Cuối tuần có lẽ cũng muốn lan man đôi chút về chuyện đạo, chẳng qua thấy chị Huynhtran comment bên nhà ông bạn Bulukhin về các vị Phật, như Phật A di đà, Phật Thích ca, và Phật (Bồ tát) Di lặc, chắc các bạn đã biết, đạo Phật coi A di đà là Phật của quá khứ, Thích ca là Phật của hiện tại, và Di lặc là Phật của tương lai.
Trước hết cũng xin nói, trong 3 vị Phật này chỉ có Phật Thích ca là con người của lịch sử, nghĩa là một người có thật, tuy thân thế của ngài có nhiều sách chép khác nhau, từ năm sinh, năm mất, cho đến là người nước nào, đa số sách vở chép ngài là người Ấn Độ, tuy nhiên cũng có sách chép ngài là người nước Ba Tư.
- Phật A di đà: A di đà là một vị Phật của kinh điển, theo 3 bộ kinh A di đà kinh, Vô lượng thọ kinh, và Quán vô lượng thọ kinh, những bộ kinh sau này được tông phái Tịnh độ thuộc Phật giáo Đại thừa, lấy làm những bộ kinh chủ yếu, ở phương Tây của thế giới chúng ta sống, đi qua mười ức (một tỉ) Phật thổ có một thế giới tên gọi là Cực lạc, chúng ta quen gọi là Tây phương cực lạc, vị giáo chủ của cõi Tây phương cực lạc là một vị Phật, hiệu là A di đà. Trong thế giới Cực lạc có vô lượng công đức trang nghiêm, có vô số Bồ tát, Thanh văn, các cung điện, giảng đường, tịnh xá... nguy nga, cẩn dát vàng bạc, ngọc ngà, pha lê, châu báu... không sao đếm kể xiết... Còn có biết bao nhiêu loài chim quý suốt ngày hót véo von, lại có nhã nhạc tự nhiên diễn tấu, đều là pháp âm, các thứ đồ ăn thức uống hiện ra theo ý nguyện...
Những con người ở cõi Cực lạc đều có trí huệ cao minh, tướng mạo uy nghiêm, kinh sách nói cõi Cực lạc chỉ có niềm vui chứ không có sự đau khổ... Các kinh sách này tuyên xưng con người chỉ cần tin vào cõi Tây phương cực lạc, thường xuyên niệm danh hiệu Phật A di đà, sau khi chết sẽ được vãng sanh vào cõi Cực lạc hưởng sự hoan lạc muôn đời... Niềm tin này có lẽ cũng tương tự như niềm tin của người Thiên chúa giáo vào nước Thiên đàng, khi sống nếu luôn bác ái, mến Chúa, yêu người... thì khi chết sẽ được vào nước Thiên đàng (cũng tương tự như cõi Cực lạc), hưởng phúc đời đời...
Trong các bộ kinh nhà Phật, cũng có những bộ kinh khác, chẳng hạn "Dược sư Như lai bổn nguyện công đức kinh" (gọi tắt là kinh Dược sư), cũng đã vẽ ra một thế giới lưu ly, nơi Đông phương Dược sư Phật cư trú, thế giới lưu ly là một thế giới được hình thành từ ngọc ngà châu báu, từ cung điện, nhà cửa, cho đến cả thân của Phật... trong kinh Dược sư còn cho biết, thế giới lưu ly không phân biệt giới tính nam nữ, ảo diệu khôn lường...
Trong kinh Vô lượng thọ chép Phật A di đà nguyên là một quốc vương nghe vị Phật Thế Tự Tại Vương thuyết pháp, phát tâm Bồ đề nguyện 48 điều nếu được thành Phật. Những điều nguyện khá dài, các bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn có thể tìm đọc những quyển kinh trên, hoặc cứ vào Google gõ tên kinh là sẽ thấy.
