PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Tên gọi (2).

Photobucket

Toàn cảnh dinh Norodom, phía sau khu vực có nhiều cây cối sau dinh, là vị trí Công viên Văn hóa Tao Đàn bây giờ. (Ảnh được trích từ trang VN quê hương tôi - Nguyễn Tấn Lộc). Hình ảnh cho thấy xưa kia khu vực trung tâm Sài Gòn trông như ở giũa rừng...



Vườn Tao Đàn.


Vườn Tao Đàn là tên người dân Sài Gòn hay gọi dùng để chỉ Công viên Văn hóa Tao Đàn ở quận 1, tên chính thức là như thế nhưng người dân quen gọi đơn giản là vườn Tao Đàn, ngoài tên vườn Tao Đàn, trước năm 75 dân chúng cũng quen gọi là vườn Bờ Rô, và xa hơn nữa, những cư dân thành phố Sài Gòn đã có tuổi chắc cũng còn nhớ tên gọi vườn Ông Thượng.

Vườn Tao Đàn nằm giữa trung tâm thành phố Sài Gòn, rộng khoảng 10ha với nhiều cây cổ thụ, vườn hoa, bãi cỏ, thực sự là lá phổi của thành phố. Đây là một vườn hoa được thành lập rất sớm dưới thời Pháp thuộc, vào cuối thế kỷ 19 bởi người Pháp. Khi mới thành lập vườn được mang tên "Jardin de la ville", dịch nôm na "Vườn hoa của thành phố". Đến thập niên 60 chính quyền Sài Gòn cũ đổi lại là "Vườn Tao Đàn". Sau năm 75 (1984), chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đổi tên là "Công viên Văn hóa Tao Đàn" cho đến nay.

Ngoài những tên gọi chính thức như thế, vườn Tao Đàn còn có 2 tên gọi nữa trong dân gian xưa hay dùng, mà bây giờ ít được nghe nhắc đến, đó là vườn Ông Thượng, và vườn Bờ Rô. Có thể tên vườn Bờ Rô thỉnh thoảng các bạn còn nghe nhắc, nhưng tên gọi vườn Ông Thượng bây giờ gần như đã mất hẳn. Chúng ta thử đi tìm lại ý nghĩa của 2 tên gọi xưa này.

Trước hết là tên gọi vườn Ông Thượng, chắc chắn Ông Thượng là tên một người đàn ông, đó chính là Thượng công Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), còn được gọi là Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định Thành dưới thời vua Gia Long và vua Minh Mạng, một công thần triều Nguyễn. Theo sách Sài Gòn Năm Xưa của Vương Hồng Sển, khi làm Tổng trấn Gia Định Thành* (một chức vụ tương đương như Thống đốc Nam kỳ của người Pháp về sau), dinh của Tổng trấn Lê Văn Duyệt nằm ở vị trí khoảng giữa dinh Thống Nhất và Sở thú (bây giờ là đường Lê Duẩn), và dinh của phu nhơn Tổng trấn (Bà Đỗ Thị Phẫn, cũng có tài liệu chép là Phấn), nằm về phía khuôn viên dinh Thống Nhất bây giờ (lúc ấy người Pháp chưa đô hộ Việt Nam, nên khu vực này vẫn còn là của người Việt, sau này dinh Norodom mới được người Pháp xây dựng tại đây, đầu tiên dành cho Thống đốc Nam kỳ và sau dành cho Toàn quyền Đông Dương ở). Những dinh thự thời đó (trước thời kỳ người Pháp xây dinh Norodom như dinh của Thượng Công và phu nhơn) đều  làm bằng gỗ nay đã mất dấu. Thượng công Lê Văn Duyệt đã cho lập một vườn kiểng tại vị trí giáp với dinh phu nhơn để thưởng ngoạn, trong đó có chỗ để hát Bội, một trường tập bắn ná (Tả quân Lê văn Duyệt là một người ham thích hát Bội (hát Bộ) và võ nghệ...). Vị trí của vườn hoa này như thế nằm tại phía vườn Tao Đàn bây giờ, quy mô chắc không rộng như vườn Tao Đàn ngày nay nhưng chắc cũng không phải chỉ là mảnh vườn nhỏ, và người dân thời đó đã gọi vườn hoa này là "Vườn Ông Thượng".

