PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Cọp.

"Cọp", dân gian còn gọi là hùm, hổ, hạm, ông ba mươi, chúa sơn lâm... vân vân... ngày xưa ở xứ ta rừng khắp nơi nên cọp nhiều vô kể, khi đói có khi mò vào làng bắt trâu bò, heo... và cả người... nên còn được dân làng khiếp sợ bầu cho chức hương cả, đại khái tỏ lòng kính trọng tôn làm trưởng thôn, chủ tịch xã vậy... hàng năm có nơi còn tổ chức cúng cái đầu heo, hay nguyên con heo  cho "ông" xơi, để mong bớt quấy phá đến người...

A, mà tôi đâu có ý định nói đến chuyện cọp, hổ, hay ông ba mươi, lại càng không có ý ám chỉ một ai đó "dữ như cọp" (sắp đến ngày 8 tháng 3 rồi, hehe!), số là hôm trước rảnh rỗi ngồi uống cà phê với mấy người bạn, có mang theo mấy tờ báo (xưa nghe ông bà kêu là "nhựt trình"), có bạn nói "Ông cho tôi coi cọp mấy tờ báo chút". Bạn xưa nay, cũng ngang tuổi, nói rất tự nhiên nhưng đã lâu tôi không còn nghe ai gọi xem báo "ké" là "coi cọp" cả, cho nên cũng cảm thấy buồn cười, có khi cái từ "coi cọp" này có bạn trẻ sẽ không hiểu...

"Coi cọp", có nghĩa là "xem ké", ở đây là mấy tờ báo, bây giờ ít nghe ai nói như thế. Ngày trước hồi tôi còn nhỏ thì từ này khá phổ biến, cái gì xem ké không phải tốn tiền, chẳng hạn như mấy tờ báo, thời lóc nhóc năm chục năm về trước ấy thỉnh thoảng cha mẹ sai ra sạp báo đầu đường mua tờ báo, mua xong đâu có chịu về ngay, còn ráng đứng lại "coi cọp" vài tờ báo khác, cũng chẳng phải theo dõi tin tức thời sự to lớn trọng đại gì, chỉ là xem ké vài ba hình ảnh, chuyện tranh vẽ nguệch ngoạc dành cho đám con nít, cũng may thời đó không có quá xá trời báo, tạp chí như sau này hay bây giờ, bây giờ mà coi cọp thì cả ngày cũng chưa hết báo...

Ngoài chuyện "coi cọp báo chí", là chuyện "xem hát cọp" nữa, đương nhiên chẳng phải là coi cọp biểu diễn trên sân khấu xiếc, mà cũng chỉ là "xem hát" ké chẳng phải tốn tiền. Xem hát cọp ở đây có thể là coi ké một gánh hát bội, hát cải lương, hoặc "xi nê ma" ở rạp, cũng có thể là coi ké cũng hát bội, cải lương, hay một đám xiếc mô tô bay dựng lều bạt hát hay biểu diễn lưu động đó đây... Xem hát cọp thường là đám con nít ranh rắn mắt, tò mò, ham vui nhưng chẳng có tiền mua vé, có khi tìm cách năn nỉ người soát vé hay chui rào vào xem, cũng có khi đợi đến khi hát gần vãn tuồng thì người ta mở cửa cho vào tự do, thế là đám con nít ấy ùa vào, dĩ nhiên điều này chẳng quan trọng gì, bởi vì có được xem từ đầu thì cũng chẳng hiểu tuồng diễn cái gì, miễn là được vào xem diễn viên múa may là đã thấy sướng...

