thay tất”.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện đơn vị tổ chức thi công “dự án tự phát” đầy bất cập kể trên, bà Khoa (người trụ trì chùa Trăm Gian) cũng thừa nhận: người ta đã dỡ gác khánh, nhà tổ ra, thay mới toàn bộ. Tiền do các nguồn vận động, đóng góp “bên ngoài” chứ không phải từ ngân sách nhà nước.
Những tác phẩm điêu khắc cổ vô giá (ảnh trên) đã được làm mới lòe loẹt bằng sơn Nippon - Ảnh: Q.anh
Nỗi đau ở bên ngoài việc “phá” chùa Trăm Gian
Đau xót là ngay cả khi nhà tổ và gác khánh bị phá bỏ như đã kể trên thì chính quyền địa phương, ngành văn hóa địa phương không hề có động thái can thiệp hữu hiệu nào, đặc biệt là nhiều cán bộ lẽ ra phải sâu sát thực tế (như trưởng, phó ban quản lý di tích chùa Trăm Gian, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã) thì họ lại thản nhiên “không biết, không biết và không biết”. Đến giờ phút này, chính quyền xã Tiên Phương vẫn không biết gì về những “nỗi đau” diễn ra ầm ầm ở gần trụ sở UBND xã mình. Trưởng phòng văn hóa huyện càng không biết, Ban quản lý di tích của Hà Nội không biết, lãnh đạo Cục Di sản khi được hỏi cũng chỉ nói “sẽ kiểm tra”...
Trước khi thông tin về việc làm mới chùa Trăm Gian được đưa đến cơ quan chức năng để có sự kiện đoàn thanh tra về xem xét, thì phóng viên chúng tôi đã hỏi rất nhiều bô lão và cán bộ đương chức ở địa phương. Họ đều tỏ ý bất bình vì không được thông báo, không được hỏi ý kiến trước các việc “sửa chữa” kia. Bài học ở đây là: thiết chế quản lý của chúng ta với di sản quá lỏng lẻo. Lẽ nào chính quyền xã không biết và không dám đòi hỏi bằng được quyết định, văn bản, giấy tờ, chủ trương trùng tu, trước khi bất kỳ ai phá dỡ di tích quốc gia trên địa bàn của mình? Lẽ nào (giả dụ) không ngăn chặn được việc sai trái kia, mà người dân rồi chính quyền lại không đi báo cấp trên, báo lực lượng chức năng để xử lý? Giả dụ có ai đó gọi điện thoại cho Cục Di sản hay thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thông báo việc khởi công ầm ĩ trong khuôn viên báu vật chùa Trăm Gian thì có lẽ mọi việc sẽ không sầu thảm như lúc này.
Báu vật không có người trông coi. Nó bị “tàn sát” cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
NGUYỄN THỊ THANH TÂM
Tôi copy bài trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay 26-8-2012 nói về một di tích ngót ngàn năm tuổi bị tàn phá ở Hà Nội, là chùa Trăm Gian một "di tích quốc gia đặc biệt quý hiếm đã bị hủy hoại", như bài báo đã viết. Thật lạ lùng khi sự việc cứ xảy ra như thế, hay chẳng có gì lạ khi sự việc nó vốn thế, bởi đây không phải là lần đầu di tích quốc gia bị xâm phạm...
Điệu này thì phải đi Hà Nội gấp, hoặc chẳng nên đi nữa rồi... .
Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012
Duyên...
Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012
Xôi bắp - Xôi ngô - hay Xôi lúa?
Một món quà sáng bình dân rẻ tiền thỉnh thoảng tôi hay ăn, đó là món xôi bắp, và bạn bè cũng đã từng ngồi "cà phê chim" xực xôi bắp với tôi vào buổi sáng tại vườn Tao Đàn. Món xôi bắp ở Sài Gòn có hai loại, là xôi bắp của người miền Nam và xôi bắp của người miền Bắc. Xôi bắp tôi muốn nói ở đây thuộc loại sau, tức là xôi bắp được nấu theo kiểu Bắc, như hình chụp bên trên. Dĩ nhiên nguyên liệu chính để nấu xôi bắp phải là hạt bắp, mà người miền Bắc gọi là ngô, hạt bắp ở đây là hạt già khô được ngâm và "đồ" cho bung lên, thêm một ít hạt gạo nếp dẻo để kết dính những hạt bắp (có người làm chỉ thuần bắp, không có gạo nếp), đậu xanh đồ chín giã nhuyễn rắc lên trên, và hành phi, đường, đậu phọng (lạc), mè (vừng) giã nhỏ. Xôi bắp của người Bắc làm như thế, ăn thơm, bùi...
Xôi bắp miền Nam (Ảnh: Internet)
Còn món xôi bắp được nấu theo kiểu miền Nam có hơi khác, như các bạn thấy trên hình, bắp cũng được bung nhừ nhưng có hơi nhão hơn xôi bắp nấu theo kiểu miền Bắc, và như rất nhiều món ăn miền Nam luôn có dừa, xôi bắp cũng thế, dừa bào sợi và cả nước dừa được rưới vào xôi, thêm ít đường và đậu phọng, mè giã nhỏ, xôi bắp miền Nam ăn ngọt, béo... Xôi bắp miền Bắc và xôi bắp miền Nam cách làm khác nhau, nên khi ăn cho ta những hương vị khác...
Nhưng thuở tôi còn nhỏ (hơn nửa thế kỷ) thì món xôi bắp nấu theo kiểu miền Bắc ở Sài Gòn tôi lại nghe những người lớn trong nhà gọi là "xôi lúa". Thời tôi còn con nít nhóc tì hôm nào buổi sáng sớm được cha mẹ cho năm hào (miền Nam gọi là năm cắc), hay một đồng đi mua xôi lúa ăn là sướng phải biết. Trong nhà gọi là xôi lúa, nhưng ra đường chơi với đám trẻ con bằng vai phải lứa trong xóm người miền Nam thì tụi nó vẫn kêu là "xôi bắp", nghĩa là từ "xôi lúa" chỉ có người gốc miền Bắc gọi thôi. Nhưng rồi lần hồi thì cái từ "xôi lúa" cũng biến mất lúc nào không hay, ngay cả bố mẹ tôi trong nhà cũng thôi không gọi là "xôi lúa" nữa, mà dùng tiếng "xôi bắp" như ngoài xã hội, cũng như gọi "con heo" theo tiếng miền Nam chứ không gọi là "con lợn" như theo kiểu miền Bắc... Và thời gian trôi qua, ở Sài Gòn từ "xôi lúa" cũng chìm vào quá khứ, hầu như không còn ai nhắc đến, mọi người chỉ biết đến món "xôi bắp", cho dù được nấu theo kiểu miền Bắc... Sau này tôi có nghe một vài người miền Bắc gọi "xôi lúa, xôi bắp" là "xôi ngô", dĩ nhiên là như thế rồi, trái "bắp" kêu theo miền Nam thì miền Bắc gọi là quả "ngô", cũng như con heo là con lợn vậy...
