PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Ký ức thành phố.

                               Đền Hùng trong công viên Tao Đàn (Ảnh Intrenet)

Trong entry trước, bạn Just1how2tango có hỏi Lịch sử và tên gọi của "Vườn Ông Thượng" (Vườn Tao Đàn bây giờ)? Một câu hỏi khá hay tuy không dễ có câu trả lời thấu đáo, bằng trí nhớ, những tài liệu có trong tay và những thông tin trên mạng, tôi thử nói về một tên gọi, một địa danh mà hầu như ai đã từng ở Sài Gòn cũng đều biết.

Vườn Tao Đàn như người dân Sài gòn hay gọi, là một vườn hoa, một công viên đã có từ rất lâu đời ở đất Bến Nghé - Gia Định, từ thời Pháp thuộc, đây là một khu đất rộng lớn nguyên thuộc dinh Toàn quyền được tách ra mà thành. Lich sử của vườn Tao Đàn được sơ lược như sau:

Thoạt tiên khi xây dựng con đường Miss Clavell (có sách chép là Miss Cauwel) vào năm 1869 (phía sau dinh Toàn quyền nay là đường Huyền Trân Công Chúa), tách dinh Toàn quyền và lập phần tách khỏi dinh Toàn quyền thành khu vườn chính thức mang tên "Jardin de la ville" (vườn hoa, công viên của thành phố). Tên chính thức là thế, nhưng người dân Sài Gòn thời bấy giờ lại gọi là "Vườn Bờ Rô", "Vườn Ông Thượng". Sau khi người Pháp rút, dinh Toàn quyền trở thành Phủ Tổng Thống, "Jardin de la ville" được đổi tên thành "Vườn Tao Đàn" (như các bạn đã biết, Tao Đàn là tên gọi của Hội thơ ca xướng họa cung đình "Tao Đàn nhị thập bát tú", do vua Lê Thánh Tông sáng lập năm 1495). Sau năm 1975 thì "Vườn Tao Đàn" được đổi tên thành "Công viên Văn hóa" cho đến ngày nay, nhưng người dân Sài Gòn vẫn quen gọi là "Vườn Tao Đàn".

Ở đây chúng ta đã thấy ngoài những tên chính thức của từng thời kỳ, như "Jardin de la ville" (thời Pháp), "Vườn Tao Đàn" (thời chính quyền miền Nam trước năm 1975), và "Công viên Văn hóa" (thời đất nước thống nhất sau năm 1975), còn những tên gọi trong dân chúng như "Vườn Bờ Rô", "Vườn Ông Thượng" nay hầu như không còn dùng... Trong quyển Sài Gòn năm xưa của học giả Vương Hồng Sển, và một số sách vở, tài liệu khác có lý giải:

Trước hết về danh từ "Bờ Rô", một cái tên rõ ràng là phiên âm từ tiếng Tây cũng không ai hay tài liệu nào khẳng định được điển tích rành rẽ, có người cắt nghĩa xưa chỗ ấy có làm một cái "préau" (sân chơi trường học hay tu viện), hoặc "bureau" (văn phòng) gì đó, dân ta dựa theo thành "Bờ Rô". Riêng theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại, thì "Bờ Rô" có lẽ do "Moreau" là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt trông nom khu vườn... Đại khái tên "Bờ Rô" được diễn giải như thế.

   Cổng của Lăng Ông, phía trên có ghi chữ Nho "Thượng Công Miếu" (Ảnh Internet)

