PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Những ngày tháng 4 ở Saigon.

 Photobucket
Xe hòm kính ngựa kéo ở Saigon khoảng đầu thế kỷ 20, tòa nhà phía sau trông như tòa Tổng Giám Mục bây giờ (góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Quốc Thảo).

Photobucket
Hoa phượng.

 Photobucket
Hoa bằng lăng.

 Photobucket
Hoa bò cạp.



Tháng 4 ở Saigon đã chuyển sang những ngày nóng, trời cao vút nắng muốn đổ lửa, chạy xe gắn máy ngoài đường một lúc mắt mũi muốn... tá hỏa tam tinh, ấy là năm nay hình như mùa mưa đến sớm, tháng 4 mà đã có những cơn mưa... 

Saigon bây giờ dễ thấy nhất là những tòa nhà cao tầng, sừng sững, mọc lên khắp nơi, từ trung tâm thành phố cho đến những quận vùng ven. Đối với khu vực trung tâm thành phố, một tòa nhà cao tầng mọc lên, là một biệt thự bị xóa sổ. Thành phố Saigon xưa, thời Pháp, thời Mỹ có lẽ nổi tiếng với những biệt thự, những ngôi biệt thự kiểu Pháp với mái ngói đỏ, sân vườn rộng trồng đủ mọi loại cây cảnh, và bao quanh là những con đường cây cao bóng mát, rất đẹp và yên tĩnh, những cây dầu cổ thụ mùa này tung ra những con quay xoay tít trong không trung khi gặp gió...

Saigon tháng 4 nắng nóng, sửa soạn cho một mùa hè, trên những con đường khu vực quận 3, quận 1 gần khu vườn Tao Đàn những chú ve đã râm ran lên tiếng, cùng với hoa phượng đã bắt đầu nở đỏ trên mái ngói của ngôi trường xưa. Trên đường phố cũng thấp thoáng màu tím của hoa bằng lăng, màu vàng của hoa bọ cạp... và đâu đó, có một quán cafe yên tĩnh...

Vẫn trong tôi, một Saigon của những ngày cuối tháng 4...

 

--> Read more..

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

30 tháng 4, một ngày có nhiều ký ức đây...

--> Read more..

Cuối tuần cười vui: Chim sẻ tỏ tình!

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

Photobucket



Hôm qua cô bạn chieukim có giới thiệu bên nhà "Chim thiên đường", đó là một loài chim rất đẹp ở mãi đâu tận cái xứ... xa xôi gì đó (mới đây quên mất tên rồi, hihi), tôi có nói mai sẽ đưa lên hình ảnh chim sẻ tỏ tình cho coi. Nói đúng ra thì chú chim sẻ này đang... tán gái, chính xác nữa là chú ta có tài tán gái. Tôi tình cờ chộp được hình ảnh của một cặp đôi chim sẻ như thế. Cô nàng chim sẻ đang thẩn thơ trên bãi cỏ, chú chim sẻ nhà ta ở đâu xuất hiện, một màn rượt đuổi... lấy lệ (chắc cho nó thêm phần... hấp dẫn). Cô nàng... giả bộ chạy tới... chạy lui, và... hết chuyện, hehehe!

--> Read more..

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Tác giả giải đặc biệt cuộc thi bút ký ĐBSCL lần IV trả lại giải Ngày 25-4, nguồn tin riêng cho biết nhà báo Trần Thanh Thủy, tác giả đoạt giải đặc biệt cuộc thi bút ký ĐBSCL lần thứ IV do Bạc Liêu đăng cai tổ chức, đã chính thức gửi văn bản cho ban tổ chức cuộc thi trả lại giải đặc biệt. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhà báo Trần Thanh Thủy giải thích: “Sau khi báo chí phản ảnh những khuất tất của cuộc thi, tôi đã tìm hiểu và thấy được cuộc thi không minh bạch, có dấu hiệu sắp đặt giải. Riêng bài Chợ biển mênh mông ký của tôi đã được trao một giải thưởng đặc biệt không có trong thể lệ. Tôi dự thi bút ký văn học ĐBSCL chứ không dự thi giải viết về Bạc Liêu. Do vậy, tôi quyết định trả lại giải”

--> Read more..

Trên những lá cỏ.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



Khi già thì người ta hay nhớ về tuổi thơ, hichic! Thì đúng là tuổi già đã... ngấp nghé , tôi là kẻ chuyên nhớ về quãng thời gian còn là một chú nhóc, suốt ngày chạy chơi ngoài nắng, ham đá banh, bắt dế, đá cá, chơi quay, bắt chuồn chuồn, châu chấu... hơn ham học... .

Cho nên đi đâu gặp hồ ao, sông suối... nơi có những chú chuồn chuồn sinh sống, là thế nào tôi cũng phải canh ngắm nghía, hồi bé thì ráng rình bắt vài con chơi, còn bây giờ thì rình chụp cho được vài tấm hình .

Ngắm những chú chuồn chuồn trên những chiếc lá cỏ, thấy chúng an nhiên làm sao... .

 

--> Read more..

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Đồng hồ có con chim cúc cu.

