PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Về miền Tây.

Thỉnh thoảng tôi có dịp về miền Tây Nam bộ, nơi xưa kia được gọi là "miệt vườn", bây giờ những Tỉnh lỵ, Thị xã ngày xưa đa phần đã "lên" Thành phố. Những chuyến về miền Tây của tôi thường rất ngắn ngày, có thể là nhân một chuyến theo bạn về quê ăn giỗ, hoặc ăn cái đám cưới bạn bè trong cơ quan, thường là đi về trong ngày, dài hơi hơn thì được thêm một ngày nữa, ấy là về quê bạn chơi, hoặc là đi hành hương Bà chúa xứ Châu Đốc, hay ghé ông Cha Diệp ở Cà Mau cùng người nhà.

Vì có cái "tật" khoái chụp hình (tật chứ không phải tài, hehe!), cho nên nghe nói bạn dự định về quê xem nước lũ, thế là xin đi theo một chuyến cho biết thế nào là mùa nước nổi với người ta, quả thật một chuyến đi rất hay tuy già đầu ngồi xe một ngày mấy trăm cây số quả là có ê ẩm cả người ngợm.

Có lẽ chuyện lũ miền Tây hồi này các bạn đã được xem trên báo chí, TV nhiều nên tôi sẽ không nhắc đến, chỉ xin lan man một vài chuyện miền Tây...

Hình như miền Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long du lịch ít phát triển, tôi ít nghe ai nói muốn đi du lịch về miền Tây, và hình như các hãng du lịch cũng không thường xuyên mở được những tour du lịch về vùng này, ngoại trừ những chuyến du lịch đi về trong ngày (đối với người ở TP HCM) đến vùng sông nước Tiền Giang, Mỹ Tho, Cái Bè... thăm thú thiên nhiên sông nước, nhà vườn... mà hơi lạ là tour du lịch này lại thu hút đa phần là khách ngoại quốc Âu, Mỹ, hoặc Việt kiều hơn là dân "bổn xứ". Gần đây có mấy hãng du lịch bày ra được tour du lịch "tâm linh", hành hương đến các chùa chiền, cũng chỉ từ một đến hai ngày, đa số thu hút các Bà, các Chị... đi cúng bái, cầu xin... hơn là đi tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo...

Như vậy điều gì làm cho du lịch miền Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long kém phát triển? Trong khi bản thân tôi lại rất muốn về miền Tây, mỗi khi có dịp là "vù" ngay về... Tôi thử đưa ra một vài nhận xét theo thiển ý chủ quan của mình...

Trước hết là những ưu điểm:

Thứ nhất là khung cảnh mà người quen ở thành phố (như Saigon chẳng hạn) ít khi được gặp (các bạn đã thấy trong hình), đó là cảnh sông nước, ghe thuyền, gà vịt..., có khi đang chạy xe ngoài đường thấy xuất hiện một đàn trâu hay bò hồn nhiên đi nhông nhông ngoài đường...

Thứ nhì là cái chân chất, hồn hậu, hiếu khách của đa phần người dân miền Tây Nam bộ, hình như chưa bao giờ ghé miền Tây mà tôi lại bị nghe những lời hoặc cái nhìn thiếu thiện cảm, cho dù đôi khi vì quá ham chụp được tấm ảnh đẹp mà mình có khi đường đột trong việc chụp hình, hoặc trong giao tiếp, mua bán, chưa bao giờ tôi thấy người bán hàng dù ở chợ hay bất kỳ nơi đâu nặng lời hay "mắng" khách khi khách trả giá làm người bán không hài lòng, như ở những nơi khác, nhất là những nơi có nhiều khách du lịch đến...

Thứ ba là về giá cả: người miền Tây cũng có nói thách, phải công nhận, nhưng chỉ chút đỉnh (thí dụ một ký chôm chôm nói 15 ngàn trong khi với người địa phương nói 10 ngàn) khi biết khách là từ nơi khác đến (nhất là đến từ thành phố lớn như Saigon chẳng hạn), nhưng bù lại là cân đủ, đong đủ... không... xiên xẹo một kí lô còn 7 lạng như những vùng khác... Bây giờ ở miền Tây mới bán trái cây cân theo ký chứ ngày xưa tôi nhớ những trái lớn như Xoài... là bán theo chục, mà chục đến mười bốn, mười sáu chứ không phải là mười...

Và những nhược điểm:

Có lẽ trước hết là về cảnh quan: cảnh vật của miền Tây đơn điệu, đi xe mấy trăm cây số thường chỉ thấy cây cối, những con sông, rạch... chạy cặp theo đường lộ, nhà cửa ít được chú trọng về kiến trúc...