Nhưng còn tên "Vườn Ông Thượng" bắt nguồn do đâu? Như chúng ta đã biết đất Sài Gòn xưa là đất cố cựu thuộc Gia Định Thành, mà hai lần Tả quân Lê Văn Duyệt đã được triều Nguyễn bổ làm Tổng Trấn. Dân chúng khi xưa tỏ lòng kính trọng thường gọi Tả quân là "Ông Lớn" (Thượng Công), nay còn ghi trên Lăng Ông ở miệt Bà Chiểu là "Thượng Công Miếu" (cũng như Linh mục Bá Đa Lộc được gọi là "Cha Cả"). Nhưng Lăng Ông ở tuốt bên Bà Chiểu có liên quan gì đến "Vườn Bờ Rô" ngay trung tâm thành phố? Cũng theo cụ Vương trong Sài Gòn năm xưa, và một vài quyển sách khác có chép: Dinh Tả quân, truy ra thì ở gần nhà Linh Mục Bá Đa Lộc và gần Bộ Ngoại giao hiện thời đường Alexandre Rhodes, (trước năm 75, nay là Sở Ngoại vụ) chạy dài ra sau dinh Tổng Thống (vì thế cho nên cái hoa viên Tao Đàn, xưa tách ra còn mang tên riêng là "Vườn Ông Thượng"). Còn tư dinh của Tả quân phu nhơn (tộc danh: Đỗ Thị Phẫn) thì lọt trong vòng rào dinh Tổng Thống hiện thời. Sách vở, tài liệu khác cũng có chép, là người thích hát bội, Tả quân cũng cho lập bên dinh của phu nhơn một vườn hoa và một nhà hát, vườn hoa này dân chúng gọi là "Vườn hoa Ông Thượng", sau này có "Vườn Bờ Rô" kế bên, cho nên người dân cũng lấy luôn tên "Vườn hoa ông Thượng", gọi tắt thành "Vườn Ông Thượng" để gọi "Vườn Bờ Rô"...

Ai ở Sài Gòn lâu năm cũng biết, phía bên đường Cách Mạng Tháng 8 bây giờ chạy bên hông Vườn Tao Đàn, trước năm 1975 là đường Lê Văn Duyệt, đường này được đặt từ ngày 22-3-1955 bởi chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Có lẽ cũng bởi cái tên "Vườn Ông Thượng" chăng? (như đã nói, Ông Thượng là để gọi Tả quân Lê Văn Duyệt).

Như vậy tên "Vườn Ông Thượng" "Vườn Bờ Rô" có lẽ đã có từ rất lâu đời, sau có tên "Vườn Tao Đàn" cho nên ít người còn dùng đến. Tôi nhớ vào khoảng những năm giữa thập niên 60 khi còn học Trung học đệ nhất cấp ở trường Trung học Nguyễn Bá Tòng (nay là trường Bùi Thị Xuân), là trường của mấy ông Cha TCG, tôi học buổi chiều thì trong tuần có một buổi chiều được về sớm (hình như là chiều thứ năm), những học sinh TCG phải ở lại học Giáo lý, đám học trò tụi tôi thường trốn học giáo lý rủ nhau ra "Vườn Ông Thượng" xem đá banh. Đó là sân bóng đá ở phía bên đường Huyền Trân Công Chúa, một sân bóng hiện đại của Đô thành Sài Gòn lúc bấy giờ, nơi đó đội bóng đá kỳ cựu "Ngôi Sao Gia Định" từng một thời làm mưa làm gió...

Tham khảo:
- Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP HCM xuất bản năm 1997.
-Đường phố nội thành TP HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi cục bản đố và khảo sát xây dựng TP HCM, và NXB TP HCM xuất bản năm 1994. 

48 nhận xét:

  1. Bạn đúng là thổ công Sài Gòn rồi,
    Nhiều địa danh mà cỡ Vương Hồng Sển, cụ Sơn Nam còn giải thích chưa ra thì sau này con cháu càng mù tịt

    Bu tui đi cà phê chim mấy lần mà vẫn không nhớ tên đường, đúng là anh nhà quê ra phố

    Trả lờiXóa
  2. em coi ở đây có một đoạn nói về công viên Tao Đàn :
    Sau lưng dinh Đôc Lập nay là Hội trường Thống Nhất là công viên Tao Đàn, người xưa gọi là vườn ông Thượng (đức Thượng công Lê Văn Duyệt, có người cho là toàn quyền Maurice Long-không đúng) hay là vườn Bồ Rô. Ngày xưa cả dinh và vườn nằm trong khuôn viên dinh Toàn Quyền. Năm 1869 người Pháp cho xây con đường Miss Clavell (đường Huyền Trân Công Chúa) tách khu vườn khỏi Dinh. Ba mặt còn lại là rue Chasseloup-Laubat (trước 75 là Hồng Thập Tự... về phía bắc, rue Verdun (Trần Cao Vân) về phía tây, và rue Taberd ( Nguyển Du) về phía nam. Người Pháp gọi khu vườn là “Jardin de la Ville” hay Jardin Maurice Long (toàn quyền Pháp)