- Phật thích ca: là vị Phật của hiện tại, như chúng ta đã biết, ngài là vị Phật quen thuộc của Phật giáo đối với mọi hệ phái, ngài sống trong thế giới này, xuất thân dòng dõi vương quyền nhưng không lên làm vua mà bỏ đi tìm chân lý và đã đắc đạo. Như đã nói, ngài là một người của lịch sử, được cho là có thật, cũng như Lão tử, Khổng tử, Jesus... tuy cuộc đời của ngài gắn liền với rất nhiều truyền thuyết. Tất cả những bản kinh Phật giáo, đều được cho và được các Phật tử tin rằng do ngài thuyết, hoặc do các vị Bồ tát, La hán thuyết trước tăng chúng, và đã được một đệ tử thân cận của đức Phật Thích ca là A nan đà ghi nhớ, sau này được ghi chép lại thành kinh. Những gì không phải do chính Phật Thích ca nói, mà do các vị Bồ tát, La hán thuyết, phải được sự xác tín của đức Phật Thích ca.
- Phật Di lặc: chúng ta quen gọi là Phật Di lặc, thực ra đây là một Bồ tát, là Phật của vị lai. Phật Di lặc được thờ chủ yếu tại các tự viện Phật giáo Trung Hoa, Việt Nam... những nước theo hệ phái Phật giáo Đại thừa. Đây là một vị hoà thượng tướng mạo mập mạp, vui vẻ, lúc nào cũng tươi cười. Theo truyền thuyết của kinh điển Phật giáo, Bồ tát Di lặc sinh ra trong một gia đình Bà la môn ở Nam Ấn Độ, theo Đức Phật xuất gia. Đức Phật từng thọ ký ngài sẽ kế thừa Phật thích ca, thành Phật ở đời sau, giáng sinh trong thế giới của chúng ta, dưới cây Long Hoa trong Hoa Lâm viên, ba lần thuyết pháp độ thoát chúng sinh. Vì lẽ đó Phật giáo cho rằng ngài là vị Phật của tương lai.
Thoạt tiên tượng Bồ tát Di lặc trước đời nhà Đường có hình dạng tương tự tượng Phật Thích Ca, hoặc tượng Phật A di đà, không có điểm nào giống với tượng Di lặc tươi cười ngày nay. Do đâu mà có bức tượng Di lặc này? Nguyên vào cuối đời Đường đầu đời Ngũ Đại, ở Triết Giang Phụng Hoá có một vị hoà thượng tên là Khiết Thử, hiệu là Trường Đinh Tử, có thân hình thấp béo, ngôn ngữ bất định, suốt ngày cười nói vui vẻ, nơi nào cũng có thể nằm ngồi lấy trời đất làm nhà. Hoà thượng thường vác một túi vải lớn, thấy vật gì cũng xin, người đời gọi ông là "Bố Đại hoà thượng" (hoà thượng có túi vải lớn). Tương truyền ông có tài xem lành dữ phúc hoạ cho người, rất linh nghiệm. Năm Trinh Minh Thử thứ ba (917), đời Hậu Lương thời Ngũ Đại, trước khi lâm chung hoà thượng ngồi thẳng trên một băng đá niệm một bài kệ: "Di lặc chân Di Lặc/ Hoá thân thiên bá ức/ Thời thời thị thời nhân/ Thời nhân tự bất thức". Tạm dịch nghĩa "Di lặc thật Di lặc/ Phân thân trăm ngàn ức/ Luôn luôn dạy người đời / Người đời tự chẳng biết ". Sau này người đời xem ông như hoá thân của Bồ tát Di lặc, lấy hình dáng của ông để tạc thành tượng Di lặc. Ngày vía của Bồ tát Di lặc là ngày mùng một tháng giêng âm lịch, nên Phật giáo còn gọi ngàyTết là Mùa Xuân Di lặc.
Tham khảo:
- Kinh A di đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Dược sư, Tiểu sử & công hạnh Bồ tát Di lặc (hoà thượng Thích Hành Trụ).
- Lịch sử Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, NXB Tôn giáo tái bản lần thứ nhất năm 2011.
- Hình ảnh được lấy từ internet.
cam on bac. Doc hieu duoc chut it , o nha Mảrg khong tho Phat Thich ca ma tho ong Phat Di lac, do thay nha ba me M co tuong Phat Di lac nhin vui ve, hien lanh nen xin ve ,
Trả lờiXóa. Bo chong den nha bao Ong Phat Di Lac hien chua co nhung tho cung tot, hehe
cảm ơn anh H, cuối tuần vui nha anh H :)
Trả lờiXóaHihi, đưa lên những gì theo kinh sách Phật giáo đã chép, Phật A di đà, Phật Di lặc, Quán thế âm... là sản phẩm của kinh sách, của niềm tin, cũng như Đức chúa trời vậy... Điều này không sao cả, vì ngay cả Phật Thích ca, Chúa Jesus... những nhân vật lịch sử, cũng là do niềm tin cả... Qua kinh sách, Các vị là hiện thân của Chân - Thiện - Mỹ, trong một thế giới Chu Toàn, cũng đáng để cho con người hướng tới, hihi!
