PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Cảm nhận Phật giáo. Bài 2.

Photobucket



Những lần kết tập: sự hình thành hệ thống kinh điển Phật giáo.

Khi Đức Phật còn tại thế thuyết giảng Pháp trước tăng chúng, vấn đề kinh sách không được đặt ra, bởi vì những gì ngài thuyết giảng bản thân đã là kinh sách. Chỉ sau khi ngài tịch diệt những đệ tử của ngài lúc bấy giờ mới nghĩ đến chuyện đem giáo pháp, những gì Phật đã thuyết giảng, chỉnh lý, xác nhận... hình thành nên kinh điển Phật giáo. Ban đầu khi còn tại thế, sự truyền thụ chỉ được ngài truyền tụng bằng miệng, tâm khẩu tương truyền, sau khi ngài tịch diệt không lâu, các đệ tử của ngài đã tập hợp nhau lại, khẩu tụng lại những gì Đức Phật đã thuyết, rồi do một số Thượng toạ tỳ kheo của ngài lúc bấy giờ ấn chứng, đó chính là sự "Kết tập", hình thành nên hệ thống Kinh tạng Phật giáo sau này. Trong lịch sử Phật giáo, những lần kết tập quan trọng như sau:

- Lần kết tập thứ nhất không lâu sau Đức Phật nhập diệt, tương truyền có khoảng 500 Thượng toạ tỳ kheo tham gia, do đại đệ tử của Đức Phật là Ma Ha Ca Diếp (Mahàkàsyapa), một đệ tử tương truyền đã được Đức Phật truyền tâm ấn chủ trì lần kết tập đầu tiên này ở hang Thất Diệp (Saptaparna Guhà) ngoài thành Vương Xá (Ràjagriha). Lần kết tập này Tăng chúng đã đem toàn bộ ngôn giáo mà Đức Phật đã thuyết giảng truyền lại cho đời sau. Một người em họ của Đức Phật là ngài A Nan Đà (Ànanda) được cho là người có trí nhớ rất tốt tụng lại toàn bộ những gì Phật đã thuyết (Kinh), và một đệ tử khác là ngài Ưu bà Ly (Upàli) tụng ra toàn bộ những nghi, qui giới (Luật) mà Đức Phật đã chế định cho đoàn tăng già khi ngài còn tại thế, hình thành Tạng kinh và luật của Phật giáo.

- Lần kết tập thứ nhì xảy ra sau khi Phật tịch diệt khoảng 100 năm, nguyên nhân do Tăng đoàn Phật giáo có cái nhìn về giới luật khác nhau dẫn đến việc tranh luận, lần kết tập này có số Tăng chúng tham gia là 700 người được tổ chức ở Tì Xá Li (Vaisàlì), cho nên còn được gọi là lần "kết tập 700", hay "Tì Xá Li kết tập". Sau lần kết tập thứ nhì, sự thống nhất của giáo đoàn Phật giáo đã bị chia rẽ thành "Thượng toạ bộ" và "Đại chúng bộ" như đã nói ở bài trước.

- Lần kết tập thứ ba được ghi nhận lại trong Phật điển Nam tông, diễn ra vào khoảng năm 235 sau khi Đức Phật nhập diệt, vào thời của vua A Dục (Ashoka) thuộc vương triều Khổng Tước Ấn Độ cổ đại. A Dục là một vị vua ban đầu rất tàn ác, đã phát động những cuộc chiến tranh lớn khi ông tại vị, sau bộ mặt tàn bạo của chiến tranh đã làm vua hối hận, vua quy y Phật giáo và giúp Phật giáo phát triển mạnh khi trị vì. Dưới sự ủng hộ của nhà vua 1000 tăng chúng được triệu tập dưới sự chủ trì của Mục Kiều Liên (Maudgalyàyana), tiến hành hội họp đọc tụng lạitừ đầu Tam tạng đạo Phật, chủ yếu là Tam tạng của Thượng toạ bộ và xác nhận lại. Sau lần kết tập này, vua A Dục sai các Tăng nhân, Đạo sư đi khắp nơi Ấn Độ, cũng như những khu vực chung quanh để truyền bá Phật giáo, gồm Sri Lanka, Miến Điện, một số quốc gia ở khu vực Trung Á, Tây Á, Phật giáo dần mở rộng ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới.