Dĩ nhiên tên gọi nguyên thủy của vườn Ông Thượng chỉ là để gọi vườn hoa của Thượng công Lê Văn Duyệt, không liên quan gì đến "Jardin de la ville" hay vườn Bờ Rô mà người Pháp lập sau này. Nhưng sau người dân vẫn quen dùng từ vườn Ông Thượng để gọi "Jardin de la ville"...

Tiếp đến là tên gọi vườn Bờ Rô, đây rõ ràng là một cái tên phiên âm từ tiếng Tây, có từ thời mấy ông Tây nắm quyền ở Sài Gòn, và sách vở cũng có nhiều kiểu giải thích. Tôi đã tra sách, và những thông tin trên mạng, nhưng chưa rõ người Pháp đã lập nên "Jardin de la ville" vào năm nào (có thông tin ghi 1896), và ai (người Pháp) nào là người cai quản vườn hoa này đầu tiên, chỉ thấy có tài liệu ghi vườn hoa được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, sau khi dinh Norodom được xây xong (1873). Sau khi xây dựng vườn hoa, người Pháp cũng tiếp tục xây dựng một số tòa nhà tại đó để phục vụ cho việc giải trí của người Pháp chẳng hạn như Cercle Sportif Saigonais, mà người dân Sài Gòn một thời quen gọi tắt là "Xẹc", bây giờ là Cung Văn Hóa Lao Động, gồm sân bóng đá (tôi nhớ hồi còn nhỏ xíu đã được người lớn dắt đi sân "vườn Ông Thuợng" xem đội Ngôi Sao Gia Định lừng danh một thời đá bóng), hồ bơi, sân quần vợt... Hội Hiếu Nhạc (Société Philharmonique), bây giờ là Nhạc Viện. Hội Kỵ Mã (bây giờ là Câu lạc bộ TDTT Nguyễn Du)... Và cái tên Bờ Rô có người nói là từ chữ "Préau", có nghĩa là cái sân nơi trường học, tu viện, nhà tù, hoặc có nghĩa là cái sân lát gạch... mà ra, nghe cũng có lý bởi với những công trình vừa kể hẳn nhiên nơi này đã có những "préau" rồi...

Cũng có người nói Bờ Rô là từ chữ "Bureau" có nghĩa là văn phòng, lại nghe cũng có lý, bởi chắc nơi dây cũng sẽ có những văn phòng nơi những công trình vừa kể... Tuy nhiên cũng theo ông Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Năm Xưa, thì theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường, do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại, từ "Bờ Rô" có lẽ là do chữ "Moreau" đọc trại mà thành, và theo ông Xường thì Moreau là tên của người Pháp đầu tiên được cử chăm nom vườn cây. Một giả thuyết nghe cũng hay, nhưng tiếc là không có tài liệu chứng minh rằng ông Moreau nào đấy đã thực sự là người đầu tiên cai quản vườn hoa. Có lẽ vì tên gọi Bờ Rô này chẳng có gì quan trọng nên không ai bỏ công đi truy lục trong tàng thư, xem ai là người đầu tiên cai quản "Jardin de la ville", chứ Thảo Cầm Viên Sài Gòn, được thành lập trước cả vườn Tao Đàn (23/3/1864 ký Nghị định xây dựng), trong sách vở vẫn còn ghi rành rành, Đề đốc De la Grandière là người ký Nghị định. Ông Louis Adolphe Germain là một thú y sĩ được giao nhiệm vụ xây dựng, và người Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn đầu tiên là ông Jean Baptiste Louis Pierre (1833-1905)...

* Về tên gọi Gia Định, qua nhiều thời kỳ lịch sử mà đất có tên gọi Gia Định to, nhỏ, ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng dưới thời Tả quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành (dưới triều vua Gia Long và vua Minh Mạng) thì tên gọi Gia Định Thành (hoặc Thành Gia Định), là bao gồm cả miền Nam (Nam kỳ Lục tỉnh), từ Đồng Nai, Bình Dương, cho đến tận Hà Tiên... Một chức vụ và kèm theo quyền hạn rất lớn, từ Bình Thuận trở ra thuộc triều đình Huế... Thời Tả quân Lê Văn Duyệt còn sống, hằng năm vua xứ Cao Miên có lệ vào dịp Tết phải sang Sài Gòn vấn an Tả quân, và dâng phẩm vật triều cống nước ta...