Nói lan man nãy giờ tôi mới sực nhớ, thế cái từ "coi cọp" ấy từ đâu ra nhỉ? Thử cất công tra từ điển Hán - Việt của cụ Đào Duy Anh, thì "cọp" không phải là từ Hán Việt. Xem tiếp từ điển chữ Nôm của Nguyễn Quang Xỹ - Vũ Văn Kính do Bộ Giáo Dục - Trung Tâm Học Liệu Saigon xuất bản năm 1971, thì thấy ghi như thế này: CỌP: 1/2 chữ Báo (là con Báo - chỉ ý) + Cập (chỉ âm). Nghĩa thứ nhất là con hổ, nghĩa thứ hai là coi hát cọp không trả tiền. Lại liên tưởng đến một từ "cọp" khác mà khi xưa đám học trò hay nói, đó là từ "cọp dê", có nghĩa là sao chép (chép bài của bạn), từ "cọp dê" này có nguồn gốc từ chữ Tây "Copier", có nghĩa là sao lại, chép lại. Đứa nào xưa đi học không chịu làm bài, đến lúc phải nộp bài quýnh quáng năn nỉ bạn cho chép lại, bạn bè trêu chọc gọi là "cọp dê", khá xấu hổ...

Không hiểu cái nghĩa thứ nhì của chữ Nôm ở trong quyển từ điển ghi trên "coi hát cọp không trả tiền" là nghĩa đã có từ xa xưa, hay nghĩa mới phát sinh từ chữ coi hát cọp sau này, nếu có từ xa xưa thì không thể bắt nguồn từ chữ Copie, Copier của Tây, còn nếu mới phát sinh sau này thì có thể bắt nguồn từ chữ Copie, Copier ấy...

Bạn nào có tài liệu hay cách giải thích gì khác không thì nói cho nghe với...

19 nhận xét:

  1. Em nhớ in là ông Sơn Nam có bài trong Hương rừng cà mau vụ coi hát cọp. Còn em nhớ hồi nhỏ xíu đi học bạn bè còn nói "đừng cho nó cọp dê" lớn học tiếng P thì nghĩ "coi cọp" từ "copier" mà ra.

    Đúng là bây giờ chẳng còn mấy ai nói, thỉnh thoảng em còn nghe, mà vì cũng hiểu gần rõ chữ "coi cọp" đó nên ko lấy làm lạ lắm :D

    Trả lờiXóa
  2. Coi cọp- từ này em thấy vẫn còn dùng nhiều cả ở miền Bắc nhất là ở những lứa tuổi trung niên và cả thanh niên nữa. Cái gì cọp được cũng sướng ví như sang blog bác Hiệp coi cọp ảnh hoa hoặc những entries hay vậy :D

    Trả lờiXóa
  3. @comieng, xưa ở miệt quê chắc từ "coi hát cọp" hay xài, bởi hay có những gánh hát lưu động đi khắp nơi dựng lều bạt hát cho dân coi, chắc chắn nhà văn Sơn Nam có đưa vào chuyện của ông.
    Vậy là cô Mây hiểu rõ lắm chữ "cọp dê" mà.

    Trả lờiXóa
  4. @nguyenthuthuy1401, vậy là từ "coi cọp" này du nhập từ miền Nam ra, bởi người miền Bắc gọi là hổ chứ không phải cọp.
    Hehe! hình ảnh bài vở ở đây coi tự do mà đâu phải "chui rào" vào coi cọp đâu. Hồi này có bận bịu gì không thấy không viết cái gì mới TT?

    Trả lờiXóa
  5. Hai chu coi cop nay là luc toi con tre hay xài lam !
    co le bay gio khong ai xài tieng nay nua roi !

    Trả lờiXóa
  6. @phungchau, hồi xưa thời chị và tôi còn nhỏ còn xài chữ coi cọp, bây giờ cuộc sống khác rồi ít ai còn nói.

    Trả lờiXóa
  7. Hì hì, hồi nhỏ con chuyên gia xem hát cọp đó chú. Lúc nhỏ con với má đi bán bắp nướng gần mấy rạp hát cải lương, lúc bán ế con hay canh gần hết là xin vô coi. Còn có mấy hôm họ chiếu phim màn ảnh rộng ở chỗ chữa cháy, thế là chui rào vô coi luôn. Hì hì

    Trả lờiXóa
  8. @phonuicao, hehe! mà thời nhỏ phonui phụ má bán bắp nướng ở... phố núi hả? Chà, ngày xưa (trước năm 75), buổi tối lang thang phố núi mua trái bắp nướng gặm là... hết ý đó nhen, đi coi hát cọp là sướng lắm đấy!