    Trong khuôn viên vườn có khu Câu lạc bộ Thể thao (Cercle Sportif Saigonais) năm 1902 gồm sân đá banh (túc cầu hay bóng đá), hồ bơi, và sân quần vợt. Sân đá banh đó lúc bấy giờ là sân duy nhất đủ tiêu chuẩn đón những đội banh ngoại quốc đến, người viết đã có dịp xem trận đá đèn giữa đội AJS Saigon và đội banh người Áo (Austria) , lâu quá không còn nhớ đến kết quả nhưng kỹ niệm này vẩn hằng sâu trong tâm tưởng.
    Link : http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php?t=3200&page=76

    Trả lờiXóa
  3. Vườn Tao Đàn hay tuyệt rồi còn đổi sang CV Văn hóa là gì cho nó sáo thế bác H?
    Ở HN cũng có Vườn hoa Tao Đàn nhưng nhỏ xíu, là tam giác của đường Lê Thành Tông gặp Lý Thường Kiệt, xưa có cái bồn hoa như cái bục ở giữa rất đẹp, bây giờ thay vào đó là tượng, nhưng không phải tượng Tao đàn nguyên soái Lê Thánh Tông mà tượng ông Hô xê Mắc ti bên Cu... Chả hiểu thế nào...

    Trả lờiXóa
  4. Sống hơn nửa thế kỷ ở Sài gòn và cũng nhờ sách vở nên cũng biết được đôi điều đó bác Bu.
    Cổng phía bên cafe chim Tao Đàn là đường CMT 8, trước năm 75 là đường Lê Văn Duyệt.

    Trả lờiXóa
  5. anh Cu Hiep ngày xưa cúp cua vô Vườn Tao Đàn nè ( đường Trương Công Định băng qua Tao Đàn 1967 )

    Trả lờiXóa
  6. bác Hiệp đúng là thổ công Sài Gòn rồi! Vườn Tao Đàn giữa lòng thành phố , lần nào em đi qua đấy cũng thấy mát mẻ, lắng dịu lại, quên đi cái ồn ã sôi động, tất bật của thành phố HCM!

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn bạn P. đã cho một đường link nói về Sai gòn xưa rất hay.
    Vườn Ông Thượng, đoạn bạn P. trích cũng công nhận tên đó để chỉ Thượng công Lê Văn Duyệt.
    Riêng về tên đường quanh vườn Tao Đàn thì sách về tên đường tôi có trích dẫn ghi thế này:
    - Đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ (nếu coi là mặt chính của Vườn Tao Đàn), tên đường xưa nay như tôi đã nói trong entry.
    - Theo chiều kim đồng hồ thì đường Huyền Trân Công Chúa khi người Pháp mở con đường này vào năm 1869 thì đặt tên là Miss Cauwel (trích dẫn sách tham khảo), trong khi các trang mạng ghi là Miss Clavell, đến năm 1955 chính quyền Sài gòn đổi lại là Huyển Trân Công Chúa đến nay.
    - Đường Nguyễn Du, đoạn chạy ngang Vườn Tao Đàn thời Pháp là đường Tabert (ăn từ đầu CMT 8 bây giờ lên đến Đồng Khởi, chỗ trường Tabert xưa, bây giờ là Trần Đại Nghĩa).
    - Còn đường CMT 8 đoạn chạy ngang Vườn Tao Đàn, là con đường thuộc loại xưa nhất TP, có từ thời chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, đầu tiên được gọi là đường Sứ, vì là đường của sứ thần Chân Lạp đi qua giao hảo. Năm 1865 người Pháp lập TP Sài Gòn đặt lại tên là đường Thuận Kiều. Từ 1916, để kỷ niệm chiến thắng trận Verdun với quân Đức, người Pháp đổi Thuận Kiều thành đường Verdun. Đến ngày 25-4-1947 đặt lại thành đường Nguyễn Văn Thinh. Ngày 22-3-1955 chính quyền Ngô Đình Diệm đổi lại thành Lê Văn Duyệt. Như vậy trong đoạn trích dẫn trên nói đường Verdun (Trần Cao Vân) chắc không đúng, đường Trần Cao Vân hiện nay không nằm giáp với Vườn Tao Đàn.

