Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009
Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009
Từ những chiếc lồng đèn (2).
Lồng đèn dịp trung thu dành cho trẻ con người Việt mình.
Hôm qua ông bạn Bulukhin có nói tôi thử đưa ra cái khác nhau giữa lồng đèn trung thu của người Hoa và của người Việt. "Vấn đề" xem thế mà không đơn giản, ở đây tôi chỉ muốn nói đến những gì mà mình biết về 2 loại lồng đèn này, bởi tôi cũng có thuở nhỏ ở trong một xóm nhiều người Hoa trong khu Chợ Lớn.
Tôi còn nhớ thời nhỏ, trung thu ở thành phố trong những khu xóm nhiều người Việt là để dành cho tụi con nít, từ chuyện rước những chiếc đèn lồng bằng giấy đủ kiểu đủ màu sắc, cho đến mâm cỗ bày ra trước để cúng ông bà, sau là để "ngắm trăng", người lớn kể cho trẻ con nghe những điển tích Chú Cuội, Chị Hằng, Cây Đa, Thỏ Ngọc...và cuối cùng là để cho lũ nhỏ "phá cỗ", ăn uống vui chơi cùng gia đình... Còn trung thu của người Hoa là để dành cho người... lớn, tuy tôi nhớ hồi nhỏ rất mê khi được chở đi vào khu trung tâm Chợ Lớn (khu Đồng Khánh cũ), xem đèn xanh đỏ nhấp nháy, cùng các loại lồng đèn trong những cửa tiệm của người Hoa rực sáng...
Nhưng tôi cũng còn nhớ rõ, những đèn lồng của trẻ con người Việt là loại xếp bằng giấy mờ (không có khung tre) như các loại đèn xếp truyền thống (hình ống, hình tròn như trái bầu, trái bí...), hoặc loại có khung bằng tre phất bằng giấy bóng kiếng xanh đỏ, loại này đủ hình thù, con bướm, con thỏ, con voi, con cá... xe tăng, tàu bay, tàu thủy... khu vực giáo xứ Phú Bình của những người miền Bắc di cư xưa nay chuyên sản xuất những loại lồng đèn này, ngày trước sắp đến trung thu là nhà nhà bắt tay vào việc làm đèn rất nhộn nhịp, bây giờ chỉ còn lèo tèo vài nhà sản xuất cầm chừng, bởi thị trường đã có nhiều loại đồ chơi khác cho trẻ con.
Trung thu của người Hoa cũng có lồng đèn, nhưng chủ yếu để treo ngắm nhìn, trẻ con không thắp đèn cầm đi chơi khắp xóm, cũng có múa rồng, múa lân, xem cũng thích, người Hoa cũng có mâm cúng, xem còn "hoành tráng" hơn người Việt, nhưng chủ yếu là để dành cho thần thánh, họ cầu làm ăn phát đạt, không phải dành cho trẻ con và gia đình như người mình...
Vài nét nói về cái khác biệt của trung thu nơi người Hoa và người Việt, xem ra trung thu của chúng ta ngày xưa "nhân văn" hơn. Bây giờ lại là chuyện khác, trẻ con ít màng đến bánh mứt, cũng ít thích lồng đèn giấy, bởi chúng có quá nhiều thực phẩm và nhiều phương tiện để vui chơi...
Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009
Từ những chiếc lồng đèn (1).
Sắp đến Trung thu, rằm tháng 8, nhắc đến trung thu hẳn là phải nhắc đến những chiếc đèn lồng, được xếp bằng giấy thường, hay được phất bằng giấy bóng kiếng. Loại xếp bằng giấy thường gọi chung là đèn xếp, ít mẫu mã, loại này không có khung, còn loại phất bằng giấy bóng kiếng có khung bằng tre, khá nhiều kiểu dáng. Cho con trai thì có lồng đèn máy bay, tàu thủy, xe tăng... cho con gái thì có lồng đèn con bướm, con cá, con thỏ...