Ở nhà tôi có hai cái đồng hồ có con chim cúc cu treo trên tường, hai cái đồng hồ này năm ngoái được đóng thùng gởi về từ Mỹ. Số là bà xã tôi qua Mỹ chơi, đến nhà người thân là một anh bà con rất khoái đi sưu tầm đồ đạc ở chợ trời xứ Mỹ, nhất là những vật dụng cổ cổ, hiếm thấy. Anh đã xấp xỉ bảy mươi sống một mình trong một căn hộ, ôi thôi nghe nói như một cái... kho lưu trữ đồ đạc cũ. Anh hay lang thang qua những chợ trời cuối tuần ở Mỹ để lựa chọn, mua sắm... Ở xứ Mỹ coi vậy mà cũng có chợ trời, người Mỹ gọi là "garage sale" hay "yard sale", nơi người ta có thể mang đến trong những ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ lạc, những đồ dùng đủ mọi thứ thượng vàng hạ cám không cần đến trong nhà, và thường là bán với một cái giá rẻ mạt, đấy là một cái cách để người ta "tống khứ" những đồ dùng không còn cần đến, để chỉ tổ chật nhà... Còn ở xứ mình xưa nay cũng có loại chợ trời như thế, ngày xưa thì người ta gọi là hàng "lạc xoong" chuyên bày bán những loại hàng gia dụng cũ trên vỉa hè, thường được cung cấp từ những gánh ve chai, đồng nát chuyên đi thu mua đồ cũ... Nhưng bây giờ những loại hàng này được cung cấp bởi bọn... chôm chỉa... Người Mỹ nghe nói cũng có một cái "tật" rất hay, những đồ gia dụng vẫn còn tốt nhưng không còn cần đến nữa như Tivi, nồi cơm điện, đầu đĩa, cả tủ lạnh, bàn ghế... họ mang ra trước cửa nhà để trên vỉa hè với một tấm bảng thông báo ai cần cứ việc lấy, lại còn cám ơn cẩn thận... .

Trở lại chuyện ông anh bà con hôm ấy bà xã tôi tới chơi, nhìn thấy trong căn hộ của ông ấy đủ mọi thứ lỉnh kỉnh, nào radio transistor bỏ túi cả chục cái, đồng hồ đủ loại đeo tay, treo tường, có cả một cái đồng hồ to đùng như cái tủ ở góc nhà, đến giờ là nó đánh chuông như một giàn nhạc trong nhà thờ, đầu đĩa nghe nhạc, ampli, loa cổ kim, muỗng bạc, hộp quẹt zippo (có gởi cho tôi mấy cái), chén kiểu, bình cổ... thấy hai cái đồng hồ có con chim cúc cu như các bạn nhìn trên hình để ở góc nhà hay hay, ông anh nói muốn thì cứ việc lấy vác về Việt Nam, nhưng mà nó hư rồi, ở Mỹ chẳng có ai sửa thứ này, đi chợ trời thấy người ta mang ra bán có mấy đô nên vác về chơi... Thế là hai chiếc đồng hồ chim cúc cu được bà xã tôi vác về, và khi về Việt Nam vì cồng kềnh không bỏ trong hành lý được, nên được đóng thùng gởi về bằng đường hàng không... 

Hôm tôi và bà xã đi lãnh cái thùng hàng ấy, trong đó chủ yếu là hai cái đồng hồ, một ít quần áo, vài lọ thuốc bổ... đến khi mở cái thùng hàng ra thì hải quan giữ lại hai cái đồng hồ, quần áo và thuốc bổ không sao, nhưng đồng hồ thì không có trong danh mục đóng thuế nên phải giữ lại báo lên cấp trên để xin ý kiến... Thế là lại ngồi đợi (trước đó đã phải làm thủ tục lãnh hàng, chạy tới chạy lui đợi gần nửa ngày), lát sau có một bà sồn sồn lân la tới hỏi, bà ta cũng đeo một tấm thẻ khách đến lãnh hàng trên cổ như tụi tôi. Bà ta hỏi kẹt chuyện gì, bà ấy có thể giúp vì quen với hải quan, thế là bà xã tôi nói vụ hai cái đồng hồ đã hư mua chợ trời ở Mỹ có vài đô bị giữ lại, thoắt một cái bà ấy chạy vào khu vực cấm khách đến lãnh hàng vào, lát sau bà ấy ra bảo họ nghi là đồng hồ cổ, chắc phải làm biên bản giữ lại... nhưng mà có gì bà ấy nói giúp, hỏi bao nhiêu? Bà ta chạy trở vào, lại chạy ra nói, họ nói năm trăm ngàn một cái, vị chi hai cái là một triệu... Biết sao bây giờ, thế là đành móc tiền đưa cho bà này, loáng một cái bà ta vác ra hai cái đồng hồ, và chỉ vài phút sau là giấy tờ thủ tục lãnh hàng đã được hoàn tất...

Đem hai cái đồng hồ về nhà cũng để đó ngắm vì đã hư không chạy được, cũng may tôi có biết một ông người Hoa đã ngoài bảy mươi tuổi, chuyên sửa các loại đồng hồ cũ, xưa, loại lên giây thiều chạy bằng cơ như thế này ở khu vực đường Calmette quận nhất... Hôm sau tôi khệ nệ đem hai cái đồng hồ cúc cu đến, ông ấy nói để đó xem sao, có thể sửa được miễn là máy móc vẫn còn, đừng bị mất mát hư hỏng nhiều quá. Cuối cùng thì sau khoảng 2 tháng trời ông người Hoa cũng sửa được hai cái đồng hồ, ông ấy nói mấy loại này phải có thời gian, không thể làm nhanh được, tiền công mỗi cái năm trăm ngàn, 2 cái một triệu... Kể cũng đáng đồng tiền bát gạo, lần này mất một triệu mà mình cảm thấy vui lòng...

