PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Tên gọi.

Photobucket

Photobucket

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (bản ấn hành năm 1895) viết về danh từ "Sài Gòn".


Hồi này tôi có đôi chút rảnh rang, tự dưng tìm đọc lại ba quyển sách cũ cũ, và bỗng nhiên chú ý đến những tên gọi, chẳng hạn những địa danh, tên công trình, nhà cửa, cầu đường... đọc thấy hay hay, viết ra tán chơi với bạn bè...

Tôi tuy không sinh ra tại Sài Gòn, nhưng sống tại nơi đây từ thuở mới chập chững biết đi, chỉ có khoảng thời gian ngắn trước năm 75 vài năm là lang thang trên Tây nguyên, rồi lại trở lại Sài Gòn từ đó đến nay, cho nên cái tên tôi muốn nói trước hết là địa danh Sài Gòn.

Sài Gòn là một vùng đất được thành lập trên 300 năm nay, nghe có vẻ dài nhưng so với nhiều vùng ở nước ta lại là sinh sau đẻ muộn, thua xa Hà Nội, thua cả những thành phố lân cận như Biên Hòa, Bình Dương (Thủ Dầu Một), Mỹ Tho... Có khá nhiều sách vở, tài liệu nói về xuất xứ của địa danh Sài Gòn, nhưng hình như chưa có một tài liệu nào được cho là chính xác, đến như học giả Trương Vĩnh Ký thông kim bác cổ cũng chịu không cắt nghĩa được tại sao gọi là Sài Gòn. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của viết như sau:

- Sài: củi thổi.

- Gòn: tên cây có bông nhẹ xốp, bông thường dùng mà dồi gối.

Và Sài Gòn, tên riêng đất Chợ-lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến-nghé.

Đất Sài Gòn xưa là của người Phù Nam, vương quốc Phù Nam là một quốc gia cổ trong lịch sử Đông Nam Á, xuất hiện khoảng đầu công nguyên ở khu vực hạ lưu châu thổ sông Mekong, cho đến khoảng giữa thế kỷ thứ 7 thì bị sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp (Cam Bốt). Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì xưa kia xứ Cam Bốt có hai vua. Chánh vương, ngự ở thành Lo Vek thuộc Thượng Chân Lạp bên xứ Cam Bốt mà ta còn gọi là Cao Miên. Phó vương đóng đô tại Prei Nokor, thuộc Thủy Chân Lạp tiếng Miên có nghĩa là "Xứ ở giữa rừng", sau này là Sài Gòn.

Đến thời người Trung Hoa sang (khoảng gần cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Tần cho một nhóm người Hoa "phản Thanh phục Minh" đến tá túc), họ lập ở đây một khu buôn bán gọi là Đề ngạn, và Đề ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông là "Thầy ngồnn", "Thầy gòn", "Thì ngồnn", "Tài ngòn", và Sài Gòn có lẽ từ đó mà ra, chứ không phải từ tên gọi Prei Nokor của người Miên.

Có một từ Hán Việt khác cũng được dùng để chỉ Sài Gòn là từ "Tây Cống" (từ Sài Gòn trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị là chữ Nôm), giọng Quảng Đông của Tây Cống là "Xi-cóon", "Xây-cóon", "Sài côon", và đây là cách phát âm của người Hoa từ Sài Gòn sau này (khi đã có tên gọi Sài Gòn), giống như khi đến Đồng Nai, người Hoa đã phát âm Đồng Nai là "Nông Nại".

Nói đến Sài Gòn chắc phải nhắc đến chợ Bến Thành, chợ Bến Thành tại địa điểm ngày nay là ngôi chợ mới xây sau này, so với chợ cũ bây giờ vẫn còn tên và vẫn còn dấu tích là một ngôi chợ nhỏ nằm ở phía đường Hàm Nghi, theo học giả Vương Hồng Sển sở dĩ gọi là chợ Bến Thành vì chợ được xây trên một bến thuyền (ngày xưa vùng này là sông, rạch), và cạnh một cái thành (không thấy ông nói là thành gì). Một địa danh khác ở gần đó cũng đã đi vào lịch sử đó là Bến Nhà Rồng. Bến Nhà Rồng bắt nguồn từ ngôi nhà của một Công ty vận tải đường biển do người Pháp xây cất ở trên nóc nhà có tượng gốm của hai con rồng tráng men. Chính tại nơi đây người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville, vào ngày 5 tháng 6 năm 1911 làm phụ bếp để có điều kiện sang Châu Âu...

