PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Tục lệ.



Hồi này chẳng hiểu sao mà tôi có dịp tham gia đủ mọi thứ lễ lạt, mấy cái đám cưới, mấy cái đám giỗ, đám ma, đầy tháng, thôi nôi..., đám chia tay về hưu, kể cả mừng người từ ngoại quốc về, điện thoại báo tin không quên nhắn nhủ, mấy hôm nữa rảnh rảnh sẽ hú cà phê, và không quên một chầu nhậu... bờ kênh Nhiêu Lộc nữa nhé! Ôi thôi đủ mọi thứ đám, chỉ nội cái phải có mặt, tay bắt mặt mừng, ăn uống, cười nói... cũng phát... bịnh... Ấy cũng là do cái tục lệ xứ mình, gì cũng là lý do để lễ hội, để chén chú chén anh, nói theo như biện bạch của mấy ông nhậu là "vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu...", hôm nọ trong buổi tiệc chia tay mấy đồng nghiệp đến tuổi về hưu tại cơ quan có nghe một cô bạn đồng nghiệp nói "những người hay nhậu là con Ngọc hoàng". Aha, thế thì dân tộc Việt Nam mình bây giờ đa số là con Ngọc hoàng* mất rồi, mà cái ông Ngọc hoàng hình như có nguồn gốc từ bên Tàu thì phải?

Trong bài đề tựa của cụ Phan Kế Bính nơi quyển sách Việt Nam phong tục do cụ viết đã xa xưa, có chép như thế này: "An nam ta kể từ lúc có nước đến giờ thì đã ngoại bốn ngàn năm. Xong về đời Hồng Bàng thì còn là một nước tối cổ, tục khi đó hẳn cũng như Mường Mán bây giờ. Kế đến hồi Tàu sang cai trị, thì những văn minh của Tàu mới dần dần truyền bá sang nước ta. Bấy giờ ta mới có học hành, có giáo hóa, thì phong tục ta cũng mở mang thêm ra ít nhiều. Từ đời Ngô Quyền gây nền độc lập, rồi đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, cho chí Nguyễn triều ta, nước ta đã thành ra nước tự chủ; mà trong cách chính trị, cách giáo dục, điều gì cũng là noi theo của Tàu, cho nên phong tục ta bây giờ, phần nhiều do ở Tàu mà ra cả." Mà cụ Phan nói đúng thật, cứ thử nhìn những ngày lễ lạt nơi xứ mình thì rõ, từ tết Nguyên đán dịp đầu năm, cho đến Nguyên tiêu, Thanh minh, Hàn thực, Giết sâu bọ, Trung nguyên (rằm tháng bảy), Trung thu, Táo quân, Thần tài, Thổ địa... nhất nhất đều noi theo người Tàu... Nhưng mà lâu năm lâu ngày, qua bao nhiêu thế hệ, cũng đã trở thành lễ lạt của người mình...

Sách Việt Nam phong tục có chép "Tục ta hỏi thăm đẻ con trai hay con gái, người có chữ thường nói lộng chương hay lộng ngõa, (nghĩa là chơi ngọc hay chơi ngói). Điển ấy do ở Kinh Thi: sinh con trai thì quý hóa mà cho chơi bằng hạt ngọc, sinh con gái thì khinh bỉ mà cho chơi bằng hòn ngói. Lại có người hỏi huyền hồ hay huyền cân (nghĩa là treo cung hay là treo khăn mặt). Điển ấy cũng do tục Tàu: đẻ con trai treo cái cung ngoài cửa, mà đẻ con gái treo cái khăn mặt. Ta dùng điển mà hỏi thăm chứ không có tục ấy."

