PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Cảm nhận Phật giáo.

Photobucket



Cùng với Thiên chúa giáo và Hồi giáo, Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới, với rất nhiều tín đồ ở khắp mọi nơi. Tôi không phải là Phật tử, nhưng nói theo ngôn ngữ nhà Phật có được cái "cơ duyên" làm quen với sách vở Phật giáo mấy mươi năm nay, trước năm 1975 ở những nơi xa, có khi là một vùng núi heo hút trong một làng Thượng, một vùng biển nắng cháy duyên hải miền Trung, hay một thị xã cao nguyên êm ả... luôn luôn trong ba lô của tôi có vài quyển sách Phật giáo xuất bản thời bấy giờ, Đức Phật và Phật Pháp, Cốt tuỷ của đạo Phật, Thiền luận, Vô môn quan, hay Góp nhặt cát đá... Và sau này, cho đến tận bây giờ tôi vẫn tìm đọc những quyển sách của nhà Phật...

Đúng là phải nói ngay, sách về Phật giáo rất nhiều, nhưng không dễ tìm loại sách viết thích hợp cho bản thân mình (tôi không dám nói sách hay hoặc dở, chỉ dám nói sách thích hợp với "ý thích" của mình), trong "rừng sách" viết về Phật giáo bây giờ ở các nhà sách, thỉnh thoảng tôi cũng tìm được một quyển sách, có khi đã cũ nơi những tiệm bán sách cũ, hay một quyển sách mới xuất bản, và thật thích thú khi bắt gặp những quyển sách mà mình thích, không riêng gì sách về Phật giáo... Trong tất cả những tôn giáo lớn, có lẽ Phật giáo là một tôn giáo có nhiều kinh điển nhất, nói chung kinh sách của Phật giáo được gọi là "Tạng" (pitaka), bao gồm 3 tạng, Kinh tạng (Sùtra pitaka), Luật tạng (Vinaya pitaka), Luận tạng (Abhidama pitaka), và Phật giáo có hàng ngàn bộ "Tạng" như thế... Điều này cùng với những hệ phái, tông phái... Phật giáo ở các nước, tạo nên một thế giới Phật giáo vô cùng phong phú, nhưng cũng rất phức tạp cho những ai không quen tìm hiểu, ngay cả với những Phật tử hay đi lễ chùa, tụng niệm... có khi cũng không rõ lắm về tôn giáo mà mình đang theo... Có lẽ tôi sẽ thử sắp xếp, cô đọng đến mức có thể, dựa trên những sách vở, tài liệu có được, thử viết một vài entry, theo cái hiểu biết sơ đẳng của mình, để chia sẻ với các bạn về một vài cảm nhận Phật giáo...

Lịch sử Phật giáo

Phật giáo là một tôn giáo do đấng Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni, dịch nghĩa là Trí giả trầm lặng của dòng Thích Ca) (566-480 TCN) sáng lập, tên thế tục của ngài là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddharttha gautama), cha của ngài là quốc vương Tịnh Phạn (Suddhodana) của nước Ca Tì La Vệ (Kapilavatthu), mẹ là hoàng hậu Ma Gia (Mahàmàyà). Phật giáo là một tôn giáo khởi nguyên không hề không hề mang tính cách tôn giáo, là một tôn giáo phi truyền thống, không giáo điều, không Thượng đế, không có ai ngự trị trong cái gọi là định mệnh của mỗi con người... Khởi thuỷ, trong quan điểm của đạo Phật, không ai khác hơn là chính mỗi cá thể, chính mỗi con người phải chịu trách nhiệm về những hệ quả tất yếu của tư duy và hành động của bản thân, như Đức Phật đã nói: Mỗi người là hải đảo của chính mình.