    Trả lờiXóa
  8. Hihi, đúng là tên hay thế mà đổi sang "Công viên văn hóa" thật là vô hồn và vô cảm.
    Hehe, nghe Toro nói vườn hoa Tao Đàn với tượng ông Hô xê Mác Ti mà buồn cười quá, râu Tây cắm cằm Ta :-))

    Trả lờiXóa
  9. Hihi, Cu Hiep ngày xưa ở vùng Phú Thọ cũng "giang hồ" lắm. Đường Trương Định băng qua Tao Đàn một thời bị cấm xe chạy thành công viên.

    Trả lờiXóa
  10. Thổ công Thổ địa Sài gòn TT à :-))
    Thỉnh thoảng vẫn ngồi cafe chim với nhà anh Đèn đỏ :-))

    Trả lờiXóa
  11. Hồi đó ngày đầu tiên đi học Đệ Thất được chị Mai chở bằng xe mobylette chạy trên con đường này , xuyên qua vườn Tao đàn , cứ liên tưởng tới cậu bé đi ngang qua vườn Luxembourg trong Ngày khai trường của Anatole France .
    Những năm học Trung học , mỗi lần xe trường bị hư là cả nhóm bạn dẫn nhau đi bộ hết đoạn đường này .

    Trả lờiXóa
  12. Cái dạo mà người ta đóng cổng cấm xe chạy trên con đường này thiệt là bất bình hết sức . Mình không rảnh để gửi xe vào công viên dạo qua dạo lại . Chỉ có dịp đi đâu mà ngang con đường này thì thấy thích , ngắm cây cỏ và nhớ bao nhiêu kỷ niệm thời đi học . Bây giờ mở đường cho đi rồi nhưng lại bị "đắp mô" . Ngồi xe thấy tài xế cứ giảm tốc độ tối đa cho xe khỏi xốc thấy mà thương

    Trả lờiXóa
  13. Hồi đó mà chị Mai đã cỡi Mobylette là oách lắm đó, có cả Vélo Solex nữa.
    Văn cũa Anatole France rất nhẹ nhàng...
    Xưa tôi thích đoạn băng ngang Tao Đàn của đường Trương Công Định trước năm 75 có thêm chữ Công, đi ngang mùa hè nghe ve kêu ầm ĩ.

    Trả lờiXóa
  14. Hihi, hết ngăn sông cấm chợ đến... đắp mô! xe chạy giữa công viên nên người ta làm thế :-))

    Trả lờiXóa
  15. Anh Thổ công ơi ! Hiện giờ ở trên Bàu cát lại có đường Trương Công Định đó anh. Trương Định với Trương Công Định chắc là...2 ông ! Phải không anh ? :)

    Trả lờiXóa
  16. Hihi, cũng như có Trần Hưng Đạo A và Trần Hưng Đạo B vậy. Ở Gò Công có lăng Trương Công Định, tôi có lần đến :-))

    Trả lờiXóa
  17. Trước hết xin cám ơn anh Hiệp đã cất công tìm hiểu và giải thích, và với chút ít hiểu biết về Saigon, tôi xin góp thêm vài ý kiến:

    @ Giả thuyết trên tôi e không ổn lắm, vì trước 1955 rất lâu, từ thời còn "Tây", dân gian không ai goi bằng tên tây "Jardin de la ville" mà dơn giản chỉ là "Vườn Ông Thượng" hay vườn "Bờ Rô"

    Như thế "Vườn Ông Thượng" đã có tên, trước khi Cụ Diệm ra lệnh đổi tất cả các tên Pháp thành tên Việt Nam, trong đó đường Verdun thành đường Lê Văn Duyệt.
    ** Xuất xứ chử "Bờ Rô" này hiện tôi cũng đang tìm hiểu, vì cũng không bằng lòng lắm với cách giải thích trong Google hay Wikipedia)