- Lần kết tập thứ tư xảy ra vào khoảng thời gian 400 năm sau khi Phật nhập diệt, vào khoảng thế kỷ thứ nhất Công nguyên thời kỳ thống trị của vua Ca Nhị Sắc Ca (Kanishka), vua Ca Nhị Sắc Ca là vị vua nổi tiếng về hộ trì Phật pháp sau vua A Dục trong lịch sử Ấn Độ. Vào thời thống trị của vua, Phật giáo phát triển không ngừng, sản sinh ra nhiều giáo phái. Nhà vua đã cho tiến hành lần kết tập kinh điển Phật giáo thứ tư tại Ca Thấp Di La (nay là dãy Kasmir), lần kết tập này do ngài Hiếp Tôn Giả (Parsva) chủ trì quy tụ hơn 500 Tăng chúng tham gia. Lần thứ tư này chủ yếu là kết tập về Luận tạng.

- Lần kết tập thứ năm diễn ra ở Miến Điện, vào năm 1857, dưới sự chủ trì của vua Minh Đốn thuộc vương triều Cống Bảng, quy tụ hơn 2000 vị tăng thượng toạ, cử hành tại thủ đô Manđalay lúc bấy giờ, lần kết tập này  lấy Luật tạng làm trung tâm, tiến hành khảo cứu và hiệu đính lại bằng tiếng Pàli, trải qua năm tháng mới hoàn thành. Kinh văn của lần kết tập này được khắc lên 729 miếng đá hình vuông, toàn bộ văn bia này hiện nay được lưu trữ tại viện bảo tàng của thành phố Manđalay.

- Lần kết tập thứ sáu cũng diễn ra tại Miến Điện vào năm 1954 - 1956, được chính phủ liên bang Miến Điện phát động nhân kỷ niệm 2500 năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Địa điểm kết tập ở ngọn núi ngoại ô phía Bắc cách thành phố Ngưỡng Quang 5 cây số, tham gia có 2500 tỳ kheo Thượng toạ của các nước Miến Điện, Cambodia, Sri Lanka, Ấn Độ, Népal, Thái Lan... Đại tạng của lần kết tập này trở nên "Đại tạng kinh" bằng chữ Pàli hoàn thiện nhất cho đến hiện nay...

Qua những lần Kết tập kể trên, cùng với sự chuyển thể từ kinh điển tiếng Phạn, tiếng Pàli sang tiếng Trung Hoa, và sau đó đã được dịch ra nhiều tiếng các nước khác trên thế giới trong đó có Việt Nam, hệ thống kinh điển Phật giáo đã được hoàn thiện, và là bộ kinh sách tôn giáo đồ sộ nhất,  như chúng ta thấy ngày nay.

16 nhận xét:

  1. Em chưa đọc kỷ phần 1 mà lại có đến phần 2 rồi, em đặt cái ghế ở đây rồi rảnh rảnh vào đọc ha.
    Mấy chuyện về Phật nói riêng và về Đạo giáo nói chung, em hay đọc từ từ lắm vì những vấn đề này em thật sự không có chút kiến thức gì cả. Hì hì.

    Trả lờiXóa
  2. Sách vở PG nhiều nhưng viết khá tản mạn, ít có hệ thống, tôi chỉ muốn cô đọng lại đến mức có thể trong vài bài viết ngắn, để các bạn chưa rành lắm có một khái niệm cơ bản về PG (hình thành, kinh sách, phát triển...), muốn hiểu rõ hơn về Tôn giáo PG cũng như triết lý PG cũng nên hiểu "PG là gì?" Cô Lan đọc sẽ nắm được thôi, tôi viết đơn giản lắm...

