PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

"Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba".



Tôi còn nhớ câu bà cụ tôi xưa thỉnh thoảng nói, để có ý ngăn ai trong nhà muốn đi đâu xa trong những ngày có số 7 và 3 (âm lịch) này, cùng với một câu thành ngữ khác cũng có nghĩa như vậy "Mồng năm mười bốn hăm ba, đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn". Ấy là các cụ kiêng ngày xấu, các cụ nói thế cũng chẳng giải thích gì thêm, lớn lên chút xíu xem sách vở thấy nói mồng 5, 14, 23 âm lịch là ngày Nguyệt kỵ rất xấu, cần tránh làm mọi việc. Nhưng trong sách cũng chỉ giải thích Nguyệt để chỉ tháng, Kỵ là kiêng cữ, nghĩa là những ngày xấu cần phải kiêng cữ trong tháng thôi, chẳng thấy nói tại sao lại phải kiêng vào những ngày này chứ không phải ngày khác.

Thật ra người mình có tục kiêng cữ rất nhiều chuyện chứ không riêng gì ngày tháng, xem tuổi tác trong hôn nhân, xem hướng nhà hướng đất, đặt bếp đặt bàn thờ, bàn làm việc... xuất hành ngày tết... Nghĩa là đủ mọi thứ kiêng kỵ trong cuộc sống, mà điển hình nhất là tục kỵ húy, hay tỵ húy. Trong cuộc sống, trong sách vở, tục kỵ húy đâu cũng thấy có.

Kỵ húy có nghĩa là kiêng tránh tên gọi, tục này bắt nguồn từ bên Trung Hoa từ xa xưa, sách vở chép có từ thời Tây Chu (1045 - 771 trước Công nguyên), và kéo dài cho đến đời nhà Thanh (1644 - 1912), tùy theo các đời vua chúa mà áp dụng chặt chẽ hay lỏng lẻo. Thoạt tiên triều đình cấm dân chúng đọc, hay viết tên vua, bởi vua là Thiên tử, con trời, với mục đích thần thánh hóa vương quyền. Sau từ triều đình những cấm đoán này phổ biến sang hàng quan lại, quý tộc, dân gian, và khi đã phổ biến trong xã hội thì tục lệ này trở thành chuẩn mực mang tính chất đạo đức...

Khi đã phổ cập, tục kỵ húy ngoài chuyện kiêng kỵ tên tuổi của hoàng triều, dân gian còn áp dụng cho cả thần thánh, quan lại, những bậc trưởng thượng trong dòng tộc, gọi là Quốc húy, Thánh húy, Gia húy...

Người Việt mình chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cho nên chuyện kỵ húy cũng rất phổ biến trong dân chúng. Sách vở chép đời vua Lê Thánh Tông đã ban hành những luật lệ kỵ húy, nhưng đến triều Nguyễn (1802 - 1945) thì việc kỵ húy trở thành phổ biến, được các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban hành nhiều điều lệnh, và được áp dụng cho đến tận đời vua cuối cùng là Bảo Đại.

Trong thi cử xưa, học trò đi thi mà phạm húy ngoài chuyện bị đánh trượt còn bị phạt đánh đòn, nếu đã đỗ đạt Cử nhân, Tú tài... ra làm quan mà phạm húy, sẽ bị mất chức, gạch tên ra khỏi khoa bảng.

Trong những nhà có chữ nghĩa, hay giàu sang quyền thế khi nhà có thêm một đứa trẻ thường phải nhờ những người văn hay chữ tốt đặt cho một cái tên. Ngoài chuyện kiêng kỵ tên vua chúa, hoàng tộc, thần thánh, nếu nhà có gia phả, gia chủ phải cho người đặt tên biết gia phả để mà tránh tên của những người trên hai bên dòng họ, bằng không cũng phải ráng nhớ xem họ hàng đôi bên đã có những tên gì để mà tránh, nếu không lỡ đặt tên trùng là sẽ bị trách móc...

Tuy nhiên sách vở, thực tế cũng cho chúng ta biết việc kỵ húy tên của vua chúa, hoàng tộc, quan lại... ở nước ta phổ biến trong miền Nam (đàng trong) hơn là miền Bắc (đàng ngoài), cũng dễ hiểu bởi miền Nam là đất khẩn hoang sau này của nhà Nguyễn, chẳng hạn trong miền Nam gọi là Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, trong khi miền Bắc vẫn gọi Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, bởi kiêng tên Miên Tông của vua Thiệu Trị. Miền Nam gọi bông kiểng hay huê kiểng trong khi miền Bắc vẫn gọi hoa cảnh, Hoa là tên của bà Hồ Thị Hoa vợ vua Minh Mạng, Cảnh là tên của hoàng tử Cảnh, hay công thần triều Nguyễn là Nguyễn Hữu Cảnh. Miền Nam gọi Ngô Thời Nhiệm, trong khi miền Bắc vẫn gọi Ngô Thì Nhậm, Thì là tên húy vua Tự Đức Nguyễn Phúc Thì, tự là Hồng Nhậm...

