Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011
Hôm nay, Cụ Rùa nhoài cả người lên bờ (31/03/2011) Sáng nay, Hà Nội bỗng nhiên thời tiết chuyển nắng ấm lạ thường. Cụ Rùa dường như rất nhạy cảm với thời tiết nên ngay từ 8 giờ sáng cụ đã nổi lên đón nắng phía đường Hàng Khay. Nhiều người dân quan tâm, lo lắng sức khỏe cụ đã phần nào yên lòng sau nhiều hôm thấp thỏm. Báo ĐĐK online.
Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011
Một cõi nhân gian.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát giữa Sinh viên - Học sinh Saigon.
Sắp đến mùng 1 tháng 4, kỷ niệm đúng 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người ta biết đến ông như một nhạc sĩ, với những bài hát được nhiều người, nhiều giới, nhiều lứa tuổi mến mộ. Tôi cũng thế, tôi biết đến âm nhạc của ông từ những ngày còn rất trẻ, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, lúc còn là một cậu học sinh trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ). Thuở ấy tôi đã theo những bạn cùng xóm, lớn tuổi hơn tôi đi nghe Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ở giảng đường của đại học Văn Khoa, Nông Lâm Súc... Những bài hát lúc bấy giờ là những bản tình ca, và nhất là Ca khúc da vàng, những bài hát nói lên thân phận con người, thân phận của một đất nước nhược tiểu... được chính quyền thời đó cho là phản chiến, từng một thời bị cấm đoán.
Nhạc sĩ TCS có những bài hát rất hay, về tình ca với những Ướt mi (bài hát được cho là sáng tác đầu tay của ông, hay ít nhất cũng là bản tình ca đến với công chúng từ rất sớm), Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em, Biển nhớ, Tạ ơn... được nhiều người yêu thích, điều này là hẳn nhiên, nhưng có lẽ ông được giới trẻ thời trước năm 75 ở miền Nam yêu thích, chính là ở những bài hát phản chiến, những Ca khúc da vàng vớinhững lời hát nhức nhối làng người... đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe... Hay... Tôi có người yêu chết trận Asao, tôi có người yêu nằm chết cong queo, chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu, chết nghẹn ngào mình không manh áo... Sau tập nhạc Ca khúc da vàng, vào cuối những năm 60, đầu 70 ông có xuất bản tiếp tập nhạc Kinh Việt Nam, vẫn những bài hát nói về thân phận con người trong chiến tranh, hình như bài hát Nối vòng tay lớn nổi tiếng của ông được in trong tập nhạc này...
Khoảng đầu thập niên 70 về sau, những bài hát của ông chuyển sang một gia đoạn khác, vẫn những bài tình ca nhưng nhẹ nhàng, sâu lắng hơn, phảng phất hơi thở mênh mông của đất trời, của Thiền như Đóa hoa vô thường, Khói trời mênh mông... hoặc những lời hát mang âm hưởng của dân ca... Em đi qua chuyến đò ối a con trăng nằm ngủ, con sông là quán trọ và tôi tên lãng du... Dù những bài hát viết theo phong cách nào, như một bài thơ, như một bài kinh, phản kháng hay mơ mộng, âm nhạc của ông vẫn luôn luôn được yêu thích...
Nhưng nhạc sĩ TCS không chỉ được mọi người biết đến bởi âm nhạc, trong nhạc của ông luôn có chất thơ, và họa, ông còn là một họa sĩ, thật sự là một họa sĩ có tài, nhất là trong lĩnh vực chân dung. Nhiều bức tranh của ông còn được lưu giữ trong gia đình, nơi bạn bè và những người hâm mộ ông, bức tranh trong tấm hình thứ 3 từ trên xuống là ông vẽ Diễm, một cô gái xứ Huế, người trong bài hát có tựa đề Diễm xưa... Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao, nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ... Tấm hình thứ 4 không biết có phải là cô gái Nhật Michiko không? Một cô gái hâm mộ âm nhạc và quý mến ông đến từ nước Nhật, đến Việt Nam để làm một luận án tốt nghiệp với đề tài là âm nhạc của ông...
Một tấm hình khác, cũng là một bức chân dung, ông vẽ một nhân vật nữ cũng khá nổi tiếng là Hà Kiều Anh, màu sắc và nét vẽ trong tranh của ông rất đẹp...
Ngoài tài viết nhạc, vẽ, ông còn làm thơ, tuy thơ của ông không được phổ biến như âm nhạc và những bức tranh do ông vẽ, nhưng cũng rất hay, những câu thơ phảng phất Thiền, có khi hơi có "chất" Bùi Giáng, cũng là một người bạn của ông, tôi trích một số câu thơ của ông khi ông ở Montréal (Canada) vào đầu những năm 90:
Đưa em một nửa lên đường
Nửa kia còn lại nỗi buồn quẩn quanh
Mùa xuân phố bội bạc tình
Bước chân phiền não một mình ta hay
Montréal 21 Avril 1992.
Ở đây phố xá hiền như cỏ
Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người
Ở đây cỏ sẽ hiền hơn phố
Bởi dưới chân em có mặt trời
(Phố).
Ở đây nếu ở trăm năm
Xa em tôi có hàng trăm nỗi buồn
Ở đây nếu ở đây luôn
Xa em tôi sẽ hồn nhiên ngậm ngùi
Chiều 22 Avril ở Montréal với bạn.
Ông thật là một con người của Cầm, Kỳ, Thi, Họa, và của cả... rượu, một nghệ sĩ đích thực, không phải được mến mộ chỉ ở trong nước, mà cả trên trường quốc tế, cách đây mấy năm ông đã được tặng một danh hiệu hay giải thưởng gì đó tôi không nhớ rõ của quốc tế, tôn vinh tài năng của ông, âm nhạc và bản thân ông chắc chắn sẽ còn mãi trong lòng nhiều người...
* Những bức ảnh tranh và thơ của nhạc sĩ TCS được trích từ nhiều nguồn trên Internet.
Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011
Phạt VTV 18 triệu đồng vụ "cô Lượm"Thứ Ba, 29/03/2011 11:51 (NLĐO)- Liên quan đến vụ “cô Lượm” của chương trình "Người xây tổ ấm", tin từ Bộ Thông tin – truyền thông ngày 29-3 cho biết vừa xử phạt Đài truyền hình Việt Nam (VTV) 18 triệu đồng. Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 triệu đồng đối với VTV vì đã “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng” trong chương trình Người xây tổ ấm phát sóng ngày 25-1. Ngoài tiền phạt, Bộ Thông tin – Truyền thông còn yêu cầu VTV cải chính, xin lỗi theo đúng quy định của Luật Báo chí.
Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011
Các nhà ngôn ngữ bàn về "tuổi teen sử dụng ngôn ngữ hỗn tạp" 15:04:00 27/03/2011 Cách nói năng của lớp trẻ hiện nay có chuyện này chuyện nọ nhưng không phải là phổ biến, không phải số đông, một nhà ngôn ngữ nhận định. Đồng quan điểm với ông, Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, cần "chỉnh đốn" lại các dạy tiếng Việt trong trường học để "học sinh biết nói đúng, viết đúng tiếng Việt, biết nói hay và viết hay tiếng Việt". Copy từ CAND Online.
Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011
Trò chuyện Tháng 3: Bảo vệ môi trường.
Chị phungchau bên Pháp có gởi về cho tôi xem bộ ảnh nude của một nhà nhiếp ảnh Việt Nam chụp một người mẫu, với chủ đề "Bảo vệ môi trường". Bộ ảnh này trong vài ngày qua báo chí có nói đến, với những nhận xét, và có lẽ trên mạng cũng đã có nhiều người bình luận về bộ ảnh này. Tôi không tiện đưa lên những hình ảnh của bộ ảnh, hoặc có ý kiến trong bài viết, bộ ảnh được chụp trong khung cảnh thiên nhiên, có suối, có rừng...
Riêng tôi, tôi cũng muốn đưa lên vài hình ảnh mới chụp đây đó, giữa thiên nhiên, những hình ảnh của hoa lá, con tắc kè, con bướm..., cũng với mong muốn con người hãy bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Những trận động đất khủng khiếp vừa qua, ở New Zealand, ở Nhật Bản, và mới đây ở Myanmar... đã cho chúng ta thấy khi thiên nhiên nổi giận kinh khủng đến dường nào... Hai tấm ảnh cuối là những tấm ảnh đặc biệt nhất tôi đã copy bên nhà cô bạn Marguerite. Bạn Marg. đã chụp từ cửa sổ phòng làm việc của mình, tấm ảnh thứ nhất bạn chụp con chim sẻ đậu trên cánh cửa sổ, một tấm ảnh khá hay, bạn chụp được tấm ảnh này, như tôi hay nói "nhanh tay lẹ mắt". Có lẽ nơi phòng làm việc của bạn hay có những chú chim sẻ đến đứng trên cửa sổ như thế, một hôm bạn đã "canh" sẵn máy hình và đã chụp được chú chim sẻ, để chụp được tấm hình này chắc chắn bạn sẽ phải bấm lên tiếp nhiều tấm một lúc (chỉ có loại máy tương đối cao cấp thay được ống kính mới bấm nhanh được như vậy, bạn nào đang dùng loại máy du lịch muốn chụp được như thế cần phải đổi máy, hihi!).
Nhưng tấm hình cuối cùng theo tôi là tấm hình "lạ kỳ" nhất mà tôi gặp trong suốt mấy mươi năm biết chụp hình, không phải chú chim sẻ nữa, mà là hình ảnh một con chim lớn, tấm hình cho ta thấy chú chim này trông như vịt trời hoặc thiên nga đang bay ngang lọt vào tầm ngắm của ống kính. Hình ảnh con vịt trời hay thiên nga bay ngang qua khung cửa này chỉ xuất hiện trong tích tắc, một phần trăm giây tại vị trí khung cửa sổ, độc nhất một lần trong cuộc sống, và có lẽ, trong một triệu cú bấm máy may ra mới có được một sự trùng hợp lạ lùng và thú vị như thế. Bạn đang làm việc giữa trung tâm thành phố Saigon, nếu đó là hình ảnh của một con chim sẻ, bồ câu, hay thậm chí là sáo, cu đất bay ngang có lẽ cũng chưa thú vị bằng hình ảnh của một chú vịt trời hay thiên nga, vì chim sẻ, bồ câu, sáo hay cu đất bây giờ có khá nhiều trong thành phố. Vịt trời hay thiên nga là loại chim thiên di, thường bay từng bầy, không hiểu đây là một con lạc bầy, hay có một bầy tình cờ bay ngang qua thành phố... Đây là tấm hình mà chắc chắn sẽ còn rất lâu trong trí nhớ của tôi.
Thiên nhiên, môi trường sống của chúng ta đẹp đẽ và tuyệt vời biết bao...
Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011
Hoa phượng.
Hoa phượng, đó là hoa của tuổi học trò, đến theo những cơn mưa đầu mùa, và những tiếng ve râm ran trên đường phố. Thuở nhỏ đi học có khi không để ý đến ngày tháng, nhưng nhìn cây phượng trong sân trường nở hoa, là biết đã sắp đến những ngày hè.
Năm nay mùa mưa hình như đến sớm, mới cuối tháng 3 mà đã có những cơn mưa khá lớn, giữa những ngày nắng. Tôi để ý chưa thấy tiếng ve, nhưng lác đác đã thấy có vài cây phượng trổ hoa...
Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011
Chuyện lên đồng.
Ảnh: Internet. Một cảnh cô đồng đang tung tiền "phát lộc thánh ban" trong một buổi hầu đồng. Có lẽ cô đồng này được Bà chúa thượng ngàn nhập (mặc quần áo của người thiểu số).
Vừa qua báo chí có đưa tin xứ mình đang lập hồ sơ để trình lên Unesco, xin công nhận "Hầu đồng" là "Di sản văn hóa phi vật thể thế giới", và nhân đó cũng đã có người đưa hầu đồng lên sân khấu, như là "một thể nghiệm đáng trân trọng" (tin báo CAND Online ngày 18/3/2011).
