PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Tản mạn chữ nghĩa.



Bên nhà bạn Toro có viết bài về một ông Phật sống, có nói ông này tên gọi ngoài đời là Ba Chà, người Chà Và (Ấn Độ). Trong comments thì tôi và chị huynhtran có nói tới chữ Chà Và. Cái chữ Chà Và bây giờ ít được nhắc tới, nhưng hồi tôi còn nhỏ thì hay thấy nói, thuở tôi còn học tiểu học mấy năm cũng có học chung với một cu cậu người Chà, tôi không còn nhớ tên gì nhưng trong tên của cậu ta tôi vẫn còn nhớ có từ Ma hô mét, cậu ta cùng lứa tuổi ốm ốm nhưng cao hơn đám nhóc tì người Việt nửa cái đầu, tên của bạn khó gọi đám nhóc tì cứ một tiếng "Chà" mà kêu, chưa học hết mấy năm tiểu học một hôm nghe cô giáo thông báo bạn này nghỉ học để về nước Pakistan cùng gia đình, và bạn là người theo đạo Hồi, thú thật hồi nhỏ cũng chẳng biết nước Pakistan ở đâu hay đạo Hồi là thế nào.

Không biết các nơi khác thì sao chứ ở Saigon thời tôi còn nhỏ người ta dùng chữ "Chà Và" hoặc rút gọn lại là "Chà" để gọi những người có nước da đen, tướng tá thường cao to hơn người Việt, khuôn mặt có nhiều nét của người Âu tuy nước da họ đen, và thông thường họ là những người Ấn Độ, những nghề mà người Chà Và hay làm thường thấy, nơi người giàu có là chủ nhân hãng xuất nhập cảng, chủ những tiệm vải lớn ở trung tâm Saigon, hay kinh doanh địa ốc, xây dựng nhà cửa để bán hay cho mướn các căn hộ kiểu appartements, người trung lưu khá khá làm chủ các tiệm ăn chuyên bán món "cà ri nị" mà có lần tôi được ông cụ tôi dắt vào ăn món cà ri cay xé lưỡi, họ cũng cho vay nặng lãi "xanh sít đít đui" (tiếng Pháp cinq - six - dix - douze) mà trong sách của học giả Vương Hồng Sển có nhắc đến là vay "bạc Chà". Nghèo hơn thì họ hay đi giao sữa tươi, nuôi dê, cũng có một nghề mà hồi đó thấy mấy ông Chà hay làm, đó là nghề "gác dan" từ tiếng Pháp "Gardien" có nghĩa là người canh gác mà ra, mấy ông Chà gác dan hay đứng coi mấy cao ốc có người ngoại quốc ở hay làm việc, cũng có những khách sạn lớn sang trọng như Caravelle, hay Continental mướn mấy ông Chà to lớn bệ vệ, ăn mặc quần áo đại lễ trắng mốp tương phản với màu da của họ, trông oai vệ như tướng lãnh cầu vai đeo gù đứng canh cửa.

Mấy ông Chà hay người Chà Và ở Saigon thời đó thường là người Ấn Độ vì người Ấn Độ ở Saigon khá nhiều, và dân Saigon cứ thế mà gọi, bất kể có thể người đó không thực sự là Ấn Độ, cũng có thể là người Pakistan hay Thổ Nhĩ Kỳ, vì mấy người nước đó trông giống giống nhau, nước da đen, mấy năm trước đây tôi có tiếp xúc với một ông đen đen như thế, kiều người Chà, tưởng Ấn Độ nhưng ông ấy nói sinh ở VN nhưng bố mẹ là Thổ Nhĩ Kỳ sang VN từ hồi xưa thời Pháp...