Rồi khi đầy một năm thì có tục gọi là Thử con - Sách cũng chép "Tàu có tục để con đầy một năm thì làm một tiệc thử con. Hôm ấy tắm rửa cho con sạch sẽ, mặc quần áo mới, con trai thì bày đồ cung tên, bút giấy; con gái thì bày đồ kim, chỉ, dao, kéo. Lại bày những đồ chơi quý báu ở trước mặt đứa trẻ để nghiệm xem nó tham liêm ngu trí làm sao, chữ gọi là việc thí nhí (thử trẻ). Các nhà đại gia ở ta cũng theo dùng tục ấy, nhưng chỉ bày ít món đồ ấn triện, cung tên, bút mực, cày bừa, gọi là trong bốn món văn, vũ, canh, độc, để nghiệm đứa trẻ mai sau làm gì thôi." Hôm trước đi ăn đám thôi nôi như thế, đứa trẻ cũng được bày một cái khay trước mặt, trong đó có bánh kẹo, bút viết, quyển tập, đồ chơi, cả một cái kềm nhỏ nhỏ, thời buổi văn minh thêm cái điện thoại di động... Đứa bé bốc ngay cái điện thoại di động toét miệng cười, thế là bố mẹ ông bà vui sướng, aa, mai sau cu tí ắt hẳn làm giám đốc...

Hai chủ nhật liền kề tôi phải đi ăn 2 cái đám cưới bà con ở Biên Hòa, một cái đám cưới ăn ở nhà bị tra tấn bằng âm thanh như tôi đã kể, đám cưới sau ăn ở nhà hàng xịn tên Tây Mỹ Golden... gì đó đàng hoàng, không có cảnh ca sỹ chạy sô lên hát vội vàng hai ba bản nhạc rồi dọt lẹ, mà là 2 cây vĩ cầm, saxo, organ, trống điện tử... chơi nhạc nhẹ khá hay... chú rể kêu tôi bằng chú (đám cưới trước kêu bằng ông). Tôi có bà con với bên nhà trai bấy lâu nay định cư bên Mỹ về cưới vợ cho con trai, bên cô dâu ở Biên Hòa bố mẹ là chủ tiệm vàng, nói chung là "môn đăng hộ đối". Trong thiệp nhà trai mời ghi 12 giờ nhập tiệc, cho nên từ Saigon 10 giờ tôi khởi hành, 11 giờ 15 là đến nhà hàng, và ngồi chờ từ đó cho đến 1 giờ 30 trưa mới làm lễ, và gần 2 giờ mới cầm đũa, đói meo. Tuy khách khứa đã thấy khá đông, nhưng nhìn quanh thấy bàn tiệc phía bên nhà trai vẫn còn trống đến cả gần 10 bàn, hỏi ra mới biết bố mẹ chú rể (tôi gọi là anh chị) theo lệ nước ngoài đã mời thì đều đặt bàn, chẳng hạn ghi trong thiệp mời gia đình... là đã tính đủ gia đình đó bao nhiêu người, bất kể ở xa hay gần, trong khi khách khứa đến thường chỉ đi một hoặc như gia đình tôi là 2 người, bàn ăn dư quá chừng là thế. Còn giờ giấc cũng thế, quen kiểu ngoại quốc mời 12 giờ là đúng 12 giờ nhập tiệc, không dè ở Việt Nam có lệ theo giờ... dây thun, 12 giờ mới lèo tèo có vài người...

Tục lệ, hay phong tục tập quán là cái thói quen khó bỏ, biết làm sao được...


26 nhận xét:

  1. Dù sao thì, có vui thì mới đi, không vui thì đi làm gì ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Đến... một tuổi nào đó lại không phải như thế đâu bạn Tử ơi, có những cái mình "buộc" phải đi dù muốn hay không, vui hay không vui, nghe ra có lẽ nghịch lý hay vô lý, nhưng đúng là như thế.

    Trả lờiXóa
  3. Chẳng cứ phải đến một tuổi nào đó.
    Tuổi nào cũng vậy.
    Trừ cái tuổi con nít chả biết lo là gì.

    Trả lờiXóa
  4. Hihi, vậy thì bạn biết ấy chứ.

    Trả lờiXóa
  5. Em khác anh, em không thích thì không đi.
    Chưa lúc nào em phải gò ép mình để đi cho tròn tục lệ cả.