Nói về công trình kiến trúc, ở Sài Gòn có lẽ ai cũng biết dinh Thống Nhất. Xưa kia nguyên thủy dinh được dựng bằng gỗ vào năm 1863 để làm chỗ ở và làm việc cho Thống đốc Nam kỳ, đến ngày 23 tháng 2 năm 1868 Thống đốc Nam kỳ Lagrandière bấy giờ đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên, khởi công dựng xây lại dinh Thống đốc trên một diện tích rộng 12 ha, bao gồm một dinh thự lớn và một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh, thảm cỏ, phần lớn vật liệu xây dựng được mang từ Pháp qua, công trình kéo dài đến năm 1873 mới xong. Sau khi xây xong dinh được đặt tên là dinh Norodom và con đường lớn trước dinh cũng được đặt tên là đại lộ Norodom (trước năm 75 là đường Thống Nhất, bây giờ là đường Lê Duẩn), lấy theo tên của quốc vương Cam Bốt. Tại sao người Pháp lại lấy tên của quốc vương Cam Bốt đặt tên cho một con đường và dinh thự quan trọng nhất miền nam lúc ấy, có ý kiến cho rằng người Pháp muốn  "trả công" cho quốc vương Cam Bốt lúc bấy giờ, đã công nhận sự đô hộ của Pháp trên bán đảo Đông Dương.

Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại lên làm Tổng Thống tại miền Nam, và ông đã đổi tên dinh Norodom thành dinh Độc Lập, theo thuật phong thủy người ta đồn rằng dinh được đặt ở vị trí đầu con rồng nên dinh còn được người dân gọi là Phủ Đầu Rồng. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, hai viên phi công thuộc không lực VNCH lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc, đã lái 2 chiếc máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của dinh, do không thể khôi phục lại, ông Ngô Đình Diệm đã cho xây lại dinh theo như đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đầu tiên VN đoạt giải khôi nguyên La Mã về kiến trúc.

Dinh độc lập mới đuợc khởi công xây dựng ngày 1 tháng 7 năm 1962 dưới thời TT Ngô Đình Diệm, công trình đang xây dở dang thì ông Diệm bị phe đảo chánh giết ngày 2 tháng 11 năm 1963. Đến khi dinh chính thức xây xong ngày khánh thành dinh 31 tháng 10 năm 1966, là do ông Nguyễn Văn Thiệu (Chủ tịch ủy ban lãnh đạo quốc gia lúc bấy giờ) chủ tọa, và sau này khi ông Thiệu trở thành Tổng Thống của miền Nam, ông đã sống và làm việc ở dinh Độc lập cho đến ngày 21 tháng 4 năm 1975. Vào tháng 11 năm 1975, dinh Độc Lập đã được đổi tên thành Hội Trường Thống Nhất...

Còn về công viên, ở Sài Gòn có Vườn Bách Thảo ở quận 1, người dân quen gọi là Sở thú, và Công viên văn hóa Tao Đàn cũng ở quận 1, người dân quen gọi là vườn Tao Đàn mà ai cũng biết, rảnh rỗi tôi sẽ tán dóc sau...

 

Tham khảo:

- Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển.

- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

 

18 nhận xét:

  1. Nhà Zippo chẳng còn cuốn sách nào về Sài Gòn xưa cả. Có vài lần chạy ra Trần Huy Liệu, hỏi thử một quyển sách của cụ Vương Hồng Sển thì nghe nói sách Vương Hồng Sển không dễ tìm, tìm được thì giá cũng không rẻ chút nào!

    Đọc và chờ anh Hiệp "tán dóc tiếp" vậy :))

    Trả lờiXóa
  2. Hay qua ...doc cang thich thu vi hieu duoc noi minh da sinh ra ...thanks nhe ...

    Trả lờiXóa
  3. Marg còn nhớ hồi đó người ta gọi vườn Tao đàn là vườn Bờ Rô.

    Trả lờiXóa
  4. @zipposgvn, sách của Vương Hồng Sển chắc ít nguời đọc nên đôi khi hơi khó kiếm, cám ơn bạn đã "ủng hộ". Rảnh rỗi nói chuyện chơi, trong miền nam này kêu là tán dóc.

    Trả lờiXóa
  5. @phuongvu, chờ đấy sẽ cho đọc... mệt nghỉ, hehehehe!

    Trả lờiXóa
  6. @bangtamngt, còn một tên xưa nữa gọi vườn Tao Đàn trước cả tên vườn Bờ Rô, đó là tên Vườn Ông Thượng, M. biết tại sao gọi như thế không? Nếu không đón đọc hồi sau sẽ rõ, hì hì!

    Trả lờiXóa
  7. PNH bàn đến một đề tài rất hay. Ai muốn bàn thảo rõ ràng phải đọc sách, phải tìm hiểu, tự khắc có thêm hiểu biết và cuộc sống phong phú hơn lên.