Nhưng tại sao hồi đó dân Saigon lại gọi những kiều dân đa số là người Ấn này là Chà Và hay Chà, một từ ngữ không liên quan gì đến Ấn Độ? Tôi nhớ trong một cuốn sách viết về Saigon xưa của học giả Vương Hồng Sển nhưng không nhớ rõ ở quyển nào, có nói đến "bọn Chà chuyên cho vay bạc lãi", và có giải thích từ Chà Và là do chữ JAVA là tên một hòn đảo lớn của nước Nam Dương (Indonesia) phiên âm ra tiếng Việt, và ông cũng có nói đây là một sự nhầm lẫn vì đảo Java mà phiên âm ra tiếng Việt là Chà Và thì đâu có liên quan gì đến người Ấn.

Và quả thật mấy hôm nay cuối tuần rảnh rỗi tôi có lan man đọc lại một quyển sách khá xưa viết về xứ Nam bộ thì thấy có lẽ là như thế, đó là quyển Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, do Viện Sử Học và Nhà Xuất Bản Giáo Dục ấn hành năm 1999 (Đỗ Mộng Khương - Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích), quyển sách này tôi cũng mới kiếm được gần đây, trước đây khá lâu tôi cũng đã đọc một lần mượn được của một người bạn có thời gian làm nghề bán sách cũ, tôi nhớ lúc đó cũng có đọc được một chi tiết về từ Chà Và. Nay đọc lại nơi mục nói về đảo Phú Quốc ở Trấn Hà Tiên có đoạn viết như thế này: "Lúc Thế Tổ Cao hoàng đế bị phong trần xe rồng đến đấy, nhân dân xứ này ra sức trung thành, thám báo tình hình giặc, cung ứng vật dụng. Cho nên sau khi bình định, gia ơn miễn thuế thân và dao dịch cho xứ ấy (nguyên văn trong sách, tôi nhấn mạnh chữ
dao vì thấy có vẻ kỳ kỳ, không biết có phải là giao dịch tức thuế trong buôn bán, hoặc là lao dịch, tức là lao động công ích) dù thuyền đánh cá, thuyền đi buôn đều không bị đánh thuế. Chỉ vì là nơi biển xa hẻo lánh, phải phòng bị giặc biển Chà Và nhân sơ hở đến ăn cướp, cho nên đặt quan thủ ngự, lấy dân làm lính, đều đủ khí giới cùng nhau giữ gìn để giữ bản cảnh mà thôi".

Trong đoạn văn trên thì rõ ràng từ "Chà Và" không phải để chỉ người Ấn Độ, vì người Ấn Độ ở quá xa đảo Phú Quốc, cũng không phải để chỉ riêng người Khmer hay Thailand (tuy Phú Quốc ở gần Khmer và Thái Lan), vì trong sách Gia Định Thành Thông Chí cũng hay nhắc đến hai nước này dưới tên gọi là Cao Mên hay Mên, còn Thailand được gọi là Xiêm La, Xiêm, hay Tiêm La. Từ Chà Và như học giả Vương Hồng Sển có giải thích là phiên âm tiếng Việt của đảo Java như đã nói, còn "giặc biển Chà Và" như trong sách Gia Định Thành Thông Chí nói đến có lẽ là đám giặc biển bao gồm cả người Mên, người Xiêm, hoặc người ở vùng đảo Java ở vùng biển phía Nam (trong sách vở gọi chung là Nam đảo) đến quấy nhiễu. Như vậy có lẽ ban đầu từ Chà Và cũng là để chỉ sắc dân có nước da đen nhưng là ở vùng Java nói chung, người thuộc vùng Đông Nam Á, chứ không phải da đen của người Ấn Độ. Sách cũng có chép vào thời nhà Nguyễn Gia Long chiến tranh với quân Tây Sơn, thì nước Việt cũng thường có những cuộc chiến tranh với nước Cao Mên và Xiêm La, và đám giặc cướp người Thổ (chỉ người Mên) hoặc Xiêm La cũng thường sang những vùng giáp ranh như Hà Tiên nước ta quấy nhiễu.