Chuyện "Hầu đồng" được lập hồ sơ trình lên Unesco để xin công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể thế giới", cũng như Nhã nhạc cung đình Huế, hay Cồng chiêng Tây nguyên (đã được công nhận), là chuyện nên làm, còn chuyện đưa hầu đồng lên sân khấu để thể nghiệm (xin nhấn mạnh từ "thể nghiệm" mà báo CAND online đã viết, có lẽ báo muốn nói là "thử nghiệm" chăng?), thì cứ thử nghiệm, nhưng cũng như Cồng chiêng khi đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, có người... cao hứng quá đề nghị đưa cồng chiêng vào dàn nhạc giao hưởng, mà quên đi rằng "không gian sống" của cồng chiêng là ở nơi bản làng, giữa núi rừng, chứ không phải ở trên sân khấu. Hầu đồng cũng tương tự như thế...
Hầu đồng còn có những tên gọi khác là hầu bóng, lên đồng, ngồi đồng, có nơi còn gọi là bóng rỗi... và toàn bộ nghi lễ, nghi thức lên đồng được gọi là đồng bóng, đồng cốt. Thời gian diễn ra một buổi hầu đồng thường kéo dài 1 - 2 tiếng đồng hồ, có khi kéo dài cả buổi, đuợc gọi là "một giá đồng", chữ "giá" là để ám chỉ người ngồi đồng làm cái giá để thần thánh nhập vào, còn chữ "đồng" là "cùng, hòa đồng", có lẽ từ ngữ "giá đồng" mang ý nghĩa là "người cùng thần thánh hòa nhập làm một". Tôi có "may mắn"!, hì hì, được biết chuyện lên đồng từ hồi còn nhỏ, số là trong xóm nhà tôi ở có một nhà chuyên tổ chức lên đồng, có lẽ đó là vào khoảng thời gian cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ngôi nhà này bề ngoài cũng chẳng khác những ngôi nhà lân cận, chỉ có điều cửa nẻo, tường ốc quét sơn quét vôi những màu rất chói, hoặc tươi rói, chẳng hạn màu đỏ, màu vàng, màu hồng... Bên trong căn nhà cũng thế, rất nhiều bàn thờ, tượng, rèm che, được thắp bởi những bóng đèn đỏ mờ mờ âm u, lúc nào cũng nhang khói nghi ngút, rất ma quái.... Tụi nhóc chúng tôi thời ấy rắn mắt là thế, vậy mà rất sợ ngôi nhà này, bởi kháo nhau là có ma nên ít dám bén mảng tới gần, đi đâu ngang qua nhà là ù té chạy. Duy chỉ những khi họ tổ chức lên đồng mới dám mon men tới thập thò ngoài cửa đứng xem, một phần vì tò mò, phần khác vì cũng có những người lớn trong xóm đến xem cũng đứng ngoài cửa, mà cái chính có lẽ là khi lên đồng xong thể nào họ cũng phân phát kẹo bánh cho đám con nít, thường là loại kẹo bánh rẻ tiền, được gói trong những lớp giấy bóng kiếng xanh đỏ, điển hình là những cái oản làm bằng bột mà bây giờ vẫn còn thấy...
Lên đồng, hầu đồng (tôi không muốn nói đến loại lên đồng bây giờ, tự phát, phổ biến ở miền Bắc nghe nói Hà Nội có nhiều, , là loại lên đồng thời thượng, giả danh), ở đây tôi muốn nói đến việc lên đồng, gắn liền với một hình thức tôn giáo cổ xưa trong dân gian, đó là tín ngưỡng thờ Mẫu, hay Đạo mẫu, tín ngưỡng thờ Mẫu này chịu ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa, đó là thờ Tam phủ. Tam phủ gồm Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi), Thủy phủ (đọc trại là Thoải phủ, miền sông nước), nếu thờ Tứ phủ thì thêm Địa phủ (miền đất đai). mẫu Thượng thiên cai quản Thiên phủ, mẫu Thượng ngàn cai quản Nhạc phủ, mẫu Thoải cai quản Thoải phủ, mẫu Địa cai quản miền Địa phủ. Sang đến thế kỷ thứ XVI, với sự ra đời của Thánh mẫu Liễu Hạnh (Bà chúa Liễu Hạnh, một truyền thuyết dân gian), đạo Mẫu được hình thành với sự xuất hiện của các điện, phủ..., thờ các Cô, Cậu... thường là các nhân vật huyền thoại trong truyền thuyết, hoặc các nhân vật lịch sử có công với đất nước...). Thánh mẫu Liễu Hạnh được xem như hóa thân của mẫu Thượng thiên. Trong Đạo mẫu thờ Tam tòa Thánh mẫu, tượng trưng cho Vũ trụ, gồm 3 vị Thánh mẫu (Tam phủ) như đã nói ở trên, mẫu Thượng thiên là mẫu Đệ nhất, mẫu Thượng ngàn là mẫu Đệ nhị, mẫu Thoải là mẫu Đệ tam. Trong Điện thờ của Đạo mẫu được sắp xếp như sau: mẫu Thượng thiên choàng khăn đỏ ngồi giữa, mẫu Thượng ngàn choàng khăn xanh ngồi bên trái, và bên phải là mẫu Thoải choàng khăn trắng. Điện thì thờ các Cô, Cậu, riêng phủ thì thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh (phủ Giày, phủ Tây Hồ)...
