Chắc ai trong chúng ta cũng biết đến trà, và uống trà, một loại thức uống đã có lịch sử cả ngàn năm nay ở khu vực Châu Á (Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên), và hiện cả thế giới đều uống trà... Uống trà ở Nhật Bản đã được nâng lên hàng Đạo, Trà đạo, người Nhật siêng năng, cần mẫn và cầu tiến, nhưng rất tinh tế trong chuyện thưởng thức, thưởng ngoạn... Họ đã nâng những gì tưởng chừng như bình thường lên hàng Đạo, Võ đạo, kiếm đạo, Hoa đạo, Trà đạo... Người Trung Hoa cũng thế, Lục Vũ thời xưa được xưng tụng là "Trà thần" cùng với tác phẩm "Trà kinh" được truyền tụng xưa nay. Một thi nhân và cũng là một trà nhân danh tiếng khác của Trung Hoa là Lô Đồng đời nhà Đường cũng được xưng tụng là "Trà thần" với bài thơ Trà ca của mình.
Cây trà tương truyền là do ngày xưa sư tổ Đạt Ma tham thiền buồn ngủ, bèn lấy dao cắt phăng hai mí mắt của mình vứt xuống đất, sau nơi ấy mọc thành cây trà, sư lấy lá nấu nước uống cảm thấy tỉnh táo, không còn cảm thấy buồn ngủ khi thiền định...
Các cụ ngày xưa của ta uống trà rất cầu kỳ, tôi còn nhớ hình như trong tác phẩm Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân có nói về uống trà của các cụ, trà phải ngon đã đành, rồi nước pha trà cũng phải chọn lựa kỹ lưỡng, phải lấy từ giếng của ngôi chùa trong làng, nước giếng trong vắt, hay sáng sớm tinh mơ con cháu đã phải ra ao sen lấy những giọt sương mai đọng trên lá sen về để các cụ nấu nước pha trà... Rồi tiếp đến những dụng cụ pha trà, ấm, chén tống chén quân... đâu phải bất cứ loại ấm chén nào cũng pha trà được, có những bộ ấm chén xưa lưu truyền từ đời này sang đời nọ, được cất giữ còn hơn cả một gia tài. Cũng có câu chuyện một gã ăn mày đi xin ghé nhà nọ thấy mấy cụ đang ngồi thưởng trà, gã ăn mày xin một chén trà chứ không xin cơm gạo, uống xong chén trà gã ăn mày gật gù khen ngon, nhưng nói thêm tiếc là có mùi trấu, khi gã ăn mày đi khỏi có cụ tò mò mở ấm trà ra xem, thì thấy lẫn trong bã trà có vài mảnh vỏ trấu thật...
Bây giờ có cả ngàn loại trà, nhưng có thể chia làm ba loại trà chính là Trà Xanh (Lục Trà), Hồng Trà (nói theo Âu Mỹ là Black Tea), và loại thứ ba nửa giống Lục Trà nửa giống Hồng Trà, thường được gọi là trà Ô Long, vì Ô Long là loại trà phổ thông nhất trong loại trà này. Nói đến Lục Trà, mà điển hình là loại trà Long Tĩnh nổi tiếng xưa nay của quê hương trà Triết Giang Trung Hoa, khi pha sẽ cho nước màu xanh nhạt. Loại Hồng Trà, như "Lục An Hồng Trà" (hay trà Lipton ở Anh, Mỹ), khi pha cho nước màu đỏ nâu đậm. Còn loại trà Ô Long như trà "Thiết Quan Âm" khi pha sẽ cho nước màu đỏ nâu nhạt... Thật ra các loại trà khác nhau là ở cách chế tạo (sấy, ủ...), đa số người Á Đông (Việt, Hoa, Nhật, Hàn) quen uống Trà Xanh và Ô Long, trong khi người Âu Mỹ lại quen uống Hồng Trà (gọi theo họ là Trà đen), và loại trà người Á Đông ưa thích là Trà Xanh lại được chế biến đơn giản nhất.
Về uống trà thì xưa bên Trung Hoa người ta hay cho thêm những thứ khác vào trà, chẳng hạn như muối, vỏ cam, quít, gừng... cách uống này với những cao nhân về trà họ không thích, bởi làm mất đi cái hương vị chính của trà. Loại Trà Xanh là loại được ưa thích xưa nay ở Á Đông, được chế biến rất đơn giản, không qua giai đoạn ải, ủ lên men, bởi sau khi ải, ủ lên men hương vị của trà đã mất hay đổi khác. Người ta cũng không uống trà ướp hoa như sau này ở ta hay ướp hoa nhài, sen, vì cũng làm mất đi mùi hương chính của trà. Sau khi hái vào buổi sáng sớm mờ sương (không bao giờ hái trà khi nắng đã lên), chỉ nội trong buổi chiều là đã được sấy xong có thể dùng được.