Chắc các bạn cũng biết loại đồng hồ có con chim cúc cu này rồi, trước đây thời bao cấp cũng thấy có nhưng hình như của Liên Xô, còn hai cái đồng hồ này là của Đức sản xuất, đồng hồ lên giây thiều (giây cót) thông qua mấy sợ giây xích treo phía dưới, và có mấy quả bằng sắt treo lủng lẳng điều khiển, nửa tiếng thì cánh cửa sổ nhỏ phía trên mở ra và con chim thò đầu ra kêu cúc cu, một tiếng chẵn thì tùy theo mấy giờ mà con chim lại chạy ra kêu cúc cu bằng ấy tiếng cùng với tiếng chuông, cái đồng hồ màu sậm treo phía trên còn có thêm tiếng nhạc, loại nhạc như thường thấy ở mấy cái hộp nữ trang của phụ nữ, thánh thót, sau khi lên giây thiều cứ nửa tiếng lại dạo nhạc một lần, vui nhà vui cửa... Hai cái đồng hồ chạy được đâu vài tháng thì cái đồng hồ màu sậm phía trên lại dở chứng, cái bộ phận đánh nhạc không kêu nữa, thế là tôi lại phải vác nó trở lại ông người Hoa, ngày hôm sau đến phiên cái màu vàng còn lại, một ngày nó tự ý ngưng chạy vài lần, bất cứ lúc nào... muốn, dù mới lên giây thiều, mỗi lần ngưng tôi lại phải lấy tay đẩy con lắc phía dưới đồng hồ nó mới chịu chạy, ngày vài lần như thế... lười mang trở lại cho ông thợ, tôi đành chịu khó ngày ngày đẩy con lắc vài lần...

Mấy tháng sau nữa thì ông thợ người Hoa mới sửa xong bộ phận đánh nhạc cho chiếc đồng hồ, của đáng tội, có lẽ trong thành phố này chẳng còn được mấy người như ông ta, sửa chữa ba cái đồng hổ cổ điển, sửa xong nhất định ông ta không chịu lấy tiền, ông ấy nói tại lần trước ông ấy làm chưa hoàn chỉnh, aha, khó lòng bây giờ kiếm được một ông thợ già có lương tâm như ông ấy... Nhưng điều tôi muốn nói ở đây lại chính là ở nơi chiếc đồng hồ màu vàng ở nhà, như tôi đã nói, từ khi tôi mang chiếc đồng hồ màu sậm đi sửa, thì chiếc màu vàng ở nhà chạy cà ạch cà đụi, một ngày chết mấy lần, ngày nào cũng thế, nhưng kể từ khi chiếc màu sậm sửa xong mang trở lại về nhà, lạ thay chiếc đồng hồ màu vàng chạy ổn định trở lại, tôi để ý nửa tháng nay chiếc  đồng hồ màu vàng không hề chết máy lần nào nữa, chạy rất đều, đánh chuông cúc cu ngon lành, không hề đứng bất tử...

Tôi là thứ không hay tin nhảm, vậy mà cũng thấy lạ, bộ máy móc mà cũng có... tâm hồn và cảm thấy... cô đơn hay sao?  .


*Ảnh 2: một chợ trời (garage sale) ở Mỹ (ảnh lấy trên mạng).

--> Read more..

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Khó!

Thời buổi càng ngày càng khó, khó khăn đủ mọi thứ, từ vật chất cho đến tinh thần... Mỗi lần chở bà xã đi chợ hay mua bán gì là thể nào cũng được nghe những lời than, vật giá sao bây giờ leo thang quá, mới mua thịt mấy chục ngàn mà bây giờ đã lên tới trăm mấy, chuối là thứ trái cây rẻ tiền nhất dành cho người nghèo vài ngàn một nải ăn cả nhà, vậy mà bây giờ đụng vào nải chuối kha khá hét tới hai mươi mấy ngàn... Trước ăn sáng bình dân bánh mì hay gói xôi cũng chỉ mấy ngàn, vậy mà bây giờ cũng bạc chục trở lên... Vật giá leo thang cấp số nhân, thu nhập người dân chẳng được tăng mấy tí, thậm chí là cấp số cộng, cho nên mọi người đành chép miệng, phải tiết kiệm, đành phải ráng mà tiết kiệm...

Xã hội tiết kiệm, thế là người ta bảo nhau ráng nhịn, ít ăn, ít mặc, ít nói... Aha, không biết cái khoản ít nói là ở chỗ nào, chứ ít nói 2 cái từ mà ngày xưa rất hay dùng là "Cám ơn" và "Xin lỗi" thì bây giờ thấy rất rõ. Không biết từ lúc nào mà "ngôn ngữ" tiếng Việt đã dần mất đi 2 từ quan trọng Cám ơn và Xin lỗi. Ra ngoài đường, đến chốn công quyền, những nơi công cộng..., bây giờ hiếm thấy người ta dùng 2 từ ấy, chẳng hiểu sao... Cái giao tiếp thông thường nhất là hỏi thăm đường và nói chuyện điện thoại, ngày xưa người ta luôn mở đầu bằng câu "Xin lỗi", "Xin lỗi cho tôi hỏi thăm đường X...", và sau khi nhận được lời chỉ dẫn, và ngay cả khi người được hỏi trả lời không biết, thì người hỏi cũng luôn nói lời "Cám ơn" trước khi đi... Nói chuyện điện thoại cũng thế "Xin lỗi đây có phải là cơ quan Y... Tôi ở... cho tôi được nói chuyện với ông A...", và khi được trả lời chờ hoặc ông A đã đi vắng, thì người gọi điện cũng luôn nói Cám ơn trước khi cúp máy...

Ngay cả ở trong cơ quan làm việc bây giờ (nhất là ở những cơ quan công quyền), tôi cũng hiếm khi nghe được từ Cám ơn hoặc Xin lỗi, trong cách đối xử giữa những người cùng làm việc, và với những người từ nơi khác đến, người ta bây giờ, hoặc quen thói bỗ bã (để cho thân tình?!), hoặc quen với cách "trên - dưới - xin - cho" mà chẳng cần phải Cám ơn hay Xin lỗi gì nữa... Ra ngoài đường có lẽ biết bao nhiêu chuyện chỉ cần một tiếng Cám ơn hoặc Xin lỗi đúng chỗ, đúng lúc, có thể tránh được biết bao nhiêu chuyện phiền phức, thậm chí là tai họa. Có những vụ chỉ va quẹt xe nhẹ, chẳng ai bị gì, thế mà chỉ vì thiếu một lời xin lỗi mà lao vào nhau ẩu đả, thậm chí dẫn đến án mạng...