    Trả lờiXóa
  9. Dạ đúng roài đó chú, ban ngày sau khi đi học về con đi bán bắp nấu ở chợ, buổi tối thì bán bắp nướng. Con thường bán ở mấy gốc đường, rồi chỗ câu lạc bộ, với chỗ người ta chiếu cải lương ấy. Đến khi con vô SG học đại học mới hết bán.

    Thế hồi chú đến đó có mua bắp nướng gặm không? Hì hì

    Trả lờiXóa
  10. Hồi đó nhà con không có ti vi nên tối thường ba má hay cho đi coi cọp Ti vi chương trình những bông hoa nhỏ, xong rồi về.

    Chúc chú buổi tối vui nghen! Khi nào bác Bu vô đi cafe Chim nhớ cho con theo với chú, chú đèn lồng đỏ với đó nha! Hihi

    Trả lờiXóa
  11. @phonuicao, thời đó tôi lang thang ở Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột, Quảng Đức... mà Pleiku là nhiều nhất. Pleiku thì có rạp Diệp Kính chuyên chiếu phim. Dĩ nhiên tôi đã gặm hàng... tạ bắp nướng rồi ấy chứ, hì hì!
    À, mà ngày xưa chui rào coi hát cọp lắm khi cũng hồi hộp lắm, phải mắt trước mắt sau rình mò người canh gác không để ý mới "chui lỗ chó" vào được, vào rạp rồi phải lấm lét canh chừng mấy ông soát vé, không thì ông ấy bắt gặp nhéo tai đuổi ra, cho nên cái từ "coi hát cọp" tôi cũng hơi phân vân, nếu phát xuất từ chữ copie là sao chép thấy cũng không ổn, con cọp mà rình mồi thì nó cũng phải rình mò, lén lút mới mong vồ được mồi, hay là người xưa ví việc xem ké, xem "chùa" ấy cũng phải rình mò, lén lút như cọp rình mồi?, hè hè!
    Chỉ sợ trong giờ làm việc bạn phonui không "chuồn" cafe được thôi!

    Trả lờiXóa
  12. Chắc vì lén lén, giống cọp rình mồi nên mới gọi xem cọp thiệt quá chú ha! Hihi

    Hic, nếu trong giờ làm việc thì con chịu thua vì con làm tận Bình Dương, tối mới về lại SG thì đâu có "chuồn" được.

    Trả lờiXóa
  13. @phonuicao, hè hè, suy diễn thế.
    Hôm nọ nghe nói làm việc Vũng Tàu, bây giờ đã nhảy vào Bình Dương rồi, xem ra "giang hồ" thế. cafe chim thì chỉ ban ngày thôi, tối chim nó đi ngủ hết rồi còn gì, hihi!

    Trả lờiXóa
  14. Con làm chính ở Bình Dương, Vũng Tàu thì chỉ những ngày cuối tháng con mới đi xuống dưới đó để làm báo cáo, tháng nào có việc thì con đi xuống đó nhiều hơn, đợt trước con đi giang hồ thấy gớm luôn,, 7h sáng SG, 9h Vũng Tàu, sáng hôm sau về lại SG, rồi đi Bình Dương...chạy như điên ạ.

    Vậy thì chỉ có ngày nghỉ con mới ở SG. Hic hic

    Trả lờiXóa
  15. @phonuicao, thế thì ngày nghỉ rủ bác Bu và lão đèn đi cafe, coi vậy chứ mà khó, người này rảnh thì người kia lại bận, chán thế!

    Trả lờiXóa
  16. Hình như có câu : "cười mím chi cọp" nữa phải không bác ?

    Trả lờiXóa
  17. @bangtamngt, Hehe, không biết cọp nó cười như thế nào :--))

    Trả lờiXóa
  18. Từ này theo em không phải gốc Bắc bác ạ. Mặc dù ngoài Bắc đôi khi cũng có người dùng từ này. Xuất phát từ một từ tiếng Pháp nào đó chăng?!

    Trả lờiXóa
  19. @torovn, có lẽ thế Toro à, chỉ có chữ copie của Pháp là nghe xuôi tai, tuy ý nghĩa của chữ copie thì không phải là "coi cọp".

    Trả lờiXóa