Người ta cũng thường nói ngôn ngữ, từ ngữ dùng lâu thành quen, cũng như con đường đi lâu mà thành, có thể từ ngữ mới đầu dùng sai nhưng nói miết, viết miết chẳng còn ai để ý đến cái sai nữa. Nhưng tìm lại nguồn gốc ban đầu của một từ ngữ đôi khi cũng thấy thú vị.

28 nhận xét:

  1. hoi nho co nghe may dua nho hat:
    "Cha va, Ma ni ti te
    Cai bung the le, con mat oc buou"

    Trả lờiXóa
  2. Aha đúng là cái câu "đồng dao" của trẻ con xưa, cám ơn bạn Marg. đã bổ sung thêm một từ xưa nay cũng ít thấy dùng, đó là từ "Ma ní", phiên âm của Manila thủ đô Phi Luật Tân, người Phi Luậtt Tân cũng có nước da ngăm đen, và từ Chà Và là để gọi người Ấn (đa số) trông giống Châu Âu, còn từ Ma ní là để gọi những người ngoại quốc cũng đen đen nhưng trông giống Châu Á :-)))

    Trả lờiXóa
  3. Hồi nhỏ cứ thấy đứa nào đem đen là tụi nhỏ hay chạy theo la lên: "Ê Chà Dà(Và) Đen". Còn em coi vậy chứ nhát đòn, sợ chọc giận bị rượt đánh chạy không kịp nên hay đứng dòm coi thôi. :))

    Trả lờiXóa
  4. Chà Và, Chà Dà đen, ghẹo vậy có khi người ta rượt chạy có cờ :-))

    Trả lờiXóa
  5. Vâng, chỉ đôi khi thôi! thường thì rất nhức đầu và tức tối:)

    * Cám ơn đã post, bài viết rất hay và xúc tích.

    Trả lờiXóa
  6. Chà và: âm của chữ Java, Chà và là người đến từ đảo Java, về sau dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm ngăm như Chà Bom bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma ní (Manille, Phi Luật Tân).
    Đấy là cách gải thich hợp lý.

    Trả lờiXóa
  7. Cũng là một cách giải thích nhưng sống ở miền Nam lâu tôi thấy không ổn, từ Chà Bombay thì có nghe, để phân biệt với Chà Tân Đề Ly (giống như người Việt Saigon khác với người Việt Cần Thơ về gốc gác, nơi chốn), nhưng Chà Ma ní thì hầu như không được nghe, bởi vì người Saigon xưa phân biệt rõ Chà Và và Ma Ní chứ không nói Chà Ma ní.

    Trả lờiXóa
  8. Nếu ai ở miền Nam trước năm 75 chắc chắn còn nhớ rõ từ Chà Và để gọi những người nước da đen có nét giống người Âu (Ấn Độ), còn người Ma Ní (Phi Luật Tân) trước năm 75 cũng có mặt ở Saigon (trong quân đội Đồng minh, hoặc chơi trong các ban nhạc tai các Club Mỹ) thì người Saigon không dùng từ "Chà Ma ní" để gọi họ, cũng không dùng từ "Chà Nam Dương" để gọi những người đến từ Indonesia.

    Trả lờiXóa
  9. dung nhu bac H noi, hoi do cho Mảrg o co co Bay Cha va co Tu Mani . Hai tu do de chi hai nguoI co nguon goc khac nhau

    Trả lờiXóa
  10. Còn có "Anh Bảy Chà" Hynos nữa, hì hì, kem đánh răng Hynos đó, còn cây cầu Chà Và tên nay vẫn còn bên quận 8, tôi nhớ ngày xưa vùng đó có nhiều người thuộc thành phần nghèo gốc Ấn chạy mấy cái xe Mobylette xoc xạch đi giao mối sữa tươi ở vùng Chợ Lớn. Có lẽ hợp lý nhất là từ Chà Và là để chỉ người ngăm ngăm đen có nét người Âu mà đa số là Ấn Độ, còn từ Ma Ní là để chỉ chung những người ngăm đen có nét Đông Nam Á (Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai...).