Trẻ con bây giờ nhiều đồ chơi hiện đại, nên ít thích những loại đồ chơi truyền thống như đèn lồng giấy, bây giờ có cả đèn lồng nhựa thắp sáng bằng pin, nhiều kiểu dáng lòe loẹt trông khó nhìn. Vả lại trẻ bây giờ đa số bị nhốt trong nhà, ít được thả rong, có đèn lồng tối tối thắp sáng bằng nến trẻ con tụ tập lê la khắp xóm mới vui.
Thuở nhỏ trung thu mà có được chiếc đèn lồng máy bay là mê lắm, không phải năm nào hay trẻ con nào trong xóm cũng có, chỉ những đứa cha mẹ tương đối khá giả mới có được chiếc đèn lồng mua, còn lại đa số nhất là bọn con trai là phải tự mày mò làm lấy chiếc đèn hay món đồ chơi cho mình. Tôi còn nhớ đèn thì chỉ có thể làm được đèn ngôi sao vì dễ, mà ngày xưa đi học tiểu học đến trung thu thể nào cũng được thày cô cho làm thủ công chiếc đèn ngôi sao, một công đôi ba việc, vừa để chấm điểm, trẻ con vừa có đèn chơi, dĩ nhiên chiếc đèn ngôi sao tự làm ấy chẳng thể nào so sánh được với chiếc đèn ngoài tiệm bán, nhưng có được chiếc đèn chơi là thích rồi. Tụi nhóc con trai tự làm chiếc đèn này nữa, ấy là lấy một cái lõi chỉ gỗ đã hết, và cái ống lon sữa bò, một cọng dây kẽm cứng, một đoạn tre làm cán, thế là chế ra được một chiếc đèn đẩy, thắp ngọn nến nhỏ trong lon sữa bò khi đẩy sẽ quay tít, trông cũng thích.
Trung thu nói đến đèn cũng phải nhắc đến mâm cỗ, bánh trái, ngày xưa gia đình tôi ở khu vực nhiều người miền Bắc di cư, và cả người Hoa, nên hầu như ít nhiều mọi nhà đều bày mâm bánh trái. Tôi còn nhớ nếu trời không mưa, năm nào tối trung thu bọn trẻ con cũng đi rước đèn khắp xóm, ca hát đã đời rồi mới về nhà phá cỗ, mâm cỗ do người lớn bày, chắc chắn phải có một hộp bánh nướng, một hộp bánh dẻo, ở nhà tôi thì luôn có một cái tháp bằng những gióng mía, trái bưởi, ổi, cóc... À, mà có thêm cái này nữa, ông tiến sĩ giấy, ngày trước trung thu nhiều gia đình hay bày ông tiến sĩ giấy trên mâm cúng "Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/ Cũng gọi ông nghè có kém ai" (thơ Nguyễn Khuyến), với mong ước con cháu sau này học hành thành đạt... mà ôi thôi, bây giờ thì tiến sĩ giấy... đầy đường.
Bây giờ tôi lẩn thẩn đi ngắm và chụp hình những chiếc lồng đèn giấy, mà những chiếc lồng đèn giấy này không phải ở đâu cũng có bán vào dịp trung thu như ngày xưa, không biết chúng có thể tồn tại bao nhiêu lâu nữa, bởi trẻ con ngày nay đã có quá nhiều thứ để vui chơi, đến như bánh trái là thứ ngày trước bọn trẻ con luôn mơ ước, thì bây giờ trong nhà cắt cái bánh nướng ra để mấy ngày chẳng ai chịu đụng tới...
Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009
Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009
Chụp hoa và bướm.
Cuối tuần tôi đưa lên mấy tấm hình chụp hoa và bướm, chụp mấy chị bướm này phải nhanh tay lẹ mắt, ngoài ống kính zoom tele có tiêu cự lớn, thì chỉ trong tích tắc phải "chộp" được chúng, khẩu độ mở rộng để xóa phông, tốc độ thật nhanh để bắt đứng hình (mấy chị bướm này hiếm khi chịu đứng yên một chỗ cho mình ngắm chụp).
