PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Cảm nhận Phật giáo - Bài 4 - Câu chuyện Tư tưởng...




Viết về sự hình thành Phật giáo, hình thành kinh sách, hay con đường phát triển của Phật giáo không khó, chỉ là sự sao chép những tư liệu lịch sử về đạo Phật, nhưng chạm đến "Tư tưởng Phật giáo" chẳng hạn, lại là một vấn đề khác đối với những người hiểu về Đạo Phật một cách khá lơ mơ như tôi, thật là quá khó, cho dù có thể kiếm ra rất nhiều sách vở Phật giáo dày cộp, do những bậc đạo sư tên tuổi trong và ngoài nước viết về vấn đề này. Đọc và hiểu chút ít nhiều khi tôi đã cảm thấy quá khó chứ chưa nói đến việc thấu hiểu, cho nên có đôi lúc rảnh rỗi, cái rảnh của một người... đã chạm đến ngưỡng cửa của... sự già, tôi cũng muốn lan man một vài điều...


Đôi khi tôi hay bắt gặp đây đó trong sách vở Phật giáo những câu hỏi, chẳng hạn "Đạo Phật có phải là một tôn giáo?", hoặc "Đạo Phật là một Chân lý hay là một triết lý?"... Những câu hỏi đại loại như thế, và nhiều khi câu trả lời làm cho người đọc không cảm thấy thỏa đáng... Tôi đọc được trong một quyển sách: -Từ điển Oxford ghi rằng: Tôn giáo là hệ thống của niềm tin và sự tôn thờ, là sự trực nhận của con người về năng lực chế ngự siêu nhiên, đặc biệt là, về một ngôi vị Thượng đế có quyền uy được tuân phục... Nếu hiểu theo cách định nghĩa này thì rõ ràng khởi thủy Đạo Phật không phải là một tôn giáo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải là kẻ tạo lập ra vũ trụ, ra muôn loài như Đức Chúa Trời của Thiên Chúa Giáo, hay đấng Phạm Thiên của Bà La Môn, hoặc đấng Alah của Đạo Hồi... Đức Phật đã từng nói: Ngươi hãy làm công việc của chính ngươi, Như Lai chỉ dạy con đường... Một câu nói khác của Đức Phật: Mỗi người là hải đảo của chính mình... Và như thế Đạo sẽ được hiểu theo đúng nghĩa ban đầu của từ ngữ, có nghĩa là con đường, và Phật là giác ngộ. Như vậy Đạo Phật là con đường đưa đến giác ngộ, con đường này như Đức Phật đã dạy, phải do chính những cá nhân thực hiện bằng kinh nghiệm chứng ngộ, một loại kinh nghiệm không ai có thể ban phát hoặc làm thay cho ai, và kinh nghiệm chứng ngộ này chính là lý tưởng của Đạo Phật...

Một câu nói khác của Đức Phật: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Câu nói này có thể hiểu, ngài đã đạt được Giác ngộ bằng kinh nghiệm chứng ngộ, và bằng kinh nghiệm chứng ngộ ấy, mọi người cũng sẽ đạt được như ngài...

Ngày nay như chúng ta đã thấy, không ai phủ nhận Phật giáo là một trong 3 tôn giáo lớn trên thế giới, với đầy đủ hệ thống của một giáo hội, bao gồm những giáo đoàn, những kinh sách, nơi thờ tự (chùa chiền), những nhà tu hành thực hành giáo luật, những tín đồ thành tâm cầu nguyện... Không ít kinh sách Phật giáo đã mô tả những cõi Cực lạc, vô biên, nơi đó cũng có một đấng Giáo chủ... ở một nơi chốn xa xăm nào đó, mà tín đồ muốn được đến đó phải chăm chỉ tụng niệm, khẩn cầu, năng cúng dường Tam bảo, làm công đức, ăn ở hiền lành... Đó là những tôn chỉ và niềm tin của một tôn giáo thật sự, như những tôn giáo khác, và niềm tin lơ lửng này đã biến Đạo Phật thành một tôn giáo mà mục tiêu lý tưởng nằm ở bên kia thế giới... Khác xa với lý tưởng ban đầu...