    Trả lờiXóa
  3. Rất hay,anh thật có công cô đọng lại những khái niệm cơ bản về PG để mọi người muốn tìm hiểu về PG có thể nắm bắt đôi chút.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi nhận thấy không ít người muốn tìm hiểu Phật giáo nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Bởi vì những gì liên quan đến PG mông lung quá, Đức Phật Thích Ca, một vị Phật lịch sử thì ai cũng rõ, nhưng một Phật giáo gồm những hệ phái, kinh sách... sự hình thành và phát triển thì không phải ai cũng nắm được, mà muốn tìm hiểu về PG thì trước tiên phải nắm được những điều cơ bản này. Cho nên tôi dự định trong khoảng ba hay bốn bài viết ngắn sẽ đưa ra những điều cơ bản ấy, rồi từ đó ai muốn tìm hiểu sâu hơn sẽ tự mình dễ "đặt vấn đề" hơn...

    Trả lờiXóa
  5. NHư vậy là giaos lý nhà Phật không ngững được tăng bổ, "xét lại" cho cập nhật và hoàn thiện chứ không khô cứng giáo điều... Hay thế!

    Trả lờiXóa
  6. Nếu nhìn vào những lần kết tập kinh sách Phật giáo thì thấy là như thế, mà những lần kết tập này được sách vở chép là chính thức, có thể sẽ có những lần "kết tập" nhỏ khác của riêng những hệ phái, tông phái, cho nên mới có những bộ kinh thích hợp cho từng tông phái, đấy cũng là một cái phong phú của PG, đúng là hay thật.

    Trả lờiXóa
  7. Thế thì bài nào về Phật giáo bác viết đơn giản và cô đọng em cũng phải vào đọc ngay! Cảm ơn bác Hiệp

    Trả lờiXóa
  8. TT thấy không, muốn tìm hiểu PG phải bắt đầu từ đâu? Tôi cho là cần phải nắm rõ việc hình thành đạo Phật, hình thành kinh sách, việc phát triển Phật giáo sang các nước khác, đặc điểm của giáo nghĩa cơ bản Phật giáo. Từ những điều cơ bản này muốn tìm hiểu sâu hơn sẽ dễ hơn là "bơi" trong rừng sách vở kiến thức mênh mông của Phật giáo.
    Không biết qua 2 bài vừa kể TT có thấy dễ hiểu không? Hy vọng những gì tôi góp nhặt viết ra đây sẽ giúp ích TT ít nhiều trong việc "tu tập, hìhì!