Trả lờiXóaCũng vui vẻ bạn ơi :-))
Trả lờiXóaĐọc bài viết " tóm lược ' của anh , mới hiểu được thêm về những vị Bồ Tát .Ước mong sao với tương lai , đời mình luôn hiện diện nụ cười của ngài Di Lặc
Trả lờiXóaĐúng là tôi đã giản lược đến mức tối đa những gì có thể, cho dễ đọc và dễ hiểu, bởi bản thân kinh sách, triết lý, triết học PG đã đưa con người vào "mê hồn trận" rồi. Bạn thấy đấy, cái gọi là "uyên áo" của kinh sách rốt lại ở chỗ cho chúng ta những niềm vui, những thanh thản, những nụ cười trong chính cuộc đời này, chứ không phải ở một cõi Cực lạc nào khác. :-))
Trả lờiXóa@ Các bạn, tôi cũng xin đưa thêm một vài giải thích về những từ ngữ chúng ta hay gặp khi tiếp xúc với kinh sách PG:
Trả lờiXóa- Bồ tát: chữ Phạn: Bodhisattva, Pali: Bodhisatta, viết tắt của danh từ Bồ-đề Tát-đoá, có nghĩa là "Giác hữu tình", dịch nghĩa là Đại sĩ, chỉ những người khi theo Phật đã lập thê nguyện lớn, Bồ tát là những người đã đạt Chánh quả nhưng nguyện không nhập Niết bàn khi chúng sinh chưa giác ngộ, đó là tiền thân của các vị Phật tương lai. Nhựng vị Bồ tát sau đây được nhiều người biết đến của hệ phái Đại thừa, Bồ tát Di lặc, Quán thế âm, Đại thế chí, Địa tạng, Văn thù, Phổ hiền...
- A la hán (La hán): Phạn ngữ: Arahat, Pali: Arahat, Arahant, dịch nghĩa là Sát tặc, người đã đạt Niết bàn, đoạn diệt sinh tử. Là quả vị cao nhất của người tu theo Tiểu thừa đạt được.
- Thanh văn: Phạn ngữ: Sravaka, có nghĩa là "người nghe", thoạt tiên từ Thanh văn để chỉ các đệ tử của Đức Phật, sau để chỉ những bậc chân tu thuộc hệ phái Tiểu thừa, khi đạt được chứng ngộ Thanh văn trở thành A la hán.
Bác viết tóm tắt lại thế này đọc thật là dễ hiểu, nhưng em chẳng bao giờ tin có cõi cực lạc nào đó đâu. Chứng kiến hàng ngày thấy đời là bể khổ, có được sự thư thái an vui được giây phút nào trong hiện tại đó là cực lạc rồi! hehehe
Trả lờiXóa@nguyenthuthuy, hihi, quá đúng quá đúng, đời đúng là bể khổ, Phật xưa cũng thấy thế, cho nên thỉnh thoảng có được chút thư thái an vui bên gia đình, bạn bè, ngườii thân là cực lạc rồi ha TT?
Trả lờiXóaTôi tìm hiểu kinh sách PG thấy họ viết rối quá, người không quen không biết đường nào mà lần, cho nên ráng viết dễ hiểu thôi, chứ uyên thâm quá lại càng rối hung, hehehe!
Đạo Phật là đạo giải thoát cho người ta đỡ khổ vì họ đang khổ, do đó phải trao cho họ niềm hy vọng, phải không bác H. Chịu khổ chút, niệm Phật đi, sẽ đến coi cực lạc...
Trả lờiXóaBiết đâu cõi cực lạc ngay cuộc đời này thôi.