    Cũng may Bu có Tự vị Huỳnh Tịnh Của, lại có một số sách của Vương Hồng Sển trong đó đáng chú ý là "Sài Gòn Năm xưa". Mục: "Thử tìm hiểu bởi đâu mà có danh từ Sài Gòn" trong sách này của cụ Sển dài 21 trang trong đó có 4 trang rặt tiếng Pháp. Rút cuộc cụ Sển nói: "Tóm lại danh từ Sài Gòn trở nên bất tử vì người Việt người Tàu trong lúc đàm thoại với Lang Sa hoặc viết thơ hay ký giao kèo với họ; một nửa chiều ý người mới, một nửa "nịnh Tây", bèn dùng luôn danh từ "Sài Gòn" thay thế danh từ "Bến Nghé", lâu ngày quen tai quen mắt và càng phổ biến rộng thêm mãi, khiến nên Sài Gòn đã soán ngôi "Bến Nghé" và "Bến Nghé" thỉnh thỏang chỉ còn nghe nói trong giới người cố cựu đất Gia Định chính cống mà thôi"

    Để cho dễ nhớ có thể tham khảo sách "Hỏi đáp về Sài Gòn thành phố HCM" của nhiều tác giả do NXBTrẻ tái bản lần thứ 1 năm 2007. Sách này tóm tắt thành 5 thuyết như sau:
    1- Thầy Gòn
    2- Đê Ngạn, Đề Ngạn, Tây cống.
    3- Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor, Cai Ngon
    4- Glainagara
    5- Prey Nokor hay Brai Nagara
    Cũng theo quan điểm của Nhà xuất bản Trẻ thì: "Cho đến nay thuyết thứ 5 được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận nhất vì có nhiều cứ liệu lịch sử và ngôn ngữ".

    Trả lờiXóa
  8. Không biết Entry sau PNH viết gì, nếu bạn đề cập đến những địa danh bị viết sai ở t.p HCM thì thú vị lắm.
    Theo chỗ Bu biết thì một số địa danh viết sai gồm: An Thít, Bến Lức, Cát Lái, Rạch Chiếc, Gò Vấp, Hàng Xanh, Rạch Ông, Dần Xây, Hốc Hươu, Trao Trảo, Thanh Đa.

    Trả lờiXóa
  9. @bulukhin, cám ơn bác Bu đã bổ sung những kiến thức về tìm hiểu danh từ Sài Gòn.
    Còn về những địa danh (hay tên danh nhân chẳng hạn) bị viết sai thì ở Sài Gòn này có khá nhiều, chẳng hạn Hàng Xanh (bác Bu rành chỗ này), hay tên đường, như đường Trần KHẮC Chân, chỉ thấy sách sử có ông Trần KHÁT Chân thôi... Chừng nào có thời giờ bàn cũng vui bác Bu à.

    Trả lờiXóa
  10. T gắn bó với đất Sài Gòn từ những năm đầu thập niên 60 . Sài Gòn hồi đó yên tĩnh lắm . Mỗi cuối tuần ba má cho đi Sở Thú , leo lên lưng con Rồng nằm trước Viện Bảo tàng để chụp hình , hầu như ai trãi qua tuổi thơ ở SG đều biết hình ảnh này .
    Còn vườn Bờ Rô, từ nhỏ , T đã nghe ba nói tên Bờ Rô đọc trại từ Beaux Jeux ( Jardin des beaux Jeux ) mà ra . Có nhiều lý giải xung quanh hai từ Bờ Rô , nhưng T thấy Beaux Jeux có lẽ đúng hơn cả .
    Sài Gòn..T yêu lắm !

    Trả lờiXóa
  11. Còn đường Thống Nhất sau năm 1975, đã từng có tên là đường 30-4, sau này mới đổi lại là Lê Duẩn. Theo T , nếu giữ nguyên tên đường Thống Nhất cũng hợp thời , hợp thế, sao lại nỡ đổi tên ?

    Trả lờiXóa
  12. @ngocthuan, hình ảnh ở Sở thú tôi còn nhớ nhất lại chính là mấy chiếc ghế (băng ghế) bằng xi măng có thanh song song, mà bây giờ vẫn còn, tôi còn tấm hình tí xíu chụp ngồi trên cái ghế xi măng ấy.
    Beaux jeux (Jardin des beaux Jeux), tôi chưa thấy từ này trong sách vở, nhưng cũng là một ý kiến hay để giải thích cho từ Bờ Rô đấy chứ.
    Tôi cũng thế, và dĩ nhiên là cũng yêu tất cả những gì thuộc về SG...

    Trả lờiXóa
  13. Bữa nào anh gửi tặng T tấm ảnh ngồi ở chiếc ghế đó đi, T sẽ tặng lại anh cái hình T ngồi ở lưng con rồng . Hén ?

    Trả lờiXóa
  14. Em vào đây chỉ biết đọc bài và các comment thôi hà. Kekekeeee

    Trả lờiXóa
  15. @ngocthuan, trời, cái hình này để trong album của các cụ lận, tôi chừng đâu 2, 3 tuổi gì đó, ngồi thu lu trên cái ghế có song xi măng trông như con cóc, hiii, hôm nào tôi về nhà xem scan lại hẵng. Hình của bạn chắc là mặc váy đầm leo lưng rồng chắc đẹp rồi.

    Trả lờiXóa
  16. @lanvuive, tự nhiên giờ lại nhớ Sài Gòn xưa cô Lan à.

    Trả lờiXóa
  17. Đúng là T mặc váy đầm , hồi nhỏ rất xinh . Hihi...còn được đeo mắt kiếng mát nữa Trời ạ !

    Trả lờiXóa