Mới đây trên những mạng truyền thông đã ồn ào vụ cô Lượm, và nhà đài VTV đã "cố chấp" đến mức không thể nói ra được một lời xin lỗi khán giả. Cuối cùng thì cô BTV đã phải lên tiếng xin lỗi, sau khi có quyết định phạt tiền của Bộ chủ quản và yều cầu VTV phải xin lỗi. Và cái xin lỗi của VTV chỉ là cái xin lỗi nửa vời, lẽ ra VTV phải chính thức lên tiếng xin lỗi khán giả, chứ không phải để cho cô BTV lên xin lỗi nói chung chung "chúng tôi", cô BTV chỉ có thể đại diện cho chính bản thân (người dẫn chương trình  vụ việc sai sót), hoặc cùng lắm là đại diện cho nhóm điều hành chương trình chứ không thể đại diện cho VTV, xem như VTV vẫn còn nợ khán giả một lời xin lỗi, đây là lời xin lỗi của "pháp lý" (thi hành quyết định của Bộ), chứ chưa nói tới lời xin lỗi của "đạo lý".

Mới đây lại xảy ra vụ "Con mèo" trong một chương trình giáo dục trẻ em cũng của nhà đài VTV. Một đoạn phim quá cẩu thả, tàn ác, phản giáo dục... đã được đưa lên trong một chương trình giáo dục cho trẻ con (một con mèo con bị cột vào 2 cái chai nhựa thả xuống nước), dư luận cũng phản ứng dữ dội, VTV gởi một văn bản cho báo chí phân bua... bởi, tại, thì, là, mà, và..., và qua đó cũng muốn báo chí thông tin đến cho độc giả biết chuyện, vẫn tuyệt không có một lời xin lỗi... Những sự việc mà có lẽ khi mới xảy ra, chỉ cần một lời xin lỗi thôi, đơn giản và nhẹ nhàng, có lẽ đã tránh được bao nhiêu sự việc ồn ào và phiền phức không đáng có, thế mà vẫn không được... Thậm chí cái cách phân bua của cơ quan chức năng biểu hiện rõ cái "trịnh thượng" của kẻ quen quyền hành...

Trong cuộc sống thật và ảo, cũng in hệt... Một lời Cám ơn và Xin lỗi, đâu phải là nói lên cái "hèn kém" hay "sai sót", mà chỉ nói lên cái giáo dục và chân thành...

Saigon tháng 4/2011.

--> Read more..

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Phục sinh.

Phục sinh mà người Pháp gọi là lễ Pâques, người Anh gọi là Easter, người Đức gọi là Ostern... là một trong những ngày lễ quan trọng của người Cơ Đốc giáo, diễn ra vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm, để tưởng nhớ việc Chúa Jesus sống lại sau 3 ngày, sau khi bị đóng đinh trên cây thập tự, và được an táng trong một ngôi mộ đá. Phục sinh cũng là một mùa trong năm phụng vụ, gọi là Mùa Phục Sinh, kéo dài 50 ngày từ Lễ Phục Sinh cho đến Lễ Hiện Xuống.

Theo Kitô giáo Tây phương, tất cả ngày lễ Phục sinh đều rơi vào ngày Chủ nhật giữa 22 tháng 3 và 25 tháng 4. Những sách Phúc âm đều viết rằng Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá vào chiều thứ sáu, thi hài của người được bọc trong một tấm vải liệm trắng và mai táng trong ngôi mộ mà Joseph, người Arimathea đã đục trong đá cho ông. Sau thứ bảy là ngày nghỉ lễ Sabbath của người Do Thái, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (Chủ nhật), vài người phụ nữ, là môn đệ của Chúa đã trở lại ngôi mộ để hoàn tất thủ tục an táng. Khi đến nơi họ thấy ngôi mộ trống không, và sau đó họ trở về loan báo và trở lại cùng vài môn đồ nam giới khác.

Về sau, Chúa Jesus xuất hiện nhiều lần để gặp gỡ các môn đồ, đáng chú ý nhất là khi ngài đến với họ tại phòng cao, Thomas không chịu tin ngài, cho đến khi Chúa Jesus bảo ông chạm vào dấu đinh trên tay, và dấu đâm bên hông của ngài (Giăng 20:24-29). Chúa Jesus cũng hiện ra cùng 2 môn đồ khi họ đang cùng đến thành Em-mau, và bàn tán với nhau về nỗi thất vọng vì đấng Messiah nay đã bị giết bởi tay loài người, trước khi họ nhận ra ngài (Luca 24:13-32); ngài cũng hiện ra gặp các môn đồ bên bờ biển Galilee để khích lệ Peter vững tâm mà giúp đỡ các môn đồ khác (John 21:1-23). lần cuối Chúa Jesus hiện ra với các môn đồ là 40 ngày sau khi sống lại, và  ngài lên trời (Luca 24:44-49).