Ngày mai cuối tuần mấy bạn có máy hình "xịn xịn" thử chụp xem sao?
Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009
Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009
Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009
Bên bờ ao (2).
Những con chuồn chuồn, luôn làm cho tôi nhớ đến một thời tuổi nhỏ, thuở dăm ba tuổi ấy chừng như chưa phải là xa lắm, ngay ở Quận 11 trong thành phố Sài Gòn này thôi thế mà đã như một vùng quê xa xôi, bờ ao, chuồn chuồn, cào cào, dế cơm dế đá, cá lia thia... và cả những chuyến xe bò xe ngựa lọc cọc. Không phải buổi học là trẻ con tha hồ lêu lổng...
Quay trở lại cái thời để chỏm hồ ao để thấy rằng tụi nhỏ bây giờ là Thượng đế, chúng có quá nhiều thứ và được nâng niu trong vòng ta cha mẹ, ông bà... Nhưng ngẫm lại, chúng cũng bị mất đi rất nhiều...
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009
Thứ bảy.
Báo Tuổi Trẻ thứ bảy ngày hôm nay (19-9-2009) có một tựa và một cái hình rất to nơi ngay trang nhất nhan đề "Lâm tặc lộng hành giữa thủ đô". Bài báo nói mấy hôm rày (hơn hai tháng) giữa thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật, bọn trộm cắp ngang nhiên cưa trộm 19 cây sưa, là một cây gỗ quý nghe nói giá bán một ký lô gỗ đến cả bạc triệu. Thường là trộm vào ban đêm nhưng bọn này thật táo tợn chẳng coi ai ra gì, bởi trộm một cái cây to chứ đâu phải cái... đinh. Chúng dùng cưa máy cưa hạ cây, xẻ ra từng khúc rồi chất lên xe tải chở đi mất, khi người dân phát hiện thì bị chúng dùng dao kiếm đe dọa...
Đọc bài báo thấy tức giận cái tụi trộm cướp vô lương tâm (chắc chắn là như thế, trộm cướp làm gì còn lương tâm, huhu!), có mấy cái cây cho bóng mát trên đường phố, trong công viên mà chúng cũng nỡ ra tay sát hại, nhưng cũng thấy hình như những lực lượng bảo vệ của công của chúng ta làm sao ấy, hơn hai tháng trời lần lượt hết cây này đến cây kia bị đốn hạ, một cái cưa máy mà hoạt động thì ầm ĩ cả khu phố ấy chứ, nó đâu có chạy êm như cái Mẹc xơ đì đời mới, lại còn xe tải và dăm ba thằng phụ trợ khiêng khiêng vác vác nữa, bài báo nói có lần người dân khu phố đang ngủ nghe cưa như thế thức giấc, định mở cửa ra xem thì cửa đã bị buộc chặt bên ngoài không ra được. Nhưng mà lạ, thời buổi này nhà nào mà không có điện thoại bàn, điện thoại di động, người dân đâu cần ra mặt làm gì cho bọn cướp ấy xách kiếm rượt chạy, chỉ cần bấm mấy cú cho công an phường hoặc 113 là xong ngay thôi chứ gì? Không hiểu...
Bài báo cũng viết tiếp hiện nay "Cả Hà Nội vào cuộc bảo vệ cây xanh", cái này hết sức thú vị, thể hiện rõ quyết tâm muôn người như một của người dân thủ đô, nghe mà nhớ lại thời... chiến tranh, chắc khi... đánh Mỹ thì tinh thần của người Hà Nội cũng lên cao như thế (chuyện này chắc đề nghị bạn họa sĩ GRAPH ngoài Hà Nội vẽ cái hình như thế này, ở mỗi gốc cây sưa ngoài đường đều có một anh bảo vệ, hay công an, dân phòng đứng canh). Nhưng ngẫm nghĩ lại, lại thấy một cái gì đó kỳ kỳ, có cần là "Cả Hà Nội vào cuộc" không? Cái kiểu nói cho có nói, trách nhiệm chung chung chia đều vẫn còn tồn tại, như trên phương tiện thông tin đại chúng đã nêu, thì những cơ quan chuyên trách như Cty Công viên Cây xanh (chịu trách nhiệm quản lý về mấy cây trên đường phố), Công an, dân phòng... (chịu trách nhiệm về bảo vệ trật tự trị an xã hội...), sẽ cảm thấy trách nhiệm của mình... nhẹ hều. Và ở đây đó trên đường phố chúng ta vẫn còn thấy những khẩu hiệu hô hào đại loại, phòng cháy chữa cháy, hay an toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người... và thế là chẳng ai thấy phải có trách nhiệm...
