PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Mật giáo.

                                            Tượng Phật Đại Nhật Như Lai.


Ấn Độ giáo (Hinduism) hình thành bắt nguồn từ một tôn giáo cổ đại của Ấn Độ là Bà La Môn giáo (Bhramanism) vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất. Ấn Độ giáo dung hợp với các tín ngưỡng dân gian khác đang lưu hành trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, và cũng hấp thu tư tưởng của Phật giáo, Kỳ Na giáo (Jinaism)*. Ấn Độ giáo hình thành trên tư tưởng của bộ kinh Vệ Đà (Véda) của Bà La Môn giáo, sùng bái đấng tối cao Phạm Thiên, và hình thức sùng bái là tế lễ, cúng dường, trì chú... sau này chủ trương đề xướng tính dục, mượn tính lực để giải thoát... Những điều này có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của Mật giáo.

Khoảng thế kỷ thứ 7 Phật giáo Ấn Độ bắt đầu suy yếu, đặc biệt là học thuyết, lý luận của "Du  Già hành phái" (Yoga) của Phật giáo Đại thừa đã trở nên quá kinh viện, vô cùng rắc rối và phức tạp, rất khó để đại chúng tiếp thu. Trong tình hình đó, Phật giáo Đại thừa vì muốn hấp dẫn quần chúng, không thể không hấp thu một số giáo nghĩa và hình thức của Ấn Độ giáo lúc bấy giờ, để hình thành nên Mật giáo trong Phật giáo Ấn Độ.

Mật giáo tự cho là đã nhận được lời dạy "Chân thật" từ Pháp thân của Phật Đại Nhật Như Lai  (Mahàvairocana, Tì Lô Giá Na)**, được sự truyền thụ bí mật do Đại Nhật Như Lai, nên xưng là Mật giáo. Đặc điểm của tông phái này là sự tổ chức hóa cao độ các loại thuật chú, đàn trường, nghi lễ... với các nghi thức như Thiết đàn, cúng dường, tụng kinh, niệm chú, quán đảnh... với các qui định vô cùng nghiêm khắc, hình thức phức tạp, không phải là người trong tông phái thì tuyệt đối không được truyền ra ngoài. Kinh điển chủ yếu của Mật giáo là Đại Nhật kinh, Kim Cang đỉnh kinh, Mật tập kinh, Hỷ Kim Cang kinh, Thời Luân kinh, Tô Tất địa kinh...

Sau khi xuất hiện, Mật giáo từng có thời kỳ thịnh hành ở vùng Tây Nam Ấn Độ, và các địa khu của cao nguyên Đức Cán... Thời kỳ đầu Mật giáo dung hợp tư tưởng của phái Trung Quán (Madhyamika), Du Già hành làm cơ sở lý luận, nhưng sau khi phát triển, sau này xuất hiện một số Mật giáo tả đạo, bỏ qua những lý luận, học thuyết vốn có, phương pháp tu hành càng cường điệu về "phương tiện", bị ảnh hưởng tương đối lớn của trường phái tính lực Ấn Độ giáo. Từ đó Mật giáo Ấn Độ bắt đầu suy thoái...

Vào những năm Khai Nguyên đời Đường (713 - 741), Những tăng nhân Ấn Độ là Thiện Vô Úy (Subhakarasimha, 637 - 735); Kim Cang Trí (Vajrabodhi, 663 - 723); và Bất Không Kim Cang (Amoghavajra, 705 - 774), kẻ trước người sau tới Trường An, đem kinh điển, tư tưởng và học thuyết của Mật giáo Ấn Độ truyền vào Trung quốc, phát triển thành Mật tông, trở thành một trong những tông phái của Phật giáo Trung Hoa.

Một chi khác của Mật giáo Ấn Độ, được truyền vào Tây Tạng kết hợp với "Bổn giáo", là một tôn giáo nguyên thủy của người Tây Tạng, hình thức thờ bái vật, sùng bái các sự vật và hiện tượng tự nhiên, thành tín thần chú, bùa chú yêu thuật, chuyên trị bệnh phục vụ người chết, xua đuổi tà ma... trở thành Mật tông Tây Tạng, điều này làm cho Phật giáo Tây Tạng (Phật giáo Tạng truyền), tăng thêm sắc thái thần bí...

Tại Việt Nam hiện cũng có những Đạo tràng tu tập theo Phật giáo Mật tông, có những tác giả dịch thuật những bài kinh thuộc tạng kinh Mật giáo, và cũng có những tự viện tu theo Mật tông như chùa Tây Tạng (Bình Dương), Tịnh viện Hải Triều Âm (Đại Ninh)...