Rồi gần đây trên những trang mạng, hay sách báo, khi nói về món "xôi bắp" nấu theo kiểu miền Bắc có đậu xanh, hành phi... thì tôi lại đọc được từ "xôi lúa" để chỉ xôi bắp (các bạn có thể vào Google gõ "xôi lúa" sẽ thấy), cũng không thấy nơi nào giải thích tại sao lại gọi như thế, cũng có người thắc mắc là tại sao một món ăn gần như chẳng thấy "lúa" đâu chỉ thấy "bắp", mà tên gọi "lúa" lại được đặt thay cho "bắp" (hay ngô), tôi cũng có thắc mắc tương tự, nhưng cũng chẳng tìm thấy được sách vở nào nói về điều này... Cách nay ít năm tình cờ tôi đọc được một quyển sách nói về các món ăn miền Bắc, trong đó có đoạn nói về "xôi lúa", những tưởng đã biết được gốc tích của từ "xôi lúa", nhưng lại không phải, tác giả viết sách cũng thắc mắc nhưng cũng không hiểu tại sao lại gọi là "xôi lúa" như thế, đoạn viết như thế này: "Món quà sáng rẻ tiền là xôi lúa, người Hà Nội lại không gọi nó là xôi ngô mà xôi lúa, có thể đây là từ cổ còn sót lại, nhưng ai gọi xôi ngô thì chắc người đó chưa ở Hà Nội lâu ngày, chưa là người Hà Nội."...
Mới đây có đọc được quyển sách Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học nước ta là Lê Quý Đôn sống vào thế kỷ 18, nơi quyển 9 nói về Phẩm vật, có chép thế này (nguyên văn trong sách):
"Về bắp (ngọc Thục Thử) sách Bổn Thảo chép: Giống như cây ý dĩ (cây bo bo), cây cao ba bốn thước, lòng cây mọc ra một cái bông, bông này mọc lên râu trắng, bông tách ra, hột chi chít gom lại màu vàng trắng trắng. Hột có thể rang mà ăn. Rang thì hột nổ như rang nếp. Ăn nổ này thì điều trung khai vị (điều hòa nội tạng và làm cho biết ăn ngon).
Hột này nước Nam gọi là lúa ngô (bắp).
Từ đầu niên hiệu Khang Hy (1662 - 1723) nhà Thanh, Trần Thế Vinh người ở huyện Tiên Phong thuộc lộ Sơn Tây, đi sứ mới bắt đầu được thứ giống lúa ngô này đem về nước. Cả một lộ Sơn Tây nhờ thứ lúa ngô này làm lương thực. Con trẻ ăn lúa ngô nhiều có thể đầy ruột.
Lúa ngô ở Nghệ An phần nhiều là giống trắng, ở Lạng Sơn thì có đủ năm màu."
Qua ký ức về "xôi lúa, xôi bắp", và qua những gì đã đọc xưa nay, tôi nhận ra được một điều, từ "xôi lúa" có lẽ là một từ cổ để chỉ "xôi bắp" như theo tác giả sách viết về các món ăn miền Bắc đã đặt câu hỏi, và từ "lúa" chính là từ "lúa" trong "lúa ngô", như trong sách của Lê Quý Đôn đã viết. Khi xưa ấy thời Lê Quý Đôn đã xem "bắp, hay ngô" như tên gọi bây giờ là một giống "lúa", còn từ "ngô" ngày xưa là để chỉ nước Trung Hoa, như chúng ta đã thấy trong tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Theo sách Vân Đài Loại Ngữ thì giống "lúa ngô" (bắp, ngô) chính là "lúa của người Ngô", mà Trần Thế Vinh đã đi sứ sang Trung Hoa mang về. Sau đó giống "lúa của người Ngô" đã được người Việt mình (lúc ấy chưa có miền Trung và miền Nam) đồ lên thành xôi để ăn và gọi là "xôi lúa" như chúng ta đã nghe tên...
Ấy là tôi theo sách vở mà phỏng đoán như thế...
Sách đã dẫn:
- Văn Hóa Ẩm Thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc, Băng Sơn - Mai Khôi (Biên khảo và sáng tác) - Nhà Xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2002.
- Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn, Quyển 9 "Phẩm vật" - Bản dịch Tạ Quang Phát - Nhà Xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1995.
Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012
Tưởng... tượng!
"Tưởng tượng", một từ ngữ mà mọi người hay gặp và cũng hay dùng, về ý nghĩa chắc có lẽ chúng ta ai cũng rõ, đại khái trong từ điển giải nghĩa là "Tạo ra trong trí nhớ những cái không có ở trước mặt, hoặc chưa hề có"... Và trong quyển từ điển Từ láy tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học và nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản, coi "tưởng tượng" là từ láy với ý nghĩa như vừa nói.
Cách nay ít lâu (có lẽ vài chục năm) thỉnh thoảng cũng có nghe đám trẻ nói chơi với nhau, khi có ai đó tưởng tượng ra điều gì... "Tưởng tượng như tưởng... voi hả?". Chữ "tượng" ở đây được hiểu như là "voi", một con vật to lớn khá thông minh và hiền lành, và như tất cả chúng ta cũng đã biết, voi là loài vật gắn bó với con người từ thời xa xưa. Loài voi giúp ích cho con người rất nhiều, chuyên chở nặng nhọc như những xe tải hạng nặng, ngày xưa voi được dùng để đánh trận, như những "chiến xa", hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu... cỡi voi xông pha nơi trận mạc mà ta vẫn thường thấy trong tranh ảnh, sách báo... Những bạn nào đi du lịch bên xứ Thái Lan chắc đã biết voi được phục vụ cho du lịch, trong rất nhiều tiết mục xiếc, hay trên sân khấu của họ...
Trở lại chuyện bọn trẻ nói đùa chơi "tưởng tượng như tưởng... voi", ai dè mới đây đọc quyển "Vân đài loại ngữ" của nhà bác học Lê Quý Đôn ở nước ta xưa thấy chép: "Hàn Tử nói: người ta ít thấy con voi sống mà chỉ thấy được bộ xương của con voi chết, rồi vin theo bộ xương ấy thì có thể tưởng ra hình thể con voi sống. Cho nên ý tưởng của người ta đều gọi là tượng (tượng là con voi)". Như vậy là câu "tưởng tượng như tưởng voi" lại vô tình là câu nói đúng thật với ý nghĩa của từ ngữ chứ không phải chỉ là câu nói đùa chơi của bọn trẻ.
Sách đã dẫn:
- Từ điển Từ láy tiếng Việt, nhóm tác giả Hoàng Văn Hành (chủ biên), Hà Quang Năng, Nguyễn Văn Khang, Phạm Hùng Việt, Nguyễn Công Đức, Viện Ngôn ngữ học và NXB Khoa học Xã hội (in lần thứ 2) xuất bản năm 1998.
- Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn, bản dịch Tạ Quang Phát, NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 1995.
Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012
Thầy Tử Cống chuộc người ở các nước chư hầu, từ chối không nhận tiền chuộc khi người ta trả cho. Khổng Tử nói: "Người nước Lỗ sẽ không có ai đi chuộc người nữa". Thầy Tử Lộ cứu người chết chìm, nhận lễ tạ ơn của người. Khổng Tử bảo: "Nước Lỗ sẽ còn cứu người chết chìm nữa". Đấy là những việc làm, và nhận xét của người xưa.
Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012
Hà... Lội phố!
Bồn tắm trở thành xuồng, gắn thêm cái máy... đuôi tôm nữa là chạy không thua gì ghe máy ở sông rạch đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh báo TT online).
Bắt cá trên đường phố (Ảnh VNExpress)
... Và thu hoạch...
Chèo thuyền trên phố... (Ảnh báo Thanh Niên Online)
Sáng kiến của các em nhỏ
Thủy bộ phối hợp...
Hố tử thần ở đường Lê Văn Lương kéo dài (so với hố tử thần ở Saigon thì quá hớp).
Chắc do ảnh hưởng của cơn bão số 5, mấy ngày qua Hà Nội có mưa dông và Thủ đô Hà Nội biến thành Hà... Lội. Những hình ảnh vui vui copy lại trên những trang báo mạng như lội nước bắt cá giữa đường phố..., các loại phương tiện tự chế như chậu thau nhựa, bè bằng xốp, hay ghe thuyền... ngược xuôi trên đường phố... Duy có ảnh cuối cùng thấy khá kinh hãi, một đoạn đường sụp xuống như bị... B52 dội bom thời chiến tranh. Chỉ nhìn thấy những ống cống ngầm ngổn ngang. Chẳng biết do lẽ gì? Thiên tai phá hại hay hậu quả của việc thi công ẩu...? .
Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012
Ký ức thành phố (3).
Hôm nay đọc báo Tuổi Trẻ (16-8-2012) tình cờ có bài viết tựa đề "Nguy cơ xóa sổ ụ tàu 124 năm tuổi", nói về việc cơ xưởng sửa chữa và đóng tàu bè Ba Son ở sài Gòn có nguy cơ bị xóa sổ, vì nằm trong dự án quy hoạch xây dựng khu trung tâm phức hợp Sài Gòn. Tôi trích lại một vài một vài ý kiến liên quan trong việc này.
"Cả Việt Nam chỉ có duy nhất một ụ tàu cổ ở Ba Son này thôi, nó là hiện thân của ngành công nghiệp tàu thủy tại Việt Nam từ rất sớm còn nguyên đến bây giờ, bây giờ mình phá đi thì sau này ăn nói thế nào với các thế hệ con cháu"
Bà Vũ Kim Anh (phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM)
Theo tài liệu của Sở VH-TT&DL TP.HCM, ụ tàu trong khu Ba Son còn lại hiện nay được Chính phủ Pháp xây dựng từ năm 1884, khánh thành năm 1888. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp rút khỏi Đông Dương và Ba Son được Pháp chuyển giao lại cho hải quân chính quyền Sài Gòn từ ngày 12-9-1956. Dưới chế độ Sài Gòn cũ, thủy xưởng Ba Son được đổi tên là hải quân công xưởng, đặt trực thuộc bộ quốc phòng. Sau tháng 4-1975, hải quân công xưởng được chính quyền cách mạng tiếp quản và đổi tên thành Xí nghiệp liên hiệp Ba Son, trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến ngày nay. Lam Điền.
Ai ở Sài Gòn chắc chắn cũng đều biết đến Xưởng Ba Son, một nơi nằm ngay bờ sông Sài Gòn nơi quận 1. Sách vở chép xưởng đóng tàu (ghe thuyền) này có từ thời vua Tự Đức, lúc đó quy mô xưởng còn nhỏ bé, đến năm 1863 sau khi chiếm thành Gia Định người Pháp đã cho sửa chữa lại thành một công xưởng hiện đại phục vụ cho hải quân của họ với tên gọi là Sở Ba Son. Một tên gọi gắn liền với lịch sử Sài Gòn vẫn còn cho đến ngày nay.
Cũng giống như tên gọi "Vườn Bờ Rô", cho đến bây giờ chẳng ai có thể cắt nghĩa đích xác được tên gọi Ba Son, dân gian cũng có nhiều cách giải thích, chẳng hạn một cách giải thích rất nôm na là từ thời cố hỷ nào đó có một anh thợ nguội tên Son thứ ba (theo cách gọi của người Nam bộ) vào làm sở này, rồi lấy tên đặt thành... Tuy nhiên theo học giả Vương Hồng Sển có một thuyết tương đối vững chắc là "Ba Son" do danh từ Pháp "Bassin de radoub" (ụ sửa chữa tàu bè) mà ra. Bassin = Ba Son. Theo quyển "Promenades dans Saigon", tác giả là bà Hilda Arnold ghi, rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên bảy triệu quan thời ấy để lấp đất và xây cái ụ tàu "bassin de radoub" này, để có thể sửa chữa các tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy việc vận chuyển đều do đường thủy, nên cái "bassin de radoub" giúp họ nắm vận mạng của xứ này trong tay.
Thêm một địa danh, một nơi chốn gắn liền với Sài Gòn nữa có nguy cơ biến mất. Đọc báo thấy có những người có tâm huyết đề nghị giữ lại, nhưng cũng có những cơ quan chức năng kêu khó (tấc đất tấc vàng, hỡi ôi!). Sài Gòn nói riêng và trên cả nước nói chung cứ dần mất đi những quá khứ, đành rằng sẽ có người nói, cuộc sống phải dành cho hiện tại và tương lai, nhưng nếu một thành phố, cũng như một con người không còn quá khứ rồi tương lai sẽ ra sao? Hãy nghe ý kiến của một người có trách nhiệm đăng trên bài báo:
Cần khẳng định một điều: Những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm ở bất cứ địa phương nào, trước hết là di tích của cả nước. Vì vậy, thái độ ứng xử với di tích quốc gia chính là thái độ đối với lịch sử đất nước. Trong cơn lốc hiện đại hóa những di tích văn hóa đô thị luôn bị đặt trên bàn cân giữa bảo tồn và phát triển: phá hủy di tích để xây dựng một khu dân cư mới và hiện đại hơn. Những thành phố với kiến trúc mới tự nó chưa đủ để mang nghĩa là một thành phố hiện đại, mà một thành phố hiện đại phải là một thành phố có sự quy hoạch cân bằng giữa không gian đô thị mới và không gian ký ức lịch sử của chính nó. Thiếu vắng không gian lịch sử, thành phố mới trở nên vô hồn. Ký ức lịch sử là mạch ngầm nuôi dưỡng thành phố phát triển bền vững.
Nếu một thế hệ phá bỏ di sản văn hóa đã là đặt một bậc thang cho những thế hệ sau tiếp tục xóa hết chứng tích lịch sử của một thành phố, một quốc gia.
TS khảo cổ học NGUYỄN THỊ HẬU
Tham khảo:
- Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP Hồ Chí Minh tái bản lần thứ 2 năm 1997.
- Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm, Sơn Nam, NXB Trẻ xuất bản năm 2008.
Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012
Ký ức thành phố (2).
Mặt tiền của công viên Tân Phước, góc bên tay trái là nhà thờ Tân Phước.
Bức tường xây mới màu crème là mặt tiền của nhà thờ Hầm xưa, nửa dưới xây bằng đá xanh là tường cũ của nhà thờ Hầm (hình dưới rõ hơn).
Bức tường đá của nhà thờ Hầm xưa, có những ô cửa sổ ngày trước cao bây giờ nâng nền cửa sổ nằm sát mặt đất. Phần kiến trúc nhô ra phía trước là lối vào chính của nhà thờ Hầm xưa.
Mặt phía sau vẫn còn nguyên khối kiến trúc xây bằng đá xanh xưa của nhà thờ Hầm.
Ở entry trước tôi có nói đến một ký ức thời tuổi nhỏ của tôi, đó là nhà thờ Hầm gần khu vực Trường đua ngựa Phú Thọ, bây giờ nằm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, thuộc quận Tân Bình, giáp ranh với quận 11. Khu nhà thờ Hầm này hình như coi vậy mà cũng không có nhiều người Sài Gòn biết, có lẽ vào khoảng những năm cuối năm 1950, sang đến khoảng đầu những năm 1960 khu vực nhà thờ Hầm khá hoang vắng, chung quanh vẫn còn những ao hồ lớn, đường xá là đường đất đỏ chưa có đường nhựa, gần sát bên bây giờ là Cư xá Lữ Gia vẫn còn là rừng cao su um tùm. Thực ra tôi ở cách khu nhà thờ Hầm khoảng hơn một cây số, chứ không ở ngay khu nhà thờ Hầm, nhưng thuở nhỏ vẫn hay cùng đám "lâu la" hàng xóm trốn cha mẹ đi lêu lổng, đám nhóc tì hay đào mấy con giun (trùn) và xách mấy chiếc cần câu đến khu vực nhà thờ Hầm câu cá.