Dưới đây là một số kỵ húy khác trong miền Nam, chẳng hạn, nhân nghĩa đọc trại thành nhơn ngãi do nhân kiêng tên thụy của Nhân Chiêu Vương Nguyễn Phúc Lan, nghĩa do kiêng tên thụy của Hoằng Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái, và thái đọc trại thành thới, núi Châu Thới, Quảng Nghĩa đọc là Quảng Ngãi, Quy Nhân đọc là Quy Nhơn, Nhân Cơ đọc thành Nhơn Cơ... và còn rất nhiều nữa.

Một vài điều "tán" chơi với bạn bè.

15 nhận xét:

  1. Sách "Bàn về lịch vạn niên" có một đoạn thế này:
    Ngày nguyệt kỵ: Trong phong tục, mọi miền ở nước ta đều cho là ngày xấu, nhưng có thuyết cho rằng đó là ba ngày tốt nhất trong cả tháng. Bởi vậy, ngày xưa vua chúa chọn ban ngày đó đi du ngoạn. Vua chúa đi đâu cũng có binh lính dẹp đường, tiền hô hậu ủng. Dân chúng không dược nhìn mặt vua chúa phải cúi rạp hai bên vệ đường chờ xa gía đi qua mới được đứng dậy. Muốn được việc phải tìm đường khác đi cho nhanh đỡ phai mất thì giờ. dần dần trở thành phong tục. Nhân dân trấnh 3 ngày: mùng 5, 14, 23 của từng tháng gọi là ngày nguyệt kỵ (ngày kiêng xuất hành của từng tháng). Ngày tốt của kẻ cao sang nhưng trở thành ngày xấu của dân thường. (trang 9, Bàn về lịch vạn niên của Tân Việt-Thiều Phong NXB Văn hóa Dân tộc 1995)

    Trả lờiXóa
  2. Bác Bu ơi, Mama em vẫn thường bảo:
    "Mùng năm mười bốn hăm ba,
    Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn".
    Có kiêng có lành phải không ạ. Chỉ có điều em chả biết lịch âm hôm nay là bao nhiêu để còn xếp lịch kiêng kị.

    Trả lờiXóa
  3. @bulukhin, cám ơn bác Bu đã cho biết về 3 ngày nguyệt kỵ này. Hồi nào giờ tôi đã đọc mấy cái sách vở về mấy chuyện này cứ như lạc vào đám rừng khác, nào là âm dương ngũ hành, thiên can địa chi, lục thập hoa giáp... ngày tốt giờ tốt, ngày xấu giờ xấu... nói chung sách vở dạy là tốt xấu phải theo sao (chiêm tinh), ngày nào có nhiều sao tốt (cát tinh)như Thiên đức, Nguyệt đức, Thiên ân, Tri hỷ, Trực khai, Trực mãn... là ngày tốt. Còn ngày nào có sao xấu (hung tinh) như Trùng tang, Trùng cửu, Nguyệt phá... và kỵ nhất là ngày sát chủ, thọ tử.
    Mà đâu phải chỉ có ngày, còn giờ nữa, rồi theo tuổi của mỗi người... thế thì mấy ông thày (bói) còn kiếm ăn được dài dài... Hay bây giờ thử tìm hiểu xem sao, mai mốt về già cộng thêm võ vẽ dăm ba chữ Tàu nữa có thể kiếm ăn được... hehe!

    Trả lờiXóa
  4. @hanggraphic, "có kiêng có lành", ông bà ta cũng hay nói như vậy, ý chừng để biện minh cho cái lòng tin "vô bờ bến" của mình, không biết tức là "vô tội" H. à, cứ vô tư mà vui thôi. Hihi!