Kế đến là ít những điểm tham quan du lịch, như đình, chùa cổ... di tích cổ...

Một điểm nữa là hạ tầng kém, đa phần những người đi du lịch muốn được hưởng những tiện nghi về đường xá, giao thông, khách sạn...

Hình như tôi thấy điều này rất quan trọng với du khách, đó là chuyện ăn uống, an toàn thực phẩm, tôi không nói đến chuyện du khách... thỏ đế như tôi không dám xơi rắn, chuột... mà nói đến chuyện nguồn nước uống, đun nấu...

Và điều cuối cùng có lẽ là chuyện nhỏ, nhưng với nhiều người, nhất là khách ngoại quốc lại là chuyện lớn, rất lớn, đó là nhà vệ sinh công cộng, kể cả ở nơi những nhà hàng, quán ăn... nhiều người bạn của tôi nói ngại đi miền Tây chính là vì điều này...

25 nhận xét:

  1. Bác Hiệp ơi, sai rồi. Là toilet trong các quán ăn ở miền Tây đa phần là sạch hơn nhiều chỗ khác. Thiệt mà. Bác Hiệp ghé các trạm dừng chân của các hãng xe miền tây thì toilet cũng sạch sẽ.
    Có một điều là lòng tham của con người không giới hạn, chỗ nào mở tour du lịch là chỗ đó sẽ bị tàn phá không thương tiếc để phục vụ cho khách du lịch. Thôi thì .... thà để thiên nhiên bình an như vậy lại hay hơn, ít ra cho những người dân quê còn bám đất như CNB còn chút niềm kiêu hãnh mà khoe khoang với bạn bè thành phố....

    Trả lờiXóa
  2. Miền Tây với em vẫn là ẩn số :D

    Trả lờiXóa
  3. @caonguyenbui, hihi, đấy là theo nhận xét của nhiều người tôi quen, nói chung nhất là phụ nữ, người ngoại quốc hay Việt kiều còn ngán bạo nữa...
    cám ơn đã gởi nhạc nhé.

    Trả lờiXóa
  4. @tangtinhtinh, cũng giống như miền Tây bắc với tôi ấy :-)

    Trả lờiXóa
  5. Em lại nghĩ thói quen "lên chuồng" sớm như gà của dân miền Tây tụi em khiến du khách...hụt hẩng :)))
    Người ta đi chơi thì phải thức "phuya", ai chịu ngủ sớm bao giờ :)))

    Trả lờiXóa
  6. @thaiphuc, aha, đúng là một lý lẽ nữa mà tôi quên, nhớ năm nào đi Long Xuyên, 9 giờ tối ngồi quán cafe ngay trung tâm, nhìn quanh chẳng còn thấy ai, mà đấy cũng chính là đặc điểm ở nhiều nơi tại xứ mình, không như Saigon 11, 12 giờ đêm còn chạy rần rần ngoài đường :-)

    Trả lờiXóa
  7. Hì hì , vậy Cao Lãnh hơn Long xuyên rồi . Ở Cao Lãnh 10g đêm vẫn còn có thể ngồi quán cafe ăn bắp nấu nóng hổi (-:

    Trả lờiXóa
  8. Miền Tây này xem ra còn khá hơn miền Tây của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến: "Tây tiến đoàn quân không mọc tóc" hihihi Các em miền Tây của PNH thấy chân dài miên man và tóc xanh như suối cả đấy thôi..hehehe

    Trả lờiXóa
  9. @bangtamngt, vậy là Cao Lãnh ngon lành hơn LX rồi, 10g đêm mà ngồi quán cafe gặm bắp mới nấu bẻ từ rẫy là mê tơi (-:

    Trả lờiXóa
  10. @bulukhin, Aa ông bạn Bu có vẻ rành mấy em gái miền Tây quá trời, hehehe!

    Trả lờiXóa
  11. @bangtamngt, @bulukhin, nhưng nói về tính hiếu khách của người miền Tây Nam bộ thì đúng là... nhứt xứ. Tôi nhớ có lần về Cai Lậy quê vợ bạn ăn giỗ. Nhà vợ bạn ở hơi sâu trong đồng mấy năm trước đường bộ chưa đến được phải đi ghe, 9 giờ sáng đến Cai Lậy, ghé nhà người chị vợ bạn phía ngoài gởi xe và xuống ghe cùng đi vào nhà đám giỗ, vợ chồng người chị vợ cũng vào cùng đám giỗ, thế mà khi ghé chỗ chị vợ bạn đã thấy một mâm cỗ đợi sẵn, nhất định phải ngồi vào ăn trước khi vào phía sâu trong vườn ăn giỗ, không ăn người ta giận... Hiếu khách đến thế là cùng các bạn à (-:

    Trả lờiXóa
  12. "Hiếu khách đến thế là cùng các bạn à"

    Riêng khoản này có lẻ họ hơn đứt người bắc kì ? Tại sao vậy nhỉ?

