PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Về một con đường.

Photobucket

Tên chợ Nguyễn Văn Trỗi vẫn còn thấy nơi chợ Trương Minh Giảng cũ (gần cầu Trương Minh Giảng, nay nằm trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3).




Sài Gòn đã trải qua hơn 300 năm lịch sử, từ một nơi rừng rậm hoang vu (mà nơi nào chẳng thế), trải qua bao nhiêu đổi thay và thăng trầm để trở thành một thành phố lớn nhất nước. Ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ, có thời kỳ xa xưa theo sách sử, nghiên cứu, từng là trung tâm của một nước Phù nam cổ, của Cao Miên Thủy Chân Lạp, dấu chân của những dân tộc khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Cam Bốt...), dấu chân của 2 người đứng đầu 2 vị vua nhà Nguyễn đối nghịch nhau (Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ) từng in dấu, người Châu Âu, người Mỹ đến và đi... và cũng từng là kinh đô hai nền cộng hòa của xứ "đàng trong" một thời. Tôi cũng có biết bao nhiêu kỷ niệm, ký ức ở tại Sài Gòn, từ thời còn để chỏm, lông nhông theo lũ trẻ con trong xóm đi câu cá, bắt dế, bắt cá lia thia về đá... cho đến lúc lớn khôn, bước xuống cuộc đời...

Sài Gòn có hàng ngàn con đường lớn nhỏ, nhưng tôi muốn nhắc đến một con đường, chẳng phải con đường này có những kỷ niệm gì với tôi, nhưng đối với Sài Gòn đây là một con đường mang nhiều ý nghĩa, và chắc con đường này, từ khi sân bay Tân Sân Nhất được thành lập, đã từng chứng kiến biết bao nhiêu nguyên thủ quốc gia qua lại. Chỉ nội tên con đường đã đổi rất nhiều lần, có tên gọi của dân gian nghe hết sức... dân dã, hay có lần chính quyền đặt tên của một con đường khác cạnh đấy (cái tên này xét về khía cạnh lịch sử lại chính là tên cần phải đặt cho con đường tôi đang nói tới)...

Đấy chính là đường Nguyễn Văn Trỗi bây giờ, nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận và quận Tân Bình, bắt đầu từ cầu Công Lý cho đến đường Hoàng Văn Thụ gần sân bay Tân Sơn Nhất. Đoạn đường này dài 1km820, nối liền sân bay Tân Sơn Nhất đến trung tâm thành phố... Trước khi có sân bay Tân Sơn Nhất, dưới thời Pháp đường được gọi là đường mòn số 26, sau đặt tên Impératrice nối dài. Từ năm 1930 sân bay TSN hoạt động, đường được người Pháp đặt tên là đường MAC MAHON (Patrice de Mac Mahon, thống chế và là Tổng thống dưới thời đệ tam Cộng hòa Pháp (làm TT từ năm 1873 đến năm 1879). Sau năm 1945 đổi tên là đường Charles de Gaulle nối dài. Sau năm 1952 chính quyền Pháp lại đổi tên thành đường De Lattre de Tassigny nối dài. Đến năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi thành đường Ngô Đình Khôi. Sau 1 - 11 - 1963 đổi là đường Cách Mạng 1 - 11. Ngày 14 - 8 - 1975, chính phủ Cách mạng lâm thời nhập đường Công Lý (đoạn từ Bến Chương Dương đến cầu Công Lý) và đường Cách Mạng 1 - 11 làm một, đặt tên là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ngày 4 - 4 - 1985, Ủy Ban Nhân Dân TPHCM cắt đoạn từ Công Lý đến đường Hoàng Văn Thụ đặt tên là đường Nguyễn Văn Trỗi cho đến ngày nay...

Đấy là những tên chính thức của con đường qua nhiều thời kỳ, trong dân gian còn một tên gọi bây giờ cũng đã phai mờ trong ký ức của người dân Sài Gòn, nhưng những ai đã lớn tuổi và nhất là ở gần khu vực đường này chắc hẳn còn nhớ một tên gọi, đó là đường Bạc Má Hồng, và cầu Công Lý là cầu Bạc Má Hồng. Cái tên dân gian này nghe như để chỉ một phụ nữ nào đó, hoặc để chỉ chung giới nữ nhi, nhưng ở đây chẳng làm gì có nhi nữ nào cả, chẳng qua người dân phiên âm từ chữ Mac Mahon, tên gọi một thời của con đường...

Còn tên Nguyễn Văn Trỗi đặt sau này? Sách vở chép ông Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964) quê làng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sau năm 1954 theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống làm thợ điện ở nhà máy đèn Chợ Quán, tham gia đội biệt động vũ trang quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn. Năm 1964, chính phủ Mỹ cử Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara cầm đầu một phái đoàn quân sự Mỹ sang Sài Gòn. Nguyễn Văn Trỗi được giao nhiệm vụ tấn công phái đoàn quân sự này bằng cách đặt bom phá cầu Công Lý khi đoàn xe đi ngang. Việc bại lộ, ông bị bắt và bị xử bắn tại nhà lao Chí Hòa.

