Những chiếc lộc bình bằng xi măng giả gỗ được đặt trang trí trên một giải phân cách của đường phố Buôn Ma Thuột. Ảnh chụp lại của báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 4/10/2009.
Những cô gái người Lạch trong đội vệ sinh dọn rác bên bờ hồ Xuân Hương. Ảnh chụp lại trên Lao Động online.
Mấy hôm nay tôi đọc được 2 bài viết về Tây nguyên. Một bài trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 4/10/2009, về lộc bình ở Buôn Ma Thuột, không phải là thú chơi lộc bình của người giới nhà giàu Buôn Ma Thuột, mà là những chiếc lộc bình đúc bằng xi măng giả gỗ, được đặt trên giải phân cách ở đại lộ Nguyễn Tất Thành, con đường trung tâm của thành phố Buôn Ma Thuột.
Tên gọi lộc bình tự nó đã nói lên ý nghĩa, là chiếc bình mang lộc, để có được một chiếc lộc bình cao bằng một người bình thường (1,6m - 1,8m) cho đến những chiếc lộc bình cao đến 2 - 3m, người ta phải lựa chọn những thân gỗ to lâu năm, tốt, có nhiều đường vân để chế tác. Người ta tin rằng để lộc bình trong nhà sẽ đem lại lộc, phước, may mắn... Cho nên những người có tiền của rất thích chưng lộc bình trong nhà, những chiếc lộc bình tùy theo hình dáng, kích thước, và loại gỗ, nghe nói có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu... và những thân cây gỗ quý, lâu năm ở Đắc Lắc đã và đang bị triệt hạ để phục vụ cho thú chơi này...
Bài báo cũng viết, một cán bộ của Sở văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Đắc Lắc (đề nghị giấu tên) cho biết: "Đây là chủ trương của một lãnh đạo cấp cao của tỉnh Đắc Lắc", và ông cũng nói thêm nó không phải là nét đặc trưng của người dân tộc bản địa, nếu thật sự muốn đường phố có nét đặc trưng của Buôn Ma Thuột và Tây nguyên nên xây những cái Ché thì hơn.
Bài viết thứ hai tôi đọc trên Lao Động online, qua trang Viet - Studies của GS Trần Hữu Dũng, bài "Điểm nhấn của trái tim Đà Lạt" (Lao Động cuối tuần số 41, ngày 11/10/2009), nói về đội vệ sinh hồ Xuân Hương gồm 4 cô gái dân tộc Lạch, do một công ty du lịch tư nhân (Cty cổ phần du lịch Ngọc Lan) đảm trách, chuyên nhặt rác quanh bờ hồ Xuân Hương. Đây là một Cty du lịch tư nhân tại Đà Lạt, không dính dáng gì đến "vệ sinh môi trường" cả, nhưng vì thấy hồ Xuân Hương được mệnh danh là "trái tim của Đà Lạt", có nhiều rác nên mới lập ra đội nhặt rác này. Nét độc đáo của những cô sơn nữ khi làm việc (nhặt rác) là họ mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tây nguyên, lưng đeo gùi, và không ít du khách tây lẫn ta đã dừng lại xin chụp hình với họ.
Tôi đã có những năm tháng ở Tây nguyên, với những ký ức, những kỷ niệm... Hai bài báo trên đây đã cho tôi một vài suy nghĩ...
Thứ nhất là chuyện "Lộc bình ở Buôn Ma Thuột". Quả thật tôi không tưởng tượng một người có trách nhiệm nào đó, lại có thể ra lệnh cho cấp dưới làm ra những cái bình kiểu "trưởng giả học làm sang", đặt ở giữa đường phố như thế. Có thể ở nhà ông ta có những cái lộc bình như thế để cầu lộc, cầu phước..., chuyện đó chẳng đáng nói, nhưng đàng này đường phố là nơi công cộng, của mọi người, không phải riêng của một cá nhân. Đúng, nếu muốn nói lên nền văn hóa bản địa Tây nguyên, có thể thay bằng những cái ché (người trong Nam gọi là ghè, là loại bình bằng sành cất rượu cần của người dân tộc thiểu số Tây nguyên), hoặc những chiếc cồng chiêng, những chiếc rìu, nỏ... Thêm nữa, nó cổ vũ cho việc chặt hạ cây cối, tàn phá môi trường, trước năm 75 tôi ở đấy, rừng cây còn vào đến tận trung tâm thị xã, cách nay ít năm trở lại chỉ thấy đường xá như ô cờ, đèn xanh đèn đỏ, đi rất xa khỏi thành phố cũng chẳng còn thấy rừng...
Thứ hai là chuyện "Điểm nhấn của trái tim Đà Lạt". Lên Đà Lạt bây giờ, tôi đã vào cả trong buôn làng của người Lạch dưới chân núi Langbiang, cũng khó tìm ra được những thiếu nữ mặc váy thổ cẩm, và cả nhà sàn. Bây giờ họ ăn mặc như người Kinh, ở trong những căn nhà xây bằng gạch, phóng xe Dream Tàu vun vút. Lên Đà Lạt, rừng thông bị đốn hạ nhường chỗ cho những căn phố nhà ống dài hun hút, kiến trúc lai tạp như thành phố miền xuôi. Rừng thông mất hình như sương mù cũng không còn nhiều như xưa, Đà Lạt của lãng đãng sương mù giăng trên mặt hồ đã hiếm thấy, những cô gái sơn cước trong bộ trang phục thổ cẩm duyên dáng còn hiếm thấy hơn, cho nên du khách nhìn thấy những cô sơn nữ này như bắt được vàng...