    Trả lờiXóa
  18. Bên La ha ba na có tượng cụ Hồ thì ở Hà Nội có tượng Hô Xê Mác Ti là phải lắm TORO ơi.. Hai nước phân công nhau thức để canh chừng bọn đế quốc. Vậy phải có người giám sát xem anh có thức thật không chứ ?
    Chỉ tiếc là đặt ông Hô xê vào cái tam giác bé tẹo ấy nó làm sao ấy nhỉ!!

    Trả lờiXóa
  19. T thì biết vườn Bờ Rô là do tên gọi Jardin de Beaux Jeux mà ba T giải thích Nếu T không lầm , hồi nẵm, anh cũng đã từng có một entry tương tự ?

    Trả lờiXóa
  20. Bạn nói rất đúng, "Vườn Ông Thượng", "Vườn Bờ Rô" chắc chắn có trước tên đường Lê Văn Duyệt (Verdun cũ). Đấy chỉ là một nhận xét của tôi là khi đã có tên gọi là "Vườn Ông Thượng" là để chỉ Tả quân Lê Văn Duyệt rồi, thì đến năm 1955 chính phủ họ Ngô nhân đã gọi vườn hoa là "Vườn Ông Thượng" nên mới đổi tên đường Verdun thành đường Lê Văn Duyệt chăng? Ấy là một câu hỏi theo thiển ý của tôi đó.
    Như vậy xét tên "Vườn Ông Thượng" mà dân gian đã gọi các sách vở đều khẳng định đó là Tả quân Lê Văn Duyệt. Còn tên Bờ Rô thì vẫn chưa có tài liệu nào vững chắc để xác định.

    Trả lờiXóa
  21. Hihi, xưa từ thời Tây cho đến thời Ta phong kiến họ làm cái gì cũng suy nghĩ kỹ càng, có tình có lý, không có kiểu muốn gán ghép, muốn đặt gì thì đặt...

    Trả lờiXóa
  22. Cũng là một cách giải thích như préau hay bureau hoặc Moreau. Tuy nhiên cỡ như cụ Vương Hồng Sển cũng không xác định được thì đúng là khó.
    Đúng rồi trước đây tôi đã có viết, nhân nay có bạn hỏi viết lại.

    Trả lờiXóa
  23. Moi đọc tưởng anh đang viết về ký ức Tân Hương chứ hahhahaha

    Trả lờiXóa
  24. 30 năm nữa sẽ viết về ký ức Tân Hương, hehehe!

    Trả lờiXóa
  25. Cám ơn nguoidan147 đã nhắc đến những trận đá đèn của làng bóng tròn miền Nam thuở đầu thập niên 1950

    Lúc này tôi chỉ là đứa con nít được ông già cho đi theo và chỉ mong đến "demi temps" để ông cụ mua cho 1 chai xá xị "Phương Toàn" (không biết anh Hiệp và các bạn còn nhớ xá xị Phương Toàn" không?)

    Và tuy không biết tí gì về đá banh, nhưng tôi vẫn nhớ hội AJS Có thủ môn Lâm Kinh một thủ môn thật tuyệt vời, nối tiếp là Rạng của hội Tổng Tham Mưu với Tư, Mỹ, Đức ...
    Cuối năm 1959, đầu 1960 sân chánh thức là sân Cộng Hòa (ngày nay là Thống Nhất)...
    Ôi nhớ sao đâu nghêu Nguyễn Tri Phương, chè Hiển Khánh, đứng thập thò cổng chùa Xá Lợi mắt nhìn qua trường Gia Long, đợi chờ bóng dáng của người yêu đầu đời...

