Hôm nay là ngày 30 tháng 8 Tây, đã là 14 tháng bảy âm lịch, mai là ngày rằm tháng bảy, một ngày rằm lớn trong năm đối với những người theo đạo Thờ ông bà, hay theo Phật giáo, rằm tháng bảy còn được gọi là Tiết (Tết) Trung nguyên, đối với Thượng nguyên là rằm tháng giêng, và Hạ nguyên là rằm tháng mười âm lịch. Như chúng ta đã biết tết Trung nguyên (rằm tháng bảy) còn được gọi là lễ Vu Lan báo hiếu, là theo tín ngưỡng và điển tích Mục Kiều Liên cứu Mẹ trong kinh sách Phật giáo, chắc tích này và tục cúng Cô hồn trong lễ Xá tội vong nhân thì ai trong chúng ta cũng biết.
Theo Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn:
"Sách Mộng Hoa Lục chép: Tết Trung nguyên (rằm tháng bảy) người ta bày đồ mã, áo bằng giấy màu, lấy tre làm cái giương ba chân hình trạng giống như cái bầu dầu trong cây đèn, gọi đó là Vu Lan Bồn, người ta treo áo giấy và đồ mã ở trên mà đốt.
Ông Lục Du nói: Thói tục đến ngày rằm tháng bảy làm đồ chay cúng tế tổ tiên, chuốt tre làm bồn chậu đựng tiền giấy rồi lấy cọng tre mồi lửa mà đốt.
Sách Thích Thị yếu Lãm chép: Tiếng Phạn nói Vu Lan cũng như tiếng Trung Hoa nói Cửu đảo huyền là cứu gỡ cha mẹ đang bị thọ hình treo ngược ở địa ngục".
Sách Vân Đài Loại ngữ cũng chép:
"Tiền giấy để cúng tế có từ đời vua Túc Tông (756-762) nhà Đường do Thái Ất sứ Vương Dư làm ra.
Còn mũ áo giấy để cúng tế có từ đời Ngũ Đại".
Từ điển Phật học của Chân Nguyên - Nguyễn Tường Bách - Nguyễn Nhuận Châu và nhiều sách khác ghi chép thì Vu Lan Bồn hay Vu Lan Bồn Hội là dịch âm của chữ Phạn Ullambana, dịch nghĩa Hán Việt là Cửu đảo huyền tức là "cứu nạn treo ngược", cứu "những oan hồn bị treo ngược trong địa ngục". Trong Vu Lan Bồn kinh (Ullambana-Sùtra) do ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksha) dịch sang Hán văn vào đời Tây Tấn (265-317). Kinh trình bày việc Phật dạy Mục Kiều Liên làm thế nào để cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Phật dạy phương pháp cúng dường vào ngày rằm tháng bảy, tức ngày Tự tứ của chư tăng sau mùa an cư.
Học giả An Chi trong sách Chuyện Đông chuyện Tây (tập 5 - NXB Trẻ) cho rằng không có chuyện mẹ ông Mục Kiều Liên bị treo ngược, vì kinh Vu Lan không hề nói như vậy. Từ tiếng Phạn Ullambana chỉ có nghĩa là treo lên, chứ không cụ thể là treo ngược hay treo xuôi Theo ông An Chi đó là chữ Phạn Ullambhana, thêm chữ h ở giữa chữ ba (bha), vốn có nghĩa là sự giải thoát.
Rằm tháng bảy cũng còn gọi là lễ Xá tội vong nhân, lễ có nguồn gốc từ một điển tích khác cũng trong kinh sách Phật giáo, theo kinh Đà La Ni (Dhàranì) thì đệ tử của Phật là ông A Nan Đà gặp quỷ đói Diệm khẩu (miệng lửa). Quỷ bảo ông 3 ngày nữa sẽ tử nạn và cũng sẽ trở thành quỷ đói, muốn thoát khỏi thì phải cấp cho 10 vạn quỷ, mỗi quỷ một hộc lúa. A Na Đà thuật lại với Phật, Phật dạy hãy niệm chú Đà La Ni thì lũ quỷ sẽ có đủ lương thực ăn và sẽ được giải thoát. Làm theo lời Phật quả nhiên lũ quỷ đói được lên cõi Tịnh độ. Theo kinh thì chỉ nói về việc bố thí cho lũ quỷ đói, nhưng từ xưa ở nước ta coi ngày rằm tháng bảy là ngày Diêm vương mở cửa ngục cho tất cả các vong hồn lên trần gian dạo chơi, nên ngoài việc cúng tổ tiên, cha mẹ, dân gian còn có tục cúng cho các cô hồn, đốt giấy tiền vàng bạc, muối gạo, khoai lang luộc, bắp (ngô) luộc, bỏng gạo... ít trái cây, bánh kẹo... Ở nông thôn miền Bắc xưa còn có tục đổ ít cháo trắng vào lá đa, rồi đặt ở các bờ bụi ven đường cho các cô hồn không nơi nương tựa được hưởng...