Năm 29 tuổi Tất Đạt Đa từ bỏ kinh thành để bước vào con đường cầu Đạo, sau sáu năm khổ hạnh, cuối cùng ngài ngộ đạo trở thành đấng Giác ngộ. Sau khi đấng Thích Ca Mâu Ni thành Phật ngài đến vườn Lộc Uyển (Sarnàth) nơi thành Ba La Nại (Vàrànasì), tuyên giảng đạo lý cho năm người đã từng theo ngài là nhóm Kiều Trần Như, đây là những người đầu tiên xuất gia thành đệ tử của Đức Phật, cấu thành 3 yếu tố cơ bản của Phật giáo là Phật - Pháp - Tăng. Tiếp theo đó Đức Phật đã tiếp tục thuyết giảng trong 49 năm trước tăng chúng, cho đến khi ngài tịch diệt vào năm 80 tuổi, hình thành những bước cơ bản đầu tiên của Phật giáo.

- Thời kỳ phân chia:

Trong khoảng 100 năm sau khi Phật diệt độ, số lượng đồ chúng lúc bấy giờ còn tương đối ít, phạm vi truyền bá hạn hẹp nên sự mâu thuẫn trong hàng đệ tử của Phật chưa xảy ra. Sau 100 năm giáo đoàn Phật giáo bắt đầu nảy sinh sự chia rẽ, bước vào thời kỳ "Bộ phái Phật giáo". Theo ghi chép trong sử liệu Phật giáo, 2 phái lớn xuất hiện trước nhất là "Thượng toạ bộ" và "Đại chúng bộ". Gọi là Thượng toạ bộ vì các nhân vật đại diện cho bộ phái này đa số là các tỳ kheo thượng toạ trưởng lão, và số còn lại thuộc về tăng chúng nên được gọi là Đại chúng bộ. Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ đều tin thờ chung đối với giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo như: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên. Nhưng một số vấn đề khác lại có sự khác biệt lớn, chẳng hạn Thượng toạ bộ cho rằng pháp thể tồn tại vĩnh hằng, vì thế chủ trương tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai) là thực có. trong khi Đại chúng bộ nặng về thuyết "Không", mang thái độ phủ định đối với tính vật chất của thế giới khách quan.

Theo sự lưu truyền ngày càng rộng rãi của Phật giáo, sự chia rẽ và mâu thuẫn trong giáo đoàn cũng ngày càng lớn. Trong khoảng thời gian từ 100 đến 400 năm sau khi Phật tịch diệt, Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ không ngừng xảy ra chia rẽ, trước sau chia thành 18 bộ phái hoặc 20 bộ phái...

- Phật giáo Đại Thừa (Mahàyàna) và Phật giáo Tiểu thừa (Hìnayàna, Theravàda):

Tiếp xúc với Phật giáo, chúng ta thường hay được nghe nói đến hai từ ngữ quen thuộc là Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, và thế nào là Đại thừa và thế nào làTiểu thừa? Từ "Thừa" là dịch nghĩa của Phạn văn Yana, có nghĩa là "Cỗ xe", "Phương tiện chuyên chở", "Con đường". Vào khoảng Thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, cho đến thế kỷ thứ nhất công nguyên, Phật giáo Ấn Độ hình thành một số tư tưởng, học thuyết, và các giáo phái mới. Hệ phái này tự xưng là "Đại thừa", mục đích là Phổ độ chúng sinh, giáo nghĩa của hệ phái Đại thừa ví như một chiếc thuyền hay một cỗ xe lớn, có thể chuyên chở được vô số chúng sinh từ bờ sinh tử bên này sang đến thế giới Niết bàn giải thoát ở bờ bên kia, thành tựu quả vị Phật. Hệ phái này xem Phật giáo nguyên thủy vốn có, và các giáo phái Phật giáo khác liệt đồng loạt vào hàng Tiểu thừa. Nhưng với cách gọi như thế bản thân các giáo phái được liệt vào hàng Tiểu thừa đều không chấp nhận. Ở Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan... Phật giáo đều tự xưng là "Nam truyền Thượng tọa bộ Phật giáo" từ trước đến nay...

Sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa gồm nhiều phương diện, chẳng hạn về cách nhìn nhận đối với Phật Thích ca Mâu Ni. Phật giáo Đại thừa xem ngài như một vị thần có uy lực quảng đại, pháp lực vô biên, toàn trí toàn năng, và tin rằng ngoài đức Thích Ca Mâu Ni thì ở Tam thế (Quá khứ, Hiện tại, Vị lai), và ở Thập phương (Đông, Tây, Nam, Bắc, Bốn bên, Trên và Dưới) có vô số vị Phật. Phật giáo Tiểu thừa xem Đấng Thích Ca như một vị Giáo chủ, một Đạo sư, là người đã đạt đến Giác ngộ triệt để. Ngoài ra, về mặt tu hành, Phật giáo Đại thừa lấy việc "Phổ độ chúng sinh" làm tôn chỉ tu hành, và lấy việc thành Phật làm mục tiêu tối cao. Còn Phật giáo Tiểu thừa coi việc đắc quả A la hán là mục tiêu tối thượng...

Sau này Phật giáo Tiểu thừa được gọi là Phật giáo nguyên thuỷ, và Phật giáo Đại thừa được gọi là Phật giáo phát triển, nhưng từ Đại thừa và Tiểu thừa lại hay được dùng và phổ biến hơn với mọi người.

Trên đây là những nét sơ khai cơ bản của thời kỳ đầu Phật giáo, trong khoảng 500 năm từ khi Đức Phật đản sinh, đắc đạo và nhập diệt, chủ yếu Phật giáo lúc bấy giờ chưa hoàn thiện về hệ thống, và cũng chưa phát triển rộng ra khỏi biên giới của một nước Ấn Độ cổ đại như ngày nay...


15 nhận xét:

  1. Anh Hiệp ơi! M nghĩ dùng từ "sáng lập" ở đây có lẽ chưa đúng lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Vậy đúng thì phải nói thế nào bạn huynhtran ơi

    Trả lờiXóa
  3. Cùng một đức Phật mà một bên coi ngài như môt vị thần còn một bên lại coi ngài như một Giáo chủ! Em nghĩ các kinh pháp ra đời sau khi ngài tịch diệt chắc chắn là được sáng tạo một phần theo chủ ý của các môn phái trong đạo Phật đúng không hả bác? Quan điểm của Phật mỗi người là một hải đảo tự thân hay là hãy tự đốt đuốc lên mà đi thì Phật ở đây đúng là một Giáo chủ, một đạo sư đã đạt đến giác ngộ tuyệt đối rồi chứ không phải là một vị thần có quyền năng vô biên nào hết!

    Hiểu lỗ mỗ thế nhưng em cứ viết ra đây, không dấu dốt mong hiểu thêm được chút nào quý chút ấy ạ! :D

    Trả lờiXóa
  4. Tôi cũng thấy như chị M., nhưng trong tất cả những quyển sách tôi có khi nói về Phật giáo cũng đều dùng chữ "sáng lập" để nói về sự hình thành Phật giáo. Cho dù khi còn tại thế thì bản thân Đức Phật cũng không nhận vai trò "đầu tàu" Tăng đoàn lúc bấy giờ, nhưng nghĩ lại, cũng không hề có một vị nào đó tự đứng ra nhận là mình đã "sáng lập" ra PG, cho nên có lẽ vì thế mà sách vở mới nói PG do Đức Phật sáng lập, nghĩ cho cùng cũng không sai lắm :-))

    Trả lờiXóa
  5. Com cho chị M. xong mới thấy com của bác Bu xuất hiện, theo ý bác Bu và chị M. có từ nào chính xác hơn để diễn tả không?