 

18 nhận xét:

  1. Doc xong moi anh cafe ne ....anh quen ke bay gio vuon Tao Dan co rat nhieu giai tri tien bo ....thi du nhu "CAFE CHIM " do hehhehehhe

    Trả lờiXóa
  2. @phuongvu, hehe "CAFE CHIM", sáng nay ghé "lỳ một lam đi", heheheee!

    Trả lờiXóa
  3. Gọi là Vườn Tao Đàn ngắn gọn, tiết kiệm được đến 3 âm so với Công viên Văn hoá Tao đàn. Ở HN cũng có vườn Tao Đàn, nhưng nhỏ hình tam giác, nhỏ xíu chỗ cuối ffường Lý Thường Kiệt, cắt Lê Thánh Tông. Có lẽ vì ở phố LTT nên đặt tên như vậy. Tiếc rằng ở đây người ta mới dựng một pho tưọng nhỏ, khá đẹp nhưng không phải Tao đàn nguyên soái LTT mà là môt ông người Cu. Đó là Hô xê Mạc ti.
    Hôm nào vô đó, bác H cho em đi "Lỳ một lam" ở TD nhé, vừa nhâm nhi vừa ngắm chim bướm xung quanh...

    Trả lờiXóa
  4. @torovn, người Sài Gòn xưa bình dân nôm na lắm, thấy mặt đặt tên, nhìn sao kêu vậy, không "hoa lá cành" như người thủ đô hoa lệ, hay như người đất "Thần Kinh" (ấy là theo thiển ý của tôi, hoàn toàn võ đoán). Lạ nhỉ, đặt tên là Tao Đàn, mà lại dựng tượng Hô Xê Mạc Ti là sao? Ai lại có sáng kiến kỳ cục thế?
    Toro mà vào đây, gì chứ ngồi cà phê chim TĐ là... vô tư rồi, tôi và nhà bác đèn lồng đỏ... giao ban thường xuyên ở đây mà.

    Trả lờiXóa
  5. Theo những tài liệu Bu có được về vườn Tao Đàn, xin góp vài câu:

    Vườn ông Thượng còn gọi là vườn Bờ rô hay vườn Tao Đàn chính thức được thành lập năm 1900 từ nguồn kinh phí của đô thành Sài Gòn cũ. Lúc đầu có tên là Maurice Long, tên của viên toàn quyền Đông Dương thời bấy giờ và được dân SG gọi nôm na là vườn ông Thượng, tức Thượng công Lê Văn Duyệt, vì dưới thời ông làm tổng trấn có xây dựng một rạp hát ở vùng này.
    Khu vườn này nằm trên một vùng đất rộng 90.503 m2 được giới hạn bởi 4 con đường: Huyền Trân công chúa (phía đông) Nguyễn Du (phía nam) CM tháng 8 (phía tây) và Nguyễn thị Minh Khai (phía bắc).
    Xưa, đây là nơi cao ráo với gò đất dinh Norodom( Hội trường Thống Nhất ngày nay) qua thảo cầm viên cho tới sát mé rạch Thị Nghè. Ngày ấy là một vùng dất hoang thưa thớt nhà cửa. Dưới thời thực dân Pháp dân chúng gọi là vườn Bờ rô. Bờ rô theo tiếng Pháp có nhiều cách lý giải, một là Beau Jeux đọc trại ra, hoặc chỗ ấy xưa kia có một cái Preua (sân chơi, trường học hay tu viện) hoặc Bureau (văn phòng) gì đó mà dân chúng đọc nôm na thành. Có ý kiến khác cho rằng Bờ rô có nghĩa là Moreau đọc trại đi. Moreau là tên của Quản phủ Pháp đầu tiên được phân công trông nom khu vực này.
    Ở Tao đàn còn có khu mả cổ của Lâm Tân Lang năm 1777. Sau này người ta còn xây thêm khu Tháp Chàm và khu tưởng niệm vua Hùng.