Đấy là tục lệ dân gian đến bây giờ vẫn còn nhân ngày rằm tháng bảy... Riêng tôi dịp rằm tháng bảy "cúng cô hồn" tôi lại nhớ thuở nhỏ ở khu xóm có khá nhiều người Hoa tại quận 11 khi xưa, trong mấy ngày này thuở xưa người Hoa cúng cô hồn khá lớn, ngoài mâm trái cây, bánh kẹo, đốt giấy tiền vàng bạc, người Hoa còn cúng thêm con gà, nhà giàu cúng cả một con heo quay nhỡ nhỡ... và đặc biệt họ có tục thảy tiền xu (tiền cắc) cho trẻ con tranh nhau nhặt. Người Hoa thuở ấy hay "cúng cô hồn" vào buổi tối, hễ thấy họ sửa soạn nhang đèn, mâm trái cây, bánh kẹo là đám con nít đã ùa tới, khi cúng vừa xong là họ để cho đám trẻ con ào vào giành giật, đồng thời họ cũng thảy những đồng tiền xu cho đám nhóc tì tranh nhau, và càng có nhiều trẻ con tranh giành họ càng vui. Có nhà để con gà chưa kịp cúng quay đi quay lại đám trẻ con đã ùa vào có đứa bê con gà chạy mất... Thuở nhỏ đi "giựt cô hồn" như thế có khi đứt dép, rách áo, về nhà có nguy cơ ăn đòn vậy mà vẫn cứ ham đi...
Thuở ấy đúng vui là chính, đám con nít lóc nhóc như tụi tôi đi rảo rảo quanh xóm gần xa cũng giành giật được một vài đồng, chủ yếu là để mua vài con cá lia thia đá chơi, hoặc đi học giờ ra chơi mua được "cà lem cây", bịch xi rô đá nhận... như thế là rất thích chí...
Bây giờ có nhiều người cho là việc cúng cô hồn là mê tín, cũng có thể là như thế, khi có những nhà chùa hoặc những người tổ chức cúng tế quá rình rang, phô trương, tốn kém và mất thời giờ... Còn lại, nếu chỉ làm trong phạm vi có thể, trang nghiêm và tôn kính đối với Tổ tiên, cha mẹ, những người đã khuất... Và cũng là dịp trong năm để chúng ta nhớ đến cha mẹ đối với những ai may mắn vẫn còn cha mẹ, thì tôi nghĩ cũng nên lắm, đấy là một nét văn hóa và nhân bản của người mình...
Ở khu nhà M ở, lạ một điều là cúng cô hồn xong , chờ có ai muốn lấy để cho cũng phát mệt , không có ai tới giật cả . Còn có nơi nghe nói bày con gà ra cúng , mới nhắm mắt lâm râm khấn vái , mở mắt ra con gà biến mất . Tập tục thì cứ theo , không ầm ĩ , ồn ào cũng tốt thôi nhỉ
Trả lờiXóaChừng nào nhà bác H cúng cô hồn vậy , cho biết với
Ấy là khu xóm không có mấy đứa "cô hồn các đẳng" ham giành giật như xóm tôi ở xưa... Chắc cuối tuần, 16 gì đó...
Trả lờiXóaChúc chú Vu Lan an lành
Trả lờiXóaCó một năm em mất con gà cúng... Sáng ra tìm trong vườn còn nguyên... bộ xương gà và cái đầu... Con mèo hư! :(
Trả lờiXóaCám ơn phonui, cũng chúc Vu Lan nhiều sức khỏe :-))
Trả lờiXóaHaha, thì ra ma đói... mèo :-))
Trả lờiXóaBiết để tới đứng trước cửa nhà bác
Trả lờiXóaHehe, vậy thì tôi với bạn Marg. thi nhau giành nhé :-))
Trả lờiXóaTrời , nhà bác cúng thì bác phải để người khác giật mới hên chứ. Bác cũng nhào vô giật là coi chừng xui đó nhen
Trả lờiXóaHehe, ai giật cũng được chứ, miễn là có tâm hồn... cô hồn, hay đích thị là... cô hồn sống là được tuốt :-))
Trả lờiXóaT "già " cỡ này nhưng vẫn khoái giật mâm cúng của má . Thích lắm khi mình "cạnh tranh ' với đám cháu nhỏ nhít . Thật là vui khi sống lại thời ngày xưa thơ ấu của mình .