    Trả lờiXóa
  11. Dĩ nhiên khi nói đến Cụ Vương Hồng Sển, không ai dám phê bình hay nghi ngờ tiếng nói của Cụ.

    Tuy nhiên tôi xin mạo muội nghĩ thế này:
    Khi Cụ nói Chà Và phát xuất từ chũ Java là 1 hòn đảo của Nam Dương, đúng Java là 1 hòn đảo của Nam Dương,

    Nhưng theo tôi, chữ "Chà và" phát xuất từ tượng thần Java trong những "Chùa Chà" đã có từ rất lâu tại Saigon, lâu hơn la người Saigon biết đến 1 hòn đảo xa xôi của 1 xứ xa lạ (hồi đó) là Java và Nam Dương.

    Hiện thời những ngôi "Chùa Chà" vẫn tồn tai như 1 cái tại đường Pasteur (nằm giữa Lê Lợi và Hàm Nghi) cái khác hình như nằm trên Huyền Trân Công Chúa (Giữa Lê Thánh Tôn và Nguyễn Du) và nhiều nơi khác không nhớ được.
    Nói đến Chùa Chà tôi lại nhớ đến lúc nhỏ hay đến lang thang nơi ấy để mua mấy cái "bánh cay" và "đậu ...Chà" :)

    Trả lờiXóa
  12. Cau noi cua Marg làm toi nho lai hoi nho cung da tung nghe cau hat nay rat nhieu ......

    Trả lờiXóa
  13. Người Ấn Độ không ăn thịt heo, tôi nhớ hồi nhỏ gần nhà có hảng phân,lúc nào cũng có ông gác dan người Ấn,bọn nhỏ đi ngang hay chọc ông bằng cách nắm góc áo trước lại giống như lổ tai heo rồi lắc lắc để chọc ông,không hiểu sao ông lại hiểu,thế là ông rượt chạy,tôi và các bạn đứng nhìn,ông cũng rượt luôn,thế là bọn tôi ù té chạy,nhớ lại thời thơ ấu thấy cũng vui.

    Trả lờiXóa
  14. Lý giải của bạn về từ Chà và cũng rất hay, tuy nhiên tôi cũng có cái suy nghĩ:
    - Thứ nhất là học giả họ Vương là một người rất uyên bác về khảo cổ, cụ đã nhiều năm quản thủ Bảo tàng Saigon nằm trong Thảo cầm viên, và cụ cũng là người chơi đồ cổ nhất hạng Saigon, ở lâu năm tại đất Gia Định, lẽ nào cụ không rành về ý nghĩa như bạn đã giải thích?
    - Thứ nhì là về từ ngữ, hình thành một từ ngữ, một địa danh, coi vậy mà từ đại chúng (những người bình dân) hơn là nơi những người trí thức, bởi thế mà từ Chà Và, Ma Ní mới phổ biến cả trong đám trẻ con. Người bình dân có lẽ cũng không rành rẽ lắm về ý nghĩa nguồn gốc tượng thờ, họ cứ thấy hình dạng Nam thì gọi là Ông, Nữ thì gọi là Bà...
    Ở Saigon lâu năm chắc ai cũng biết mấy ngôi "chùa Chà" bạn vừa kể, và mấy món ăn mà bạn đã nói... :-)))

    Trả lờiXóa
  15. Hihi, hát để chọc mấy "người Chà" rượt chạy chơi ha chị Phụng?

    Trả lờiXóa
  16. Đúng như chị Mai đã nói, tuy nhiên người Ấn chủ yếu theo 2 tôn giáo, một là đạo Hồi thì không ăn thịt heo, hai là đạo Bà La Môn, hay Hindu (Ấn giáo) thì lại kiêng thịt bò...

