"Từ Tất Đạt Đa (Siddharta) đến Bu Đa (Buddha)", cái tựa nghe có vẻ "ghê gớm" quá, thực sự có biết bao nhiêu điều để nói chỉ nội trong mấy từ ghi trên, và chắc chắn điều đó nằm ngoài khả năng hiểu biết và "viết lách" của bản thân tôi. Cuối tuần, ngoài hai ngày nghỉ bình thường, được nghỉ... giỗ (giỗ Tổ) thêm một ngày, viết đôi ba câu theo cách suy nghĩ đơn giản, gọi là để vui cùng bạn bè...
Tất Đạt Đa hay còn gọi là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddharta Gautama), Thích Ca Mâu Ni, là một hoàng tử của vương quốc Ca Tì La Vệ (một nước nhỏ xưa thuộc Ấn Độ, nay thuộc xứ Nepal), cha của ngài là quốc vương Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Gia (sinh được 7 ngày thì hoàng hậu mất). Theo ghi chép của sử liệu Phật giáo Trung Hoa, Tất Đạt Đa đản sinh năm 565 trước công nguyên, ngài tạ thế năm 486 TCN, vị chi ngài sống được 80 tuổi cũng có sách chép ngài thọ 86 tuổi, khi năm bảy chục năm trước người ta còn nói "Thất thập cổ lai hy", 70 tuổi xưa nay hiếm thì ở vào thời của ngài cách nay trên hai ngàn năm, ngài sống đến 80 hoặc ngoài 80 phải nói là rất hiếm. Truyền thuyết khi ngài mới sinh ra có rất nhiều sách vở, kinh sách nói đến, chẳng hạn lúc ra đời ngài phóng đại trí quang minh soi khắp mười phương thế giới, có hoa sen vàng từ dưới đất nổi lên hứng hai chân. Một tay chỉ trời một tay chỉ đất, ngài đi vòng quanh bảy bước mắt nhìn bốn phương nói "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn", đại khái là trên trời dưới đất chỉ có mình ta... Đấy là truyền thuyết chép trong sách vở lúc Tất Đạt Đa mới sinh...
Là con vua, lại được vua cha chọn làm Thái tử để truyền ngôi nên Tất Đạt Đa được dạy dỗ cẩn thận, kinh điển Bà La Môn ngài thuộc làu làu (lúc này thì chắc chắn chưa có... Phật giáo), ngài cũng được luyện tập võ nghệ cỡi ngựa bắn cung... nghĩa là chẳng bao lâu ngài đã trở thành một con người tài giỏi văn võ song toàn, thông minh đĩnh ngộ. Khi trưởng thành ngài được vua cha hỏi cưới công chúa nước láng giềng con vua Thiện Giác tên Gia Du Đà La, sinh được một người con trai tên La Hầu La. Những tưởng cuộc đời của thái tử Tất Đạt Đa sẽ êm đẹp nơi cung điện như thế, nhưng khi trưởng thành những gì ngài nhìn thấy trong cuộc sống bất an và đầy xáo trộn của xã hội lúc bấy giờ làm ngài nghi hoặc, những con người nghèo khổ cùng cực, những phiền muộn của sinh, lão, bệnh, tử... nơi những con người trong khắp kinh thành của vua cha dấy lên trong ngài những suy tư về một kiếp người... Và đến năm hai mươi chín tuổi ngài quyết định xuất gia tu hành, để mong tìm được con đường giải thoát cho những đau khổ và phiền não của thâm tâm.
Trong một đêm khuya với một con ngựa trắng thái tử Tất Đạt Đa lặng lẽ rời khỏi kinh thành. Nơi chốn rừng sâu thoạt tiên ngài cởi bỏ bộ quần áo thường mặc nơi cung điện, thay vào bộ trang phục đơn sơ của kẻ tu hành, cạo sạch râu tóc chứng tỏ sự quyết tâm tu hành, vua Tịnh Phạn khi biết ngài đã quyết ra đi, đành phải chọn một người trong hoàng tộc tên Trần Kiều Như và năm thanh niên đi theo làm tuỳ tùng cho ngài. Trong sáu năm Tất Đạt Đa theo học với những bậc trí giả Bà La Môn, những nhà tư tưởng lừng lẫy, sống cuộc sống khổ hạnh nơi rừng sâu, thân xác kiệt quệ... nhưng rồi ngài vẫn không sao tìm được con đường giải thoát tinh thần mà ngài hằng mong muốn... Khổ hạnh chỉ là vô ích, và ngài đã rời khỏi khu rừng khổ hạnh.
