PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Sách.

Việt Nam Tự Điển của Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức soạn (hình 1, 2, 3).



Thỉnh thoảng tôi có viết về sách và đọc sách, vì với tôi đây là một thói quen từ thuở bé trong gia đình, một thói quen chắc chắn khi nào còn có thể đọc được chữ tôi sẽ vẫn còn giữ không thể bỏ. Cùng với thói quen đọc sách thì cách tốt nhất để có sách đọc là mua sách, thời còn là học sinh tôi đã mua sách, dĩ nhiên lúc ấy chẳng có tiền nhiều để mà mua sách, thỉnh thoảng chỉ mua những quyển sách nào mà mình thích hoặc cần lắm. Ở một vài entry trước tôi cũng đã nói những ngày trước năm 1975, chủ yếu là khoảng thời gian từ năm 1971 đến tháng 4 năm 1975 tôi xa nhà (xa Sài Gòn) tôi đã mua khá nhiều sách, đủ loại, sách văn học, sách học chữ Nho, sách khảo cứu, sách về Phật giáo...

Nhưng cho đến năm 1975 (sau 30 tháng 4), thì tất cả sách vở của tôi có được đều bị chung một số phận của... sách (một giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ) là bị tịch thu sạch với "chủ đề" xóa "văn hóa phẩm đồi trụy". Thật sự là tôi không trách gì thảm trạng đó, vì đó là "cái nạn" chung của tình hình "hỗn quân hỗn quan" lúc bấy giờ. Thật ra thì tôi cũng vẫn còn giữ lại được mươi lăm quyển ít ỏi, đó là những sách như tự điển Việt Nam, Hán - Việt, Pháp - Việt, hoặc Anh - Việt, và một vài quyển sách về Phật giáo, Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách, sách học chữ Nho...

                   Quyển Nho Văn - Giáo khoa toàn thư in tại Sài Gòn năm 1970.

                                   Bảng tra chữ Nôm - in tại Hà Nội Năm 1976.

Chủ nhật vừa rồi về thăm ông cụ tôi, lục lại đám sách cũ trên kệ sách tình cờ tôi đã tìm lại được mấy quyển sách rất hay, không những ở nội dung của sách, mà còn vì đây là những quyển sách một thời tôi đã mua được... Quyển sách đầu tiên tôi muốn nói đến là quyển Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, quyển sách này do Phạm Quỳnh và một nhóm học học giả miền Bắc soạn phát hành vào năm 1931 tại Hà Nội, như trang đầu tiên của tự điển có in phía dưới: (HaNoi - Ấn quán Trung-Bắc Tân-Văn 1931)

                                                           HANOI
                                      Imprimerie Trung-Bac Tân-Van
                                                             1931

Theo sách vở chép thì quyển Việt Nam Tự Điển của nhóm Khai Trí Tiến Đức được in ấn trên "nền" của quyển tự điển "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, tuy nhiên Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ngoài phần chữ quốc ngữ, còn phần ghi chú bằng chữ Nôm và chữ Hán, trong khi quyển Việt Nam Tự Điển của nhà Khai Trí Tiến Đức chỉ có phần ghi chú bằng chữ Hán, đối với những từ ngữ âm Hán Việt, còn từ "Nôm" thì chỉ ghi bằng chữ quốc ngữ, không có phần chú thích bằng chữ Nôm. Quyển sách Việt Nam Tự Điển được in lại tại Sài Gòn vào năm 1968, và tôi đã mua tại Sài Gòn vào khoảng năm 1972 hoặc 1973 trong một lần về phép, vậy là đã ngót bốn mươi năm. Ngoài trang đầu còn chữ ký bằng bút chì của tôi, tên ký lúc bấy giờ, và cả chữ Phạm Ngọc Hiệp viết bằng chữ Nho, nhưng không hiểu sao tôi lại không ghi ngày tháng năm... Đây là một quyển Tự điển Việt Nam  rất hay, trong quyển sách này có giải nghĩa được những từ ngữ cổ mà Tự điển tiếng Việt bây giờ không có...

Quyển thứ hai là quyển Nho Văn Giáo Khoa Toàn Thư, của Giáo sư Nguyễn Văn Ba - Việt Nam Văn Hiến tái bản lần thứ 3 tại Sài Gòn năm 1970, tôi cũng đã mua cùng với quyển Việt Nam Tự Điển của nhà Khai Trí Tiến Đức...

Quyển thứ ba là quyển Bảng Tra Chữ Nôm, quyển này của Viện Ngôn Ngữ Học - Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội - Hà Nội xuất bản năm 1976 tại Hà Nội, và tôi cũng mua ở Sài Gòn vào năm đó (1976), trên quyển sách còn chữ ký và ghi cả năm mua, quyển sách này là một loại Tự vị về chữ Nôm...

Tìm lại được những quyển sách này tựa như tôi đã gặp lại được những bạn bè thân thiết sau mấy mươi năm...

6 nhận xét:

  1. Hihi, đúng vậy, không hiểu sao đã nhiều lần tôi lục lọi mà tự nhiên bây giờ mới gặp, đúng là "cái duyên" (((-:

    Trả lờiXóa
  2. Ồ, khi còn rất trẻ, trong thời loạn lạc anh H đã có gu, chọn mua những cuốn sách rất quý và có giá trị. Lẽ ra, anh phải trở thành nhà nghiên cứu mới đúng số. Tiếc rằng chiến tranh đã khiến cho anh rẽ sang lối khác...

    Trả lờiXóa
  3. Tự học chữ Nho từ lúc còn đi học phổ thông cho nên về Việt văn tôi cũng không đến nỗi dở, mười tám hai mươi đã... nghiền ngẫm Chiến quốc sách với Phật giáo cho nên bây giờ nó... ẩm ương thế, hihi!

    Trả lờiXóa
  4. Mình cũng mê đọc sách, đủ loại, nhưng những loại sách như bác Hiệp đọc đây thì ít khi đọc hết. Vậy mà cũng ...ẩm ương lắm lắm đó.

    Trả lờiXóa
  5. Tóm lại ai mê đọc sách cũng... ẩm ương hết, hì hì!

    Trả lờiXóa