PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Vô chấp.

Vừa rồi tôi có dịp ghé ngôi chùa để vong người thân, trong khi chờ đợi bà xã đi thắp nhang tôi có dịp chứng kiến một câu chuyện khá hay, kể lại cho bạn bè nghe chơi. Chuyện như thế này:

Có người đến chùa gặp người trực tiếp khách (Phật tử đến làm công quả cho chùa, không phải sư), xin cầu an cho nguời thân, người ghi sổ hỏi tên người được cầu an, người nhà viết trên tờ giấy "Tê Rê Sa Trần Thị...", thay vì một Pháp danh chẳng hạn "Thích Diệu Hiền", người ghi sổ đọc tên, tưởng là Việt kiều, người nhà thật tâm trả lời, không phải, gia đình họ theo đạo Thiên Chúa giáo, Tê Rê Sa là tên thánh bên đạo Thiên chúa, người được xin cầu an đang bị bệnh nặng ngày mai lên bàn mổ, có bệnh thì vái tứ phương, họ đã đến nhà thờ xin Cha cầu bình yên, nay ghé qua chùa xin được nhà chùa cầu an cho người thân của họ. Người tiếp nhận ghi sổ có lẽ lần đầu gặp trường hợp đặc biệt này, nên cũng không dám nhận, nói để vào báo sư. Thấy câu chuyện có vẻ hấp dẫn, tôi chú ý xem nhà chùa xử trí ra sao?

Sư trụ trì ra tiếp chuyện, người đến xin cầu an cho người nhà bị bệnh nặng kể lại lý do mình đến xin cầu an, cũng không quên nhắc lại gia đình là ngườiThiên Chúa giáo chứ không phải theo đạo Phật, đã đến nhà thờ xin Cha cầu nguyện và bây giờ muốn đến gặp nhà chùa xin được cầu nguyện thêm. Sau khi nghe xong, vị sư trụ trì mà bản thân tôi cũng đã được Sư tiếp chuyện và thấy Sư có nhiều cái rất hay,  từ tốn đáp, nhà chùa rất hoan hỉ được quý vị đến nhờ cầu an, Sư sẽ tụng kinh cầu an cho người thân của quý vị... Người nhà của người bệnh ngỏ ý muốn hỏi chi phí để đóng góp, Sư nói, không phải tốn kém chi phí gì cả, quý vị cứ an tâm... trường hợp này Sư sẽ đặc biệt quan tâm cầu nguyện giúp... Người nhà của người bệnh cám ơn và ra về. Câu chuyện chấm dứt, và tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật tình tôi đã sợ người theo đạo Thiên chúa kia đến chùa xin cầu an cho nguời thân bệnh nặng bị nhà chùa từ chối, nếu điều này xảy ra cũng khó bắt bẻ được nhà chùa. Tôi đã nghĩ, giả sử trường hợp ngược lại, nghĩa là một người theo đạo Phật đến nhà thờ đưa ra một Pháp danh xin Cha nhà thờ cầu nguyện cho có được chăng? Bản thân là người gốc gia đình theo đạo Thiên Chúa tôi có thể khẳng định đến chín mươi chín phần trăm là Cha sẽ không nhận, bởi giáo điều của đạo Thiên Chúa rất ngặt nghèo, một người ở họ đạo khác đến xin Cha ở họ đạo mà họ không cư trú làm cho một cái lễ gì đó, khó lòng được đáp ứng. Tôi nhớ hồi năm ngoái bà cụ tôi mất, trong họ hàng có người làm Cha đạo ở nhà thờ xứ khác, muốn đến làm lễ cho bà cụ của tôi thì người nhà phải đến xin phép ông Cha tại nhà thờ họ đạo bà cụ tôi đang ở, được Cha này cho phép ông Cha bà con mới được quyền đến làm lễ cho cụ...

Đạo gì thì Đạo, tôi thấy trên hết vẫn phải là Tình Người, thật đáng khen cho vị Sư trụ trì nọ...

 

17 nhận xét:

  1. "Đạo gì thì Đạo, tôi thấy trên hết vẫn phải là Tình Người"... nhân đạo phải ko anh H? :)

    Trả lờiXóa
  2. @tienvy, đúng thế, hằng ngày Mô Phật hay Nhân Danh Cha Và Con mà không có Nhân Đạo thì cũng hỏng...

    Trả lờiXóa
  3. Tín ngưỡng là nơi để con người gửi gắm đức tin , nhưng mỗi tôn giáo lại có tổ chức của nó .Có lẽ vì vậy mà Cha buộc phải tuân theo nguyên tắc đên cứng ngắc và thiếu tình người ? Chung quy luật lệ , nguyên tắc này nọ cũng chỉ là do con người đặt ra .Thú thật , đọc bài viết của anh , T thấy ngán quá cho cái gọi là điều hành tôn giáo !

    Trả lờiXóa
  4. @ngocthuan, Đạo phải là chan hòa, nhưng cũng có Đạo luôn muốn thống trị, bạn ngán là phải... :-)

    Trả lờiXóa
  5. Nhà sư thật nhân ái, có những người như vị sư trụ trì này chúng sinh còn có thể tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời!