Nếu bây giờ có ai hỏi: Thế tôn giáo của Đức Phật Thích Ca là gì? Một câu hỏi không biết dễ hay khó trả lời? Rõ ràng "lý lịch trích ngang" của Đức Phật không thể ghi nơi mục Tôn giáo là Phật giáo, bởi vì Phật giáo chỉ khởi nguyên từ ngài, tôn giáo Đạo Phật đặt nền móng từ khi Đức Phật giác ngộ, giảng bài pháp đầu tiên là triết lý Tứ diệu đế (Khổ - Dukkha; Tập - Samudaya: nguồn gốc của khổ; Diệt - Nirodha: sự chấm dứt khổ; Đạo (Magga): con đường dẫn đến giải thoát), cho 5 người anh em đã bỏ ngài mà đi (nhóm Kiều Trần Như), và ngài đã thâu phục 5 người này là những đệ tử đầu tiên, hình thành nên cái nền móng cơ bản của Phật giáo là Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng). Tuy nhiên có lẽ ngay cả sau 49 năm tiếp theo khi ngài giảng pháp giữa tăng chúng, một giáo hội, hay một tôn giáo Phật giáo thực sự vẫn chưa ra đời. Trong kinh Mahàparinibbàna (Đại bát Niết bàn), Đức Phật đã dạy rằng ngài không bao giờ có ý nghĩ điều khiển đoàn thể Tăng già (Sangha), và ngài cũng không muốn đoàn thể này tùy thuộc vào ngài... Điều này cũng đã rõ, có lẽ phải sau khi Đức Phật nhập diệt một tôn giáo Phật giáo mới thực sự hình thành, bỏi những người về sau..., chúng ta cũng đừng quên rằng Đức Phật được sinh trưởng trong một hoàng tộc, giai cấp thống trị Bà La Môn thời bấy giờ, ngài được giáo dục từ nhỏ theo giáo nghĩa Bà La Môn, và luôn là người xuất sắc về mọi phương diện, năm 29 tuổi khi bỏ cung điện ra đi ngài xuất gia là một Sa môn (tu sĩ Bà La Môn), và ngay cả khi đã giác ngộ, tìm được con đường An lạc cho riêng mình, tuy cuối cùng ngài đã từ bỏ con đường tu tập khổ hạnh của một Sa môn, nhưng Đức Phật cũng chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ Bà La Môn... Vậy có thể nói tôn giáo của Đức Phật là Bà La Môn chăng?...


Những entry Cảm nhận Phật giáo (Bài 1 - đến bài 4), được tham khảo và ghi chép từ các sách:
- Thế giới Phật giáo Phương diện lịch sử văn hóa và minh triết - Tác giả Điền Đăng Nhiên, Dịch giả Thích Ngộ Thành, Nhà Xuất bản văn Hóa Sài Gòn in lần thứ nhất năm 2009.
- Lịch sử Phật giáo - Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, Nhà Xuất bản Tôn giáo tái bản lần thứ nhất năm 2011.
- Lịch sử Phật giáo Trung quốc, nguyên tác Nhật ngữ nhiều tác giả, Pháp sư Thánh Nghiêm dịch Hán văn, Thích Tâm Trí dịch Việt văn, Nhà Xuất bản Phương Đông xuất bản năm 2010.
- Tinh hoa triết học Phật giáo, Tác giả Junjiro Takakusu, Tuệ Sỹ dịch và chú, Nhà Xuất bản Phương Đông tái bản lần thứ 3 năm 2011, Hương Tích ấn hành.
- Tư tưởng Phật học, Tác giả Walpola Rahula, Việt dịch Thích Nữ Trí Hải, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh Saigon xuất bản năm 1974.
- Tìm hiểu Tôn giáo của Đạo Phật, Thích Tâm Thiện, Nhà Xuất bản TP Hồ chí Minh xuất bản năm 1999.
- Tìm hiểu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo, Thích Tâm thiện, Nhà Xuất bản TP HỒ Chí Minh xuất bản năm 2000.
- Từ điển Phật học, Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu, Công ty Sách Thời Đại & Nhà Xuất Bản Thời Đại xuất bản năm 2010.
- Từ điển Phật học, Nguyên Hảo, Nhà Xuất bản Về Nguồn - Canada - Xuất bản lần thứ nhất năm 1999.


 

13 nhận xét:

  1. Tôi thử bấm vào trang chị M. giới thiệu thì không thể vào được, để mai rảnh sẽ vào lại sau.

    Trả lờiXóa
  2. Tấm hình các sư sãi thấy giống như đang đứng trên đỉnh Langbiang quá ((-:

    Trả lờiXóa
  3. hihi , bác làm nhớ hồi đó viết lý lịch , mục tôn giáo ghi "'Thờ ông bà" . Không biết đó có phải là đạo không . Mà sao hồi đó không ghi "Đạo nhà" nhỉ (-;

    Trả lờiXóa
  4. Hihi giống thiệt, họ đang đứng trên đỉnh Langbiang nhìn xuống suối vàng ((-:

    Trả lờiXóa
  5. "Thờ ông bà" có lẽ không phải là đạo, bởi vì không có kinh sách, tăng chúng... một hình thức tín ngưỡng dân gian. Hì hì, ghi là "Đạo nhà" là đúng rồi ((-:

    Trả lờiXóa
  6. Vậy có thể nói tôn giáo của Đức Phật là Bà La Môn chăng?...
    Câu này của bác H hơi bị sốc. Hii...
    Tuy nhiên, thực tế pha trộn Phật giáo và Balamon hiện còn rất rõ nét ở Angkor.
    Sau bài này, bác giwois thiệu về tranh tượng Phật giáo thì quý quá. làm thế nào để phân biệt ba vị trong Tam thế, phân biệt Thích ca và A di đà...

    Trả lờiXóa
  7. 1- Đức Phật cũng chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ Bà La Môn... Vậy có thể nói tôn giáo của Đức Phật là Bà La Môn chăng?...

    Câu này của bạn là khơi nguồn cho những ai quan tâm đến Phật giáo tranh luận sôi nổi đây. Trước hết phải xem đạo Bà La Môn có gì chung nhất và khác biệt với Đạo Phật về các mặt:
    1- Khởi nguồn và diễn biến
    2- Kinh điển và văn hiến
    3- Tín ngưỡng cơ bản và giáo lý
    4- Tế tự và lễ nghi
    5- Tư tưởng xã hội và nguyên tắc luân lý
    Luận xong mấy mục trên cho rốt ráo thì có lẽ sêm sêm trình độ Đại đức chớ chẳng chơi. LS TORO hơi bị sốc cũng phải.
    2- Đức Phật chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ Bà La Môn nhưng ngài cũng không 100% là Bà La Môn, vì như vậy thì không còn Thích Ca giáo chủ của Phật Giáo như ngày nay nữa

    Trả lờiXóa
  8. Ông WALPOLA RAHULA viết trong sách Đức Phật đã dạy nhưng gì (trích nguyên văn trang 23)
    Người ta thường hỏi : Phật giáo là một tôn giáo hay một triết học? Gọi nó là gì điều ấy không quan trọng, Phật giáo vẫn là Phật giáo, dù bạn dán lên đấy nhãn hiệu gì đi nữa. Nhãn hiệu là điều phụ thuộc . Ngay cả nhãn hiệu Phật giáo mà ta đặt cho giáo lý đức Phật cũng không mấy quan hệ, cái tên mà ta đặt cho Phật giáo là điều không thiết yếu
    Có gì trong một danh từ
    Hoa hồng hương ấy cho dù tên chi

    Cũng thế, chân lý không cần nhã hiệu, nó không là Phật giáo, Gia tô giáo, Ấn giáo, hay Hồi giáo. Những nhãn hiệu tông phái là một trở ngại cho sự hiểu biết chân lý một cách tự tại, và chúng làm phát sinh những thành kiến tai hại trong tư tưởng con người.

    .....Khi ta gặp một con người, ta không nhìn họ như một con người, mà ta đặt cho họ nhãn hiệu như Anh , Pháp, Đức, Mỹ, hay Do Thái, va xét người ấy với tất cả những thành kiến đi kèm với nhãn hiệu ấy trong trí ta. Nhưng người ấy có thể hoàn toàn vượt khỏi những thuộc tính mà ta gán cho họ.

    Trả lờiXóa
  9. Có lẽ chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều này, trước khi Phật giáo ra đời thì tại Ấn độ cổ đại Bà la môn giáo với hệ thống kinh điển, tăng lữ... đã chiếm vị trí thống trị tại Ấn độ... Kinh Vệ đà, bộ kinh chủ yếu của Bà la môn, và sau này của Ấn độ giáo trong phần thi tụng (Rig Veda), có những câu Thánh ca như sau:
    Chẳng phải sự hiện hữu, cũng chẳng phải điều trái ngược của nó,
    Chẳng phải trái đất, chẳng phải vòm trời xanh thiên đường, chẳng phải cái gì ở bên kia,
    Chẳng phải cái chết, cũng chẳng phải bất tử, ngày là đêm, đêm là ngày, chẳng phải ngày, chẳng phải đêm,
    Đã tới để bắt đầu.
    Rồi cái đó, nguồn gốc nguyên thủy,
    Của Ánh sáng - Bất động - Nghỉ ngơi và hành động nối tiếp,
    Bao trùm trong niềm vui lặng lẽ. Bên cạnh nó
    Trong vũ trụ bao la, không có gì cả.
    Những câu Thánh ca này làm cho chúng ta nhớ đến Bát nhã tâm kinh của Phật giáo.
    Toro thấy có gì liên quan không?
    Hihi, 3 vị Phật trong Tam thế, sau này có thể phân biệt dễ được Di lặc, vì được thể hiện dưới một vị có khuôn mặt vui tươi và cái bụng... bia, tuy nhiên cũng có những hình tượng thể hiện Di lặc giống 2 vị Phật còn lại, nhưng 2 vị Phật còn lại thì khó phân biệt quá, cứ lung tung cả...

