PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Thập bát A la hán.




Trong kinh sách Phật giáo chúng ta thường hay nghe nhắc đến các vị A la hán, hay La hán, có khi lên đến 500 vị. Có sách nói đó là 500 đệ tử của Phật, cũng có sách nói đó là 500 tăng nhân tiến hành lần kết tập (kiết tập) kinh sách đầu tiên sau khi Phật tịch diệt. Vào thời nam Tống Trung Hoa, có một quan chức tên là Đạo Tố bỏ nhiều công sức tâm huyết biên dịch kinh Phật, đã đặt tên cho 500 vị La hán này, và khắc bia tưởng niệm. Từ đó nơi các chùa chiền, 500 vị La hán thờ tự đều sử dụng tên gọi đó. Tuy nhiên chúng ta thường hay nghe nhắc đến Thập bát A la hán, mười tám vị A la hán hay muời tám vị La hán. Số lượng các vị La hán không ngừng thay đổi, thoạt đầu chỉ có bốn vị La hán (Tứ đại La hán), là bốn đệ tử của Phật ở thế gian để giáo hóa mọi người. Về sau tăng lên thành 16 vị, sau đó thêm vào 2 vị nữa trên cơ sở 16 vị, thành tổng cộng 18 vị, cũng chính là nguồn gốc của 18 vị La hán (tượng) mà chúng ta thường thấy nơi các chùa. Đó là các vị La hán (được xếp theo thứ tự):

1/ Tân độ lô phả la đọa la (Pindolabhàradvàja) - Kỵ lộc La hán - Vị La hán vốn xuất thân dòng dõi Bà la môn, trước khi xuất gia là đại thần của Ưu Trấn Vương thành Câu Xá Di, đặc điểm của ngài tuy đã chứng quả La hán nhưng hay khoe khoang, ngài từng cưỡi một con hươu về thành Câu Xá Di khuyên quốc vương quy y Phật, cho nên còn được gọi là "Kỵ lộc La hán", tức La hán cỡi hươu.

2/ Ca nặc ca phạt tha (Kanakavatsa) - Khánh hỷ La hán - Ngài vốn là một nhà hùng biện, được Đức Phật khen ngợi là người biết phân biệt thị phi rõ ràng. Sau khi đắc quả La hán ngài đã đi giáo hóa khắp nơi với một gương mặt tươi vui, nên được gọi là Khánh hỷ La hán, vị La hán vui vẻ.

3/ Ca nặc ca bạt lý đọa xà (Kanakabharadvàja) - Cử bát La hán- Tôn giả ca nặc ca thường mang theo một cái bát sắt bên mình khi du hành khất thực, mỗi lần hóa duyên đều đưa bát về phía mọi người cầu xin, nên được gọi là La hán Cử bát.

4/ Tô tần đà (Subinda) - Thác tháp La hán - Ngài tu tập rất tinh nghiêm, giúp người nhiệt tình, nhưng ít thích nói chuyện. Để bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật ngài luôn mang theo một tháp nhỏ bên mình, nên được gọi là Thác tháp La hán.

5/ Nặc cù la (Nakula) - Tĩnh tọa La hán - theo truyền thuyết ngài thuộc giai cấp Sát đế lợi Bà la môn, là giai cấp được sinh ra từ vai của Phạm thiên, nguyên là một tướng sĩ, ngài đắc quả A la hán khi đang tọa thiền nên được gọi là Tĩnh tọa La hán.

6/ Bạt đà la (Bhadra) - Quá giang La hán - Ngài theo hầu Đức Phật, theo truyền thuyết ngài rất thích tắm gội có khi đến 10 lần một ngày. Tương truyền ngài đến quần đảo miền đông Ấn độ (quần đảo Java) để truyền giáo, nên được gọi là Quá giang La hán.

7/ Ca lý ca (Kalica) - Kỵ tượng La hán - Trước khi xuất gia ngài làm nghề huấn luyện voi nên được gọi là Kỵ tượng La hán, sau khi chứng quả A la hán Đức Phật khuyên ngài ở lại quê hương Tích Lan (Sri lanka) của ngài để hoằng hóa Phật pháp.

8/ Phạt xà la phất xa la (Vajraputra) - Tiếu sư La hán - Tương truyền khi còn ở thế tục ngài làm nghề thợ săn, có sức mạnh vô song. Sau khi xuất gia ngài nỗ lực tu tập chứng quả A la hán, thường có một con sư tử bên cạnh, nên được gọi là Tiếu sư La hán, vị La hán đùa giỡn với sư tử.