    Trả lờiXóa
  26. Nước ngọt Phương Toàn hiệu Con nai hồi đó con nít nào lại không biết, bia la ve Con cọp hay 33 nữa.
    Bóng đá thì có Há, Ngầu, Rỏn, Thanh, Rạng, Đực 1, Đực 2... lừng danh đá bại cả Nam Hoa Hướng Cỏong của cầu vương Lý Huệ Đường, có ông Huyền Vũ nói trưc tiếp trên sóng radio... Hì hì
    Còn nghêu Nguyễn Tri Phương, đổ vỏ ú hụ góc đường, chè Hiển Khánh bây giờ vẫn còn một tiệm của con cháu ở đường Nguyễn Đình Chiểu gần góc Nguyễn Thiện Thuật...
    Haha, hồi đó tôi cũng chơi với bạn học Gia Long, Trưng Vương... đến bây giờ thỉnh thoảng cũng vẫn còn họp mặt...

    Trả lờiXóa
  27. Xá xị Phương Toàn có hình con nai đang phóng chạy , dáng thanh mảnh . Mùi vị thơm ngọt nhẹ , Hồi đó M rất thích . La bière Larue Con cọp hồi đó nhỏ quá nên không biết mùi vị ra sao (((-:

    Trả lờiXóa
  28. Xá xị Phương Toàn hiệu Con Nai, bia lave hiệu Con Cọp, Thuốc dán hiệu Con Bìm bịp... đủ cả...
    Bây giờ chắc rành rồi, hihi!

    Trả lờiXóa
  29. aha ...đúng rồi , nước ngọt Phương Toàn hình con nai , bia la-ve hình con cọp .... một thời ký ức bỗng trở về ....

    em nhớ hồi tiểu học có học một bài Tập đọc hay Học thuộc lòng gì đó , có tả một trận đá banh giữa VN và nước ngoài , trận đó VN mình thắng , em chỉ nhớ đại ý nói là người mình nhỏ con nhưng khéo léo thắng những cầu thủ cao to của nước ngoài , hình như có câu là ...cầu trường vang dội tiếng reo hò ....hay gì gì đó ....
    anh nhắc làm em nhớ hồi đó em cũng hay nghe trực tiếp truyền thanh những trận đấu ở sân Thống Nhất ngày nay , ông xướng ngôn viên nói nghe rất lôi cuốn làm mình có cảm giác như đang ở sân banh , chứ hổng phải như Tạ Biên Cương bây giờ , heheheh.....

    Trả lờiXóa
  30. Hihi, hồi đó đá banh ở sân Cộng Hòa (bây giờ là sân Thống Nhất), có ông Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh trên sóng radio là bá cháy, nói rất hay đâu ra đó, lằn vôi biên là lằn vôi dọc theo 2 bên hông sân, lằn vôi cuối sân là lằn vôi ở cuối "gôn" (khung thành)... không nói lung tung như bây giờ...

    Trả lờiXóa
  31. sao nghe hơi lạ à Huynh?
    Thuốc dán phải là Thuốc dán hiệu "Con rắn",
    Còn hiệu "Con bình bịp" là của rượu thuốc, hình như mãi sau 1954 mới có thì phải (?)

    Trả lờiXóa
  32. Hiệu Con rắn là cao dán màu nâu đen như nhựa đường, lọ nhỏ nhỏ tròn tròn hình ống để chữa trị mụn nhọt (quết cao lên miếng giấy tròn nhỏ dán lên chỗ mụn nhọt của con nít). Còn cao dán hiệu Con Bìm bịp là nghe đám Sơn Đông mãi võ bán thuốc dạo ở bến xe quảng cáo thế...

    Trả lờiXóa
  33. Trương Định, tên một danh tướng chống Pháp, trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim ghi Trương Định. Lăng của ông (Trương Định được nhân dân gọi là Bình Tây Đại Nguyên Soái) ở Gò Công gọi là lăng Trương Công Định. Tra Wikipedia ghi Trương Định (1820 - 1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định...
    Về tên gọi ở Saigon có đường Trần Khắc Chân, nhưng đọc trong sách sử không có tên này. Chỉ thấy có 2 vị tướng có tiếng thời Trần là Trần Khắc Chung, là người đã cứu Huyền Trân Công Chúa khỏi Chiêm Thành, vị nữa là Trần Khát Chân, trong VN Sử lược của Trần Trọng Kim có nhắc đến một người nữa là Trần Quốc Chân, nhưng không nổi tiếng bằng 2 vị trước. Như thế là tên đường Trần Khắc Chân là... tổng hợp tên của 3 người?