    Trả lờiXóa
  5. "... Xét phép chọn ngày, từ đời Đường, Ngu, Tam đại đã có. Song khi bấy giờ thì chỉ tuỳ việc mà chọn ngày: Nội sự dụng nhu, ngoại sự dụng cương. Nội sự là việc trong như việc tế tự cưới xin... thì dùng những ngày âm can là các ngày: ất, đinh, kỷ, tân, quý. Ngoại sự là việc ngoài như đánh dẹp, giao thiệp... thì dùng ngày dương can là các ngày: giáp, bính, mậu, canh, nhâm. Dùng như thế chỉ có ý làm các việc êm ái, hoà nhã thì theo về ngày âm, việc cứng cáp mạnh mẽ thì theo về ngày dương, nghĩa kén lấy ngày có chút ý nghĩa hợp với nhau mà thôi.

    Đến đời sau các nhà âm dương thuật số mỗi ngày mới bày thêm ra ngày tốt, ngày sao xấu, ngày này nên làm việc nọ, ngày kia nên làm việc kia. Hết ngày rồi lại có giờ sinh, giờ hợp, giờ xung, giờ khắc..."
    ...

    "Sách lịch do toà khâm thiên giám soạn ra. Mỗi năm về ngày mồng một tháng chạp, Hoàng Đế ngự điện khai trào, các quan Khâm thiên giám cung tiến Hiệp Kỷ Lịch, rồi khâm mạng vua mà ban lịch khắp nơi...

    ... Ban lịch trọng thể nhất là để cho thiên hạ biết chính xác nhất tiết khí, tháng thiếu tháng đủ, ngày tốt ngày xấu, để tuân hành được đều nhau.

    Đại để ngày nào có nhiều sao cát tinh như thiên đức, nguyệt đức, thiên ân, thiên hỷ... hoặc là ngày trực khai, trực kiến, trực bình, trực mãn thì là ngày tốt. Ngày nào có những sao hung tính như sao trùng tang, trùng phục, thiên hình, nguyệt phá thì là ngày xấu.

    Kiêng nhất là ngày sát chủ, ngày thụ tử, việc gì cũng phải tránh. Mỗi tháng có ba ngày là ngày năm, mười bốn, hai mươi ba, gọi là ngày nguyệt kỵ, việc gì cũng nên kiêng và nhất là nên kiêng nhập phòng. Trong một năm lại có mười ba ngày gọi là ngày Dương công kỵ nhật, hết thảy việc gì cũng phải tránh những ngày ấy." (Theo Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính)

    Như vậy, theo Phan Kế Bính mồng 5, 14, 23 gọi là ngày nguyệt kỵ vì rơi vào các sao hung tính như trùng tang, trùng phục, thiên hình, nguyệt phá...

    Ngày 3, ngày 7... là những ngày tam nương là những ngày xấu cho việc đi lại.

    Phan kế Bính bỏ công nghiên cứu rất tỉ mỉ về tục xem ngày kén giờ của người Việt trên góc độ nghiên cứu về phong tục của người Việt Nam, chứ ông không cổ súy cho việc mê tín, nên ông đã viết "...động làm việc gì cũng phải xem ngày, kén giờ, thực là một việc phiền toái quá. Đã đành làm việc gì cũng nên cẩn thận, mà chọn từng ngày, kén từng giờ mà phí câu nệ khó chịu. Mà xét cho kỹ thì có ích gì đâu, chẳng qua việc thành hay bại cốt do ở người chớ có quan hệ gì ngày tốt hay ngày xấu. Nếu cứ chọn ngày giờ mà nên việc thì không cần gì phải dùng đến sức người nữa hay sao ?"

    Trả lờiXóa
  6. PNH à, có lẽ chúng ta ôn tập lại mấy cái chữ vuông, trau dồi thêm kỹ năng bói toàn để hôm nào vào SG cùng nhau đi lang thang kiếm sống lai rai. Thời còn là gđ PMU1 miền trung Bu đã chỡ bà xã, cô con gái, và bà sếp của vợ vào dâng hương ở nghĩa trang Trường Sơn. Tại cái lễ đài uy nghi của nghĩa trang, Bu dùng con xúc xắc 6 mặt lấy cho sếp vợ một quẻ trong kinh dịch. Quẻ nói về cô ấy như ma xó: Đúng từ việc cái u trong bụng nằm về phía nào, bồ bịch ra sao, sát phạt nhân viên dưới quyền thế nào...Bu buộc lòng phải đọc (tại chỗ) cho cô ấy nghe một quẻ khác toàn những điều tốt đẹp. Sau vụ đó Bu bỏ "nghề" vì sợ quá. Tuy nhiên cho đến nay Bu vẫn không mấy tin ba vụ bói toán mặc dù làm nhà, xuất hành, dựng vợ gã chồng cho con Bu tra khảo sách vở vô cùng tận tụy, chủ yếu cho bà xã vui, thấy mình có ông chồng sao mà đáng yêu thế. hihihi!!!!