Cả Peter (Phêrô) và Phaolô đều luận giải rằng những sự kiện này, là nền tảng cho Cơ Đốc giáo. Sự phục sinh của Chúa Jesus được đề cập hầu hết trong các sách Tân Ước. Cả bốn sách Phúc âm đều thuật lại phụ nữ là những người đầu tiên phát hiện nơi mai táng Chúa Jesus chỉ còn là ngôi mộ trống. Theo Phúc âm Mark và Lu-ca họ là những người đầu tiên loan báo việc Chúa phục sinh. Theo Phúc âm Matthew và John, phụ nữ là những người đầu tiên nhìn thấy ngài sống lại (trong Phúc âm John chỉ một mình Mary Magdalene là nhìn thấy). Trong các sách Phúc âm, phụ nữ là những người giữ vai trò trung tâm như những người kề cận bên Chúa, chứng kiến sự chết, mai táng của Chúa Jesus, và nhìn thấy ngôi mộ trống. Hội thánh Cơ Đốc tin rằng sau khi sống lại, lên trời ngài ngự bên hữu Thiên Chúa (Đức Chúa Cha), và sẽ trở lại để ứng nghiệm lời tiên tri về đấng Messiah, về sự sống lại của kẻ chết, sự phán xét sau cùng, và sự thiết lấp Vương quốc Thiên Chúa.

Hầu hết tín đồ Cơ Đốc giáo coi việc phục sinh của Chúa Jesus như một sự kiện lịch sử trọng đại, và là trọng tâm của đức tin tôn giáo. Chính nhờ việc này mà các môn đồ của ngài đã vững tin ra đi rao giảng Phúc âm, và lập nên hội thánh Cơ Đốc cho đến ngày nay. Quan điểm của người Kitô giáo cho rằng việc Chúa Jesus tự nguyện hiến mình trên cây thánh giá, là hành động tuân phục trọn vẹn để đền tội cho sự bất tuân của Adam, ngài đã tẩy sạch cho nhân loại khỏi vết nhơ của tội tổ tông.

Các tín hữu Cơ Đốc giáo khác theo khuyng hướng tự do xem sự kiện phục sinh chỉ là một biểu tượng tôn giáo về niềm hy vọng, và như một huyền thoại có tính cách biểu trưng nuôi dưỡng tâm linh. Họ không coi Phục sinh như một sự kiện lịch sử, mà là một thái độ tôn giáo. Họ bác bỏ quan điểm Chúa Jesus thật sự sống lại trong thể xác, có lẽ tương tự như việc bà Maria mẹ của Chúa Jesus vẫn còn là đồng trinh sau khi sinh Chúa Jesus.

Ngày nay người ta lấy hình ảnh những quả trứng được trang trí và những con thỏ trắng để tượng trưng cho Lễ Phục Sinh. Những quả trứng tượng trưng cho bắt đầu của sự sống, còn những con thỏ trắng tượng trưng cho sự sinh sôi.

Có lẽ mỗi chúng ta cũng nên phục sinh cho chính bản thân mình...


* Tham khảo Wikepidia.

--> Read more..

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Tháng tư - và một Saigon mà tôi vẫn nhớ.

Photobucket
Tòa Đô Chánh Saigon. 

Photobucket
Dinh Norodom, sau này là dinh Độc Lập (cũ).

 Photobucket
Bưu Điện thành phố.

 Photobucket
Tòa nhà Quốc hội, thời Pháp là Nhà hát lớn, sau năm 75 trở lại là Nhà hát TP.

Photobucket
Chợ Bến Thành.

 Photobucket Bến Bạch Đằng, bên kia sông là Thủ Thiêm.

Photobucket
Lăng Cha Cả.

 Photobucket
Cầu Saigon.

 Photobucket
Nhà thờ Đức Bà, nhìn từ đường Tự Do, sau năm 75 là Đồng Khởi.

 Photobucket Đường Nguyễn Huệ, phía xa là Tòa Đô Chánh.

Photobucket
Công viên trước tòa nhà Quốc hội, phía xa là đường Lê Lợi.

 Photobucket
Những chiếc xe "Lam" chở khách của một thời (góc Hàm Nghi chỗ tiệm bánh NL).


Photobucket
Ngày lễ Hai Bà Trưng.

 Photobucket
Thương xá Tax, nhìn từ Thương xá Eden. 

Photobucket
Trong sân trường Gia Long.

 Photobucket
Nữ sinh Gia Long với trang phục trình diễn văn nghệ và xe Hiệu đoàn.

 Photobucket
Lăng ông Bà Chiểu.

 Photobucket
Chợ hoa Nguyễn Huệ ngày tết.

 Photobucket
Cô gái Saigon trong trang phục áo dài...

 Photobucket
... và váy đầm (jupe).

 

 Saigon tháng tư nắng nóng hừng hực trên đường phố, tháng tư và tháng năm là những tháng thời tiết khó chịu nhất trong năm ở Saigon, và thỉnh thoảng bất chợt những cơn mưa...

"Saigon có Bến Chương Dương/ Có dinh Độc Lập có đường Tự Do/ Có Chợ Quán có cầu Kho/ Bến xe Lục Tỉnh con đò Thủ Thiêm". Tự nhiên đi giữa cái nắng và mưa tháng tư của Saigon tôi lại nhớ đến bài Học thuộc lòng của thời còn đi học Tiểu học, mấy mươi năm  chắc tôi đã quên đi biết bao nhiêu điều quan trọng trong cuộc sống, thế mà một bài Học thuộc lòng của thuở còn để chỏm lại vẫn còn vang vọng trong tôi. Bến Chương Dương vẫn còn đó, dinh Độc Lập đã đổi thành Hội Trường Thống Nhất, đường Tự Do nay là Đồng Khởi, Chợ Quán và Cầu Kho vẫn còn, bến xe Lục Tỉnh xưa (đã giải tỏa) ở đường Pétrus Ký nay là đường Lê Hồng Phong, quận 10, con đò Thủ Thiêm cũng thế, ngày xưa là những chuyến đò ngang, chạy bằng máy đuôi tôm đưa người qua lại ngang sông Saigon, từ quận 1 qua Thủ Thiêm, và ngược lại...