Những tấm hình tôi mới chụp và post bên trên là dấu tích còn sót lại của nhà thờ Hầm trong ký ức, tôi vẫn còn nhận ra được bức tường đá mặt tiền và những ô cửa sổ của nhà thờ Hầm xưa, ngày trước khu vực nhà thờ Hầm thấp, chung quanh có hào nước, mùa mưa bên trong nhà thờ lúp xúp nước, phía sau lưng là khối tường đá xanh, đấy là tất cả những gì còn sót lại. Nhà thờ Hầm nghe nói nguyên là một kho đạn thời Pháp thuộc của người Pháp, được xây bằng đá xanh và đắp bằng đất, trông xa như chiếc bát úp, đến khi người Pháp rút bị bỏ hoang, khoảng những năm 1953 - 1954 những giáo dân Công giáo từ Bắc vào định cư chung quanh khu vực, đã sửa sang thành một ngôi nhà thờ nhỏ, vào bên trong nhà thờ như vào trong một cái hầm cho nên giáo dân gọi là nhà thờ Hầm. Có lẽ ngôi nhà thờ này quá ẩm thấp, lụp xụp... lại là một kho đạn cũ không thích hợp, nên cũng không tồn tại được lâu (tôi cũng không rõ đến năm nào). Bây giờ thì ngay bên kế nhà thờ Hầm xưa là một ngôi nhà thờ với kiến trúc mới, hiện đại được gọi là nhà thờ Tân Phước.
Vị trí của ngôi nhà thờ Hầm ngày xưa may vẫn còn đó bây giờ được cải tạo lại thành Câu lạc bộ thẩm mỹ, và chung quanh có hàng rào thành công viên Tân Phước...
Đi xa hơn nữa về miệt Phú Lâm bạn nào ở Sài Gòn lâu năm chắc còn nhớ một địa danh cũng không còn nữa, đó là đài ra đa Phú Lâm, thời trước năm 1975 mỗi lần đi xe đò về miền Tây đều phải đi ngang qua đài ra đa này, chung quanh đài ra đa mênh mông là ruộng nước, bây giờ là công viên Phú Lâm quận 6. Thêm vài ký ức về một Sài Gòn xưa...
Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012
Ký ức thành phố.
Trong entry trước, bạn Just1how2tango có hỏi Lịch sử và tên gọi của "Vườn Ông Thượng" (Vườn Tao Đàn bây giờ)? Một câu hỏi khá hay tuy không dễ có câu trả lời thấu đáo, bằng trí nhớ, những tài liệu có trong tay và những thông tin trên mạng, tôi thử nói về một tên gọi, một địa danh mà hầu như ai đã từng ở Sài Gòn cũng đều biết.
Vườn Tao Đàn như người dân Sài gòn hay gọi, là một vườn hoa, một công viên đã có từ rất lâu đời ở đất Bến Nghé - Gia Định, từ thời Pháp thuộc, đây là một khu đất rộng lớn nguyên thuộc dinh Toàn quyền được tách ra mà thành. Lich sử của vườn Tao Đàn được sơ lược như sau:
Thoạt tiên khi xây dựng con đường Miss Clavell (có sách chép là Miss Cauwel) vào năm 1869 (phía sau dinh Toàn quyền nay là đường Huyền Trân Công Chúa), tách dinh Toàn quyền và lập phần tách khỏi dinh Toàn quyền thành khu vườn chính thức mang tên "Jardin de la ville" (vườn hoa, công viên của thành phố). Tên chính thức là thế, nhưng người dân Sài Gòn thời bấy giờ lại gọi là "Vườn Bờ Rô", "Vườn Ông Thượng". Sau khi người Pháp rút, dinh Toàn quyền trở thành Phủ Tổng Thống, "Jardin de la ville" được đổi tên thành "Vườn Tao Đàn" (như các bạn đã biết, Tao Đàn là tên gọi của Hội thơ ca xướng họa cung đình "Tao Đàn nhị thập bát tú", do vua Lê Thánh Tông sáng lập năm 1495). Sau năm 1975 thì "Vườn Tao Đàn" được đổi tên thành "Công viên Văn hóa" cho đến ngày nay, nhưng người dân Sài Gòn vẫn quen gọi là "Vườn Tao Đàn".
Ở đây chúng ta đã thấy ngoài những tên chính thức của từng thời kỳ, như "Jardin de la ville" (thời Pháp), "Vườn Tao Đàn" (thời chính quyền miền Nam trước năm 1975), và "Công viên Văn hóa" (thời đất nước thống nhất sau năm 1975), còn những tên gọi trong dân chúng như "Vườn Bờ Rô", "Vườn Ông Thượng" nay hầu như không còn dùng... Trong quyển Sài Gòn năm xưa của học giả Vương Hồng Sển, và một số sách vở, tài liệu khác có lý giải:
Trước hết về danh từ "Bờ Rô", một cái tên rõ ràng là phiên âm từ tiếng Tây cũng không ai hay tài liệu nào khẳng định được điển tích rành rẽ, có người cắt nghĩa xưa chỗ ấy có làm một cái "préau" (sân chơi trường học hay tu viện), hoặc "bureau" (văn phòng) gì đó, dân ta dựa theo thành "Bờ Rô". Riêng theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại, thì "Bờ Rô" có lẽ do "Moreau" là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt trông nom khu vườn... Đại khái tên "Bờ Rô" được diễn giải như thế.
Cổng của Lăng Ông, phía trên có ghi chữ Nho "Thượng Công Miếu" (Ảnh Internet)
Nhưng còn tên "Vườn Ông Thượng" bắt nguồn do đâu? Như chúng ta đã biết đất Sài Gòn xưa là đất cố cựu thuộc Gia Định Thành, mà hai lần Tả quân Lê Văn Duyệt đã được triều Nguyễn bổ làm Tổng Trấn. Dân chúng khi xưa tỏ lòng kính trọng thường gọi Tả quân là "Ông Lớn" (Thượng Công), nay còn ghi trên Lăng Ông ở miệt Bà Chiểu là "Thượng Công Miếu" (cũng như Linh mục Bá Đa Lộc được gọi là "Cha Cả"). Nhưng Lăng Ông ở tuốt bên Bà Chiểu có liên quan gì đến "Vườn Bờ Rô" ngay trung tâm thành phố? Cũng theo cụ Vương trong Sài Gòn năm xưa, và một vài quyển sách khác có chép: Dinh Tả quân, truy ra thì ở gần nhà Linh Mục Bá Đa Lộc và gần Bộ Ngoại giao hiện thời đường Alexandre Rhodes, (trước năm 75, nay là Sở Ngoại vụ) chạy dài ra sau dinh Tổng Thống (vì thế cho nên cái hoa viên Tao Đàn, xưa tách ra còn mang tên riêng là "Vườn Ông Thượng"). Còn tư dinh của Tả quân phu nhơn (tộc danh: Đỗ Thị Phẫn) thì lọt trong vòng rào dinh Tổng Thống hiện thời. Sách vở, tài liệu khác cũng có chép, là người thích hát bội, Tả quân cũng cho lập bên dinh của phu nhơn một vườn hoa và một nhà hát, vườn hoa này dân chúng gọi là "Vườn hoa Ông Thượng", sau này có "Vườn Bờ Rô" kế bên, cho nên người dân cũng lấy luôn tên "Vườn hoa ông Thượng", gọi tắt thành "Vườn Ông Thượng" để gọi "Vườn Bờ Rô"...
Ai ở Sài Gòn lâu năm cũng biết, phía bên đường Cách Mạng Tháng 8 bây giờ chạy bên hông Vườn Tao Đàn, trước năm 1975 là đường Lê Văn Duyệt, đường này được đặt từ ngày 22-3-1955 bởi chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Có lẽ cũng bởi cái tên "Vườn Ông Thượng" chăng? (như đã nói, Ông Thượng là để gọi Tả quân Lê Văn Duyệt).