Trả lờiXóacô hồn xóm chị chắc ấm no từ kiếp trước :))
Trả lờiXóaEm lại nghe nói là nếu cúng cô hồn xong mà không có bài cúng mời họ đi thì những cô hồn đó cứ lảng vảng quấy nhiễu trước cửa nhà mình nên nhiều nhà nhờ được thầy cúng hẳn hoi thì họ mới cúng chúng sinh còn tự gia chủ thì họ chỉ cúng gia tiên, tiền chủ... nhà mình thôi!
Trả lờiXóaBây giờ cúng cô hồn xong mang cho con nít nó không muốn lấy anh H ơi...Thời nào cũng có cô hồn , cả cô hồn sống và cô hồn chết nhưng hình như cô hồn sống bây giờ ...sang hơn cô hồn sống khi xưa !:))
Trả lờiXóaHì hì, bạn T vẫn còn trẻ trung thích giật mâm cúng cô hồn ha :-))
Trả lờiXóaBên Úc... tralia có cúng cô hồn không TV?
Trả lờiXóaHaha, ấy là mấy ông thày cúng nói thế để TT phải nhờ mấy ông ấy đấy, ở Saigon cúng cô hồn hà rầm à :-))
Trả lờiXóaCó lẽ có những xóm con nít được... úm kỹ quá nên chê chứ bây giờ tôi thấy cả người lớn có khi cũng còn giựt nữa, chắc vui là chính, nhà bạn Gió có cúng cô hồn không? :-))
Trả lờiXóaThiệt vậy đó em , không phải bây giờ mà từ hồi lâu rồi đã như vậy. Lúc con trai chị còn bé xíu , buổi chiều chị giúp việc bế nó đi chơi trong xóm về thấy cầm một trái hồng to đùng , hỏi thì nói là bà kia cúng cô hồn , ngoắc lại cho . Nghe xong sợ khiếp đâu dám cho nó ăn , hehe ...
Trả lờiXóaHihi, nhà này giống mấy gia đình theo đạo Thiên chúa xưa quá ha, không dám xực đồ cúng. Bây giờ con chiên của Chúa cũng xơi tuốt luốt rồi :-))
Trả lờiXóaE vừa về quê ăn rằm tháng 7 ra đây bác ạ.
Trả lờiXóaNgười ta đốt vàng mã ghê quá, em cúng các cụ 100.000 Mỹ kim để các cụ sắm gì tùy ý ạ. Không biết các cụ có gửi vào ngân hàng nào tốt tốt hay lại chơi chứng khoán thì gay...
Ở quê mà cúng cô hồn chắc hay và lớn hơn thành phố ha Toro? Nhưng cái tệ đốt vàng mã sao bây giờ khiếp quá, như Toro gởi đô la cho các cụ xài là được rồi, chỉ sợ các cụ có tiền chơi số đề hay cá độ là khổ... :-))
Trả lờiXóahehehe, em vừa nói với bạn rằng qua rằm em cũng cúng cô hồn, mà nhà em chỉ có cô hồn chim đến giựt bánh thôi :)) sáng nào mấy bạn ấy cũng tíu tít đứng đợi, không chỉ tháng 7...
Trả lờiXóaAnh Hiệp đã cúng cô hồn chưa ? Nhớ cho hay nhe, nhưng có rải tiền thì nhớ đừng có dùng tiền xu, vì tiền đó hết xài được rồi, mua " cà rem " cũng không ai bán cho.
Trả lờiXóaChim cũng là cô hồn đó, chúng sinh là tất cả các loài mà :-))
Trả lờiXóaNhà tôi cũng cúng nhưng không rải tiền, vì ở chung cư cúng trong nhà thôi. Sáng nay tôi vào Cholon thấy người ta cúng cô hồn khá nhiều, có cả rải tiền nữa, người ta xếp tiền giấy một, hai, năm, mười ngàn rải, mà toàn người lớn giật không hà :-))
Trả lờiXóa