Tôi không sinh ra ở Saigon, nhưng lại có gần 60 năm sống ở Saigon, ngoại trừ vài năm tháng chiến tranh đi đi về về giữa Saigon và các tỉnh miền Trung. Saigon sau năm 75 của thế kỷ trước được đổi là Thành phố Hồ Chí Minh, Saigon đổi tên kéo theo nhiều thay đổi, rất nhiều thay đổi. Những thay đổi là điều không thể tránh khỏi, với bất kỳ điều gì, con người, cảnh vật, thời cuộc... Tôi muốn nói tới Saigon của thời tôi còn nhỏ, lớn lên, rồi bước xuống cuộc đời... Khoảng thời gian của thập niên 60, và nửa đầu của thập niên 70...

Thuở nhỏ nhà tôi ở khu vực quận 5, bên Trường đua ngựa Phú Thọ, bây giờ là quận 11. Thập niên 50, 60 của thế kỷ trước thì khu vực này nhà cửa lèo tèo, đa số là nhà trệt, thậm chí hồ ao, đất trống cỏ dại còn mọc đầy, nguyên cả cái Trường đua ngựa của người Pháp để lại rộng mênh mông, tụi con nít nhóc như tôi thường chui rào vào xem đua ngựa dịp cuối tuần, và tha hồ chạy nhảy, đá bóng, bắt dế, cào cào, chuồn chuồn, chơi đùa... Thỉnh thoảng vài ba đứa lấy xe đạp chở nhau đi xa hơn một chút qua cầu Phú Lâm, sắm thêm cái cần câu là mê mải câu cá nơi những đồng ruộng mênh mông, cá câu là những loại cá đồng như cá rô, cá sặc, thỉnh thoảng được con cá lóc bằng cổ tay người lớn là thích mê tơi... Ngày ấy khu vực cư xá Lữ Gia bây giờ là rừng cao su, chạy dài tuốt qua bên Ngã tư Bảy Hiền, tụi nhóc tì có khi lang thang đến đó, lượm những hạt cao su tròn tròn, chà xuống nền xi măng và gí vào tay nhau nóng bỏng...

Trước năm 75 về địa giới thì chia ra Saigon - Chợ Lớn - Gia Định. Saigon là khu vực trung tâm thành phố bây giờ, Chợ Lớn trung tâm là khu vực đường Tổng Đốc Phương, Khổng Tử... sang quận 6, vùng Phú Lâm và ăn sang tận khu vực bây giờ là quận Tân Bình, Tân Phú... Còn Gia Định là vùng Bình Thạnh, Gò Vấp... Mấy mươi năm tôi ở vùng Chợ Lớn vậy mà ít đi lại vùng đó, mà hay la cà khu vực Saigon, bởi lên tới Trung học tôi học ở mấy trường ở quận 1, và hay lang thang những ngày nghỉ ở đường phố Saigon, thời ấy "bát phố" là một cái thú, gởi chiếc xe gắn máy ở đâu đó (Bưu điện Saigon chẳng hạn), lang thang qua con đường Tự Do rợp bóng cây và lá me vàng rơi đầy trên hè phố, có lẽ đường Tự Do ngày ấy là con đường đẹp nhất để đi bộ, tôi hay kiếm mua sách ở những quày sách bán "xon" trên vỉa hè, bởi cùng một quyển sách mua trong nhà sách Khai Trí đúng giá bìa, trong khi quày bán sách xon giảm đến 30%, nếu hôm nào trong túi có khá khá tiền thì ghé ăn ly kem, hoặc ly nước mía Viễn Đông, và thêm món phá lấu của ông Tàu bán kế đó...

Saigon thời đó giải trí gần như chỉ có các rạp xinê, những rạp dành cho giới sinh viên học sinh, hoặc giới bình dân như Đại Đồng, Long Vân (quận 3)... Vĩnh Lợi (quận 1)... chuyên chiếu phim permanente, thường trực, không theo xuất, giá vé rẻ, đồng hạng, hoặc là chiếu 2 phim trong 1 xuất, những phim chiếu là những phim cũ, đã được chiếu lâu ở những rạp lớn, những rạp này hồi đó không có máy lạnh, chỉ có những chiếc quạt trần treo tít trên cao quay vù vù... Còn những rạp như Đại Nam, Rex, Eden... là những rạp ở trung tâm Saigon, dành cho giới trung lưu, thượng lưu... chuyên chiếu những phim mới qua của Âu Mỹ, tôi đã coi những Roméo Juliette, Love story, La valse dans l'ombre, La guerre et la paix... ở những rạp này... Saigon thời đó ngoài những rạp chiếu phim còn có những rạp chuyên dành cho những người mê kịch, hát bội, hò Quảng, cải lương... mà tôi đã quên mất tên gọi...

Và dĩ nhiên Saigon những năm tháng ấy còn có cả những quán cafe, thường dành cho những người có tuổi, giới quân nhân, những quán kem, quán thạch, chè... nổi tiếng là quán chè Hiển Khánh để dành cho giới học sinh, sinh viên... Thời ấy khi còn đi học tôi và bạn bè thường ghé những quán thạch, chè này, cả những hàng bò bía bên Hồ Con Rùa phía đường Duy Tân (bây giờ là Phạm Ngọc Thạch), ở đây cũng có một quán kem là quán kem Hồ Con Rùa có tiếng, tôi có quen với người bạn gia đình là quán kem này. Đường Duy Tân có trường Luật (bây giờ là đại học Kinh Tế), nổi tiếng trong bài hát "Trả lại em yêu" của Phạm Duy... Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát... Phía bên đường Cường Để (Đinh Tiên Hoàng) là một loạt trường đại học, Văn Khoa, Nông Lâm Súc, Dược... Tôi chưa bao giờ ngồi học ở giảng đường đại học, nhưng những năm tháng trong lính mỗi lần về phép tôi lại hay ghé Luật, Văn Khoa, Dược... để rủ bạn bè đi uống cafe... Những người bạn này thuở còn học Trung học tôi đã quen và thân khi tham gia phong trào Hướng đạo, hay những phong trào Học sinh Sinh viên học đường... Những người bạn học Gia Long, Trưng Vương... có những bạn vẫn còn ở trong nước, hoặc đã đi nước ngoài thỉnh thoảng có về thăm, rủ nhau ra quán cafe ngồi ôn lại chuyện cũ... cũng may hầu như tất cả các bạn cũ ấy, dù còn ở trong nước hay đã ra nước ngoài đều có một cuộc sống ổn định và thành đạt... Saigon còn có một vài con đường rất yên tĩnh và thơ mộng vào buổi tối, đó là những con đường nhỏ chung quanh trường Gia Long, đường Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Thị Điểm (Trương Định)... Những con đường này ngày xưa toàn biệt thự kín cổng cao tường, khuôn viên trồng nhiều cây, buổi tối đi ngang thơm ngát mùi hoa Ngọc lan, Nguyệt quế, hay Dạ lý hương... Tôi cũng có những buổi tối lang thang với bạn bè qua những con đường thơ mộng ấy...