Tôi cũng xin nói qua về một tục thờ dân gian khác của người Việt xưa nơi vùng châu thổ sông Hồng, đó là tín ngưỡng thờ Tứ pháp mà người ta hay lẫn với tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ. Tứ pháp đó là pháp Vân (Mây), pháp Vũ (Mưa), pháp Lôi (Sấm), pháp Điện (Chớp), thờ Tứ pháp là tục thờ các hiện tượng thiên nhiên chi phối đến đời sống con người, hoặc gieo tai họa làm cho con người sợ hãi. Tín ngưỡng thờ Tứ pháp cũng là một nét độc đáo trong văn hóa dân gian của người Việt. Trong các ngôi chùa thờ Tứ pháp như chùa Dâu (chùa bà Dâu, thờ pháp Vân), chùa Đậu (chùa bà Đậu, thờ pháp Vũ), tuy cũng được gọi là chùa nhưng trong điện thần không thờ Phật Thích Ca, mà các bà giữ tư cách là chủ điện, bà Dâu (pháp Vân) thờ ở chùa Thiền Định (chùa Dâu), bà Đậu (pháp Vũ) thờ ở chùa Thành Đạo (chùa Đậu), bà Tướng (pháp Lôi) thờ ở chùa Phi Tướng, bà Dán (pháp Điện) thờ ở chùa Phương Quan. Các buổi lễ ở những ngôi chùa này chủ yếu là để cầu mưa, cầu tạnh, mưa gió thuận hòa, hoặc rước Giao hiếu, cầu cho mùa màng tốt tươi, thời tiết thuận lợi trong việc gieo cấy nông nghiệp...
Trở lại chuyện hầu bóng, lên đồng. Trước năm 75, thời gian tôi ở trong quân đội, khi ở Quy Nhơn (lúc ấy là Thị xã), tôi nhớ ở con đường Tăng Bạt Hổ lúc bấy giờ cũng có mấy căn nhà chuyên tổ chức lên đồng, những nơi ấy được gọi là điện, thời ấy chính quyền không khuyến khích việc lên đồng nhưng cũng chẳng thấy cấm đoán, bởi chuyện này diễn ra công khai. Tôi còn nhớ có vài lần tôi ghé xem họ lên đồng, thấy tôi đứng sớ rớ ngoài cửa, mặc đồ trận, có người ra mời vào trong nhà kéo ghế ngồi rót cả nước uống. Cũng vẫn những bà đồng, hay đồng nam, có khi là những người ái nam ái nữ (gọi chung là đồng cô, đồng cậu, những người này trông không được bình thường, ngày thường họ cũng ăn mặc phấn son rất lòe loẹt, có những điệu bộ buồn cười hay khó coi), đồng nhảy múa quay cuồng trong tiếng đàn tiếng hát của cung văn, giữa các đệ tử xì xụp lạy. Thoạt tiên là đồng cô, hay đồng cậu ngồi xếp bằng trước bàn thờ trên đầu che tấm khăn choàng đỏ, tay cầm 3 nén nhang, miệng lẩm nhẩm khấn xin thánh nhập, một lúc sau thì thánh nhập, tay trái của đồng ra hiệu là thánh nam nhập, còn tay phải là thánh nữ (nam tả nữ hữu). Tùy theo những động tác của đồng cô hay đồng cậu mà những người dự lễ hầu đồng sẽ mặc quần áo, trang bị những "đạo cụ" tương ứng cho đồng, chẳng hạn đồng có động tác như chèo đò, chắc chắn đó là Mẫu Thoải nhập, thế là đồng được mặc áo tứ thân, đội nón quai thao tay cầm cái mái chèo, đồng uốn éo với những động tác của người chèo thuyền, giữa tiếng nhạc của cung văn, và vái lạy cầu xin của đệ tử. Nếu khi thánh nhập đồng có những động tác khác, như múa kiếm... thì chắc chắn đó là Đức thánh Trần, hay ông Hoàng Chín, ông Hoàng Mười nhập (những danh tướng khác), đồng sẽ được mặc quần áo võ, đầu chít khăn tay cầm kiếm... Còn khi Bà chúa Thượng ngàn nhập đồng sẽ được mặc bộ quần áo của người dân tộc thiểu số...
Khi hết một giá đồng (một buổi hầu đồng), thường thường đồng tung cho các đệ tử những đồng tiền (tiền thật), bánh kẹo, trái cây, trầu cau cúng tế..., đó là lộc của thánh ban... Các đệ tử hoan hỉ nhận những lộc thánh này, họ tin rằng những lộc này mang đến cho họ những điềm lành, điều may mắn, tiền thánh ban sẽ giúp cho họ làm ăn phát đạt, thậm chí có người còn tin rằng tàn nhang, nước thải ở những nơi này còn chữa được bệnh tật... và không ít kẻ đã "tiền mất tật mang" chỉ vì những điều mê tín nhảm nhí ấy...
Không gian của đồng bóng như thế, là ở những điện, phủ thờ, giữa khói hương nghi ngút, đèn đuốc mờ ảo, tiếng phách tiếng nhạc, tiếng hát của cung văn, giữa những đệ tử thành tâm vái lạy, với ánh mắt thành kính pha lẫn sợ sệt, một khung cảnh nửa tôn kính nửa ma quái, nửa tỉnh nửa mê, chắc chắn không phải là không gian của một sân khấu biểu diễn...
Saigon, tháng 3/2011.
Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011
Đưa hầu đồng lên sân khấu - Một thể nghiệm đáng trân trọng 11:58:00 18/03/2011 Những tranh cãi và dự định hoàn toàn nghiêm túc của giới quản lý văn hóa cũng như các nhà khoa học, về việc thiết lập hồ sơ, đề nghị UNESCO công nhận hầu đồng là "Di sản văn hóa phi vật thể thế giới" đã giúp NSND Lan Hương thêm tự tin, mày mò bắt tay dàn dựng "Tâm linh Việt".
Tù và, và Boomerang.
Ở bài viết Cafe trước, các bạn vào trao đổi khá sôi nổi, có 2 người bạn phương xa là bạn tienvy (ở Úc), và chị phungchau (ở Pháp) nói lúc nào có dịp về Việt Nam, sẽ thưởng thức cafe Saigon. Cô bạn Marguerite ở Saigon thì nói, hễ 2 bạn ấy về chơi sẽ "hú uuuuu" mời đi uống cafe lập tức, còn tôi sẽ cho bạn Marg. mượn cái tù và để thổi uuuuu, đỡ phải hú . Năm ngoái cô em út của tôi ở Úc về có cất công đi tìm mang về làm quà cho tôi một cái tù và bằng gỗ dài cả gần thước, và một cái Boomerang cũng bằng gỗ, 2 món quà này cô em đã phải lái xe hơi đi về trong ngày gần một trăm cây số, đến tận nơi những thổ dân bán quà lưu niệm cho du khách để mua, tuy cũng chỉ là hàng lưu niệm nhưng do chính tay những thổ dân Úc này làm ra. Khổ, cô em đã phải cất công đi xa và mất thời gian như thế cũng chỉ vì ông anh lớn, chứ với những anh em khác thì quà là áo Pull, quần Jean là tiện nhất, ông anh thuộc loại "siêu mẫu" nên "out size", cỡ nào cũng mặc không vừa, vả lại tính ông anh lại thích những thứ... vớ vẩn như thế .