Con người phải có niềm tin, dưới nhiều hình thức, niềm tin vào chính con người, niềm tin vào tôn giáo, vào quốc gia, vào xã hội, vào bản thân..., những người tự tử là những người trong một lúc mất tất cả niềm tin rơi vào trong cùng cực của tuyệt vọng. Tôi chỉ phản bác những kẻ lợi dụng tôn giáo để làm điều xấu, lừa đảo, có hại cho người khác thôi, còn tin vào tôn giáo để sống tốt hơn cho mình, cho người, cho dù với lòng mong muốn được đánh đổi lấy một cõi nào đó ở đâu đó, vẫn cứ OK, phải không Toro?
Trả lờiXóaVâng, những người không biết tin vào đâu nữa thì thật bất hạnh, mà số này ngày càng đông mới buồn chứ bác ...
Trả lờiXóaBởi vậy xã hội mới có những bạo hành, những tàn ác ngoài sức tưởng tượng, thật đáng buồn.
Trả lờiXóa1- TORO à, ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời ai cũng muốn có một niềm tin, muốn có một cái gì để tin, đau khổ thay, không có cái gì như mình muốn cả.
Trả lờiXóa2- Đạo Phật đi tìm cái chân lý rốt ráo. Hệ thống 600 quyển kinh Bát nhã thật vĩ đại, Lý thuyết Trung quán Luận thật siêu việt, tất cả chỉ để đưa con người đến giải thoát. Nhưng giải thoát kiểu Niết Bàn thì không thể hiểu nó là gì. Chưa có một quyển sách nào nói được Niết bàn là gì cho rành mạch. Vì chưa có ai ở Niết bàn về. Các học giả Phạt giáo đều nói Niết bàn là một môi trường đặc biệt siêu việt, ngôn ngữ tầm thường không thể dùng mà giải thích đươc.
3- Thầy Thanh Từ nói giải thoát Niết bàn là giải thoát tuyệt đối, giải thoát đầu thai làm người tốt là giải thoát tương đối. Bu tui có lẽ theo hướng tương đối của thầy Từ cho rồi, Muốn rủ bạn hưởng ứng theo cho vu... hihihi.
4- Chắc chắn nhiều kinh sau này do các Tổ viết ra. Phật tử cứ thế mà tin, vì có lòng tin là có tất cả. Tuy nhiên các Tổ nhiều khi tiền hậu bất nhất. Trong Kinh Bi Hoa thì vua Vô Tránh Nhiệm hứa 9 điều, còn sang kinh Vô lượng thọ thì cũng ông ấy hứa một lèo 48 điều. Ông Thích ca là con người lịch sử, nhưng khi giàng kinh Địa Tạng thì ông nhảy tót lên trời Đao Lợi là trời mà ngày nay tàu vũ trụ tối tân chưa đến được..Tóm lại cứ thế mà tin...
5- Bu dẫn ra đây định nghĩa Tịnh độ của nhà sư Chân Nguyên và học giả Nguyễn Tường Bách trong Từ điển Phật học"Trong nhân gian người ta thường hiểu Tịnh độ là một nơi có vị trí địa lý nhất định, nhưng thực ra Tịnh độ là một dạng của tâm thức giác ngộ ..."
6- Bu dẫn thêm một đoạn của Thiền sư Nhất Hạnh trong "Thiết lập Tịnh độ": "Hể có ăn cơm thì thế nào cũng có đi đại tiện, có uống nước thì thế nào cũng có đi tiểu tiện. Trên Tịnh độ cũng có phân và rác, nghĩa là không tịnh theo cách ta đã tưởng tượng" Ông cũng nói một chỗ khác: "Những gì nhiệm màu đã tả trong kinh A di đà đều có đủ tại nơi ta ở, chỉ cần ta có tâm hồn thanh thoát và an lạc là có hết tất cả.