Như vậy tên "Vườn Ông Thượng" "Vườn Bờ Rô" có lẽ đã có từ rất lâu đời, sau có tên "Vườn Tao Đàn" cho nên ít người còn dùng đến. Tôi nhớ vào khoảng những năm giữa thập niên 60 khi còn học Trung học đệ nhất cấp ở trường Trung học Nguyễn Bá Tòng (nay là trường Bùi Thị Xuân), là trường của mấy ông Cha TCG, tôi học buổi chiều thì trong tuần có một buổi chiều được về sớm (hình như là chiều thứ năm), những học sinh TCG phải ở lại học Giáo lý, đám học trò tụi tôi thường trốn học giáo lý rủ nhau ra "Vườn Ông Thượng" xem đá banh. Đó là sân bóng đá ở phía bên đường Huyền Trân Công Chúa, một sân bóng hiện đại của Đô thành Sài Gòn lúc bấy giờ, nơi đó đội bóng đá kỳ cựu "Ngôi Sao Gia Định" từng một thời làm mưa làm gió...
Tham khảo:
- Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP HCM xuất bản năm 1997.
-Đường phố nội thành TP HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi cục bản đố và khảo sát xây dựng TP HCM, và NXB TP HCM xuất bản năm 1994.
Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012
Tên gọi (2).
"Sài Gòn có Bến Chương Dương/ Có dinh Độc Lập có đường Tự Do/ Có Chợ Quán có Cầu Kho/ Bến xe Lục Tỉnh con đò Thủ Thiêm". Câu ca dao trong bài Học thuộc lòng thời học Tiểu học lớp Năm lớp Tư, chẳng hiểu sao vẫn còn trong tâm trí của tôi dẫu đã qua nửa thế kỷ, với biết bao nhiêu dâu bể. Sài Gòn không phải là nơi tôi sinh ra, nhưng là nơi tôi đã sống, đã lớn lên, Sài Gòn với những địa danh, những tên gọi cho dù có còn hay đã mất...
Địa danh Sài Gòn gắn liền với Chợ Lớn, là hai khu vực chủ yếu của một Sài Gòn "Hòn ngọc Viễn Đông" một thời, mà ngay cả "Nhà thơ điên" Bùi Giáng cũng có thơ "Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn". Tôi cũng không hiểu tại sao trong hơn nửa thế kỷ sống ở Sài Gòn, ngoài những kỷ niệm về gia đình, con người, bạn bè, học đường... Ký ức của tôi lại nặng về những địa danh, những tên gọi mà bây giờ cái còn cái đã mất...
Trước hết là về chính cái tên Sài Gòn, một cái tên gọi về một thành phố chỉ mới được thành lập hơn 300 năm nay, 300 năm là quá dài với một đời người, nhưng so với một thành phố, một lịch sử thì chẳng thấm vào đâu, thế mà ngay cả những "cố cựu", những gốc "lâm vồ" đã ở rất lâu nơi đất Sài Gòn năm xưa, rất giỏi về văn hóa, nghiên cứu, tìm hiểu... như học giả Vương Hồng Sển, và nhà Nam bộ học Sơn Nam cũng không sao tìm ra được nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi Sài Gòn, những gì mà "thiên hạ" viết để giải thích về hai từ Sài Gòn cũng chỉ là phỏng đoán, không phải là chính thức...
Trong câu ca dao trên thì dinh Độc Lập vẫn còn đó nhưng đã được đổi tên thành dinh Thống Nhất, như chúng ta đã biết, dinh Độc Lập ban đầu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc từ năm 1870 cho đến năm 1873 mới xây xong, với kiến trúc kiểu Pháp, đặt tên là dinh Norodom, tên của dòng dõi vua xứ Cao Mên. Tại sao một công trình tiêu biểu cho Sài Gòn lúc bấy giờ lại được đặt tên của vị vua nước ngoài? Có thể lúc đó người Pháp đã gộp chung 3 nước Việt - Mên - Lào làm một gọi chung là Đông Dương, cho nên không phân biệt. Tuy nhiên có sách nói do người Pháp đã "trả công" cho vua Mên đã "nhanh nhẩu" chấp nhận nền bảo hộ của "mẫu quốc" trước đó, chứ không chống lại như người Việt... Khi mới xây xong dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ cho nên bàn đầu được gọi là dinh Thống đốc. Từ năm 1887 cho đến năm 1945 dinh dành cho Toàn quyền Đông Dương nên được gọi là dinh Toàn quyền. Đến năm 1955 Thủ tướng họ Ngô phế truất vị vua cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại lên làm Tổng thống, dinh được đổi tên thành dinh Độc Lập.
Đến năm 1962, hai viên phi công của quân đội miền Nam là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc, đã ném bom dinh Độc Lập trong một cuộc đảo chính làm sập một phần dinh. Tổng thống họ Ngô đã cho phá dinh cũ và xây lại dinh theo kiến trúc mới, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ giải Khôi nguyên La Mã thiết kế. Năm 1963 anh em Tổng thống họ Ngô bị sát hại trong một cuộc đảo chính khi dinh chưa xây xong, mãi đến năm 1966 việc xây dựng dinh mới hoàn tất. Tháng 4 năm 1975 chế độ miền Nam sụp đổ, và đến cuối năm, tháng 11 năm 1975 dinh Độc Lập được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất từ đó đến nay...
Đường Tự Do thì như các bạn đã biết, trước năm 1975 là một con đường xưa nhất của Sài Gòn, tuy không dài lắm nối từ bờ sông Sài Gòn đến nhà thờ Đức Bà (tên chữ là Vương cung thánh đường Sài Gòn), nhưng lại là con đường thuộc loại đẹp nhất Sài Gòn, đường nhỏ hai bên trồng cây me, đến mùa thay lá tung bay những lá me và rải những thảm lá me vàng trên hè phố... Thời Pháp được đặt tên Catinat, đến năm 1955 đổi tên thành đường Tự Do, tháng 8 năm 1975 đổi thành đường Đồng Khởi cho đến ngày nay...
Địa danh Chợ Quán có "nhà thương Chợ Quán" nổi danh thời xưa, theo học giả Vương Hồng Sển, xưa nơi này có một cái chợ họp dưới những gốc cây me già, người buôn bán dựng những cái quán lá cho nên gọi luôn là Chợ Quán. Còn tên Cầu Kho xưa là "Kho Cẩm Thảo" của nhà vua xây để tích trữ lương mễ từ Lục Tỉnh tải lên cống nạp. tên chữ khác gọi là "Tân Triêm Phường".
Địa danh Bến xe Lục Tỉnh còn trong ca dao nhưng bến xe Lục Tỉnh nằm dọc theo con đường Lê Hồng Phong quận 10 cho đến Ngã Bảy bây giờ đã mất, Lục Tỉnh là 6 tỉnh miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn còn gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh bao gồm: Phiên An (sau đổi thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Con đò Thủ Thiêm hay kể cả con phà Thủ Thiêm với những chiếc phà sắt chở người và vật qua lại nay cũng không còn, thay vào đó là đường hầm hiện đại được xem là bề thế vào bậc nhất Đông Nam Á, nhưng than ôi mấy ngày hôm trước thấy báo chí đăng tin đã bị... dột, truyền hình cũng chiếu cho công chúng thấy những vết nứt và thấm dột ở nhiều nơi, dĩ nhiên dân được trấn an là hư hỏng... trong mức cho phép...! Về tên gọi Thủ Thiêm (cũng có sách chép là Thủ Thêm), thì Thủ là chức vụ, còn Thiêm là tên người, tên gọi bằng chức vụ hay ghép chức vụ với tên ở Sài Gòn cũng phổ biến, chẳng hạn cầu Ông Lãnh, cây cầu này thuở xưa do ông Lãnh binh bỏ tiền ra xây dựng, đường Lãnh Binh Thăng, ông Lãnh binh tên Thăng... Ở Sài Gòn kế bên Thảo Cầm Viên, mà người bình dân quen gọi là Sở Thú, có cây cầu Thị Nghè, Thị Nghè (hay Bà Nghè) là vợ của một ông Nghè bỏ tiền ra xây...