Xưa có những loại trà đã đi vào truyền thuyết như trảm mã trà, chọn ngựa giống khỏe mạnh cho nhịn đói vài ngày, sáng sớm dắt vào vườn trà cho ngựa ăn những đọt trà non, sau đó chặt đầu, mổ bụng ngựa lấy trà ra, trà đã được tẩm với dịch vị trong dạ dày ngựa đem sao sẽ cho một loại trà đặc biệt. Hầu trà là loại trà hoang mọc tuốt trên núi cao con người không lên đến được phải huấn luyện những con khỉ để leo lên hái, chắc tựa như bên Indo, Thái Lan người ta dạy khi leo hái trái dừa... Rồi trùng điệp trà cũng là loại trà hoang mọc trong rừng thẳm, núi cao, có loại sâu sống trên cây trà này ăn lá, người ta bắt những con sâu này mang về mổ bụng lấy dịch ủ với lá trà tạo thành loại trà vô giá... Đấy là những loại trà truyền thuyết, chẳng biết có thật hay không?
Sau khi có được trà ngon phải nói đến trà cụ, là dụng cụ pha trà, xưa nay người ta chỉ dùng đồ gốm (chỉ chung đồ dùng pha trà bắng đất nung, đồ sành và đồ sứ), chẳng thấy người sành uống trà pha trà trong ấm, ly cốc kim loại, còn loại bình, ly, chén bằng ngọc lại được dùng để uống rượu. Người sành uống trà cũng không bao giờ dùng loại tách có quai như loại ta uống cà phê bây giờ, có lẽ ngoài việc thưởng thức trà, người uống trà cũng muốn được cảm nhận cái hơi nóng ấm áp của chén trà trong buổi sớm mai lạnh giá chăng? Ngày xưa bên Trung Hoa có những vùng chuyên sản xuất đồ gốm danh tiếng để uống trà, chẳng hạn câu "chén sứ Cảnh Đức, ấm đất Nghi Hưng", là hai nơi sản xuất chén, ấm uống trà nổi tiếng...
Sau trà, trà cụ, thì nước pha trà cũng là một phần quan trọng của uống trà, nước pha trà phải là nước tinh khiết không pha hay có rất ít tạp chất. Xưa bên Trung Hoa còn liệt kê hẳn hai mươi nguồn nước pha trà đệ nhất thiên hạ, mà thứ nhất là nước ở động Thủy Liêm, ở Khang Vương Cốc trên núi Lô Sơn. Thứ nhì là nước suối Thạch Tuyền, chùa Huệ Sơn ở huyện Vô Tích. Thứ ba là Thạch Tuyền Lan Khê ở Kỳ Châu. Thứ tư là Độc Tình Lãnh, trên núi Phủ Tử Sơn ở Hạp Châu. Thứ năm là Thạch Tuyền ở Hổ Khâu Tự, Tô Châu. Thứ sáu nước đầm Phương Kiền, Quải Hiền Tự, Lô Sơn. Thứ bảy là Nam Linh, thuộc Dương Tử Giang. Thứ tám là nước suối Tây Sơn, Hồng Châu. Thứ chín là Hoài Thủy, huyện Bách Nham, Đường Châu. Thứ mười là nước trên đỉnh Long Trì Sơn, Đường Châu. Mười một nước chùa Quan Âm, huyện Đan Dương. Mười hai nước chùa Đại Minh, Dương Châu. Mười ba nước thượng nguồn Hán Giang. Mười bốn nước Hương Khê trong Ngọc Hư Động, Quý Châu. Mười lăm nước Tây lạc, Vũ Quan, Thương Châu. Mười sáu nước Ngô Tùng Giang. Mười bảy nước ở thác cao ngàn trượng Tây Nam Lãnh, Thiên Đài Sơn. Mười tám nước suối Viên Tuyền, Liễu Châu. Mười chín Hán Thủy, huyện Nghiêm Lăng, Đồng Lô. Hai mươi là tuyết thủy, nước tan chảy từ băng tuyết. Ngày nay không biết hai mươi nguồn nước này còn được mấy nguồn, hay đã bị ô nhiễm.
Có trà ngon, trà cụ ưng ý, nguồn nước tinh khiết, cách pha trà cũng rất quan trọng, người xưa thường chỉ tự pha trà cho mình, hay để mời bạn hữu, không như rượu là có người hầu, nước phải sôi ở độ nào, nước pha trà không được sôi bùng, nghĩa là không đến 100 độ C, nghe đâu nước chỉ vừa sủi bọt lăn tăn, rồi trước khi pha chính thức phải "rửa trà"... vân vân, nghĩa là pha được một ấm trà cũng kỳ công lắm.
Cuối cùng là thưởng thức trà, xưa các cụ thường độc ẩm, hoặc đối ẩm, vừa thưởng thức hương vị tuyệt vời của ấm trà, vừa làm thơ hay bàn chuyện thơ phú, thật là thi vị, không như chúng ta bây giờ, vừa uống trà đá ướp hương hóa chất ly cối, vừa nói cười rổn rảng...
Tham khảo: Trà kinh, Vũ Thế Ngọc, nhà xuất bản Văn Nghệ 2006.