Như vậy đoạn đường này (và cầu Công Lý cũ) được đặt tên Nguyễn Văn Trỗi là hợp lý. Tuy nhiên hơi "oái oăm" ở chỗ, trước đó vào ngày 14 - 8 -1975, chính quyền cách mạng lâm thời đã nhập 2 con đường Trương Minh Giảng và đường Trương Minh Ký, là con đường song song với đường Nguyễn Văn Trỗi bây giờ (2 đường cách nhau chừng non 1 cây số) và đặt tên là đường Nguyễn Văn Trỗi, ngôi chợ nằm trên con đường Trương Minh Giảng cũ gần phía cầu Trương Minh Giảng cũng được đặt tên là chợ Nguyễn Văn Trỗi (bây giờ vẫn còn tên). Có lẽ về sau thấy nhầm lẫn, nên đến ngày 4 - 4 - 1985, UBND TPHCM cho đổi tên đường Nguyễn Văn Trỗi, đoạn từ cầu Trương Minh Giảng đến Hoàng Văn Thụ thành đường Lê Văn Sỹ, và trả lại tên Nguyễn Văn Trỗi cho đoạn đường từ cầu Công Lý đến đường Hoàng Văn Thụ thành đường Nguyễn Văn Trỗi, cho đúng với một diễn biến lịch sử...

 

Tham khảo:

- Đường phố nội thành thành phố Hồ Chí Minh của Nguyễn Đình Tư-Chi Cục Bản Đồ và Khảo Sát Xây Dựng xuất bản.

17 nhận xét:

  1. Con đường này Zip cũng hay chạy trên đó, trước đây. Không ngờ nó có lắm tên quá! Và cũng không ngờ nó chỉ dài 1km820. Thấy nó dài dằng dặc ấy :) Bởi vậy dân Sài Gòn không bao giờ dùng đến khoảng cách km mà "đo khoảng cách" bằng thời gian: Từ cầu Thị Nghè chỗ Zippo chạy đến Nguyễn Văn Trỗi giáp với Hoàng Văn Thụ có khi mất cả tiếng đồng hồ! Oải! Hihi...

    Trả lờiXóa
  2. Nhân anh Hiệp có nhắc đến đường Lê Văn Sĩ [hình như tên cũ trước tháng Tư 1975 là Trương Minh Giảng?], Zippo có tấm hình một đoạn đường Lê Văn Sĩ, hình chụp đâu khoảng năm 1971 - 1972 gì đó.

    Trả lờiXóa
  3. GR nhớ được là sau tháng tư năm 1975, thư gửi từ SG ra vẫn đề tên phố là Trương Minh Giảng. Cái tên phố rất quen thuộc với gđ nhà GR vì bác cả sống ở đó.

    Trả lờiXóa
  4. @zipposgvn, một con đường đổi nhiều tên gọi nhất SG đấy, ở VN mình dùng thời gian có lẽ là để "chỉ khoảng cách" chứ không hẳn là để "đo khoảng cách" như bên ngoại quốc. Cái cách nói ở xứ mình nhất là ở miền Nam "chạy cả tiếng mới tới", hoặc "chạy cả nửa ngày mới tới", là có ý nói "đườg xa lắm, phải đi cả bằng ấy thời gian mới đến". Còn ở ngoại quốc (như Việt kiều ở Mỹ, Pháp về hay nói...), thì dùng thời gian để nói về khoảng cách, và sau mình bị ảnh hưởng. Trước đây mình hay dùng từ "cây số ngàn", để nói về khoảng cách, chẳng hạn "Biên Hòa cách SG ba mươi cây số ngàn", hoặc "từ SG đi Thủ Đức khoảng mười mấy cây số ngàn...".
    Cám ơn bạn về tấm hình phố Trương Minh Giảng trước năm 75, nhìn cái xe taxi nửa xanh nửa trắng cảm thấy nhớ một thời...

    Trả lờiXóa
  5. Chợ này em nhớ kỹ nà, xưa thời sv hay lang thang vô chợ Trương Minh Giảng ăn bún riêu hiiii. Trường em gần đó mà. Nhớ thiệt !

    Hì đọc cái đọan anh H nói về cầu Bạc Má Hồng mới biết đó chớ, mà tên đó lâu lắm mới nghe người ta nhắc tới.

    Dạo này Bác Hội chưởng chuyển gu sang Khảo cứu bớt hoa bướm nhưng mà cũng hay lắm, ủng hộ hì hì

    Trả lờiXóa
  6. @hanggraphic, bác cả của GR hẳn nhiên là người Bắc cho nên thư từ mới đề "phố Trương Minh Giảng", xưa tôi cũng có gia đình người bác ở đường này, cũng gần chợ Trương Minh Giảng, qua Mỹ rồi. Bây giờ ông bà cụ tôi ngoài 80 cũng ở gần chợ đây.