Trên hình các bạn thấy, tù và là cái đứng, thường tù và được làm bằng sừng trâu, bò, sơn dương... hay vỏ ốc, là một dụng cụ có lẽ đã xuất hiện từ thời nguyên thủy của loài người, dễ kiếm, được dùng để làm phương tiện thông tin, liên lạc của người thượng cổ, đối với người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên còn là một thứ nhạc cụ, như cái khèn, sáo... Buổi chiều về trên những nương bản khi xưa nơi tôi đã ở, giữa núi rừng, nghe tiếng tù và uu trầm buồn của những người Thượng gọi đàn trâu về làng, nghe trong lòng nao nao lạ lùng... Còn Boomerang là vật nằm dưới nền gạch, hình chữ V, cũng bằng gỗ, đây là một loại vũ khí xa xưa của Thổ dân Úc châu, loại vũ khí độc đáo này khiến giới khoa học còn phải kinh ngạc, bởi đường đi của nó khi được ném ra, và tùy "tay nghề và trình độ" của người ném mà đường đi của nó phức tạp hay không, rất khó đoán trước. Cái độc đáo của loại vũ khí này là nếu ném đi không trúng đích sẽ quay trở lại nơi người ném... Tôi đã coi một đoạn video trên mạng, người biểu diễn đứng trên sân khấu, ông ta ném mạnh chiếc Boomerang trong khán phòng, chiếc Boomerang bay vút như ánh chớp trên đầu khán giả, và khi quay trở lại sân khấu đã phạt đứt đôi quả táo trên đầu người biểu diễn, thật đáng kinh sợ .
Thổi vào cái tù và gỗ thì tôi cũng đã thử, phùng mang trợn má cũng có kêu uu chút đỉnh, nhưng ném thử cái Boomerang thì chưa dám, ở trong nhà thì không thể ném rồi, và dù có ra công viên rộng rãi cũng không dám, chỉ sợ "tay nghề ba chớp ba nháng" của mình, ném ra lỡ bay trúng đầu người khác, hay nó có quay trở lại tìm... đầu mình mà đến là "khổ đời cô Lượm" (trước đây là cô Lựu, bây giờ thành cô Lượm rồi), hìhìhì! .
Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011
Cafe.
Ngày nghỉ rảnh rảnh không biết mần gì? Pha một tách cafe nhâm nhi một mình ngẫm nghĩ chuyện đời... Phải công nhận tôi là một gã ghiền cafe, tuy bây giờ uống không nhiều, mỗi ngày chỉ một, hai phin, dễ chừng tôi uống cafe cũng suýt soát nửa thế kỷ nay, nhưng cũng ngộ là tôi không ghiền thuốc lá, người ta hay nói "cafe thuốc lá" mà, tuy thời còn trẻ trẻ thỉnh thoảng ngồi quán với bạn bè tôi cũng có phì phèo tí chút, bây giờ thì cafe vẫn còn, nhưng thuốc lá thì tuyệt nhiên không, nhiều khi ngửi thấy mùi khói thuốc còn không chịu được.
Những năm tháng trước 75 tôi có thời gian ở Tây nguyên, hoặc đây đó miền duyên hải Trung kỳ có lẽ là khoảng thời gian tôi uống cafe nhiều nhất, và thấy cafe là ngon nhất. Những lúc ở đâu đó, trong rừng, trên núi, hay một vùng biển nắng cháy heo hút, cả tháng trời không thấy phố xá nhưng trong ba lô của tôi luôn có một cái phin cafe, khoảng nửa kí lô cafe loại ngon, một ít đường, và một hai cái tách uống cafe cho riêng mình. Xưa nay tôi quen uống cafe pha phin, không đá, và cũng chẳng uống với sữa, hay "kem" (một loại bột giống như sữa bột mà khi xưa tụi Mỹ hay cho vào cafe), có lẽ thời gian tôi ở trên cao nguyên khá lâu, khí hậu lạnh, cafe nóng pha phin uống là tuyệt nhất, hãy cứ thử tưởng tượng bạn ở đâu đó trong rừng, trên núi, trong một làng Thượng... trời buổi sớm hay về chiều se lạnh, nhớ nhà, hay nhớ đủ thứ, thì một tách cafe nóng thơm lừng tuyệt vời biết là chừng nào.
Nói đến cafe mà không nhắc quán cafe chắc chắn là một thiếu sót quan trọng, ngày xưa ở Tây nguyên, Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột, Quảng Đức, Phú Bổn, Đà Lạt..., hoặc miền duyên hải Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn... những nơi tôi đã đi qua thì quán cafe có lẽ cũng nhiều, nhưng không nhiều và xô bồ như bây giờ. Ngoại trừ những lúc "mai xa lắc trên đồn biên giới" như lời trong một bài hát phổ biến hay nghe hát trong những quán cafe thời đó, thì lúc về phố thời gian tôi ngồi trong quán cafe là nhiều nhất, quán cafe thời nào cũng vậy có một cái dễ thương là không khống chế thời gian của khách ngồi, thường thì tôi ngồi quán với một cuốn sách, đấy là những năm tháng tôi đọc sách có lẽ là nhiều nhất trong đời, trong ba lô của tôi ngoài mấy bộ quần áo trận, vài thứ đồ dùng lặt vặt còn lại toàn là sách. Tôi đã đọc Đức Phật và Phật pháp, Tân Ước và Cựu Ước, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Albert Camus, Saint Exupery, Leon Tolstoi, Dostoievsky, Salinger... và đủ mọi loại sách lỉnh kỉnh khác, kể cả sách nói về... tướng số... Mỗi lần tôi về phố hay về phép Saigon là khi đi lại là một ba lô sách mới... Thuở ấy, tôi có một người bạn rất dễ thương, hay chọn và gởi cho tôi những quyển sách mà tôi thích, đôi khi là những tập nhạc, của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, hay Từ Công Phụng...