9/ Thú bát ca (Jivaka) - Khai tâm La hán - Ngài vốn là Thái tử của nước Trung Thiên Trúc xuất thân trong giai cấp Bà la môn, hình tượng của ngài là vạch áo bày lộ tâm Phật nên được gọi là Khai tâm La hán.

10/ Bán thác ca (Panthaka) - Thám thủ La hán - Hình tượng của ngài là đưa hai tay lên rất sảng khoái sau khi thiền định nên gọi là Thám thủ La hán.

11/ La hầu la (Ràhula) - Trầm tư La hán - Ngài là người ít nói, luôn khiêm cung nhẫn nhục, nên được gọi là Trầm tư La hán, có sách chép ngài là con trai của Đức Phật, nhờ Đức Phật dạy bảo bỏ dần những thói xấu vương giả, ngài nỗ lực tu tập đạt đến Chánh quả, ngài là một trong 16 vị La hán đầu tiên.

12/ Na già tê na (Nàgasena) - Khoái nhĩ La hán - Là một nhà lý luận Phật học, sở trường của ngài là luận "Nhĩ căn", tranh tượng của ngài thường tạc một vị La hán đang ngoáy tai một cách thích thú, nên còn được gọi là Khoái nhĩ La hán.

13/ Nhân kiệt đà (Angada) - Bố đại La hán -  theo truyền thuyết ngài là một thợ bắt rắn ở Ấn độ, một xứ sở vốn có rất nhiều rắn độc, sau khi đắc đạo ngài cũng thường mang một túi vải bên mình để đựng rắn, nên được gọi Bố đại La hán.

14/ Phạt na bà tư (Vanavàsin) - Ba tiêu La hán - Theo truyền thuyết mẹ của ngài sinh ngài khi vào rừng gặp lúc mưa to gió lớn. Sau khi xuất gia với Phật ngài thích tu tập trong rừng, và thường đứng dưới gốc các cây chuối, nên được gọi là Ba tiêu La hán.

15/ A thị đa (Ajita) - Trường mi La hán - Theo truyền thuyết lúc mới sanh ngài đã có hàng lông mày dài rủ xuống,  dấu hiệu kiếp trước ngài đã là một nhà sư. Sau khi theo Phật xuất gia ngài phát triển Thiền quán và đắc quả A la hán. Vì có hàng lông mày dài cho nên ngài được gọi là Trường mi La hán.

16/ Chú trà bàn thác ca (Cullapatka) - Kháng môn La hán - Theo truyền thuyết trong một lần khất thực, ngài gõ cửa một nhà nọ và làm và làm ngã cánh cửa đã hư cũ, điều này cũng gây bối rối. Sau Phật trao cho ngài một cây gậy có treo những chiếc chuông nhỏ để khỏi phải gõ cửa, nếu chủ nhân muốn bố thí sẽ bước ra cửa khi nghe thấy tiếng chuông rung, do đó ngài được gọi là Kháng môn La hán.

17/ Nan đề mật đa la (Nandimitra) - Hàng Long La Hán - Ngài là người nước Sri Lanka, ra đời sau khi Đức Phật diệt độ khoảng 800 năm, ngài là vị La hán thần thông quảng đại. Tương truyền có lần đảo quốc Sư tử (Sri Lanka) bị Long vương dâng nước nhận chìm, ngài đã ra tay hàng phục được long vương, nên được tặng danh hiệu Hàng long La hán.

18/ Đạt ma đa la (Dharmatràta), có sách chép là Tân đầu lô - Phục hổ La hán - Tương truyền rằng bên ngoài nơi tự viện mà ngài tu tập, có một con hổ ngày đêm gầm rống, ngài đem thức ăn của mình chia bớt cho hổ, lâu ngày mãnh thú bị hàng phục, đi đâu cũng theo ngài, nên ngài được gọi là Phục hổ La hán.