Hình như có lần tôi nghe hay đọc được ở đâu, nói đại ý: "Để quản lý những thành phố có những nét đặc trưng như Sapa, Hà Nội, Huế, Hội An, hay Tây nguyên... không những phải cần những người giỏi về hành chánh, mà còn cần có những nghệ sĩ...". Đúng là như thế...
Bình là thứ thường đặt trong nhà.
Trả lờiXóaRiêng vụ tổ chức đội các em người Lạch nhặt rác ở Hồ Xuân Hương tui cho là còn chấp nhận được. Còn đặt lộc bình ở giữa đường ở Buôn Ma Thuột là một cái tát vào văn hóa Tây Nguyên. Thật xót xa khi những kẻ dốt nát, vô văn hóa lại có quyền sinh quyền sát như vậy.
Trả lờiXóaTui cũng lấy làm lạ, tại sao báo Tuổi Trẻ lại đi viết chữ lộc bình? Đúng ra là "độc bình". Đại từ điển tiếng Việt trang 544 bộ mới viết: "Độc bình: dt, lọ cắm hoa to, cổ thắt, miệng loe, thường chỉ bày một mình".
@danghongky, bình này gọi là... bình thường, hehe!
Trả lờiXóaCó vào xem tấm hình thấy chướng mắt quá, lại thêm cái từ "lộc bình" chẳng biết quái gì ? Cứ sợ tri thức mình thô thiển nên không dám lạm bàn. Từ độc bình mà bác Bu nói thì có nghe từ hồi xưa . Có những độc bình cổ rất quý ...
Trả lờiXóaNhớ có lần vào một nhà giàu mới xây thấy cơ man nào là bình gốm sứ Giang Tây to đùng, đặt ở phònh khách, phòng ngủ, bếp , sân ... . Chẳng biết để làm gì . Giờ có khi hiểu ra chắc để lấy ...lộc . Lộc bình, hehe
@bulukhin, vụ này hoàn toàn "nhất trí cao" với bác. Mấy em người Lạch đi nhặt rác ở hồ Xuân Hương, là một cách kêu gọi mọi người ở xứ mình bỏ "thói quen" xả rác (kể cả du khách Việt), du khách ngoại quốc rất tôn trọng môi trường. Cũng là để "tiếp thị" cho hình ảnh Tây nguyên, một việc làm hay, hơi oái oăm ở chỗ tư nhân họ nghĩ ra, còn nhà nước thì... mù tịt.
Trả lờiXóaCòn chữ "lộc bình" đúng là báo TT viết hơi kỳ, từ điển Từ và ngữ của Nguyễn Lân cũng giải thích là "độc bình", loại bình chỉ chưng có một cái, dân gian xưa nay cũng gọi là độc bình. Có lẽ bây giờ người ta nói trại như thế để dễ bán bình chăng? Nhưng báo TT viết thế là dở, cần phải nói rõ, từ gốc là "độc bình" chứ không phải là "lộc bình".
@bangtamngt, hehe, cái thói trưởng giả học làm sang nó thế, chẳng có văn hóa văn nghệ gì hết, lợi lộc là trên hết!
Trả lờiXóangười lãnh đạo có cái đầu tỉnh táo và trái tim nghệ sĩ để quản lý những thành phố chứ để nghệ sĩ làm lãnh đạo thì chắc còn nhiều cái hay ho hơn bác nhỉ!
Trả lờiXóa@nguyenthuthuy, hehe, cái đầu tỉnh táo và trái tim nóng... lạnh, quên, nóng bỏng của nghệ sĩ, mẹ mướt rất chính xác.
Trả lờiXóaMướt gần đồng âm với xanh mướt (ốm), mít ướt (yếu) mèo mướp (bé nhỏ) và mẹ mướp (lôi thôi lốc thốc) thế thì đúng với em quá rồi còn gì! Bác Hiệp dùng từ chính xác thật!
Trả lờiXóa@nguyenthuthuy, mướt mượt gì cũng "gút" hết mà. Tự nhiên tôi chợt nhớ mấy câu thơ hồi xưa của ai đó: "Ở đây lâu riết ta thành Thượng/ giống Thượng lai căng chẳng nhớ rừng/ giống Thượng bỏ gùi đeo súng ống/ xuân về nhớ gốc nhớ bâng khuâng".
Trả lờiXóaVao day dung thiet hoc hoi duoc nhieu dieu ...oi chao moi hay minh cu ngoi hoai xo bep hehhehehe...thanks moi nguoi :D
Trả lờiXóa@phuongvu, hết... troét chưa? Áy là nói theo TT, đi uống cà phê đi ngồi xo bep chi dzậy, heheheheeeee!
Trả lờiXóa