Đấy là cuối tuần tán dóc chơi chuyện xã hội, còn cái chữ "lâm tặc" mà bài báo nói tới bây giờ nghe cũng ngộ. Xưa còn nhỏ đọc chuyện kiếm hiệp, từ "lâm tặc" là để chỉ bọn trộm cướp ở rừng, nhưng không phải cướp gỗ, mà cướp tiền của hành lý của khách đi đường, cùng với những từ đồng nghĩa như "lục lâm thảo khấu". Bởi thế mới có những "Bảo tiêu" "Tiêu cục" chuyên đi áp tải bảo vệ tiền của hàng hóa cho thương nhân, và những người này được gọi là "Tiêu đầu". Cướp (tiền của) ở rừng thì được gọi là "lâm tặc", còn "hải tặc" là bọn cướp tiền của hàng hóa trên tàu bè ở biển, chứ không phải hải tặc là bọn đi đánh trộm hoặc cướp... cá biển. Theo thời gian từ ngữ bị biến đổi, lâm tặc trở thành "kẻ phá rừng" (cưa cây trộm ở trong rừng), rồi trở thành ăn trộm, cướp cây trong thành phố... Và nhiều loại tặc nữa phát sinh, bọn đi rải đinh trên đường thì gọi là "đinh tặc" (không phải đi ăn trộm đinh), dưới quê có "tôm tặc" "nghêu tặc", hút trộm cát dưới sông có "sa tặc", và hiện đại nhất là bọn "tin tặc", chuyên môn thả vi rút tấn công phá hoại máy tính và chiếm thông tin của người khác.
Thời buổi thật tân kỳ...
Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009
Sài Gòn muôn nẻo (2).
Bên dòng kênh Nhiêu Lộc.
Vô tư ăn uống trên vỉa hè cạnh nhà vệ sinh công cộng.
Rác hoa.
Thiên la địa võng. Tôn Ngộ Không muốn đằng vân mà gặp thứ này cũng bó tay.
Đưa lên thêm vài hình ảnh của Sài Gòn, dĩ nhiên chỉ bằng vài hình ảnh này cũng chẳng nói được gì nhiều, tôi sẽ chụp nhiều hơn những gì "đặc trưng" của Sài Gòn và giới thiệu với các bạn sau...
Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009
Tháng bảy ăn chay.
Tháng bảy theo phong tục của người mình là tháng dành cho các cô hồn bơ vơ, và tháng của Vu lan báo hiếu, nên nhiều người theo đạo Phật nhất là giới chị em phụ nữ thường đi chùa ăn chay, ai ăn chay ít cũng 2 ngày mùng một và mười lăm âm lịch, kha khá thì một tuần, còn ăn chay nhiều thì trọn cả tháng bảy. Tôi cũng hay nghe chị em nói thỉnh thoảng ăn chay cho nó thanh tịnh cõi lòng, và ở những chị hơi có tuổi là một cách để giảm cân, giữ "phọoc".
"Nội tướng" nhà tôi cũng thế, ăn chay nguyên cả tháng bảy ta, thường thì mua các loại rau củ tương chao về chế biến nấu món chay tại nhà, tôi ăn ké thấy cũng ngon, nhưng dăm bữa, hoặc buổi tối cuối tuần hay rủ tôi ra tiệm ăn đổi khẩu vị... Tối hôm qua tôi ghé lại một tiệm ăn chay phía bên đường Võ văn Tần Quận 3 nằm trong một con hẻm lớn, tiệm này mới mở được một vài tháng nay, thức ăn nấu cũng được tuy không phải là xuất sắc, được cái quán sạch sẽ, bài trí theo kiểu nửa quán ăn nhẹ, nửa quán café kiểu cổ điển, khách đến ngoài chuyện ăn có thể gọi một bình trà hoặc phin cà phê ngồi nghe nhạc nhè nhẹ nói chuyện lâu...