Saigon bây giờ cũng có rất nhiều quán cafe, từ quán "xịn" thời thượng dành cho giới thượng lưu cỡi xe Lexus hay Camry ở trung tâm thành phố, cho đến những quán tầm tầm nhưng dễ thương dành cho giới có tí máu mê văn nghệ, hoặc loại cafe bình dân vỉa hè dành cho bác xe ôm... nhưng cafe bây giờ ở đâu tôi cũng gần như không uống được, tuy khi ngồi cũng vẫn gọi, bởi cafe ở những nơi ấy pha phách nhiều quá, cho những thứ hạt gì khác vào mà nước khi ra lúc nào cũng đen nhánh và đắng nghét, khi quấy mạnh tay thì toàn là bọt... Cafe thật sự chỉ pha bằng hạt cafe rang vừa chín tới, có tẩm thêm chút bơ cho thơm chỉ cho ra một thứ nước màu nâu đen, và vị đắng dịu chứ không gắt, tôi nghe nói có cả cafe thuần túy hóa chất, và ngay cả những loại cafe có thương hiệu giá đến mấy chục ngàn một lạng (mấy trăm ngàn một kí lô) bây giờ cũng pha tẩm toàn hóa chất, uống không nổi.
Ngồi quán tán dóc với bạn bè, kêu một phin cafe, có khi là với vài người bạn thời còn đi học, có khi là vài người bạn blog, hoặc một người bạn thân thiết, hay cả khi ngồi một mình, với tôi là một thói quen, hay một cái thú, khó bỏ...
Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011
Lễ tế Xã Tắc: những ý kiến trái chiều.
Diễn viên đóng vai vua và các quan "tế Xã Tắc" ngay trên di
tích đàn Xã Tắc triều Nguyễn khiến nhiều người cho là thật giả
lẫn lộn (ảnh chụp tối 8 - 4 - 2010). Ảnh: Thái Lộc (báo TT).
Sáng nay cuối tuần rảnh rỗi được chút đỉnh ngồi uống cà phê với người bạn, bạn cầm tờ báo lên đọc buông một câu "đúng là trò mèo". A ha chắc trên báo lại có chuyện gì rồi, lát sau bạn đưa cho tờ báo Tuổi Trẻ mới ra sáng nay, ở trang Văn hóa - nghệ thuật - giải trí có một bài nói về chuyện phục dựng lại Lễ tế Xã Tắc dưới triều Nguyễn khi xưa, bài của tác giả Thái Lộc với cái tựa tôi đã viết bên trên: Lễ tế Xã Tắc những ý kiến trái chiều. Nói chung có hai ý kiến về việc bây giờ thành phố Huế phục dựng lại lễ tế Xã Tắc, người nói không nên (những nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử...) lý giải, không nên tùy tiện với một quốc lễ của quá khứ như thế, chẳng hạn "sân khấu hóa" lễ tế với vua quan là diễn viên đóng giả, thời gian tổ chức không đúng với thời gian lễ tế xưa... Người nói nên (người của Ban tổ chức) cho rằng việc phục dựng lễ hội đã được thực hiện theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND, và được HĐND, các ban ngành thông qua, và lễ tế sẽ được phục dựng tiệm cận với những gì lịch sử từng diễn ra... Ban tổ chức cũng cho biết lễ tế sẽ phục vụ cho tất cả mọi người dân và du khách thập phương đến dự...
Mấy ngày hôm trước tôi cũng có đọc được ở đâu đó chuyện phục dựng lễ tế này, đại khái sẽ có voi, có ngựa (voi ngựa thật), có kỳ mục, bô lão (cũng là thật), binh lính, vua quan (cái này là giả, do diễn viên đóng), để cho đúng bài bản thì trước ngày tế thì vua (diễn viên) cũng phải ăn chay nằm đất cũng như vua thật xưa kia... Sau khi vua (diễn viên) tế xong thì người dân được phép lên dâng hương ở đàn Xã Tắc... Chắc có lẽ ai cũng biết lễ tế xưa ở đàn Xã Tắc là một lễ tế xưa rất quan trọng của triều đình nhà Nguyễn, do chính nhà vua hoặc có năm (theo quy định) do quan (đại thần) được vua ủy quyền tiến hành làm chủ tế. Một lễ tế cấp nhà nước lúc bấy giờ, nhà vua (Thiên tử) đích thân đứng ra làm lễ, kính cáo, cầu xin Trời đất ban cho Quốc thái Dân an, mưa thuận gió hòa... Dưới thời quân chủ người dân không hề được tham gia vào lễ tế quan trọng và thiêng liêng ấy...
Người bạn uống cà phê với tôi chỉ buông ra mỗi một câu "Trò mèo" rồi chẳng nói gì thêm. Riêng tôi, qua những chuyện như phát ấn, phát lương đền Trần, chuyện rùa hồ Gươm, đúc tim thánh Gióng và cả tim... ngựa của thánh Gióng ... hình như xã hội chúng ta đang lầm lẫn, giữa quá khứ và hiện tại, giữa tâm linh và mê tín... Chỉ riêng cảnh tôi thấy tổ chức cho khách du lịch, gồm cả người trong nước lẫn người nước ngoài, mặc áo mão vua quan ngồi ăn tiệc cung đình "dzô dzô" bia lon hể hả, đã thấy chướng mắt. Nếu nói phục dựng (đúng hơn là tiếp nối) lại một truyền thống tốt đẹp xưa, thì người chủ tế đàn Xã Tắc cần phải là người đứng đầu nhà nước, không thể để cho "giàn diễn viên" lơ ngơ đóng thế vua quan, còn muốn "sân khấu hóa" như thế, không được dùng chính đàn Xã Tắc xưa kia làm nơi "hóa trang", quá khứ, dù có tốt đẹp đến mấy cũng nên để yên quá khứ, "phục dựng theo nguyên bản", không khéo cũng lại như cái "lò gạch" ở Tuyên Quang...
Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011
Cá lia thia.
Đã lâu tôi cũng có một hai lần viết những con cá lia thia, một trong những trò chơi của tôi thuở nhỏ, thời nhỏ tôi quả là một tên nhóc "giang hồ", ham chơi (bây giờ cũng y thế, hehe!), những trò chơi của thời cách nay nửa thế kỷ, đá dế, đá cá, bắn bi, chọi đáo, đánh khăng, chơi quay, chơi ô ăn quan, nhảy lò cò, tạt lon..., mà một trong những trò chơi đó bọn con nít chúng tôi rất khoái đó là trò đá cá lia thia...
Không như trẻ con bây giờ với những trò chơi tối tân, xe cộ điện tử, máy chơi game... Đám con nít ranh con trai mấy chục năm trước chỉ có những trò đó, lê la cùng đất cát, còn bọn con gái thì hiền hòa nết na hơn, thường chơi đánh đũa, nhảy dây, bán hàng... Trong quyển sách "Phong lưu cũ mới", nhà soạn giả họ Vương (Vương Hồng Sển) có nói về những những chuyện phong lưu ngày xưa, cách nay cả trăm năm, Vương tiên sinh có dành hẳn một chương để nói về thú chơi phong lưu thời cụ còn nhỏ, ấy là đá cá lia thia ở miền quê Nam bộ. Lúc cụ còn là đứa con nít thì lội ruộng bắt cá thia thia (cách gọi của cụ) về đá, còn người lớn thời ấy thì đá cá, đá gà ăn tiền, và có những người tán gia bại sản về những trò đỏ đen đó... Trong cuốn sách, cụ Vương bàn về trò đá cá, nuôi cá, và cả đi hớt cá lia thia trên đồng ruộng rất hấp dẫn, cụ còn có cả một câu chuyện về thằn lằn (con thạch sùng) dùng đuôi câu con cá lia thia chiến của cụ, con cá có nguồn gốc từ hoàng gia Thái Lan, được người quen làm thủy thủy trên tàu buôn lén mang từ Thái về cho. Hai con rình rập nhau, cuối cùng con cá lia thia chiến của cụ lừa thế đớp khiến con thằn lằn rớt xuống nước, dưới nước thì thằn lằn hết thời, bị con cá lia thia đá (cắn) cho tới chết. Có 2 loại cá lia thia, một là cá lia thia nội đi hớt ở đồng ruộng, hai là cá xiêm là cá của Thái Lan như đã nói, cá xiêm có 2 màu là màu xanh biếc và màu đỏ tuyền, đá ác chiến...
Thời nhỏ của tôi tuy ở thành phố Saigon, nhưng năm mươi năm trước vùng tôi ở thuộc quận 5 mé bên Trường đua ngựa Phú Thọ còn rất hoang vu, cây cối, hồ ao um tùm, nhà cửa thưa thớt thấp bé, dế đá thì nhiều vô kể, chỉ đi bắt về chơi chứ không phải mua, còn cá lia thia để đá thì phải đi mua ở những vựa bán cá, tôi còn nhớ có lần theo chúng bạn trong xóm lội bộ vài cây số vào tuốt vùng trung tâm Chợ Lớn mới có chỗ bán cá lia thia, lúc băng qua một con đường, ù té chạy thế nào mà bị một ông cỡi chiếc xe Gobel (xe gắn máy của Đức nổi tiếng thời đó, cùng với xe Mobylette và Solex của Pháp) đụng cho một phát, té bò lê bò càng trầy trụa hết cả chân tay, lúc về nhà chỉ dám nói chơi đùa bị té ngã, phải dặn cả bọn nhóc tì cùng xóm dấu nhẹm chuyện bị đụng xe, cha mẹ mà biết là ăn đòn, cấm lần sau đừng hòng đi được.
Cá lia thia thời đó thường màu xanh biếc, bọn nhóc tì gọi là cá Xiêm, loại này kỳ, vây và đuôi ngắn, chịu đòn rất lỳ đá "ác chiến", một loại khác thân màu trắng phớt hồng, kỳ, vây và đuôi dài ngả sang màu phớt đỏ trông khá đẹp, nhưng đá dở, mau bỏ chạy không lì đòn bằng cá xiêm, bọn nhóc gọi là cá phướn (đuôi, kỳ, vây của nó dài trông như cờ phướn), chắc do vây, đuôi dài nên xoay sở chậm dễ bị dính đòn đau... Đám cá lia thia được người bán đựng trong những lọ nhỏ bằng thủy tinh trong kề sát nhau, được ngăn bởi một tấm bìa cứng, bọn con nít chúng tôi kéo đến mua thường rút miếng bìa cứng ra, để 2 con cá lia thia thấy bóng dáng của nhau, chúng quẫy đuôi, phùng mang, trợn mỏ xáp vào thành lọ thủy tinh, có khi hăng máu chúng táp cả vào thành lọ...
Đá cá lia thia mà chọn được những con cá ác chiến, lì đòn xem rất đã, chúng quẫy đuôi, đập nước, lừa thế đớp nhau cú nào cú nấy ra trò, trầy da tróc vẩy, đuôi rách te tua là chuyện bình thường. Một trận đấu của 2 con cá chiến có khi kéo dài cả nửa tiếng, thậm chí cả tiếng đồng hồ, sau trận đấu như thế thì cả 2 con thắng thua thường nhừ tử, có khi chết. Đám nhóc tì tụi tôi thời đó chơi đá cá lia thia cũng như đá dế, chỉ để... vui chơi, có khi giao hẹn đứa có cá hay dế đá thua thì phải chịu để búng tai, ký đầu gối, chẳng bao giờ ăn tiền, vì cũng chẳng có khi có được đồng xu cắc bạc nào trong túi. Đứa nào máu me lắm cũng chỉ dám giao hẹn "đá bắt xác" là cùng, nghĩa là đứa có cá thắng được quyền bắt luôn con cá thua, nhưng cũng hiếm khi lắm...