    Trả lờiXóa
  17. Ở miền Bắc hồi trước 1975, cứ thấy người châu Âu thfi dân gọi là Liên Xô, đến nỗi người Thụy Điển đến giúp VN xây Bệnh viện Nhi, xây Nhà máy giấy Bãi bằng cứ tiếp xúc với dân lại xua tay nói: Không phải Liên Xô, không phải Liên Xô... Hii.
    Hay tàn dư khác hiện vẫn còn là gọi tất cả người nước ngoài cao lớn là Tây, ví dụ Tây ba lô...
    Chùa Ấn độ dân gọi là Chùa Tây đen, hiện được phục hồi sinh hoạt ở phố Hàng Lược.

    Trả lờiXóa
  18. Một cái lý giải của Toro hợp với cái suy nghĩ đại chúng, có vẻ như không liên quan gì đến Chà Và Ma Ní, nhưng lại rất "có cơ sở" giải thích. Ở Saigon cũng thế, người trí thức có thể phân biệt rõ Âu, Mỹ (đối với dân mũi lõ, da trắng...), thì giới bình dân chỉ ngắn gọn là "Tây"... Hì hì!

    Trả lờiXóa
  19. @torovn, "Chùa Ấn độ dân gọi là Chùa Tây đen, hiện được phục hồi sinh hoạt ở phố Hàng Lược.", Toro nhắc đến từ "Tây đen" tôi mới nhớ, hồi còn nhỏ ở Saigon cũng hay nghe nói đến từ Tây đen, hoặc Ma Rốc, Tây Ma Rốc, đám này cũng đen thui nhưng thuộc "Tây", chỉ chung đám người có nguồn gốc Pháp, Ma Rốc, Sé negal, Algeri... Có lẽ tên gọi từ thời lính đánh thuê Lê Dương Pháp...

    Trả lờiXóa
  20. Toi co anh ban " an do " ....ho hay an carry thit cuu hay de lam ...mà mon carry cua ho rat dac khong co sauce nhieu nhu nguoi nam minh thuong nau ....an la mieng cung ngon nhung cay oi là cay !

    Trả lờiXóa
  21. Đúng rồi chị Phụng, người Ấn hay ăn thịt dê hay cừu, vì họ không ăn bò hay heo, món cà ri của họ không có nhiều sauce chắc tại họ "ăn bốc" chứ không dùng muỗng nĩa, ăn cà ri của họ là cay xé lưỡi luôn, người Ấn cũng thường dùng gia vị nhiều.

    Trả lờiXóa
  22. @just1how2tango, "Dĩ nhiên khi nói đến Cụ Vương Hồng Sển, không ai dám phê bình hay nghi ngờ tiếng nói của Cụ.". Vậy mà cụ Vương cũng có khi viết trong sách sai đấy, chẳng hạn có lần trong một cuốn sách của cụ có giải thích từ "Cám xú" là dành cho những vong hồn ăn trước khi đi đầu thai, để quên hết mọi chuyện dưới diêm phủ... Thực ra cụ nhầm với chữ "Cháo lú", còn "cám xú" là cám heo ăn, dân miền Nam còn có cái từ để chửi "mày ăn cám xú hay sao mà ngu quá vậy".
    Nhầm lẫn trong từ ngữ cũng là bình thường, kể cả cỡ như cụ Vương.