    Trả lờiXóa
  6. Nhân việc anh nói trong entrry này, em cũng có một chuyện kể cho anh hiệp và mọi người nghe.
    Hôm trước, ba của bạn thân hồi trung học của em qua đời.
    Trong nhà, ai cũng theo đạo Phật, riêng chị vợ chồng chị M. thì theo đạo Tin Lành. Lúc quan tài được đưa xuống huyệt mộ, thì vợ chồng chị M. nhanh chóng cởi đồ tang quăng xuống huyệt bảo là xả tang luôn, mọi người ngăn lại bảo để về nhà làm lễ xả tang thì được nghe trả lời: Khỏi làm lễ.
    Việc làm đó khiến cả gia đình và mọi người có mặt ở đó ngở ngàng.
    Em chỉ nói một câu:
    "Đạo nào cũng không bằng đạo làm người, con cái phải biết biết hiếu nghĩa với cha mẹ"......rồi bỏ đi.

    Trả lờiXóa
  7. @ Đạo phật rất đề cao từ bi hỷ xả, không chỉ từ bi với con người mà cả với động vật và cây cỏ nữa. Cho nên sư cầu an cho người ngoại đạo như câu chuyện bạn kể cũng là phải.
    @ Đạo thiên chúa cho rằng mọi người đều là con thiên chúa, chẳng qua vì lầm đường lạc lối mà theo đạo khác thôi. Nếu quan niệm như vậy thì phật tử nào đó nhờ cha rửa tội hoặc cầu phúc thì cha hoan hỷ làm ngay, vì rằng phật tử nọ đã biết ăn năn hối lỗi mà về lại với chúa. Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại. Cha nào từ chối là ông ta làm sai ý chúa rồi.

    Trả lờiXóa
  8. @nguyenthuthuy, Sư trụ trì này có nhiều cái hay, có lần tôi đến nói chuyện với Sư, Sư đưa ra một quyển sách in nho nhỏ do Phật tử ấn tống gởi ở chùa phát không làm công đức, quyển sách có tên là Bạch y thần chú, trong sách phần đầu có in Chú Đại Bi là một loại kinh, nhưng phần sau in những câu chuyện nhờ chỉ niệm Bạch y thần chú gì đó mà được đủ mọi phước đức, rồi có đoạn nói ai in 1.200 quyển chú phân phát cho mọi người thì sẽ được giàu sang phú quý... Sư nói mấy quyển sách này Sư cho đốt hết, bởi đó là mê tín...

    Trả lờiXóa
  9. @bulukhin, bởi thế bên nhà Toro tôi có nói, cần phải phân biệt Chúa (Đức Jesus) và Đạo Thiên chúa, Phật (Đức Thích Ca) và Đạo Phật. Nhiều Cha và nhiều Sư bây giờ chỉ có cái "mác", họ "bán đứng" cả Chúa lẫn Phật, hì hì!

    Trả lờiXóa
  10. @lanvuive, tôi cũng có biết qua về đạo Tin lành, hôm trước tôi có đến một đám tang mẹ một người bạn trong cơ quan, bà theo đạo Tin lành, đám tang của bà theo nghi lễ Tin lành, đến viếng không thắp nhang (trước đây đạo Thiên chúa cũng thế), không vái lạy người chết, chỉ đứng trước quan tài cúi đầu (người đến viếng được đề nghị như thế), hình như giống trường hợp cô Lan đi đưa đám, khi chôn hoặc thiêu xong là họ cởi đồ tang bỏ xuống huyệt hay bỏ theo quan tài đem đốt coi như đã xả tang chứ không phải làm lễ như người bên đạo Phật. Có lẽ đó là niềm tin và tín ngưỡng tôn giáo, điều này không trách được họ...

    Trả lờiXóa
  11. Chỗ quê CNB thì khi người ta chết, không cần biết họ có đạo hay không, nếu mời thì người trong đạo phật hay đạo Cao Đài đều có thể tới tụng kinh trong lúc tang gia bối rối.

    Trả lờiXóa
  12. @caonguyenbui, đấy chính là cái "vô chấp" của Tình người, Tình làng Nghĩa xóm, xưa ở mấy nơi xa xôi như thế kiếm đâu ra Cha cố, Sư sãi, nhà thờ, chùa chiền trong lúc hữu sự...? Bây giờ lắm khi văn minh, tiện nghi người ta mới bày ra đủ thứ... hihi!

    Trả lờiXóa
  13. Thật hay... Thế mới là từ bi và vô chấp. Nhưng có lẽ không phải sư nào cũng xử lý được như vậy phải không bác H?! Bên TCG hóa ra lại "ngặt nghèo" hơn, dù kêu gọi bác ái, dạy yêu thương cả kẻ thù của mình...

    Trả lờiXóa
  14. Tình người đáng trọng ko phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Sư trụ trì xử sự thật trọn vẹn, đầy tình người.

    Trả lờiXóa
  15. @torovn, bên TCG ngặt lắm Toro à, luôn muốn kiểm soát mọi hành vi và tư tưởng của giáo dân. Tôi không thích là ở chỗ đó.

    Trả lờiXóa
  16. @muathuvang, một hành động đơn giản nhưng có tình người, người đến xin cầu an chắc ra về nhẹ nhõm, có khi về nói lại với người bệnh, người bệnh cũng thêm yên tâm... :-)

    Trả lờiXóa