    Trả lờiXóa
  7. @comieng, lâu lâu thay đổi không khí, cũng bởi hồi này ít xách máy chụp hình lang thang. À, cô Mây học ĐH Sư phạm đối diện chợ mà, trước trường này là ĐH Vạn Hạnh của mấy ông sư. Nhà tôi cũng hay đi chợ này, nhắc chuyện xưa, nay để nhớ một thời mà... và lạy trời, đừng có ông TS hay nhà nghiên cứu lịch sử nào đó từ chữ Bạc Má Hồng mà suy diễn, xưa dân gian dùng từ này để gọi một "phận gái hồng nhan" nào đó, hì hì!

    Trả lờiXóa
  8. @zipposgvn, nhìn kỹ tấm hình bạn gởi tôi cảm thấy ngờ ngợ, hình như không phải đường Trương Minh Giảng cũ (bây giờ là Lê Văn Sỹ), bởi nhìn dòng xe lưu thông đây có vẻ là đường một chiều, mà đường Trương Minh Giảng xưa nay theo tôi nhớ, chưa từng bao giờ một chiều cả.
    Có vẻ như là đường Ngô Tùng Châu cũ gần Ngã Sáu Sàigon, bây giờ là đường Lê Thị Riêng...

    Trả lờiXóa

  9. Zippo cũng không rõ anh Hiệp ạ. Người bạn gởi cho vài tấm hình Sài Gòn xưa mà bạn ấy sưu tầm được, bảo là đây là đường Trương Minh Giảng cũ. Zippo nhìn mà không thể đoán ra đó là đường nào nên khi ghi rằng đó là đường Trương Minh Giảng [trong comment của Zip ở phía trên] Zip đã thêm dấu chấm hỏi.

    Trả lờiXóa
  10. Hooif đó em nhỏ xíu và chỉ loay hoay trong cái xóm mã Lò vôi với bao trò quậy phá nên mấy con đường xưa ở Sài Gòn khong hề có một ý niệm nào hết trơn.
    Chỉ còn biết đọc entry và nghe các anh hồi tưởng về những con đường thôi hà.

    Trả lờiXóa
  11. @lanvuive, hồi xưa trước năm 75 ở SG tôi đã "giang hồ" rồi, nên đường xá vẫn còn nhớ khá rõ.

    Trả lờiXóa
  12. Em cung la "giang ho " cua Q3 ne hehehhehe...moi con duong la mot ky niem nhung bay gio doi nhieu ten qua co khi em lai ko nho noi hehehee

    Trả lờiXóa
  13. @phuongvu, đụng phải giang hồ Q3 rồi, heheheheheeee!

    Trả lờiXóa
  14. T nhớ như in đầu con đường TMG chính là đường Trương Minh Ký ( tính từ đầu Lăng Cha Cả ) còn đường Cách Mạng ngày xưa là phần đầu của đường NVT ( quận Tân Bình ) . Ba T làm ở bộ TTM , mỗi lần xe đưa ba đi làm , T nhớ ba vào cả hai cổng : một cổng nằm gần sân vận động QK 7 bây giờ , chính là đường Cách Mạng và cổng kia là cổng 2 Trần Hưng Đạo ( vẫn còn di tích trên đường Hoàng Minh Giám ngày nay , trước là khuôn viên của bô TTM )
    Với T , những tên đường năm xưa không bao giờ mất đi trong ký ức . Có một dao, bỗng dưng đường Pasteur " bị " đổi thành NTMKhai , sau này khi một phần XVNT trở thành NTMK thì Pasteur mới được trả lại cho ... ngài Pasteur vì còn có Viện Pasteur nằm trấn cuối đường .Thật kỳ quặc !
    Tên nhiều con đường Sài Gòn cũ còn nằm nguyên trong thi ca , văn học ...nhắc đến lại thấy bồi hồi .

    Trả lờiXóa
  15. @ngocthuan, hình như xưa đường Trương Minh Ký là từ cổng xe lửa đến đầu Lăng Cha Cả, còn sân vận động QK7 là sân Quân Đội cũ. Tên đường bây giờ thì nó loạn xạ rồi, nghe đâu hồi sau năm 75 những tên Tây như Pasteur, Yersin, Alexandre de Rhodes... bị cho là... thực dân nên phải xóa sổ, còn danh nhân của mình đâu có thiếu, chẳng biết mấy ông Bơ ông Bánh là ai, hì hì!

    Trả lờiXóa
  16. vay chung nao moi het nham lan tra lai ten saigon tro ve lich su day hihihihihi

    Trả lờiXóa