@bulukhin, thật ra như bác Bu đã biết, những người bình thường như tôi, bác hay các bạn khác cũng dễ dàng nhận ra những điều rất vô lý trong kinh sách PG và cả kinh sách TCG, nếu hiểu theo như những gì kinh sách viết, Nhưng tại sao những người rất uyên bác như thày Nhất Hạnh, ThanhTừ, Chân Nguyên hàng ngày vẫn tụng niệm, bởi các thày ấy lý giải theo như cách hiểu khác của các thày. Bác thử nghĩ xem, cách nay hơn hai ngàn năm thì với ngay cả Đức Phật cũng sẽ suy nghĩ ra sao, ngài có suy nghĩ được giống như thày Nhất Hạnh, thày Thanh Từ hay không? Cho nên tôi nghĩ kinh sách ngay cả chính do Phật thuyết cũng có thể huyễn hoặc như th ế, chưa nói đến chuyện đa phần những kinh sách phải mấy trăm năm sau Phật nhập diệt mới xuất hiện, nghĩa là hoàn toàn do người đời sau viết, cách nay vài trăm năm thôi con người còn suy nghĩ mông lung lạc hậu lắm, huống chi cách nay cả ngàn năm. Nhưng tôn gíao có điều rất lạ, vô lý như thế nhưng lại cuốn hút nhiều người đủ mọi trình độ đến thế...
Trả lờiXóaAnh Bu đã đưa lời dẫn của Thiền Sư Nhất Hạnh vào đây. Ở trong câu nói của Thầy NH cho ta thấy có đủ cá quá khứ, hiện tại và vi lại.Và cho ta thấy cả Thiền và Tịnh độ tông trong chính ta.
Trả lờiXóaCám ơn anh Bu và anh Hiệp.
Anh Hiệp ơi! đọc lịch sử, đọc văn chương thời trung cổ của Ấn độ ta đã thấy dân tộc Ấn độ với trong một chế độ phân chia gia cấp rõ rệt nhất và có nhiều giai cấp nhất trong xã hội loài người. M xin trích một đoạn sách mà M đọc qua:
Trả lờiXóaTheo truyền thống, xã hội Ấn thường được chia thành 4 giai cấp:
Giai cấp cao nhất là "Brahmani" gồm các tư tế, các người trí thức, các nhà chú giải các văn bản thánh, dậy dỗ và truyền thụ;
Giai cấp thứ hai là "Kshatriya" gồm các nhà lãnh đạo quân sự, các chiến sĩ tức giới thượng lưu quân sự;
Giai cấp thứ ba là "Vaishya" gồm các thương gia, các nông dân và các người chăn nuôi súc vật;
Giai cấp thứ tư là "Shudra" gồm các người làm thủ công nghệ, đầy tớ và công nhân thợ thuyền.
Thấp nhất trong bậc thang xã hội là các người "ngoài giai cấp" thường được gọi là các người "paria" hay "không thể đụng tới", vì các công việc ô uế và hèn hạ họ làm như thu dọn vệ sinh, chùi rửa cầu tiêu và chôn người chết. Hay những người đã vi phạm các luật lệ và mất các quyền xã hội và tôn giáo như thành phần của các giai cấp khác.
Hệ thống phân chia giai cấp trên đây được biện minh bởi Kinh Rig Veda, là phần đầu của kinh điển Ấn giáo, theo đó giai cấp Brahmani cao nhất bắt nguồn từ đầu của thần tạo dựng Brahma, giai cấp Kshatiya và giai cấp Vaishya bắt nguồn từ hai cánh tay và hai chân của thần Brahma, trong khi giai cấp Shudra thấp nhất bắt nguồn từ hai chân của thần.
M muốn đưa sự phân chia giai cấp vào đây để lý giải vấn đề mà mấy hôm nay anh Bu, anh và M đã có những suy nghĩ mà đi tìm tòi vì sao??
Do đó, anh và anh Bu thử lý giải xem:
vì sao khi đức Phật thành đạo, ngài đã thuyết pháp 49 năm, sau đó đức Phật nói Phật chẳng thuyết gì?
Vì sao đức Phật lại thuyết các kinh A Di Đà.. những kinh đó giống như ta nghe rồi ta cứ tin vào đó mà không cần phản biện gì cả.
M nghĩ đức Phật với hệ tư tưởng của người để lại nhưng vì sao ở trong giai đoạn của hơn 2500 năm trước, có thể ngài đã phải đưa Kinh A Di Đà ra để thuyết giảng cho phù hợp với niềm tin trong xã hội nhiều phân hóa trong thời đại ấy chăng?
Nói chung nói về Tôn Giáo là chúng ta chỉ nói về niềm tin mà không cần luận bàn thêm điều gì cả!
Trả lờiXóa@huynhtran, hihi, chị M. cũng tìm hiểu rất thấu đáo về văn hoá Ấn Độ, rất hay.