Hình chụp bên trên là mấy con cá lia thia tôi nuôi trong chiếc keo thủy tinh, 2 con cá xiêm, một con xanh và một con đỏ, thỉnh thoảng ngắm chơi, để nhớ lại cái thời tuổi nhỏ giang hồ...
Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011
Người Nhật.
Nước Nhật đã bại trận trong thế chiến thứ hai, và người Nhật đã đi lên từ những đống đổ nát... Đối với người Nhật, thật sự tôi đã có những cảm phục xen lẫn những căm ghét. Sau thế chiến thứ hai, người Nhật lúc bấy giờ đã bắt đầu lại có lẽ bằng con số không, từ một quốc gia bại trận, tan nát, hứng chịu 2 quả bom nguyên tử, thế mà chỉ sau một phần tư thế kỷ, nước Nhật đã vươn lên hàng đầu thế giới về kinh tế... Và không chỉ có kinh tế, nước Nhật có một nền văn hóa đáng kính phục, những gì tinh túy nhất đều ở nơi người Nhật, tinh thần Võ sĩ đạo, tính đoàn kết, tự trọng và tôn trọng người khác, Hoa đạo, Trà đạo, Vườn đá... đều bàng bạc tinh thần Thiền, họ có một nền văn học rực rỡ với thơ Haiku và nhà văn đoạt giải Nobel, cả về thể thao họ cũng thuộc tốp hàng đầu thế giới, nửa thế kỷ trước người Nhật ngả mũ trước bóng đá Việt Nam, ngày nay bóng đá của họ đã sánh vai cùng thế giới... Tính tự trọng của người Nhật có lẽ là nhất, ngày xưa những Samurai sẵn sàng đổi mạng sống của họ lấy danh dự, ngày nay những Thủ tướng, Bộ trưởng của họ cúi đầu xin lỗi dân chúng và ra đi khỏi chức vụ chỉ vì những sai sót nhiều khi không phải là to lớn... Nhưng cái gì làm cho tôi trong sâu thẳm vẫn căm ghét người Nhật, đó chính là nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người dân Việt, mà một trong những nguyên nhân chính là của những lính Nhật xâm chiếm Việt Nam...
Những đoạn phim, những hình ảnh về thảm họa của nước Nhật chắc chắn đã khiến cả nhân loại bàng hoàng, người ta không thể tin vào mắt mình trước những gì đang xảy ra, ngày nay với những tiến bộ vượt bậc về thông tin, tích tắc mọi chuyện trên thế giới đều phơi bày trước mắt mọi người, những lễ hội và những tai họa...
Nhưng qua những thảm họa quá sức chịu đựng mà người dân Nhật vừa nếm trải, chúng ta mới thấy rõ con người và tinh thần của họ, những dòng người trật tự thoát khỏi nơi nguy hiểm theo hướng dẫn, không hề hoảng loạn, khắp nơi thiếu điện, nước, thực phẩm, xăng dầu... Nhưng khi hiếm hoi vài siêu thị và trạm xăng mở cửa, hoặc được nhận hàng cứu trợ, người dân vẫn nhẫn nại đứng xếp hàng chờ đến lượt, không hề có cảnh chen lấn, ma mãnh vượt lên trên người khác, và đặc biệt không thấy cướp bóc, hôi của trên đường phố...
Tôi tin rằng nước Nhật sẽ vượt qua thảm họa này, và người Nhật thật đáng khâm phục...
Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011
Cuộc sống mong manh.
Hai ngày hôm nay trên các phương tiện truyền thông phát đi đầy những hình ảnh về thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản. Những con tàu sắt đi biển, những toa xe lửa, xe hơi, cả máy bay, và những tòa nhà... bị vùi dập, trông như những món đồ chơi trẻ con. Số người chết và mất tích tăng lên từng giờ, từng phút... Một thị trấn ven biển bị xóa sạch với cả chục ngàn người... Đã có nổ ở nhà máy điện hạt nhân, và những nhà máy điện hạt nhân đang trong tình trạng báo động. Thảm họa quá to lớn không riêng gì đối với nước Nhật...
Nước Nhật là một nước với rất nhiều hòn đảo, núi lửa, và những trận động đất, cuồng phong và sóng thần... và người Nhật là những người giỏi nhất thế giới, cả về phương diện phát triển đất nước, và đối phó với thiên tai... Với kỹ thuật, họ tự tin xây dựng những tòa nhà cao tầng, đường cao tốc và đường sắt cao tốc, metro, những nhà máy điện hạt nhân... với độ an toàn cao, cho dù chính bản thân họ hiểu rằng, cái tai họa lớn nhất vẫn chưa đến và đang chực chờ lơ lửng... Đây là tai họa đến từ thiên nhiên, người ta nói rằng tai họa là do 2 mảng địa chất bị đứt gãy va vào nhau dưới đáy biển tạo nên động đất và sóng thần... thảm họa xảy ra, vượt quá mức chịu đựng của một quốc gia giàu có và hùng mạnh như nước Nhật, nhưng người ta cảnh báo, vẫn chưa phải là một thảm họa lớn nhất và cuối cùng...
Cuộc sống mong manh biết bao...
Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011
Đôi chim cu trên thảm cỏ.
Những tấm hình trên là tôi chụp 2 con chim cu đất đang lang thang kiếm ăn trên một sân cỏ đầy lá vàng, đây là sân cỏ nơi cơ quan tôi làm việc. Thật là may mắn khi được làm việc ngay giữa thành phố Saigon này, không phải là trong một cao ốc kín như bưng, nhà hộp chồng lên nhau tầng tầng, mà là một ngôi nhà có sân cỏ, có hồ nước, những cây xoài, cây mít, cả chuối, và giàn hoa ti gôn, hoàng anh...
Điều ngộ nghĩnh, là giữa một thành phố rất ồn ào như Saigon, thế mà vẫn có những chú sóc, sáo, cu đất tìm đến dạo chơi và kiếm ăn, chưa kể chim sẻ, tắc kè, chuồn chuồn, bướm...
Đất lành chim đậu, hy vọng là thế...