Cũng có một cây cầu được gọi bằng tên một loại gia vị nêm nếm là muối, đó là cầu Muối, xưa người ta đi ghe biển chở muối lên đổi chác mua bán với người Sài Gòn có bến đậu tại đây, kế bên là ngôi chợ cũng gọi luôn là chợ Cầu Muối... Một cây cầu khác qua miệt Bà Chiểu là cầu Bông, cầu này xưa tên là cầu Cao Mên, sau đổi thành cầu Hoa, vì nằm gần bên vườn hoa của lăng Ông Thượng (Thượng Công Lê Văn Duyệt), sau kỵ húy tên một bà phi của vua Minh Mạng nên đổi thành Bông, cầu Bông, lăng Ông, còn gọi là lăng Ông Bà Chiểu thì ai ở Sài Gòn cũng biết (không biết có ai đó nghe tên lăng Ông Bà Chiểu lại nghĩ là "lăng" của hai ông bà tên Chiểu không ta? )
Vùng quận 3 bây giờ nằm tại ngã tư xưa là Lê Văn Duyệt - Trần Quý Cáp (bây giờ là CMT 8 - Võ Văn Tần có ngôi chợ gọi là chợ Đũi, chuyên bán Đũi (vải vóc), bây giờ không còn...
Có lẽ ngược về vùng Chợ Lớn xưa kia ai ở lâu năm chắc biết những tên như Xóm Chỉ (có cây cầu sắt là cầu Xóm Chỉ) chuyên bán kim chỉ, phụ tùng may vá. Gần đó là cầu Ba Cẳng, trước là cầu sắt, gỗ gọi là cầu Ba Ngã, giống kiểu cầu chữ Y vậy, sau do bị sập vì có vụ cháy nhà dân chúng hiếu kỳ leo lên coi quá mạng khiến cầu chịu không nổi sụm bà chè, cầu được xây lại bằng bê tông sạn sỏi đổi lại thành cầu Ba Cẳng (cẳng, tiếng miền Nam gọi chân để đi), nay những cầu này không còn. Trung tâm Chợ Lớn xưa có khu vực kêu là Đèn Năm Ngọn, do giữa ngã tư có một vòng xoay nhỏ trên đó có trồng cây đèn đường kiểu xưa có năm ngọn, bây giờ thay bằng cây đèn kiểu mới có... bốn ngọn tỏa ra bốn hướng. Kế bên khu Đèn Năm Ngọn là một chợ vải kêu chợ vải Soái Kình Lâm, Soái Kình Lâm là tên một nhà hàng lớn của người Hoa xưa vẫn còn ở cạnh đó...
Ở khu vực quận 10 kế Ủy ban nhân dân quận bây giờ có khu xưa là chợ cá Trần Quốc Toản, vì đây là một ngôi chợ lớn xưa chuyên bán cá, tôm... nằm trên đường Trần Quốc Toản (bây giờ là đường 3 tháng 2), thuộc loại chợ đầu mối, đi xa xa đã ngửi thấy mùi cá tanh, sau có lẽ do ô nhiễm nên chợ đã bị dẹp. Đi xuống xa hơn bây giờ là quận 11 vẫn còn dấu tích của một vùng khá rộng lớn là Trường đua ngựa Phú Thọ, hoạt động từ thời Pháp, sau năm 75 vẫn còn đua ngựa mãi cho đến gần đây, bây giờ hình như cũng đã đã dẹp...?
Ở gần khu Trường đua ngựa Phú Thọ mé bên cư xá Lữ Gia có một tên gọi mà có lẽ những ai xưa ở gần đó mới biết, đó là tên Nhà Thờ Hầm. Đây là một ngôi nhà thờ nhỏ khi xưa là một kho đạn được xây bằng đá xanh và đất, bên trong như cái hầm, trông xa tựa tựa như cái bát úp, chung quanh 3 bề của Nhà Thờ Hầm là hào nước sâu, đất nhà thờ khá thấp tôi nhớ mùa mưa trong nhà thờ nước ngập có khi ngang bắp chân trẻ nhỏ. Sau một ngôi nhà thờ mới được xây gần đó nên Nhà Thờ Hầm bị bỏ phế, cách nay khoảng mươi năm tôi có dịp đi ngang thấy vẫn còn dấu tích của Nhà Thờ Hầm, nhưng hình như bây giờ cũng không còn...?
Ngồi nhớ lại những tên gọi, những nơi chốn của một thời quá khứ... cũng cảm thấy bùi ngùi...
Sài Gòn tháng 8/ 2012.
Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012
Tên gọi.
Phàm mọi thứ trên đời đều có một tên gọi, từ đồ vật đến con người cho tới cả ma quỷ, thần thánh, tất thảy không trừ. Tôi nhớ hồi xưa còn nhỏ khoảng thời học tiểu học lớp ba lớp tư (khoảng lớp hai lớp ba bây giờ), có lần đi học giáo lý ở nhà thờ (lúc ấy bị bắt buộc, không cách chi trốn thoát), ông thày dạy giáo lý có kể một câu chuyện về việc đặt tên của Đức Chúa trời cho muôn loài (chẳng hiểu ra sao mà câu chuyện cách nay cả nửa thế kỷ nó lại còn nằm trong trí nhớ), đại khái câu chuyện như thế này, có lẽ nhiều bạn cũng biết, "Ở vào thời hồng hoang lúc Thượng đế mới tạo ra muôn vật, ngoại trừ người nam đã được ngài đặt tên là Adam, và người nữ được ngài đặt là Eve, còn lại muôn loài ngài chưa kịp đặt cho một cái tên, khi ấy muôn loài đều có chung một ngôn ngữ có thể nói để cho nhau hiểu, không có tên gọi riêng cho nên mọi chuyện cứ nhặng xị lộn tùng phèo, chẳng thể phân biệt được ai vào với ai, muôn vật thấy thế mới tâu lên Thượng đế điều này, quả thật ngài cũng thấy rắc rối, thế là ngài dặn muôn vật ngày hôm sau hãy đến sớm để ngài đặt tên cho.
Hôm sau mới tờ mờ sáng muôn loài đã lũ lượt kéo đến gặp Thượng đế nơi Thiên đường, những con vật đến sớm đều chọn được cho mình một cái tên đẹp đẽ, chẳng hạn Hoàng Anh, Hoàng yến, Họa mi, Sơn ca... hay một cái tên oai hùng như Cọp, Beo, Voi, Sư Tử, hoặc có vẻ... gấu như Gấu ngựa, Gấu chó, Voi, Tê giác, Hà mã..., những con vật ham chơi hoặc lười biếng ngủ dậy trễ đến sau thì được một cái tên xấu hơn, như Két, Sẻ, Cú... hoặc Chồn, Cáo, Cầy... Loài cây cũng thế (aha, xưa cây cũng có chân đi được chứ không mọc rễ đứng yên như bây giờ), Loài nào tới sớm chọn được những tên như Mai, Lan, Cúc, Trúc... Mơ, Mận, Bồ quân, Hồng đào, loài nào đến sau thì Mít, Ổi, Sấu, Na, Mãng cầu, hoặc là... Bình bát... Đến gần trưa thi việc đặt tên các loài đã xong, nhưng có một loài rau ham chơi lúc bấy giờ mới chạy tới, nhìn cây rau bé nhỏ chẳng có gì đặc biệt Thượng đế ngập ngừng (có lẽ từ sáng tới giờ ngài đã mệt và cũng đã nghĩ hết tên để gọi), trong khi chưa nghĩ ra được tên ngài nói... thì là... thì là... Cây rau bé nhỏ này lại tưởng đấy là tên do Thượng đế đặt nên vội cám ơn rối rít và chạy biến, thế là có tên rau Thì là... Đấy, nguồn gốc tên các loài là như thế..."