Ghi chú:

- * Kỳ na giáo (Đạo Jina - Jinaism): xuất hiện tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 Trước công nguyên. Theo truyền thuyết, đạo Jina do 24 nhà tiên tri truyền lại từ thời cổ xưa, người gần đây nhất là Vardhamana Mahavira Jina, về sau trở thành Karma, nghĩa là tự giải thoát khỏi kiếp luân hồi, tạo đường độ thế. các tín đồ đạo Jina thờ các tiên tri làm thần linh. Giáo lý của đạo tin về một linh hồn bất tử. Các tín đồ phải duy trì cuộc sống chay tịnh và làm theo các quy định của Ahimsa, nghĩa là không bạo động, không sát sinh... các quy định này cũng được Phật giáo áp dụng sau này.

- ** Phật Đại Nhật Như Lai: theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa Đức Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Đại Nhật Như Lai chính là Pháp thân của Phật Thích ca. Trong Kim Cang giới Mạn Đà La của mật giáo thì Đại Nhật Như lai ở vị trí trung tâm, ngài là biểu hiện của ánh sáng trí tuệ chiếu soi diệt trừ bóng tối Vô minh.

Tham khảo và ghi chép từ:

- Tủ sách Bách khoa Phật giáo - Lịch sử Phật giáo - Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo tái bản lần thứ nhất năm 2011.

- Thế giới Phật giáo Phương diện lịch sử Văn hóa và Minh triết - Điền Đăng Nhiên - Dịch giả Thích Ngộ Thành, Nhà xuất bản Văn hóa Sài gòn xuất bản năm 2009.

- Từ điển Phật học - Ban biên dịch Đạo Uyển - Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu, Công ty sách Thời Đại & Nhà xuất bản Thời Đại ấn hành năm 2011.

- Từ điển Vô thần luận - Cung Kim Tiến, Nhà xuất bản Phương Đông xuất bản năm 2006.

- Từ điển Bách khoa mở Wikipedia.

8 nhận xét:

  1. Anh H ơi! ngày cuối tuần mà bắt M đọc nhiều quá đó.. :((

    Câu mật chú Om-Mani-Padme-Hum nè.

    Trả lờiXóa
  2. @huynhtran, Om Mani Padme Hum, câu chân ngôn của Đức Quán Thế Âm, lại có đề tài để viết tiếp đấy chị M., Cuối tuần chúc chị khỏe :-))

    Trả lờiXóa
  3. Lại đọc những bài những bài khó nữa rồi. Viết thêm những gì vui vui đi anh H ơi! kẻo bạn bè nhập thất hết thì nguy hihiiii

    Chúc anh uối tuần an vui.

    Trả lờiXóa
  4. Hihi, viết gì vui bây giờ chị M.? "Không gì vui thì hãy gắng nhớ đôi lần" vậy. Nói vui vậy thôi, cũng không có gì khó đâu, có điều có lẽ đụng tới "Đạo" thì hơi khô hơn "đời". nhưng tôi viết dưới mắt đời thôi mà, một dạng phổ thông không có gì siêu cả, hì hì!

    Trả lờiXóa
  5. Cuốn Con đường mây trắng, kể về Tây Tạng, cho thấy có nhiều ngôi chùa có tượng mang tính tình dục cao độ anh ạ...

    Trả lờiXóa
  6. Phật giáo khi vào Tây Tạng như sách vở đã nói, kết hợp với Bổn (bản) giáo bản địa thành ra lung linh huyền ảo, mang nhiều nét của bái vật, họ có tranh hay tượng Phật 2 thân, hình ảnh này theo nghĩa "tục" thì Playboy Mỹ cũng chào thua, để rảnh rảnh có dịp sẽ đưa lên. Toro có... du hí Sè gòong có dịp nói chuyện nhiều :-))

    Trả lờiXóa
  7. 1- Hiện ở Tây Tạng Mật giáo đang thịnh hành nhưng có lẽ toàn bộ Tây Tạng không chỉ có mật giáo. Thấy ông Đạt Lai Lạt ma người đại diện cho Phật giáo Tây Tạng thuyết pháp nhiều nơi ở Âu Mỹ không có xu hướng thiên về Mật giáo
    2- Thống kê một số mục từ Mật giáo để các bạn tìm hiểu cho vui
    - Mật giáo cương yếu
    - Mật giáo mĩ thuật
    - Mật giáo ngũ đại
    - Mật giáo pháp khí
    - Mật giáo sám pháp
    - Mật giáo tam tam muội môn
    - Mật giáo tứ ba la di
    - Mật giáo tứ vô lượng quán
    (theo Phật Quang đại từ điển)

    Trả lờiXóa
  8. Có lẽ mật giáo ở Tây tạng cũng như Tịnh độ tông ở Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam... phổ biến nhưng cũng chỉ là một Tông phái Phật giáo. Chắc vị Đạt Lai Lạt Ma là người sống nhiều năm ở Mỹ nên ngài cũng không bị ảnh hưởng bởi Mật giáo bản xứ.
    Cám ơn bác Bu đã đưa thêm một số mục từ Mật giáo.

    Trả lờiXóa