    Trả lờiXóa
  6. Sách vở định nghĩa về kinh sách như thế, cho kinh sách là lời Phật dạy, đứng về mặt tôn giáo thì tôi không có ý kiến, nhưng đứng về mặt ý nghĩa cũng cần phải xem lại, có những bộ kinh đến đầu Công nguyên mới xuất hiện, nghĩa là mấy trăm năm sau khi Phật diệt, làm sao mà đúng được như lời Phật dạy nữa, cứ xem ý nghĩa, văn phong của các kinh thì biết, không hề đồng đều về mặt tư tưởng.
    "Quan điểm của Phật mỗi người là một hải đảo tự thân hay là hãy tự đốt đuốc lên mà đi thì Phật ở đây đúng là một Giáo chủ,", tôi không nghĩ với câu này Phật lại là Giáo chủ "một đạo sư đã đạt đến giác ngộ tuyệt đối rồi", TT nói thế này chính xác hơn, ngài chỉ là một người đi trước, tìm ra được những phương pháp, những cách trước hết giúp cho chính bản thân mình hết phiền não, sau nữa là ngài muốn truyền lại những kinh nghiệm bản thân về vấn đề này cho những người khác, để mong họ cũng sẽ đạt được như ngài. Còn chuyện Giáo chủ hay thần thánh là do người đời sau bày ra thôi, khi TÔN GIÁO PHẬT GIÁO xuất hiện.

    Trả lờiXóa
  7. Bấm reply mà không hiểu sao cái com trên lại ra mổi chữ "quý", hihi!

    Trả lờiXóa
  8. Vì cách diễn đạt của em kém quá thôi, em cũng hiểu Phật chỉ ra cho chúng sinh con đường sáng, con đuờng giải thoát khỏi phiền não, khổ đau còn mỗi người muốn đạt đến đích ấy thì phải hiểu và tự tu tập kiên trì mới mong giải thoát được. Cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
  9. @nguyenthuthuy, TT nói "một đạo sư đã đạt đến giác ngộ tuyệt đối" là đúng rồi, từ ngữ PG khó dùng nếu không quen, hiểu như TT đây là giỏi lắm rồi đó, tôi cũng lơ mơ không thua gì đâu :-))

    Trả lờiXóa
  10. Xem ra, khoa học ngày càng phát triển, nhận thực về thế giới ngày càng rõ thì Thượng tọa bộ có lý hơn chăng? Bây giờ mà tin Phật "uy lực quảng đại, pháp lực vô biên, toàn trí toàn năng" khiến cho con người cầu gì được nấy thì e khó. Coi đức Phật là bậc đạo sư, học theo ngài để tự giải thoát thì phù hợp hơn.
    Thầy Thích Nhất Hạnh rõ là "Đại thừa" nhưng trong cuốn "Đường xưa mây trắng" cũng không viết về phép lực thần thông quảng đại của Phật, mà chú trọng đến con đường giải thoát.
    Ở ta hiện nay, xu hướng cầu lợi cao nên nếu nói Phật không thể phù hộ nếu họ không tự mình tu thì không biết Phật tử thật sự còn được bao nhiêu anh Hiệp ạ.

    Trả lờiXóa
  11. VN đa số bây giờ theo Đại thừa, mà tông phái Tịnh độ A di đà là phổ biến. Có lẽ như Toro nhận xét, học theo Phật để tự giải thoát thấy có lý hơn là cầu xin tụng niệm. Thày TNH có lẽ chọn những gì ưu việt của cả Tiểu thừa và Đại thừa chăng? Nhưng với đa số Phật tử bây giờ đi chùa để "cầu" nhiều thứ hơn là tu tập hoàn chỉnh bản thân.

    Trả lờiXóa
  12. Mới hôm qua em vào đọc chút, thấy trống trơn, hôm nay qua dòm cái thấy comment quá trời luôn. Hôm nay em lại có chuyện đi tiếp nên để dành hôm nào thư thả đọc thôi. :)

    Trả lờiXóa
  13. Luôn mở rộng cửa... thiền đón chào cô Lan, hehe!

    Trả lờiXóa
  14. Con chiên mở rộng cửa thiền
    Hồi, Chúa, Phật, địa, thiên cùng ngồi...
    Nói toàn những chuyện xa xôi
    Ngẫm ra lại thấy chuyện đời đấy thôi.

    Trả lờiXóa
  15. Hehe, không dè Toro làm thơ quá hay :-))

    Trả lờiXóa