Nhưng mà như chúng ta đã biết cuộc sống phát triển không ngừng nghỉ, sau khi hoàn tất sứ mạng ban đầu là tạo dựng ra trời đất muôn loài thì Thượng đế giao quyền lại cho Adam, Eve và lui về trời, con người tiếp tục sứ mạng của Thượng đế, tiếp tục sinh sôi, chế tạo ra đủ thứ, hình thành nên những đất nước, mọi thứ dụng cụ, nơi chốn để ở... Ở những nơi xứ sở khác thì không rõ việc đặt tên ra sao? Chứ ở xứ mình thì việc đặt tên chẳng hạn cho người, địa danh thấy sách vở chép như thế này...
Xưa đối với những đứa trẻ mới sinh ở nhà quê thường gọi là thằng cu cái hĩm, hoặc là cún, vện, đực... rồi lâu ngày thành cái tên. Những gia đình có trí thức hơn hoặc nơi thành thị thường lấy tên các loài cây, hoa, can, chi... hoặc những tên có ý nghĩa trong sách vở đặt cho con cái, chẳng hạn con gái là Huệ, Lan, Mơ, Mận... hay Dung, Hạnh... Con trai là Hùng, Dũng... Ất, Giáp, Bính, Đinh, Tý, Sửu, Dần, Mẹo..., cũng có người lấy số thứ tự đặt cho con cái Nhất, Nhị, Tam (chữ Nho), hoặc Bảy, Tám, Chín, Mười Hai... Thuở nhỏ gần kế nhà bên tôi có người lấy thước tấc đặt tên cho con là Trượng, Thốn, lại cũng đặt theo thứ tự có ý nghĩa như Cầu, Khẩn, Nguyện... Cũng có gia đình làm nghề lang (thày thuốc) lấy luôn tên các vị thuốc mà đặt Sâm, Nhung, Quy, Hồi, Thục... hay thích chim chóc đặt tên cho các con rặt một loài chim, Sáo, Sẻ, Khướu... Bây giờ thời buổi văn minh tên gọi của người ta thường đặt rất đẹp nhất là nơi phái nữ, chẳng hạn Mộng Tuyền, Thanh Thúy, Thanh Nhã, Thúy Loan, Thu Ba...
Còn về địa danh? Thường người ta cứ coi theo chỗ đó có cái gì đặc sắc, quen quen cứ thế mà gọi, chẳng hạn từ các loài cây, ở Saigon rất nhiều nơi địa danh được hình thành từ tên cây, chẳng hạn Vườn Xoài, Vườn Lài, Vườn Chuối, cây Da Xà, Gò cây Mai, Ngã ba cây Quéo, Ngã tư cây Thị, Ngã ba Hàng Xanh (thực ra là tên cây Sanh, cây Si), cầu Sơn (cây sơn ta), Gò Vắp, Mười tám thôn vườn Trầu... còn nhiều nữa kể không xiết... Cũng có khi địa danh là tên người, như chợ Ông Tạ, chợ Bà Hoa, cầu Ông Lãnh, cầu Ông Thìn, vùng Bà Điểm, Bà Hom, Bà Quẹo... hoặc ở đó chuyên buôn bán thứ gì, hoặc sản xuất thứ gì đấy mà thành tên gọi như Chợ Thiếc, Chợ Búng (ở Bình Dương, thực ra là Bún vì nơi đó xưa có nhiều lò làm bún), Cầu Muối, Xóm Củi, Lò Gốm, Xóm Đất (xóm này gần Lò Gốm, chuyên bán đất sét để làm đồ gốm), Xóm Chiếu (chuyên dệt chiếu)... Riêng tên một ngôi chợ nổi tiếng và lâu đời ở Saigon là chợ Bến Thành, xưa kia chợ gần nơi bến ghe (kênh rạch nay đã lấp), và ngôi thành cũng đã bị phá...
Tên gọi xưa nay đã được hình thành như thế đấy...
Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012
Tản mạn chữ nghĩa.
Bên nhà bạn Toro có viết bài về một ông Phật sống, có nói ông này tên gọi ngoài đời là Ba Chà, người Chà Và (Ấn Độ). Trong comments thì tôi và chị huynhtran có nói tới chữ Chà Và. Cái chữ Chà Và bây giờ ít được nhắc tới, nhưng hồi tôi còn nhỏ thì hay thấy nói, thuở tôi còn học tiểu học mấy năm cũng có học chung với một cu cậu người Chà, tôi không còn nhớ tên gì nhưng trong tên của cậu ta tôi vẫn còn nhớ có từ Ma hô mét, cậu ta cùng lứa tuổi ốm ốm nhưng cao hơn đám nhóc tì người Việt nửa cái đầu, tên của bạn khó gọi đám nhóc tì cứ một tiếng "Chà" mà kêu, chưa học hết mấy năm tiểu học một hôm nghe cô giáo thông báo bạn này nghỉ học để về nước Pakistan cùng gia đình, và bạn là người theo đạo Hồi, thú thật hồi nhỏ cũng chẳng biết nước Pakistan ở đâu hay đạo Hồi là thế nào.
Không biết các nơi khác thì sao chứ ở Saigon thời tôi còn nhỏ người ta dùng chữ "Chà Và" hoặc rút gọn lại là "Chà" để gọi những người có nước da đen, tướng tá thường cao to hơn người Việt, khuôn mặt có nhiều nét của người Âu tuy nước da họ đen, và thông thường họ là những người Ấn Độ, những nghề mà người Chà Và hay làm thường thấy, nơi người giàu có là chủ nhân hãng xuất nhập cảng, chủ những tiệm vải lớn ở trung tâm Saigon, hay kinh doanh địa ốc, xây dựng nhà cửa để bán hay cho mướn các căn hộ kiểu appartements, người trung lưu khá khá làm chủ các tiệm ăn chuyên bán món "cà ri nị" mà có lần tôi được ông cụ tôi dắt vào ăn món cà ri cay xé lưỡi, họ cũng cho vay nặng lãi "xanh sít đít đui" (tiếng Pháp cinq - six - dix - douze) mà trong sách của học giả Vương Hồng Sển có nhắc đến là vay "bạc Chà". Nghèo hơn thì họ hay đi giao sữa tươi, nuôi dê, cũng có một nghề mà hồi đó thấy mấy ông Chà hay làm, đó là nghề "gác dan" từ tiếng Pháp "Gardien" có nghĩa là người canh gác mà ra, mấy ông Chà gác dan hay đứng coi mấy cao ốc có người ngoại quốc ở hay làm việc, cũng có những khách sạn lớn sang trọng như Caravelle, hay Continental mướn mấy ông Chà to lớn bệ vệ, ăn mặc quần áo đại lễ trắng mốp tương phản với màu da của họ, trông oai vệ như tướng lãnh cầu vai đeo gù đứng canh cửa.