    Trả lờiXóa
  34. Vậy là có gánh Sơn đông mãi võ ở bến xe bán thuốc dán con bìm bịp ha bác . Hồi đó dịp Tết, chương trình văn nghệ Cây mùa Xuân của trường Gia Long có tiết mục hài (giống tấu hài bây giờ ) một gánh Sơn đông mãi võ bán thuốc dán Con bìm bịp . Các chị đóng rất duyên dáng hát rao : " Thuốc dán con bèm bẹp , đau đâu dán đó ... " Marg. tưởng "thuốc dán con bìm bịp" là từ vở kịch hài này chứ (((-:

    Trả lờiXóa
  35. Aha, đúng là các bạn Gia Long đã lấy từ quảng cáo thuốc dán Con Bèm bẹp (mấy ông Tàu đi bán thuốc Sơn Đông mãi võ không nói rành tiếng Việt), ngày xưa gánh Sơn Đông này hay đi bán thuốc dạo, nhổ răng đau con nít ở mấy khoảng đất trống nơi bến xe, chợ búa. Chắc tại dân gian cho là loài chim bìm bịp có tài băng bó gãy xương cho chim con...

    Trả lờiXóa
  36. Vậy đúng ra phải là đường Ba ông Chân, cũng như đường Hai bà Trưng vậy đó anh ! hì hì....

    Trả lờiXóa
  37. Hai Bà Trưng thì đúng rồi, vì là hai vị nữ lưu gồm người chị là Trưng Trắc, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép là "Tên húy là Trắc, họ Trưng, nguyên là họ Lạc, con gái của lạc tướng huyện Mê Linh (miền Phú Thọ, Sơn Tây, Vĩnh Phú ngày nay), vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên (Hà Tây và Nam Hà ngày nay)"... Cùng em gái là Nhị (Trưng Nhị) chống cự lại với quân nhà Hán. đánh đuổi được quân Hán lên làm vua được 3 năm xưng là Trưng Vương...

    Trả lờiXóa
  38. Đúng là mấy người xưa không "tả hữu phân minh" làm khổ bầy con cháu sau này muốn tìm hiễu lịch sữ!

    Trả lờiXóa
  39. Không phân minh là bây giờ chứ? (Tên đường Trần Khắc Chân có từ trước năm 75, chiếu theo sách sử là một cái tên tưởng tượng, không có thật). Tên của người xưa là tên chữ Nho viết rất dễ phân biệt, không "rối" như chữ quốc ngữ bây giờ, chẳng hạn chữ "Minh" có đến 11 chữ nhưng viết khác nhau, Minh là sáng thuộc bộ Nhật, viết khác Minh là tối, chỗ mù mịt thuộc bộ Mịch...

    Trả lờiXóa
  40. Huynh đúng lắm, sau 1975!
    Đám sau này nếu nghiên cứu lịc sữ hai chử "Liệt sĩ" rất khó,
    Người lính Việt Nam chết ở Trường sa là "Liệt sĩ"
    Còn người lính Việt Nam chết ở Hoàng Sa là cái gì gì sĩ, chẵng ma nào nhắc đến!

    Trả lờiXóa
  41. Thời nào chả thế bạn? Sách nhà Nguyễn (Gia Long) gọi nhà Nguyễn (Tây Sơn) là "giặc". Cái gì thuộc về lịch sử thì lịch sử sẽ phán xét thôi.

    Trả lờiXóa
  42. Chuyện này, sao lại phải đợi đến lịch sử?

    Như lời huynh nói, huynh đã sống hơn 50 ở Saigon, huynh đã trải qua vài ba chế độ, huynh đã sống trong lịch sử, huynh đã là "lịch sử"!