Trên đây là ý nghĩa, tên gọi của mười tám vị La hán chúng ta hay nhìn thấy trong các chùa chiền hay tranh, tượng Phật giáo, nhìn hình nhỏ bên trên chúng ta cũng có thể nhận ra một số vị La hán, chẳng hạn Kỵ tượng và Kỵ lộc La hán, Khai tâm La hán, Phục hổ La hán, Thám thủ La hán, Kháng môn La hán, Bố đại La hán (có bụng phệ giống Phật Di lặc)... Nếu hình lớn nhìn rõ hơn chắc sẽ nhận ra được nhiều hơn. Ngoài ra theo Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo Nguyên thủy), thì A la hán, hay La hán, là quả vị cao nhất của của người tu tập theo hệ phái Tiểu thừa.


12 nhận xét:

  1. Anh Hiệp chịu khó nghiên cứu về đạo Phật ghê,tôi coi vậy chớ lười hơn anh nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Hihi, đâu có nghiên... kíu gì đâu chị Mai, chỉ là kiến thức phổ thông thôi mà, chép lại cho nó dễ hiểu và dễ nhớ hơn thôi...

    Trả lờiXóa
  3. hay quá, bây giờ em mới được biết cụ thể về sự tích các vị La Hán, mà có vị La hán nào đeo kính trắng và khoác máy ảnh không hả bác? Nghe nói vị La hán này mê chụp ảnh hoa lá cỏ cây, chim bướm cào cào... lắm!

    :D

    Trả lờiXóa
  4. Hehe, có có, La hán thứ... 19 đó, gọi là... Chim cò A la hán :-))

    Trả lờiXóa
  5. hehehehhe...mổi khi đi chùa ngang qua mấy ông TBLH là em ko dám nhì ...sợ sợ sao đó , chắc mình ko tốt nên sợ hehehhehehe...

    Trả lờiXóa
  6. Hehe, phuongvu mà không tốt thì ai tốt nữa cơ chứ, đây là bà nội bà ngoại hạng nhứt thế giới đó :-)))))))))))

    Trả lờiXóa
  7. Hôm nào mời bác ra HN, em đưa bác lên thăm "Các vị la hán chùa Tây Phương" nhé.
    Các vị La hán còn được gọi là các vị tổ truyền đăng.

    Trả lờiXóa
  8. Tượng La hán chùa Tây phương rất nổi tiếng, chừng nào được đi xem mà có Toro dẫn đường nữa thì hay quá :-))

    Trả lờiXóa
  9. * 18 vị La Hán chùa Tây Phương có phải các vị bạn đã kê ra không? Trong đó không có ai là Tàu và Việt Nam, chỉ có hai vị Srilanka còn lại là Ấn Độ. Ở Thế kỉ 21 này trên Tây Ninh có thầy Thích Thông Lạc được Thầy Thanh Từ trắc nghiệm, chấp nhận đã tu xong, làm chủ được sinh lão bệnh tử (muốn sống hoặc chết lúc nào cũng được) gọi là Trưởng Lão, tương đương La Hán. Bu đã lên Tây Ninh nhưng chưa được gặp thầy.
    * Chùa Bái Đính bu thấy người ta dựng lên 500 tượng La Hán, trong số đó chắc có các vị tu ở cõi trời nào đó chứ không phải ở cõi ta bà này. Nhà sách thấy bán quyển 500 vị La Hán, có tên tuổi và trích ngang hẳn hỏi, bu chỉ xem qua chứ không mua làm gì

    Trả lờiXóa
  10. * Tôi cũng chưa được xem 18 vị La hán chùa Tây phương nên không rõ thế nào? 18 vị hay thấy các chùa trưng bày như trên thì hình như 16 là đệ tử trực tiếp của Phật, còn 2 vị người Sri Lanka là đời sau. Thầy Thông lạc được thày Thanh Từ "chứng" thì chắc là siêu rồi. Còn thày Thanh Từ nghe nói ở Long Thành không khỏe.
    * 500 vị La hán ở chùa Bái Đính có lẽ là 500 vị được nhắc đến trong bài, có đầy đủ cả tên tuổi lý lịch trích ngang do quan chức Trung Hoa "sáng tác".

    Trả lờiXóa
  11. cũng có người nói chỉ có 16 vị La Hán thôi , còn 18 là 18 vị Hộ Pháp trấn giữ chùa :)

    Trả lờiXóa
  12. Đúng đấy, hihi, nói chung là nói thế nào cũng đúng hết (thật là ba phải), 16, 18, 500 hay hơn nữa đến muôn ức, đây là con số... ước lượng chớ đâu phải "định lượng, hì hì!

    Trả lờiXóa