Tôi cũng không quên những con đường xe lửa chạy trong đường phố Saigon, đoạn đường ray từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu vẫn còn đó, ngày xưa còn đoạn từ ga Hòa Hưng về ga cuối cùng là nhà ga Saigon, ở công viên 23 tháng 9 bây giờ, đoạn đường này chính là con đường Nguyễn Phúc Nguyên ở quận 3 bây giờ, qua những khu dân cư đông đúc, Vườn Chuối, khu vực bên hông bệnh viện Từ Dũ và vào ga Saigon, trên đường phố Saigon còn những nhánh đường ray nữa, từ ga Saigon vào Chợ Lớn, dọc theo đường Phạm Viết Chánh và đường Hùng Vương đến ga Chợ Lớn, từ ga Chợ Lớn ngày xưa có đường xe lửa đi tiếp xuống Mỹ Tho... Cũng từ ga Saigon còn một nhánh đường ray nữa sang bên khu cảng Khánh Hội, dọc theo đường Hàm Nghi... Thời tôi còn nhỏ, tôi còn nhìn thấy những đầu máy xe lửa đốt than chạy hơi nước trên những đoạn đường ray này, xe chạy như con quái vật thở phì phò, khói mù mịt, có khi lửa than bay tung tóe, mỗi khi qua giao lộ xe lửa chạy rất chậm và hú còi inh ỏi vì hồi đó rất ít nơi có những thanh barrière...

Những con đường nhựa trên đường phố Saigon những năm tháng ấy đa phần được làm từ thời Pháp, thường nhỏ, hẹp, về sau khoảng nửa cuối những năm 60 khi người Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam mới được mở rộng và làm lại, và hãng thầu của Mỹ lúc bấy giờ là nhà thầu RMK nổi tiếng về cầu đường, tận sau năm 75 vẫn còn một vài con đường ở trung tâm Saigon, quanh nhà hát thành phố, hay cạnh Bưu điện Chợ Lớn còn lát bằng những viên đá xanh, và có những hàng đinh bằng nhôm đóng xuống đường đánh dấu lối dành cho người đi bộ... Và những năm tháng xa xôi ấy những chuyến xe ngựa, xe bò vẫn còn ngược xuôi chở nông sản, thực phẩm, hay vật liệu từ những vùng ven Saigon vào cung cấp cho thành phố...

Tháng tư, đi giữa lòng thành phố, tôi chợt nhớ Saigon...

* Ảnh được lấy trên Internet.

Saigon, tháng tư 2011.

--> Read more..

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Ngồi quán.

Tôi có một cái "thâm niên công vụ" ngồi quán cũng đã ngót nghét trên bốn mươi năm, từ hồi nảo hồi nao lúc còn đi học trung học, ấy là ngồi quán café chứ không phải quán... nhậu (ngồi quán nhậu chừng mươi mười lăm năm là... lên đường sớm, tôi biết nhiều mạng như thế!). Thuở còn đi học trung học đệ nhị cấp, bây giờ gọi là cấp 3, tôi đã ti toe ham vui theo mấy người bạn lúc bấy giờ, thường là lớn tuổi hơn tôi vào quán café ngồi. Tôi còn nhớ có một người bạn ở vào thời cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, lớn hơn tôi khoảng dăm sáu tuổi (anh đã mất mấy năm nay), đó là anh T.H. mà sau năm 75 đã trở thành một nhạc sĩ khá nổi tiếng. Tôi chơi với anh trong phong trào SVHS hồi đó, đi vì ham chơi ham vui chứ chẳng biết đấu tranh gì ráo, thỉnh thoảng đi làm công tác xã hội, chẳng hạn cứu trợ những nạn nhân chiến tranh, thiên tai bão lụt... anh hay rủ tôi ra quán café ngồi, có một cái quán mà hồi đó chúng tôi hay ngồi là quán café C., trong một con hẻm cụt nhỏ nơi đường Cao Thắng, kế bên rạp hát Đại Đồng, thời đó quán chỉ là một căn nhà trệt nhỏ khá dễ thương, SVHS hay đến ngồi, quán chuyên để loại nhạc Tiền chiến, Phạm Duy, Lê Uyên Phương hay Trịnh Công Sơn... bán café đến tận bây giờ, mấy năm gần đây quán đã xây cất lại, theo loại quán café thời thượng...