Trả lờiXóaTôi sẽ nói những suy nghĩ của mình đối với những điều chị M. đề nghị lý giải:
- "vì sao khi đức Phật thành đạo, ngài đã thuyết pháp 49 năm, sau đó đức Phật nói Phật chẳng thuyết gì?", điều này tôi chỉ có thể suy nghĩ như thế này, lúc trước khi lâm chung (tôi không dùng chữ PG thường dùng là nhập Niết bàn), Đức Cồ Đàm mới nói ra một sự thật, là hãy coi như ngài chưa thuyết gì, bởi những gì ngài đã thuyết về cõi Cực lạc, cõi Lưu ly, về A di đà, Quán thế âm, Di lặc... chỉ là hư ảo...
- "Vì sao đức Phật lại thuyết các kinh A Di Đà.. những kinh đó giống như ta nghe rồi ta cứ tin vào đó mà không cần phản biện gì cả.", Thật là sai lầm nếu chúng ta nói tôn chỉ của PG đặt trên cơ sở Niềm tin, với những tôn giáo khác, chẳng hạn với TCG điều này đúng, bởi TCG tin vào một Thượng đế, đấng sáng lập ra vũ trụ, muôn loài, sau đó cho người con của ngài là Jesus xuống thế cứu vớt nhân loại đang đắm chìm trong mê hoặc, tội lỗi...
PG không thế, Phật đã chẳng nói với A nan đà trước khi yên nghỉ "Hãy tự thắp đuốc lên mà đi" đó sao? Giáo nghĩa tối thượng của Đức Phật là chỉ chính mỗi người mới có thể cứu vớt được bản thân họ, chúng ta đừng quên câu chuyện ngón tay chỉ mặt trăng của Phật, những gì Cồ Đàm đã thuyết trong 49 năm trước tăng chúng, chỉ là Con đường (Đạo), con đường mà mỗi người phải tự lực cánh sinh đi trên đó để mong tìm một bến bờ giải thoát...
Những kinh sách để lại cho đời sau (trong đó có kinh A di đà, Dược sư, Di lặc thượng (và ha) sinh kinh...v...v... và... v...v..., mà bây giờ chúng ta đọc, đại đa số xuất hiện sau khi Phật diệt cả mấy trăm năm, được cho là ghi chép lại từ lời Phật thuyết giảng khi còn sống... thật ra lấy gì bảo đảm...? Những kinh này để ý chút xíu hoàn toàn không "đồng đều" về tư tưởng...
-"M nghĩ đức Phật với hệ tư tưởng của người để lại nhưng vì sao ở trong giai đoạn của hơn 2500 năm trước, có thể ngài đã phải đưa Kinh A Di Đà ra để thuyết giảng cho phù hợp với niềm tin trong xã hội nhiều phân hóa trong thời đại ấy chăng?: Có lẽ bản thân Đức Phật không bao giờ muốn trở thành một vị kiểu Giáo chủ, lãnh tụ... một tông phái, một tôn giáo..., cũng như Chúa Jesus vậy. PG, TCG là do những người đời sau "bày" ra đấy thôi, vì những mục đích nào đó? Nếu Chúa Jesus và Phật sống lại, biết đâu các ngài sẽ... tá hoả khi nhìn thấy hình tượng, và các kinh sách của PG và TCG khi nói về các ngài...
Anh nói có lý..hihi
Trả lờiXóaHồi nãy em ngồi thiền đọc entrry của anh Bu đi phóng vấn Đức Phật Thích Ca cùng quá trời đối thoại bên ấy của các anh chị, bây chừ em cũng ngồi thiền đọc entrry của anh Hiệp cùng các comment trao đổi rất hay.
Trả lờiXóaNói thiệt là em chỉ biết đọc và nghe các anh chị nói chuyện với nhau thì hiểu được lúc đó, đến khi ra khỏi nhà là coi như không nhớ gì hết á! Nói ra câu này thiệt là xấu hổ gì đâu. Hihihiiii
Hihi :-))
Trả lờiXóaÝ nghĩa rốt ráo của cuộc sống là Quên chứ không phải là Nhớ, cô Lan đạt được rồi đó :-)))
Trả lờiXóa