Mấy ông Chà hay người Chà Và ở Saigon thời đó thường là người Ấn Độ vì người Ấn Độ ở Saigon khá nhiều, và dân Saigon cứ thế mà gọi, bất kể có thể người đó không thực sự là Ấn Độ, cũng có thể là người Pakistan hay Thổ Nhĩ Kỳ, vì mấy người nước đó trông giống giống nhau, nước da đen, mấy năm trước đây tôi có tiếp xúc với một ông đen đen như thế, kiều người Chà, tưởng Ấn Độ nhưng ông ấy nói sinh ở VN nhưng bố mẹ là Thổ Nhĩ Kỳ sang VN từ hồi xưa thời Pháp...
Nhưng tại sao hồi đó dân Saigon lại gọi những kiều dân đa số là người Ấn này là Chà Và hay Chà, một từ ngữ không liên quan gì đến Ấn Độ? Tôi nhớ trong một cuốn sách viết về Saigon xưa của học giả Vương Hồng Sển nhưng không nhớ rõ ở quyển nào, có nói đến "bọn Chà chuyên cho vay bạc lãi", và có giải thích từ Chà Và là do chữ JAVA là tên một hòn đảo lớn của nước Nam Dương (Indonesia) phiên âm ra tiếng Việt, và ông cũng có nói đây là một sự nhầm lẫn vì đảo Java mà phiên âm ra tiếng Việt là Chà Và thì đâu có liên quan gì đến người Ấn.
Và quả thật mấy hôm nay cuối tuần rảnh rỗi tôi có lan man đọc lại một quyển sách khá xưa viết về xứ Nam bộ thì thấy có lẽ là như thế, đó là quyển Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, do Viện Sử Học và Nhà Xuất Bản Giáo Dục ấn hành năm 1999 (Đỗ Mộng Khương - Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích), quyển sách này tôi cũng mới kiếm được gần đây, trước đây khá lâu tôi cũng đã đọc một lần mượn được của một người bạn có thời gian làm nghề bán sách cũ, tôi nhớ lúc đó cũng có đọc được một chi tiết về từ Chà Và. Nay đọc lại nơi mục nói về đảo Phú Quốc ở Trấn Hà Tiên có đoạn viết như thế này: "Lúc Thế Tổ Cao hoàng đế bị phong trần xe rồng đến đấy, nhân dân xứ này ra sức trung thành, thám báo tình hình giặc, cung ứng vật dụng. Cho nên sau khi bình định, gia ơn miễn thuế thân và dao dịch cho xứ ấy (nguyên văn trong sách, tôi nhấn mạnh chữ dao vì thấy có vẻ kỳ kỳ, không biết có phải là giao dịch tức thuế trong buôn bán, hoặc là lao dịch, tức là lao động công ích) dù thuyền đánh cá, thuyền đi buôn đều không bị đánh thuế. Chỉ vì là nơi biển xa hẻo lánh, phải phòng bị giặc biển Chà Và nhân sơ hở đến ăn cướp, cho nên đặt quan thủ ngự, lấy dân làm lính, đều đủ khí giới cùng nhau giữ gìn để giữ bản cảnh mà thôi".
Trong đoạn văn trên thì rõ ràng từ "Chà Và" không phải để chỉ người Ấn Độ, vì người Ấn Độ ở quá xa đảo Phú Quốc, cũng không phải để chỉ riêng người Khmer hay Thailand (tuy Phú Quốc ở gần Khmer và Thái Lan), vì trong sách Gia Định Thành Thông Chí cũng hay nhắc đến hai nước này dưới tên gọi là Cao Mên hay Mên, còn Thailand được gọi là Xiêm La, Xiêm, hay Tiêm La. Từ Chà Và như học giả Vương Hồng Sển có giải thích là phiên âm tiếng Việt của đảo Java như đã nói, còn "giặc biển Chà Và" như trong sách Gia Định Thành Thông Chí nói đến có lẽ là đám giặc biển bao gồm cả người Mên, người Xiêm, hoặc người ở vùng đảo Java ở vùng biển phía Nam (trong sách vở gọi chung là Nam đảo) đến quấy nhiễu. Như vậy có lẽ ban đầu từ Chà Và cũng là để chỉ sắc dân có nước da đen nhưng là ở vùng Java nói chung, người thuộc vùng Đông Nam Á, chứ không phải da đen của người Ấn Độ. Sách cũng có chép vào thời nhà Nguyễn Gia Long chiến tranh với quân Tây Sơn, thì nước Việt cũng thường có những cuộc chiến tranh với nước Cao Mên và Xiêm La, và đám giặc cướp người Thổ (chỉ người Mên) hoặc Xiêm La cũng thường sang những vùng giáp ranh như Hà Tiên nước ta quấy nhiễu.
Người ta cũng thường nói ngôn ngữ, từ ngữ dùng lâu thành quen, cũng như con đường đi lâu mà thành, có thể từ ngữ mới đầu dùng sai nhưng nói miết, viết miết chẳng còn ai để ý đến cái sai nữa. Nhưng tìm lại nguồn gốc ban đầu của một từ ngữ đôi khi cũng thấy thú vị.
Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012
Phong thổ phương Nam.
Lốc xoáy vòi rồng làm 800 nhà sập, tốc mái
TTO - Một cơn lốc xoáy mạnh bất ngờ ập đến 4 tỉnh miền Tây là Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng đã làm 800 căn nhà sập, tốc mái. Ghi nhận ban đầu có ít nhất 2 người chết và hàng chục người bị thương.
Bạc Liêu: 165 nhà sập, tốc mái; 13 người trọng thương
Trong khi đó, cơn lốc mạnh lướt qua địa bàn huyện Hồng Dân và Phước Long ở Bạc Liêu làm 165 nhà dân bị sập, tốc mái.
Nhà cửa tan hoang sau cơn lốc (Ảnh: báo Tuổi Trẻ Online)
Mấy hôm trước trên báo Tuổi Trẻ có nói đến lốc xoáy tại miền Tây Nam bộ đi qua mấy tỉnh, làm rất nhiều nhà cửa bị sập, tốc mái hư hỏng nặng, cùng thiệt hại về người, hoa màu. Miền Nam tuy là vùng đất khí hậu ôn hòa, thiên nhiên không đến nỗi giông bão khắc nghiệt như các vùng khác, nhưng thỉnh thoảng cũng có giông gió như thế, gây thiệt hại cho con người.
Cuối tuần rảnh rỗi, tình cờ tôi ngồi giở đọc lại quyển Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức* viết xưa kia, thấy có chép: "Ở Gia Định thường có nhiều mây đỏ, đều do khí hỏa ở phương ly phát ra. Lại tự có mây trong đất bốc lên, cơn đen mù mịt, mây móc cuốn xoay, rộng chừng khoảng 1, 2 dặm, trong khoảng ẩn hiện thấy như hình đầu rồng, hình đuôi rồng, gió cuộn nước dềnh, sông khô chằm hạn, nhà cây xiêu đổ, gió bụi xoay vòng, từ dưới mà lên, bỗng mưa lai láng tục gọi là "rồng lấy nước". Nhưng người ta cũng không hay thường thấy". Thì ra xưa ở Nam bộ cũng đã xảy ra thiên tai như thế tuy không phải thường xuyên.
Sách cũng có chép tên Gia Định hay Gia Định thành là chỉ chung tất cả miền Nam bộ, cho đến đời Gia Long cũng gọi như thế, và phương Nam thuộc về quẻ Ly là nơi mặt trời và nơi lửa nóng...
Xem thế cũng biết khi xưa chưa có đài khí tượng và dự báo thời tiết, người xưa cũng đã rất biết nhìn và rành rẽ về phong thổ, thời tiết...
* Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức, dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính và chú thích Đào Duy Anh. Viện Sử học, Nhà Xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 1999.