Rồi những năm tháng ở quân đội cũ, tôi lang thang khắp miền cao nguyên, và duyên hải Trung phần. Thời chiến tranh ấy khi người Mỹ đổ vào Việt Nam cả nửa triệu quân, thì miền Nam mọc lên vô số quán xá, quán Bar dành cho lính Mỹ, quán café dành cho giới trẻ Việt Nam (dân sự và quân sự), quán nhậu dành cho đủ hạng người... Phải nói là những năm tháng chiến tranh ấy là thời gian tôi ngồi quán café nhiều nhất, ngoại trừ những tháng ngày theo hành quân trong rừng rú, hay đóng quân ở những nơi xa xôi hẻo lánh, còn thời gian về phố là rảnh rảnh ra quán café ngồi, ngồi café tôi hay đi với một vài người bạn, có thể hợp nói chuyện được, tôi cũng hay đi một mình, với một vài quyển sách trong túi. Hồi ấy xa nhà, thời gian trong ngày chẳng biết làm gì, thì cách tốt nhất là kiếm một quán café bày biện coi được, nhạc khá khá, café ngon để ngồi cho qua ngày tháng (nếu thêm cô chủ quán xinh xinh nữa thì càng hay)... Ở Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột... Tuy Hòa, Quy Nhơn, Nha Trang..., và nhiều thị trấn hẻo lánh khác tôi đã có những ngày tháng ngồi quán như thế, uống café, nghe nhạc và đọc sách, đây là khoảng thời gian tôi đọc sách nhiều nhất khi ngồi quán, đủ mọi loại sách, trong ba lô của tôi ngoài mấy bộ quần áo trận, vài thứ đồ dùng lặt vặt thì toàn là sách... Không biết có phải vì chuyện này mà có lần ông sĩ quan đại đội trưởng kêu tôi nói, ông Tiểu đoàn trưởng không biết sao muốn tôi về nhà ông ấy... dạy học cho đứa con nhỏ học tiểu học của ông, như vậy cũng tốt vì không phải đi xa, nguy hiểm... Tôi nghe nói... toát cả mồ hôi hột, bởi vì chẳng thà phải đến những chỗ nguy hiểm mà được tự do thoải mái, còn hơn là đến nhà mấy... quan để phục vụ cho vợ con quan... Thế là tôi từ chối phắt, cũng may rồi ông ấy kiếm được người khác (vì cũng có nhiều người muốn làm). Năm ngoái rất tình cờ tôi nhận được một cú điện thoại của ông Tiểu đoàn trưởng cũ này từ Mỹ gọi về hỏi thăm, qua một số người quen cũ ông ấy biết được số điện thoại của tôi, cũng không hiểu sao ông ấy còn nhớ là hồi đó tôi từ chối chuyện kèm cho con ông ấy...

Sang đến sau năm 75 về lại Saigon, trở lại cuộc sống dân sự thì tôi cũng vẫn còn ngồi quán café, thỉnh thoảng, với bạn bè, nhất là khi đã đi làm việc trở lại. Những năm đầu quán café... chán lắm, café thì tới 7, 8 phần là bắp hay các loại hạt gì đó uống đắng nghét mà chẳng có mùi vị café, các loại nhạc cũ gọi chung là nhạc vàng đều bị cấm, thay vào đó là loại nhạc đương thời mà người ta hay gọi là nhạc cánh mạng, nhạc đỏ... Quán café thời ấy thì lèo tèo, ngồi quán mà phải nghe loại tình ca... đông Trường Sơn nhớ tây Trường Sơn... hay loại nhạc thời thượng lúc bấy giờ ca ngợi công nhân đi làm thủy điện, hay xây hồ thủy lợi, hoặc những chàng trai cô gái thanh niên xung phong làm nông trường thì đáng ngán ngẩm... Cũng may cái thời ấy rồi cũng qua, hết thời bỉ cực đến hồi thới lai, cuộc sống khấm khá quán café lại nở rộ như nấm sau cơn mưa, đủ mọi loại quán café ra đời, quán dành cho giới thượng lưu, trung lưu, bình dân... dành cho người già hay nhớ về dĩ vãng, hay dành cho người trẻ mơ tương lai...

Tôi lại tiếp tục ngồi quán, nhạc đã thay đổi, những bài hát cũ được cho hát lại, rồi nhạc ngoại quốc, nhạc hòa tấu... thức uống phong phú hơn, xưa ngồi quán café hầu như chỉ là nam giới, phụ nữ hiếm khi vào trong những quán café nhạc, thay vào đó là những quán kem, thạch, chè, sinh tố... còn dân ngồi quán café gần như là chỉ để uống café, những người ngồi quán xưa cũng thường ít khi nói chuyện nhiều trong quán, mà thường mơ màng qua tiếng nhạc, thả hồn trong khói thuốc lá, những bài hát gợi nhớ lại dĩ vãng... Bây giờ quán café là chốn công cộng, người ta vào để bàn bạc chuyện làm ăn, áp phe, hoặc tán gẫu sôi nổi, chị em phụ nữ cũng xuất hiện không ít, không thua gì nam giới... Giới chơi blog bây giờ có dịp cũng hay hẹn nhau ra quán café ngồi, có khi đông đúc, cười nói ồn ào,  vui vẻ, gọi là "ốp, ộp" gì đấy... Tôi cũng không thích "loại hình" này cho lắm, bởi đây thường là "tình huống" xã giao, tò mò... ngồi quán tốt nhất là chỉ vài ba người bạn, hợp ý, có thể nói chuyện được với nhau, nhỏ nhẻ...

Saigon, tháng 4/2011.

--> Read more..

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Cái đầu tắc kè.

Photobucket



Ảnh tôi chụp chú tắc kè bên trên khá ngộ nghĩnh, chú tắc kè leo tuốt lên một thân cây khô, hình như chú ta phát giác ra một mỏm thân khô trông giống như cái đầu của một con gì, cái mẩu thân cây khô này trông như có mắt, mũi, miệng... thế là chú ta đứng cheo leo như thế cả tiếng đồng hồ, nhìn chăm chăm, cố suy nghĩ tìm hiểu..., Aha! đúng là cái đầu tắc kè... .

--> Read more..