    Trả lờiXóa
  6. Sáng nay có đi ngang Tao Đàn nè, thấy các chị tập thể dục cầm hai cái quạt to đùng múa thiệt là vui.
    Bác chỉ nêu lý giải nguồn gốc tên Vườn Ông Thượng với vườn Bờ Rô. Còn tên Tao Đàn thì chưa thấy . Tên Tao Đàn nghe đủ thấy văn hóa rồi cho nên gọi vắn tắt là vườn TĐ thôi nhỉ .

    Trả lờiXóa
  7. @bulukhin, cám ơn bác đã bổ sung cho vườn Tao Đàn, lan man với 3 cái tên gọi xưa vậy mà cũng hay.

    Trả lờiXóa
  8. @bangtamngt, à còn về ý nghĩa chữ Tao Đàn ư? Chính là từ chữ Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú (hai mươi tám vì tinh tú trong bầu trời thi ca Đại Việt do vua Lê Thánh Tông đứng đầu gọi là Tao Đàn Đô Nguyên Súy), hay Hội Tao Đàn, do vua Lê Thánh Tông lập vào cuối thế kỷ thứ 15 (1495), cuối thời của nhà vua, hội này tồn tại được 2 năm cho đến khi nhà vua mất.

    Trả lờiXóa
  9. @bulukhin, 4 con đường chu vi vườn Tao Đàn, có con đường Huyền Trân Công Chúa bây giờ chia cắt vườn Tao Đàn và Hội trường Thống Nhất, sách vở chép là 1 trong những con đường cổ xưa của Sài Gòn, được xây dựng sau khi xây dinh Norodom. Đường này xưa nay chỉ có 2 tên gọi, thời Pháp khi mói làm xong người Pháp đặt tên là Miss Cauwel, cũng có tài liệu ghi Miss Clavel. Đến năm 1955 chính quyền Sài Gòn đổi tên thành Huyền Trân Công Chúa đến nay. Rảnh rảnh tán dóc thêm về tên đường ở Sài Gòn chắc cũng hay đấy.

    Trả lờiXóa
  10. @lanvuive, thì hôm nào hú mấy "hoa" kia ghé uống thoải mái thôi.

    Trả lờiXóa
  11. Lỳ một lam! Cho xin một ly sinh tố "lộn xộn" với bác ơi!

    Trả lờiXóa
  12. @nguyenthuthuy, hehe ngồi cà phê Tao Đàn lý thú lắm chớ, phải không TT?

    Trả lờiXóa
  13. @bulukhin, @torovn, tôi sực nhớ ra mấy từ này, ngoài Bắc có đường Lê Thánh Tông, trong Nam không kêu Lê Thánh Tông, mà là Lê Thánh Tôn, không có chữ g sau chữ Tôn (con đường lớn mặt sau chợ Bến Thành). Từ Bắc vào Nam rớt mất chữ g, các bác có biết vì sao không?

    Trả lờiXóa
  14. Thôi chắc nghĩ đại người Nam bộ vốn dễ chịu, dễ tính nên có rơi rớt mất chút đỉnh cũng có đáng gì đâu mà...

    Trả lờiXóa
  15. @bangtamngt, quả thật người Nam bộ dễ chịu, dễ tính hơn người các vùng khác thật, nhất là phụ nữ, hehe! Nhưng trong việc chữ nghĩa này thường miền Nam hay thêm "g" chứ không phải bớt "g", chẳng hạn "hoàn" hay nói là "hoàng", "mạn thuyền" nói là "mạng thuyền", "miên" (ngủ) nói là "miêng", đàng này "tông" lại bớt "g" thành "tôn" hẳn phải có "lý do chính đáng" chứ? Từ từ chắc tôi sẽ nói tới.

    Trả lờiXóa
  16. Sở dĩ người ta đọc Thánh Tông thành Thánh Tôn là do trước đây phải kỵ húy một vị vua nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Miên Tông, niên hiệu Thiệu Trị(1841-1847), miếu hiệu là Hiến Tổ.

    Trả lờiXóa
  17. @bulukhin, hoàn toàn chính xác, bác Bu quả không hổ danh "cây đa cây dề" chữ nghĩa, rảnh thư thư sẽ nhắc tới chuyện này chơi.

    Trả lờiXóa