    Trả lờiXóa
  23. Chà và đúng là phiên âm từ Java . Java phiên âm theo tiếng Hán là Trảo Oa , là tên gọi quốc gia cổ đại , ngày nay là Indonesia , có nhiều quan hệ buôn bán , giao lưu với các nước trong khu vực , đặc biệt với VN thời xưa . Trong thư tịch cổ VN , Trảo Oa còn được viết là Qua Oa , Chava .
    Tên Java cũng chính do người Ấn Độ đặt và người Java cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ . Người Việt mình không những gọi người Java , người Ấn Độ là Chà và , mà cả những người Chăm cũng được gọi là Chà và luôn .... có lẽ vì nền văn hóa của họ giống nhau ( ngôn ngữ là tiếng Phạn , đa số theo Hồi giáo , và ăn bốc ....)
    Tiếng " Chà" có nghĩa là " thằng " , là cách gọi của người lớn hơn , thí dụ : ê, chà Tý , có nghĩa là : ê , thằng Tý ....

    Trả lờiXóa
  24. em nhớ hồi đó có bài hát điệu chachacha rộn ràng , mà lời Việt chế lại nghe buồn cười :
    Chachacha , Ma ní lấy chồng Chà và
    Buông tôi ra , tôi nói tôi già rồi mà
    Tôi không buông , tôi nói tôi già bằng bà
    Buông tôi ra , tôi nói có chồng rồi mà
    Tôi không buông , tôi nói tôi chồng bà nè .....

    Đó là bài Rico Vacilon , nghe cho vui nha anh :))

    Trả lờiXóa
  25. Cầu Chà và xưa nối liền Q5 và Q8.

    Cám ơn bạn P. đã cho biết thêm những thông tin, chẳng hạn Java là phiên âm tiếng Hán là Trảo Oa là tên quốc gia cổ đại của Indonesia, và trong thư tịch cổ VN còn được viết là Qua Oa, Chava. Tôi cũng thử tìm kiếm trong sách, trong mấy quyển từ điển Hán Việt tôi có, kể cả từ điển chữ Nôm, và trên mạng nhưng không tìm ra được thông tin này.
    Chỉ thấy trên Wikipedia có nói về nước Indonesia thì gốc của từ Indonesia là từ tiếng Latin Indus có nghĩa là "Ấn Độ" và từ nesos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "Hòn đảo".
    Riêng từ Chà Và thì mấy quyển từ điển tiếng Việt tôi có cũng chẳng thấy quyển nào nói đến.
    Còn từ Chà Và thì đại đa số sách vở đều chỉ giải thích là người Ấn Độ mà thôi. Người Chăm, còn gọi là Chămpa, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Hời... Người Chăm là người có nguồn gốc ở vùng Nam Đảo (vùng quần đảo Java) đến dải đất miền Trung VN khoảng thế kỷ thứ 2 trước CN, là người Đông Nam Á, có nước da, khuôn mặt giống người Miên, Thái Lan, hoặc Indonesia... ở VN chưa bao giờ tôi nghe người Chăm được gọi là Chà Và cả...

    Trả lờiXóa
  26. Chachacha, Ma ní lấy chồng Chà dà (và), hihi, cám ơn bài hát, và nhắc lại câu hát thuở nhỏ.

    Trả lờiXóa
  27. @Các bạn, tôi đã bỏ thời giờ đọc lại hết quyển Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức theo bản dịch đã nói bên trên, trong sách có nhiều trang nói đến từ Chà Và, 13 trang từ Chà Và nói về người, 4 trang nói về địa danh (cù lao, sông...) ở Gia Định (miền Nam ngày trước). Trong đó đáng chú ý đến câu ở trang 143 "người Cao Miên, người Chà Và (phàm 36 cảng ở Mân Lạt Da (Malucca) gọi là hải đảo".
    Tôi lên mạng tra thử từ Malucca thì thấy Wikipedia giải thích Molucca (Mo chứ không phải Ma), là vùng đảo thuộc Indonesia. Như vậy đã rõ, ngày xưa từ Chà Và được gọi người ở vùng Java Đông Nam Á chứ không phải để chỉ người Ấn Độ, sau này từ Chà Và mới được dùng ở Saigon để chỉ người Ấn Độ...
    Cám ơn tất cả các bạn bè đã quan tâm chia sẻ... :-)))

    Trả lờiXóa