PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Chuyện Xã hội.

Trong ít ngày vừa qua có vài câu chuyện xã hội, không biết các bạn cảm thấy thế nào, chứ đối với tôi đã làm cho tôi phải suy nghĩ đôi điều:

Chẳng hạn chuyện ở đâu đó người ta muốn tuyên dương và nhân điển hình những "Hiệp sĩ bắt cướp" ở TP HCM, ở Bình Dương cho mọi người noi theo... Có nhiều người ủng hộ ý kiến này, cho rằng "cả xã hội" phải chung tay đấu tranh với tội phạm... Bất chấp chuyện những "Hiệp sĩ" này đã bị bọn tội phạm trả thù, kể cả truy sát... mà không ai bảo vệ được họ... Một người trẻ tuổi đồng nghiệp với tôi nói rất hùng hồn khi đọc trên mạng tin này... Xã hội phải làm như thế để đấu tranh với tội phạm, không để cho chúng nó muốn làm gì thì làm...

Như chuyện vị bác sĩ gây tai nạn nghiêm trọng, ban đầu có những thông tin không biết từ đâu nói vị bác sĩ này lái xe trong tình trạng có uống rượu bia, sau khi gây tai nạn định bỏ trốn... và dĩ nhiên người ta giận dữ với những điều như thế... Cuối cùng thì không phải, sau khi điều tra, giới chức trách đưa ra kết luận đây thuần túy là một tai nạn, không có rượu bia, không ai định bỏ trốn (cánh lái xe mà gây tai nạn như thế thường phải "trốn" khỏi hiện trường, sau đó đến đầu thú với nhà chức trách, vì họ sợ ngay khi ấy đám đông giận dữ sẽ hại họ). Vị bác sĩ này dĩ nhiên sẽ chịu những hình phạt về pháp luật, và về cả lương tâm do những gì ông đã gây ra... Nhưng điều đáng nói khác ở đây là những người bị nạn đã bị "hôi" của, chẳng biết những ai đó đã lấy đi những đồ đạc, giỏ xách, tư trang... của họ, vậy là họ đã bị tai nạn đến 2 lần..., và sau khi xảy ra tai nạn, vợ con, người nhà vị bác sĩ phải rời khỏi nhà đi... lánh nạn ở nơi khác vì bị báo chí (cho đến hôm nay vẫn còn có báo khai thác chuyện này), và những người tò mò... theo đuổi. Sau khi bị cú sốc của người thân họ tiếp tục bị những cú sốc khác không đáng phải có... Cũng may mà vị bác sĩ kia thuộc loại người hiền lành, có một đời tư bình thường, nếu không sẽ còn khốn đốn với báo chí, với dư luận...

Đến chuyện vài ngày hôm nay một tờ báo lớn ở TP HCM nêu ra chuyện "xã hội" chống đánh golf (mới đầu do vị BT một bộ ra lệnh cấm nội bộ, vì cho rằng đánh golf trong ngày nghỉ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất làm việc của lãnh đạo bộ ấy trong ngày làm việc), rồi qua tờ báo này chuyện "nội bộ" của bộ kia trở thành chuyện xã hội, nhiều người cho rằng "Tiền đâu mà các vị kia đi đánh golf?", rằng "Xã hội ta còn nhiều việc phải làm, rằng nước ta còn nghèo, đánh golf là xa xỉ... có tội với xã hội, vô đạo đức..."...

Qua vài câu chuyện trên tôi nhận thấy:

Chuyện thứ nhất, chúng ta đang sống trong một xã hội phân công, có hiến pháp, luật pháp, luật định... Những cơ quan chịu trách nhiệm về chuyên môn, và những nơi ấy phải chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình, về vai trò đã được xã hội giao phó... Trong chuyện trên thì bảo vệ, bảo đảm an toàn cho người dân chính là những cơ quan an ninh, trật tự xã hội... Người dân đứng ra lập những Hội hay CLB để chống tội phạm chẳng hạn, xét cho cùng là không nên... người dân dĩ nhiên ít hiểu biết hơn cơ quan chuyên môn trong chuyện hành xử khi chống tội phạm, không được trang bị khí tài, huấn luyện nghiệp vụ đầy đủ... dễ mang đến cái hại nhiều hơn cái lợi... và nếu xã hội mà phát sinh trong nhiều lãnh vực khác chuyện tự phát này thì xã hội sẽ ra sao?

Chuyện thứ hai là về cái kiểu mà báo chí viết (để câu khách), và dư luận xã hội (tò mò) trong vụ gây tai nạn của vị bác sĩ, và tệ hơn là chẳng biết từ bao giờ đã xảy ra tình trạng những người trên đường (có lẽ đa phần là người "mọi khi vẫn bình thường" chứ không phải cướp bóc) đã đang tâm hôi của của người bị nạn trên đường phố, chẳng hạn trong vụ trên, hay vụ gần đây cũng ở TP HCM này, người bị giật giỏ xách tiền, họ giành lại được, giỏ rách tiền rơi ra đường, và những người khác ùa vào cướp tiền ngay trước mắt người đã bị nạn... Những hành vi thay vì giúp người bị nạn thì lại quay ra cướp của của họ đã có từ bao giờ? Và tại sao xã hội lại như thế?