Tất Đạt Đa xuống dòng sông Ni - Liên - Thiền tắm gội sạch sẽ, và tiếp nhận một bát sữa bò do một cô mục đồng dâng cúng, dần dần ngài khôi phục thể lực. Lúc này những người trong hoàng tộc cùng đi theo ngài tu hành thấy ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh, lại uống sữa bò do một người con gái dâng, cho rằng ngài đã mất niềm tin, họ rời bỏ ngài trong thất vọng. Còn lại một mình Tất Đạt Đa đến dưới gốc cây Bồ đề bên bờ sông Ni - Liên - Thiền, hướng về phương Đông, trải chiếu cỏ và thề "Ta nay nếu không chứng được vô thượng đại giác thì dù có thịt nát xương tan, cũng không rời khỏi nơi này". Trải qua bảy ngày đêm trầm tư trong thiền định, ngài đã chiến thắng được phiền não, vào thời khắc của một buổi rạng sáng ngài hoát nhiên đại ngộ, thấu tỏ được cội nguồn của khổ não đời người, và đạt được niềm an lạc, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Vào giờ khắc ấy Tất Đạt Đa đã trở thành Bu Đa, tức Đức Phật, kẻ Giác Ngộ...
Việc ngài quyết định ngồi thiền định trầm tư bảy ngày đêm và đắc đạo dưới gốc cây Bồ đề, cũng có kinh sách chép rằng, khi ấy Thiên đế đem cỏ Tường Thoại trải toà cho ngài ngồi, thiên ma sợ ngài thành đạo nên kéo đến quấy rối, hiện thành nữ nhân lôi kéo, nhưng ngài vẫn an nhiên tự tại, và ngài đã đạt đạo... Sau khi trở thành Phật (Buddha, kẻ Giác ngộ), Đức Phật đã đi thuyết giảng thêm 45 năm, cũng có sách chép 49 năm để cứu độ chúng sinh, tư tưởng của ngài đã được các đệ tử, những người theo ngài về sau, đúc kết viết lại thành rất nhiều bộ kinh sách đồ sộ, còn lưu truyền lại cho đến ngày nay, và là tiền đề để một tôn giáo lớn là Phật giáo ra đời...
Trước khi nhập diệt ngài đã nói trước những người đi theo ngài "Từ trước đến nay ta chưa hề thuyết giảng điều gì". Một câu nói có vẻ kỳ lạ, có thể mang tính ẩn dụ, một công án của Phật giáo về sau, hay đấy đơn giản chỉ là một sự thật mà ở vào giờ phút cuối cùng ngài mới nói...
Có lẽ tôi không bàn nhiều về những gì kinh sách đã chép, hoặc vô vàn những truyền thuyết quanh cuộc đời của Đức Phật, 72 phép thần thông biến hoá, chốn niết bàn hoan lạc hoặc chốn địa ngục trừng phạt, hay luân hồi... tin hay không là tuỳ thuộc ở suy nghĩ của mỗi người. Đối với câu chuyện thái tử Tất Đạt Đa trở thành Đức Phật nêu trên tôi có chút suy nghĩ: Tất cả những gì quan trọng nhất đểTất Đạt Đa đạt được Giác ngộ, thoát khỏi phiền não và luân hồi, An lạc tâm thần, không phải nằm trong những truyền thuyết, kinh sách... hoặc chỉ trong 7 ngày đêm trầm tư thiền định, đó là kết quả từ quãng thời gian khi ngài trưởng thành, nhìn thấy, suy nghĩ và luôn bị dằn vặt về nỗi khổ của con người, cộng thêm 6 năm khổ hạnh sống đời sống của một sa môn Bà La Môn nơi rừng thẳm. Cuối cùng là bát sữa bò cúng dường của cô gái mục đồng đã đem lại sức lực, sự minh mẫn, và 7 ngày đêm trầm tư, đã như tiếng chuông thức tỉnh để Tất Đạt Đa nhìn và thấu hiểu được chính Con Người của mình... Trước khi ngài trở thành Phật thế giới quanh ngài đầy đau khổ, sau khi ngài đạt đạo những đau khổ ấy không hề thay đổi, nhưng điều quan trọng nhất, tâm thức, cái nhìn của ngài về thế giới, về con người, về chính bản thân mình đã thay đổi. Và thái tửTất Đạt Đa đã trở thành Bu Đa, Đức Phật, kẻ Giác ngộ...