    Thiết nghĩ, huynh đâu cần đợi chờ google, wikipedia..... phán xét rồi nghe theo:))
    (Có thể huynh sẽ mất lòng, nhưng đó là thiện ý và thành tâm)

    Trả lờiXóa
  43. Haha, tôi tôn trọng ý kiến của bạn, cũng như của tất cả bạn bè. Nhưng cũng cần phải nói, cái "tiêu chí" khi lập ra trang này chỉ là để, trao đổi, vui chơi với bạn bè, nếu học hỏi thêm được những kiến thức phổ thông, xã hội từ bạn bè thì hay quá.
    Google, Wikipedia... chỉ là những gì mình tham khảo cũng như sách vở vậy...
    Cho nên những vấn đề bạn nêu tôi không muốn đề cập đến vì dễ gây ra những tranh luận vô ích thêm nặng đầu, mà cuộc sống hiện nay ở đâu cũng thê, chuyện cơm áo gạo tiền thôi cũng đã nặng nề rồi... :-))

    Trả lờiXóa
  44. Theo em thì thời Nhà Nguyễn là thời quân chủ , cha truyền con nối , nhà Tây Sơn nổi lên cướp ngôi , nên bị gọi là giặc theo thời thế ngày đó ....

    Ngay cả Hồ Quý Ly vẫn bị sử gọi Ngụy triều đó anh :)

    Trả lờiXóa
  45. "Được làm vua, thua làm giặc", và nhà Nguyễn Tây Sơn đã thua. Sử sách đâu có phải chỉ có một hai đời làm vua mãi, cũng nhà này soán ngôi nhà kia, và rồi tùy theo "mỗi nhà", anh minh được lâu hay mau mà lịch sử sẽ phán xét như bạn P. thấy đấy...

    Trả lờiXóa
  46. @nguoidan147, "Theo em thì thời Nhà Nguyễn là thời quân chủ , cha truyền con nối , nhà Tây Sơn nổi lên cướp ngôi , nên bị gọi là giặc theo thời thế ngày đó ...." Như bạn P. đọc sử thì thấy, đời Hậu Lê triều đình thối nát, hai chúa Trịnh - Nguyễn hùng cứ Đàng ngoài và Đàng trong. Thời buổi loạn lạc, anh em nhà Nguyễn Tây Sơn nổi lên diệt được chúa Trịnh, xưng Vương, vua Lê cầu cứu người Tàu, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh và lên làm vua, cuối cùng Nguyễn Huệ mất và cơ đồ nhà Nguyễn Tây Sơn lọt vào tay nhà Nguyễn (Gia Long). Như vậy xét về mặt "chính thống" thì nhà Nguyễn Gia Long cướp ngôi vua của nhà Nguyễn Tây Sơn đấy chứ... :-))

    Trả lờiXóa
  47. anh ơi , là em nói theo sử sách thôi , chứ đối với em thì nhà nào làm vua cũng được , em mãi mãi là người dân , hihihihi.....

    còn nói nghiêm túc thì hồi đó em học sử , Nguyễn Huệ cũng là Hoàng Đế Quang Trung , Nguyễn Phúc Ánh cũng là Vua Gia Long ... , còn sau này con em học sử , thì một bên được ca ngợi là Anh Hùng Áo Vải Cờ Đào , một bên bị cho là bán nước , theo em thì không nên cho học sinh học một cách cảm tính và mang nặng tính thù hằn như vậy ...

    nhìn lại lịch sử VN cũng chán lắm anh , toàn là chiến tranh liên miên ....

    Trả lờiXóa
  48. Đúng là như thế đấy bạn P. "nhà" nào làm vua cũng được, miễn là làm cho con dân được ấm no, đỡ loạn lạc, chết chóc... Còn tôi cũng theo sử sách mà nói, sử nói nhà Trần (1225 - 1400), vị chi nhà Trần làm vua được 175 năm. Nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý (1010 - 1225) nhà Lý làm vua được 115 năm... Các triều đại ở nước ta lúc mới lên làm vua thường là minh quân, càng về sau càng thối nát, cho nên mất ngôi... Lịch sử rất phân minh trong công, tội...
    Nước ta nói gì thì nói, về nhiều mặt, chịu ảnh hưởng nhiều thứ bởi phương Bắc, mấy ngàn năm luôn "thù trong, giặc ngoài", chẳng mấy lúc được thái bình thịnh trị... Biết sao...!

    Trả lờiXóa