    Trả lờiXóa
  13. @bulukhin, có lẽ việc này liên quan đến nhiều thứ, từ xưa nữa chứ không phải mới bây giờ, cuộc sống dễ dãi chim trời, cá nước, lúa trời... rau cỏ, bông súng, bông điên điển... nghĩa là cái ăn đầy đồng... Mấy câu thơ quen thuộc chỉ cái phóng khoáng của người dân Nam bộ "Ra đi gặp vịt cũng lùa/ gặp duyên cũng kết/ gặp chùa cũng tu" (mà hôm nọ bên nhà Toro Thu Thủy đã đổi chữ "duyên" thành chữ "Sư", hihi!), hình như người dân Nam bộ xưa là dân tứ xứ tụ về, mang nhiều tinh thần "Tứ hải giai huynh đệ".
    Muốn rõ chuyện này có lẽ ai giỏi giang phải làm thành luận án tiến sĩ chứ chẳng phải chơi... :-)

    Trả lờiXóa
  14. Em lại thích về miền Tây với cảnh quan tự nhiên hơn, hôm trước về đi thuyền vào tràm chim thấy cây bị phạt hai bên trống trải, em lại thấy buồn.

    Trả lờiXóa
  15. @lanvuive, cảnh thiên nhiên là khoái rồi, về quê mà trơ trọi là buồn chết :-)

    Trả lờiXóa
  16. Bác Bu ơi, về miền Tây, người ta mời món gì dùng được thì bác cứ tự nhiên dùng. Món nào không mời bác thì người ta cất đi, không mời lơi đâu. Mà bác dùng càng thiệt tình thì người ta càng vui. Hi. Hi...Nhà cửa thì tềnh toàng thôi, người ta không quan tâm nhà ai to cỡ nào, chỉ quan tâm cách cư xử với người xung quanh ra sao thôi. Hi. Hi....

    Trả lờiXóa
  17. Long Xuyên bi giờ còn hiện đại hơn Cao Lãnh nhiều. Bên đó đắt đỏ không thua SG đâu. Hôm nào bác Hiệp quay lại một chuyến sẽ biết ngay thôi. Hi. Hi.

    Trả lờiXóa
  18. @caonguyenbui, ái dà, vậy hả Caonguyen, ở đó tôi có một người bạn làm luật sư, thực ra là bậc đàn anh, chơi từ hồi nhỏ nhưng lớn tuổi hơn tôi nhiều.
    Lần ghé đó cách nay cũng dăm năm, tối ngồi uống cafe ở quán tại một khách sạn lớn nhứt LX, chỉ bằng 1/3 giá ở Saigon.:-)

    Trả lờiXóa
  19. Cà phê ở miền Tây thì rẻ rồi. Hi. Hi...CNB cho rằng Long Xuyên và Rạch Giá là 2 chỗ giá cả khá đắt đỏ của miền tây, Cao Lãnh giá vừa vừa... Rẻ nhất có thể là ở Cần Thơ, vậy mới lạ.

    Trả lờiXóa
  20. @caonguyenbui, quen ở Saigon thì thấy đi đâu cũng rẻ, kể cả miền Trung Huế, Đà Nẵng... hihi!

    Trả lờiXóa
  21. Ra Huế, uống cà phê lề đường 5 ngàn/ly. Vô Vỹ Dạ xưa uống một tách cà phê Vỹ Dạ xưa cũng có 26 ngàn. Hi. Hi...SG thì quá xá đắt đỏ.

    Trả lờiXóa
  22. @caonguyenbui, Cao nguyen đến Huế vào Vỹ Dạ uống cafe có ngắm thấy "Lá trúc che ngang mặt chữ điền" không? :-)

    Trả lờiXóa
  23. Chẳng thấy lá trúc, chỉ thấy lá bàng thôi hà bác Hiệp.

    Trả lờiXóa
  24. @caonguyenbui, lá trúc che còn thấy mặt chứ lá bàng mà che thì chỉ... thấy lá, hihi!

    Trả lờiXóa