    Trả lờiXóa
  6. Mỗi người khác nhau ở chỗ ấy, người theo ý mình, người theo tục lệ.

    Trả lờiXóa
  7. Vui, coi nhu tuc Thu con noi len uoc mo cua bo me voi con tre . Boc DTDĐ lai noi lam giam doc. That ra may tay co , co nha ,co dat xai ĐTDĐ nhieu lam do

    Trả lờiXóa
  8. Vâng, đúng là có những tục lệ trở thành lễ nghĩa khó mà bỏ qua hoặc từ chối khi được mời cho dù mình không thích. Gió đặc biệt chẳng thích đi dự đám cưới nhưng có đám thì gửi được có đám thì buộc phải đi.... Càng già thì hình như người ta lại dễ chấp nhận những tập tục hơn anh H nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  9. Bu vào nam tưởng thoát được họa tục lệ, hóa ra còn tai hại hơn. Bọn con cháu ngoài Huế hỏi cưới.....mời. Mỗi đứa mời hai lần (hỏi va cưới) quà tặng vé tàu bay khứ hồi... Lương hưu hai người cũng chỉ đủ cho một người đi. Huế quê vợ nên "ưu tiên" cho bà xã ...Đấy là chưa nói họa ngoài Quảng Bình ...hihihi.

    Trả lờiXóa
  10. Hì hì, bây giờ sim rác khuyến mãi tràn lan đến cả bà... bán ve chai cũng có mấy cái ĐTDĐ (((-:

    Trả lờiXóa
  11. Đúng là càng dễ chấp nhận, nó cũng có nguyên do cả, lúc trẻ mình chỉ chịu trách nhiệm với bản thân, bây giờ như tôi trong quan hệ họ hàng chẳng hạn, mình phải đại diện cho bố mẹ, gia đình mà đi, có khi để trả lại lễ nghĩa... Sống trong xã hội chứ không phải... ỏ rừng thì mình phải chấp nhận thế, phải không bạn Gió?

    Trả lờiXóa
  12. Chẳng lẽ lại trở thành Mường Mán như ngày xưa? Mà Mường Mán cũng có những tập tục riêng của họ đó anh Hiệp ơi!

    Nên sống trong một xã hội, ta phải tuân thủ những qui ước của xã hội như thế mới có tính cộng đồng chứ.

    Nếu có ai mời M đi đám cưới, đám đầy tháng, thôi nôi.., ngoại trừ những đám... có tính cách thương mại thì M không nói đến, còn lại thì M rất vui lòng đến để chia vui với gia đình của người bạn đó đó anh Hiệp ơi! Đôi khi ta vất vả tí, nhưng vui khi gặp mặt nhau mà.

    Trả lờiXóa
  13. Người miền Nam nhất là ở quê họ còn giữ tục lệ lễ nghĩa dữ nữa đó bác Bu, đám cưới đám giỗ họ đã mời mà mình không đi họ giận chết, lương hưu hai bác dồn cho một người để đi là cũng ngon rồi, hì hì!

    Trả lờiXóa
  14. Hì hì, chị M. sống như vậy là hay quá, người Á Đông mình cốt ở tình làng nghĩa xóm, mà đúng gặp mặt bà con anh em xa gần cũng vui chứ.

    Trả lờiXóa
  15. Thiệt tình mà nói, có lẽ nhà em hồi xưa tối ngày chỉ biết lo chạy giặc để giữ mạng sống nên việc cưới xin, giổ quảy ở nhà em luôn làm rất giản đơn, vì vậy em không rành về tục lệ và cũng không thích bị ràng buộc vào tục lệ, bởi tục lệ luôn làm em thấy bó buộc mệt mỏi lắm. Chuyện cưới xin của Cốm sau này em cũng để cho Cốm tự quyết thôi, em chỉ cần thấy con gái em vui và hạnh phúc là đủ rồi, bày vẻ ra nhiều thì thêm rắc rối thôi.
    Mai mốt Cốm mà đám cưới thì em sẽ mời anh Hiệp và các chị ngồi xa sân khấu chút há, để em còn chạy xuống tám cho vui nữa chứ. :)))))