    Trả lờiXóa
  9. 1- Những bài viết của bạn rất bổ ích cho người muốn tìm hiểu đạo Phật.
    Rất nhiều sách vở nói đến 6 cuộc kết tập kinh Phậ như PNH giới thiệu. trong còm này bu muốn thêm vài dòng về đặc điểm mỗi cuộc kết tập theo “Giáo trình Phật học” của tác giả CHAN KHOON SAN (Nxb Phương đông 2012) và nêu một số thắc mắc nhờ bạn bè giả thích…
    * Trong cuộc kết tập lần thứ nhất: Ngài Đại Ca Diếp nhận thấy sau khi phật nhập Niết bàn, trong Tăng đoàn Tỳ kheo xuất hiện xu hướng không lành mạnh, nên ngài đã quyết định triệu tập một hội nghị để kết tập lại Kinh và Luật nhằm ngăn ngừa , bảo về chánh pháp của đức Phật, không bị dính nhiểm bởi giáo pháp sai lệch (dị giáo hay tà pháp)
    * Cuộc kết tập lần thứ ba: Đây là cuộc kết tập quyết định cho sự tồn tại của Phật giáo đến ngày nay. Sau hội nghị, vua Asoka (A Dục) đã cử con trai con gái và nhiều nhà sư đi truyền đạo ngoài biên giới Ấn Độ. Bởi vậy khi người Hồi tàn sát đạo Phật ở Ấn Độ thì Phật giáo ở các nước ngoài Ấn Độ vẫn tồn tại và phát triển.
    * Cuộc kết tập lần thứ tư: Các cuộc kết tập từ 1 đến 3 chỉ bằng trí nhớ, đến cuộc kết tập lần thứ tư mới dùng đến văn tự. Thời bấy giờ người ta dùng lá Bối làm “giấy” và viết lên bằng mực đen.
    2- Một vài thắc mắc ai biết chỉ bảo hộ.
    - Trong sách “2500 năm Phật giáo” do 27 Giáo sư thượng thặng người Ấn, người Tích Lan, người phương Tây viết, được Bộ Thông tin tuyên truyền Ấn Độ xuất bản từ năm 1956, đến nay đã tái bản đến 6 lần.
    Tại chương IV, mục: BỐN HỘI NGHỊ KẾT TẬP CỦA PHẬT GIÁO, viết rất tỉ mỉ 4 cuộc kết tập kinh điển như PNH giới thiệu. Riêng hội nghị thứ 5 và thứ 6 người ta không để ở mục chính mà cho vào phụ lục III (trang61), nhìn chung cũng như bạn PNH viết, chỉ khác một điểm nhỏ là hội nghị lần 5 diễn ra năm 1871 thay vì 1857.
    - Nhưng rồi tại phụ lục III (trang 65) người ta lại viết: Hội nghị thứ 4 tổ chức ở Tích Lan? (phần trước nói ở Kashmir). Hội nghị thứ 5 tổ chức tại Miến Điện nhưng là năm 1871 thay vì 1857?
    - Lạ lùng hơn, ở mục phụ lục II (trang 63) người ta lại ghi Hội nghị thứ 6 ở Sri lanka năm 516 phật lịch?
    Năm 2012 là năm 2556 Phật lich, (Phật nhập Niết bàn năm 544 Phật lịch, 2556- 2012= 544). Vậy hội nghị lần 6 năm 516 tức là trước khi Phật tịch diệt 28 năm, lúc này ngài mới có 52-53 tuổi ? Hay là in nhầm? viết nhầm?
    - Cũng trong phụ lục II người ta còn ghi thêm:
    * Hội nghị lần 7 ở Sri Lan ka năm 1587 Phật lịch
    * Hội nghị lần 8 ở Thái lan từ năm 2000 đến năm 2026 Phật lịch
    * Hội nghi lần 9 ở Thái Lan năm 2331 Phật lịch
    2331 phật lịch tính ra lịch Thiên chúa là 1787
    Theo PNH và sách 2500 Phật Giáo (của bu) có hội thứ 6 là 1954 -1956 vậy thì hội nghị thứ 9 nào mà lại diễn ra 1787. Hay là có hai hệ Hội nghị, một hệ kết tập Kinh Luật Luận, và một hệ hội nghị bàn việc gì gì khác chăng?
    - Sách ơi là sách... huhuhu!!

    Trả lờiXóa
  10. @bulukhin, hehe, bác Bu ơi là bác Bu, những sách tôi có cũng nói đến những lần kết tập khác nữa, lung tung "xà bần", và sách vở nào chính xác? Hihi, không hề có một cái gì chứng tỏ là năm nào, sách nào... là đúng... Như tôi đã nói, người ta công nhận Thích ca mâu ni là nhân vật lịch sử, tức là "người thật việc thật", thế mà thời gian xuất hiện của ngài trên thế gian sách vở chép lệch nhau cả mấy trăm năm... Rồi cái hệ thống kinh sách đạo Phật nữa, cái nào chính là do Phật thuyết, cái nào không phải, lại là do ai muốn hiều sao thì hiếu thôi, không có gì là "đúng" hoặc "không đúng" hết. Cho nên theo tôi bác có mời được chính Đức Phật trả lời thì chắc chắn ngài cũng... ú ớ.
    Cho nên tôi nghĩ chúng ta cứ nên hiểu về thân thế của Phật, hay về lịch sử đạo Phật thì sách vở nói như thế, như thế... Về kinh sách thì sách vở nói hình thành như thế... vậy là đủ, cái mà bác muốn xác minh có lẽ là cái... không thể xác minh.
    Hì hì!