    Trả lờiXóa
  10. Hihi, vâng có lẽ để cho những ai uyên thâm giải đáp hộ, phải nói ba cái vụ tôn giáo này càng đọc càng thấy hay nhưng lại cũng càng thấy... rối tợn. Dĩ nhiên nếu xét trên "căn nguyên" thì Bà la môn khác xa Phật giáo (nguyên thủy), Bà la môn là tôn giáo "hữu thần" (Phạm Thiên là đấng sáng tạo ra muôn vật), còn PG là tôn giáo "vô thần" (Phật Thích ca không phải là kẻ sáng tạo ra muôn loài, ngài chỉ là bậc đạo sư chỉ ra con đường giải thoát, tuy nhiên sau này kinh sách PG cũng nêu lên quá nhiều thần thánh vô biên).
    Tuy nhiên có rất nhiều sách vở, hoặc thông tin trên mạng đều có chung quan điểm giữa Bà la môn và PG có nhiều mối liên hệ, chẳng hạn mối liên hệ luân hồi. Phạm Thiên sáng tạo ra thế giới bằng cách dùng những phần thân thể của ngài để tạo ra 4 giai cấp chính trong xã hội (cổ đại Ấn độ), thứ nhất là nhóm trí thức, thày tu (từ đầu), thứ 2 là tầng lớp quý tộc, kể cả quân nhân (từ vai), thứ 3 là nhóm hành chính, nhà buôn, địa chủ (từ bụng), thứ 4 thấp nhất là nhóm làm những việc thông thường trong xã hội (đa số) như nghề nông, tiểu thủ công nghiệp (từ chân)... Những đẳng cấp này bằng cách làm tốt nhiệm vụ của mình thì sau khi chết sẽ được tái sinh vào những đẳng cấp cao hơn... Điều này có vẻ giống như thuyết luân hồi của nhà Phật quá...
    Bản thân tôi, trước đây đã được nhận những phép bí tích của người theo đạo TC, bây giờ tuy đọc sách vở PG nhiều hơn đọc kinh thánh, đến chùa nhiều hơn là nhà thờ, nhưng nếu không "tự nguyện" từ bỏ hay bị giáo hội khai trừ, có lẽ tôi vẫn có thể khai trong lý lịch tôn giáo TCG được, tuy chắc chắn tôi cũng không còn là một tín đồ TCG 100%...

    Trả lờiXóa
  11. Tôi cũng có quyển sách bác trích dẫn (quyển này khá hay đối với tôi là do một ni sư đề tặng), nên cũng đã đọc được những điều kể trên. Tác giả viết rất đúng, Đạo thì chẳng thể phân biệt, cũng như chân lý vậy... Phân biệt là do con người.

    Trả lờiXóa
  12. Sẵn duyên này, bác Bu làm cho một chuyên khảo về sự giống nhau và khác nhau giữa Ba la môn và Phật giáo đi ạ... Hii, thiện tai! Bác làm chắc chắn là thành tựu viên mãn.

    Trả lờiXóa
  13. Hihi, ý kiến của Toro hay đấy, bác Bu làm chuyên khảo này chắc là viên mãn. Trong quyển sách "Thế giới Phật giáo phương diện lịch sử và minh triết" tôi có kê trong phần tham khảo, trong mục Quá trình sáng lập Phật giáo (trang 26), có viết:
    Sự ra đời của Phật giáo:
    Sự ra đời của đoàn thể và luận lý cơ bản Phật giáo có liên quan với hoàn cảnh chỉnh thể của giới tư tưởng Ấn độ thời bấy giờ. Đa phần giáo nghĩa luận lý cơ bản của Phật giáo được hình thành trên cơ sở hấp thu và cải tạo của giáo nghĩa Bà la môn giáo, ví như: nói nghiêm túc, trên mặt ý nghĩa, quả thực bản thân Phật giáo cũng thuộc một phần trong trào lưu tư tưởng Sa môn.
    Rồi qua những cái miên man tìm hiểu như đã trích dẫn bên trên thì tôi thấy quả là Phật giáo có những tư tưởng rất gần với Bà la môn...

    Trả lờiXóa