    Trả lờiXóa
  7. *hanggraphic
    Hôm nay là 21 âm lịch, ngày Đinh tỵ, hành thổ, sao chẩn, Trực thành. tam hợp, thiên hỷ: Tế tự, giá thú, động thổ
    Chú ý: Trực thành: nên bắt đầu kinh doanh, nhận chức, nhập học, kết hôn, nhưng không nên tố tụng. Chỉ kiêng có chừng ấy thôi bạn ạ. Còn nữa là tốt mà. hihihi!

    Trả lờiXóa
  8. Nghe nói hôm nay là ngày tốt 09/09/09

    Trả lờiXóa
  9. @anhkim01, vậy thì đã rõ những ngày dân gian kiêng kỵ theo Phan Kế Bính là do sao xấu chiếu, tôi cũng coi sách thấy tuổi hợp, kỵ, ngày giờ tốt xấu..., nhiều thứ lắm... từ ngữ lung tung cả, Thiên can, Địa chi, ngũ hợp, tương xung, tương khắc... ráng học cho thuộc mấy từ này mai mốt cắp tráp theo bác Bu thôi, hihi!

    Trả lờiXóa
  10. @bulukhin, vậy tôi coi lại ba cái chữ vuông, bác có vào Sài gòn ở tết tôi với bác kiếm tiền ngồi cà phê chim nhỉ, hehe.

    Trả lờiXóa
  11. @bangtamngt, ngày 09/09/09 mới có 3 số chín, tôi khoái 4 số 9 hơn, hì hì!

    Trả lờiXóa
  12. @anhkim, như Phan Kế Bính kết luận là đúng quá, hôm nọ tôi đi cái đám ma mẹ người bạn trong cơ quan, nhà trong hẻm nơi quận 4 nhỏ xíu, lúc liệm cứ loay hoay xê dịch tới lui cái áo quan vì người ta nói không được để dưới cái đà ngang của căn nhà, cuối cùng vị sư được mời tới cúng nói lúc sống bao nhiêu năm ở trong ngôi nhà đi tới đi lui dưới cái đà ngang có sao đâu, chết còn kiêng nỗi gì, để làm sao cho tiện là được, thế mới thôi. Xem ra chuyện kiêng cữ do con người bày đặt ra là chủ yếu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  13. @bulukhin, có lẽ cách giải thích về mấy ngày mùng 5, 14, 23 của Phan Kế Bính trong VN Phong tục mà bạn anhkim đã dẫn vì sao xấu, có lý hơn là sách "Bàn về lịch vạn niên" nói là ngày vua quan "vi hành", bởi xưa vua quan chẳng đi đâu xa chỉ loanh quanh nơi cung điện và vài vùng phụ cận, thì may ra chỉ có dân "kinh thành" mới kiêng mấy ngày này không ra đường, còn đây tất cả dân chúng xa gần đều kiêng cữ hết, thì hẳn là ngày xấu rồi, có lẽ mấy ngày này vua cũng chẳng dám đi đâu chơi, bởi vua là... chúa tin nhảm, hiii!

    Trả lờiXóa
  14. Bu dẫn ra sách để nói rằng đó là một cách lập luận chứ không khẳng định nó đúng hay sai. Mà thực ra vua chúa ngày xưa thỉnh thoảng vẫn vi hành xem cuộc sống dân chúng ra sao. Chưa nói vua nhà Lý còn đi cày ruộng đầu năm cho dân chúng noi theo. Trong một cuộc vi hành như thế Lý Thánh Tông mới rước cô gái đứng tựa cành lan bên ruộng dâu về sau này là nguyên phi Ỷ Lan, đẻ ra Càn Đức nối ngôi. Mà có đi loanh quanh trong kinh đô thì thành ra tục lệ của dân kinh đô, rồi dân quê học theo. Thì đấy cũng là suy diễn vậy...

    Trả lờiXóa
  15. @bulukhin, hehe, tôi đâu có nói là ai đúng hay sai, tôi chỉ nói sách này có lý hơn sách kia thôi, dĩ nhiên là khi không có được những kết luận chính xác (ở nước ta chưa có được một Viện hàn lâm nào làm việc này), thì những lý giải về một vấn đề gì trên sách vở, hay trên mạng, chỉ dừng lại ở mức độ... thông tin, và tùy từng hiểu biết, nhận định của mỗi người mà cảm nhận...

    Trả lờiXóa