    Trả lờiXóa
  16. Đám cưới dư nhiều cỗ hóa ra mất vui anh H nhỉ. Gia đình ở nước ngoài về, thiếu người tư vấn nên mới vỡ kế hoạch như thế. Nghe nói đám cưới trong đó chậm hàng mấy giờ ngại. Ngoài này tiệc cưới không kéo dài quá hai giờ, "đánh nhanh rút gọn" nên khách ở trong Nam ra thì thấy hơi hẫng...

    Trả lờiXóa
  17. Theo tôi biết thì đám cưới ở quê rất đúng giờ,chứ không như giờ dây thun ở thành phố,thế mà sao đám cưới này trể quá vậy,nhất là người ở nước ngoài lại càng đúng giờ giấc hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  18. @lanvuive, Lúc đó cũng có khi phải xin cô Lan ngồi gần gần sân khấu để coi cho rõ cô dâu chú rể đó, hihi!

    Trả lờiXóa
  19. Cái kiểu đám cưới Saigon nó thế, tôi đi đám cưới người Hoa cũng vậy, giờ giấc rất "vô thường" :-))

    Trả lờiXóa
  20. Thỉnh thoảng tôi cũng có đi đám cưới ở quê, thường giờ giấc làm lễ (lễ gia tiên, đưa đón dâu...) thì đúng giờ, vì đã coi giờ, có khi là vì phải theo "con nước" cho ghe thuyền đi được, còn lúc ăn uống thì nhiều khi ôi thôi, ai đến cứ đủ bàn là ngồi vào ăn, nhất là làm ở nhà thì từ sáng tới chiều luôn.
    Vì người sống lâu năm ở nước ngoài nên mới nghĩ 12 giờ ăn, ai dè 12 giờ người ta mới... ở nhà đi, cái lệ của người mình nó thế.

    Trả lờiXóa
  21. vợ chồng em có khi phải chia nhau chạy show trong một ngày , vợ đi đám này , chồng đi đám khác ....
    người ta nói phú quý sinh lễ nghĩa mà anh , nhớ hồi một vài năm sau 75 , nhà có đám tang còn phải xin phép chính quyền ....em có người bạn ở Bắc , hắn nói ngoài đó đám tang chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ là đem chôn , không kéo dài nhiều ngày như trong mình ....
    còn đám cưới em đi dự nhiều lần , thông thường là mời 6 giờ , thì khoảng 7 giờ bắt đầu , sau đó ăn uống và văn nghệ văn gừng cũng chỉ 2 giờ nữa là xong :)

    Trả lờiXóa
  22. @nguoidan, hihi, cuối năm đám cưới vào mùa là chạy sô mệt nghỉ ha. Thông thường là thế, đám cưới buổi chiều là 5g hay 5g30 đón khách, gọi là mời 6g nhưng cũng có những đám 7g30 mới làm lễ tại sân khấu, thêm màn ca múa mở màn nữa là cũng hết 20 phút, thường khách về tới nhà cũng gần 10 giờ đêm.

    Trả lờiXóa
  23. Mình bên nhà trai thoải mái anh nhỉ ! ...:)

    Trả lờiXóa
  24. Hihi, đúng thế vuonghung, chắc vuonghung thường xuyên có mặt làm nhiệm vụ tại đám cưới nên rành lắm :-))

    Trả lờiXóa
  25. Trời! dư gần 10 bàn, nội tính đường biếu cho họ hàng sau cưới cũng đủ mệt.
    Còn chuyện đi đám cưới xài đồng hồ...dây thun ở SG, coi bộ khó thay đổi lắm á bác :)

    Trả lờiXóa
  26. Nghe nói số dư nhà hàng nhận trả một nửa tiền, cũng phí.
    Giờ VN nó thế rồi, không sửa nỏi, hì hì!

    Trả lờiXóa