Không gian của quán nhỏ, ấm cúng. Quán không đông khách, tuy nhiên cũng không vắng lắm lai rai luôn có một vài bàn, có lẽ do mới mở và nằm trong hẻm, thực khách thường là những người lớn tuổi không ồn ào, những vị tu hành là nhà sư hay ni cô, thỉnh thoảng có cả những người ngoại quốc mắt xanh tóc vàng, hay người châu Á có lẽ là Nhật ghé ăn. Tối qua lúc tôi ghé trong quán đã có 2 bàn có người ngồi, mà bàn nào cũng có nhà sư. Bàn thứ nhất khoảng 5, 6 người ngồi có một sư thày trông cũng còn trẻ, những người còn lại nam có nữ có, trong đó có một phụ nữ mặc váy hơi... mát mẻ (để nguyên tấm lưng trần và 2/3 phía trước), nhưng sư thày đi đông người nên trông cũng không đến nỗi nào.
Bàn thứ hai kê ở một góc phòng, gồm 2 sư thày cũng còn trẻ và một cô gái, bàn này có 4 ghế một sư thày ngồi một bên, đối diện là sư thày kia và cô gái, họ đang cầm menu lựa món ăn. Nói ra thì có vẻ như mình hơi... nhiều chuyện đi để ý người khác, nhưng do đặc điểm quán kêu món ăn rất lâu, gọi một tô mì, hay dĩa cơm, cái lẩu chay đợi dễ cũng gần nửa tiếng mới được phục vụ, cho nên trong thời gian chờ đợi đành phải... ngó ngược ngó xuôi vậy. Tôi vào quán ngồi được mươi phút thì có một vị sư nữa đẩy cửa bước vào. Đây là một "sư phụ" chứ không phải sư thày, đứng tuổi, đeo kính trắng, trông như giáo sư đại học... Vừa thấy vị sư phụ bước vào thì 2 sư thày đang ngồi cùng cô gái ở góc phòng đứng bật dậy, chắp tay vái chào, có lẽ vị sư phụ này là "cấp trên" của 2 sư thày, 2 sư thày tỏ ý mời sư phụ cùng ngồi nhưng vị sư phụ lắc đầu, rồi chọn một bàn ở một góc khuất khác.
Lúc ấy tôi nhủ thầm, mệt cho 2 sư thày rồi, đi chơi với người đẹp xui sao lại để cho sư phụ bắt gặp... Khoảng năm phút sau cửa kính của quán có người đẩy bước vào, một phụ nữ trông cũng đã có tuổi ăn mặc rất lịch sự, và cũng rất... đẹp đi một mình, chị nhìn quanh quất rồi bước nhanh đến bàn của vị sư phụ...
Hai sư thày chắc thoát nạn...
Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009
Sài Gòn muôn nẻo (1).
Chợ Bến Thành, một chợ xưa của thành phố Sài Gòn.
Thương xá có từ thập niên 60.
Một bà cụ bán dạo những vòng hoa nhài (hoa lài) ngày rằm trên đường.
Bán dạo bằng quang gánh trên đường phố.
Bán dạo bằng xe đạp.
Cầu hiện đại trên đại lộ Đông Tây mới mở.
Cầu xưa trong khu phố lao động.
Đường thênh thang .
Đường lô cốt...
SàiGòn muôn nẻo và muôn mặt, cũ mới sang hèn lẫn lộn, SàiGòn của những nghịch lý, nơi tôi đã sống và gắn bó hơn nửa thế kỷ, một vài Entry bằng hình ảnh gởi đến bạn bè...