Câu chuyện cuối cùng là cấm chơi golf, từ một chuyện "nội bộ đóng cửa dạy nhau" của một ngành, nếu ai theo dõi thì thấy qua báo chí trở thành câu chuyện xã hội... Tôi không thích môn đánh golf và lại càng không hề có đủ khả năng chơi golf, tôi chỉ nhận thấy khi nhiều người nói như bên trên là không công bằng, có vẻ như người ta cho là "để có tiền đi chơi golf (vì chơi golf rất tốn tiền) thì người ta phải tham nhũng, hối lộ, làm bậy...", mà quên đi rằng tham nhũng, hối lộ... (với quan chức), hoặc làm bậy (với tư nhân bên ngoài) như trốn thuế, buôn lậu, gian lận... là chuyện... muôn thuở, có từ đời nào rồi, không chơi golf họ cũng có rất nhiều cách để chơi khác, và điều này phổ biến hơn chơi golf nhiều... Thêm một điều nữa, có vẻ như người ta thích mang đạo đức xã hội ra để nói về những gì họ không ưa, hoặc không đạt được... Có thể đặt thêm câu hỏi này được chăng? Xã hội bây giờ cũng có rất nhiều người đi xe tay ga đắt tiền, vài chục triệu cho đến bạc trăm triệu, từ anh công chức ở Phường cho đến anh nhân viên văn phòng cơ quan, chiều chiều vẫn đi nhậu hay đi đánh tenis... mà lương của những người này đâu có cao, cũng chỉ dăm triệu đồng một tháng... Thế thì những người thấp hơn chút ít lương vài ba triệu chỉ sắm được cái xe đạp, hay xe sang số cũ cà khổ, có thể nói về anh tay ga, vì sao lại như thế? tiền của họ ở đâu...?

Nói những chuyện như thế quả là không cùng, những câu hỏi "Tại sao? Vì đâu?...", phải là những việc của các cơ quan chức năng thực thi pháp luật của một đất nước xem xét... Làm sao cho bộ máy nhà nước hoàn chỉnh, chạy ngon lành... Ở đây tôi chỉ muốn nói chuyện xã hội là đừng phân biệt, tôi muốn nói nếu chính đáng, những người làm ra bạc tỉ tỉ, hay những người ở một chức vụ nào đó mà được hưởng những gì ta không được hưởng thì cũng đừng nên... ganh tị hoặc "nhân danh" gì đó để đả phá họ, vì với những gì bằng tài năng, lao động của họ thì họ xứng đáng được hưởng như thế, những người như thế họ xứng đáng được ngồi xe Mercedes hay máy bay riêng, hoặc thấp hơn là đi xe tay ga vài chục vài trăm triệu... Còn nếu cứ "cào bằng", lại e rằng đến lúc nào đó ta sẽ trở lại cái thời có được phân vàng phải đem dấu kỹ, hoặc muốn ăn con gà phải lén lút như đi ăn trộm...

12 nhận xét:

  1. Xã hội thì người nào việc nấy, chuyên môn ai người nấy làm và chịu trách nhiệm, không nên lấn sang sân người khác. CNB ghét sự "cào bằng". Cùng cơ quan, lương lãnh như nhau mà đứa làm như trâu, đứa nhởn nhơ.

    Trả lờiXóa
  2. heheehehehe...chuyện thường ngày ...VN là vậy ...hehehhehehhe

    Trả lờiXóa
  3. Toàn chữa ngọn bác ạ.

    Đang còn cái vụ con mẫu giáo, tiểu học tan học lúc 5h30 mà bố mẹ tan sở lúc 6h chiều. Hihi. Con chờ vêu mặt. Hà Nội sắp xếp giang sơn thú vị thế đấy.

    Trả lờiXóa
  4. @caonguyenbui, hehe, cái này ở đâu cũng thế :-)

    Trả lờiXóa
  5. @phuongvu, hehehe, chuyện thường ngày ở huyện!

    Trả lờiXóa
  6. @tangtinhtinh, với một xã hội văn minh, tiến bộ thì người ta chửi người giàu trốn thuế (nếu bị phát hiện, và pháp luật phạt rất nặng), chứ không săm xoi chuyện người ấy chơi golf hay mua du thuyền..., cho dù xã hội đó thiên tai, người nghèo khổ cũng còn đầy... Sau khi đã làm nghĩa vụ xã hội (đóng thuế) thì người đó được quyền hưởng những gì do họ lao động (trí óc như Bill Gates, chân tay như võ sĩ, cầu thủ...) mang lại, xã hội không "ke" chuyện đó... Hihi!
    5g30 tan học mẫi giáo, 6g tan sở làm, hehe sắp xếp hay nhỉ? Hì hì!

    Trả lờiXóa
  7. mệt mỏi quá bác nhỉ, hay là ăn cơm bơ, đội mũ phớt giống như người Ăng lê? hehe

    Trả lờiXóa
  8. @nguyenthuthuy, nhiều khi cũng muốn thế, phớt tỉnh đi, tự nhủ là chuyện ấy có liên quan đến mình đâu, cứ chuồn chuồn châu chấu, hoa cỏ... mà vui... Hehe!

    Trả lờiXóa
  9. Mấy anh này tẩu hỏa nhập ma rồi bác Hiệp ơi ! Nó không chơi gôn thì nó chơi gơ và nhiều thứ khác nữa ! Thôi thì cũng là có chuyện cười cho vui mà anh ! Hì hì...!!

    Trả lờiXóa
  10. @vuonghung, hehe, thì là chuyện vui để có mà nói cười chơi với nhau. Thử đọc những comments của nhiều người ủng hộ trên tờ báo ấy đâm giật mình và... lạnh mình, gần như tất cả đều nhân danh đạo đức để bài bác... Hù hù!

    Trả lờiXóa