    Trả lờiXóa
  11. Khổ quá, à mà thôi, Phật bảo đời là bể khổ rồi... Các bác cứ thắc mắc làm gì, Phật vô chấp, bác Bu đừng có chấp sách vở nhiều quá mà đau đầu...

    Trả lờiXóa
  12. Haha, đúng là như thế, tìm hiểu về tôn giáo nói chung chứ không phải riêng gì về Phật giáo tôi cũng nghĩ là chúng ta phải chấp nhận nhũng "dị biệt", "dị bản", lọc lấy những ý chính, những cái chính của tôn giáo muốn tìm hiểu, chứ như Toro nói cứ chấp vào sách vở (mà sách vở, văn tự tôn giáo như đạo Phật chẳng hạn lại do quá nhiều nguồn, tức là có nhiều hệ phái, tông phái... viết) đúng là chỉ càng thêm... rối, chẳng phải như Phật dạy "Được ý hãy quên lời" đó ư?

    Trả lờiXóa
  13. Y kinh liễu nghĩa, tam thế Phật oan... Hình như có câu đó anh H ạ.

    Trả lờiXóa
  14. Bác Bu là nhà nghiên cứu Phật giáo và luôn hướng tới cái hoàn mỹ nên những hạt sạn trong sách vở luôn làm bác không hài lòng, em nghĩ cho tới sau này khi xã hội rất phát triển rồi những tam sao thất bản (ví như sách giáo khoa) vẫn còn đầy, tránh sao được! Những bổ sung của bác Bu về các cuộc kết tập lần thứ 1, 3, 4 thật là hay!

    Trả lờiXóa
  15. Hihi! Trước hết phải cám ơn bác Bu đã bổ sung thêm nhiều thông tin về vấn đề. Sách vở PG quá mênh mông, quá nhiều nguồn tài liệu để trích dẫn... Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận điều này, những điều không thể xác minh (chẳng hạn về niên đại, ngày tháng, tức là về không gian, thời gian những sự kiện tôn giáo xuất hiện thường do nhiều nguồn ghi chép, quá nhiều dị bản, không thể xác định được đúng sai, chẳng hạn đa số sách vở ghi chép Đức Phật là người Ấn độ cổ đại, nhưng cũng có sách chép là người Ba tư, và cũng không ai đặt vấn đề chính xác ngài là người nước nào? Ở đây không phải là rất nhiều nhà nghiên cứu kim cổ không muốn đi tới cái "chính xác hoàn mỹ" như TT nói, mà nằm ở "cách" nhìn nhận vấn đề, những gì không thể xác minh chính xác thì người ta không đặt vấn đề chính xác.
    Nhân đây tôi nhớ tới vụ "tấm vải liệm thành Turin" bên Thiên chúa giáo, đó là một tấm vải tương truyền rằng đã liệm xác Chúa Jesus sau khi ngài bị đóng đinh trên cây thập tự. Bao nhiêu đời qua sách vở, truyền thuyết không sao xác minh được tính xác thực của tấm vải liệm này. Cuối cùng tòa thánh La mã đồng ý cho phân tích khoa học tính chất của tấm vải liệm mới hay niên đại của bản thân tấm vải liệm chỉ mới được dệt ra từ khoảng thế kỷ thứ 14, nghĩa là sau khi Chúa bị đóng đinh cả 14 thế kỷ, đương nhiên đây là tấm vải liệm "giả mạo", nhưng Hôi thánh La mã vẫn giữ tấm vải liệm như một báu vật, dù về mặt chân thực đã không còn. tấm vải liệm vẫn có giá trị của một truyền thuyết...

    Trả lờiXóa