PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Trà kinh.

Photobucket




Chắc ai trong chúng ta cũng biết đến trà, và uống trà, một loại thức uống đã có lịch sử cả ngàn năm nay ở khu vực Châu Á (Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên), và hiện cả thế giới đều uống trà... Uống trà ở Nhật Bản đã được nâng lên hàng Đạo, Trà đạo, người Nhật siêng năng, cần mẫn và cầu tiến, nhưng rất tinh tế trong chuyện thưởng thức, thưởng ngoạn... Họ đã nâng những gì tưởng chừng như bình thường lên hàng Đạo, Võ đạo, kiếm đạo, Hoa đạo, Trà đạo... Người Trung Hoa cũng thế, Lục Vũ thời xưa được xưng tụng là "Trà thần" cùng với tác phẩm "Trà kinh" được truyền tụng xưa nay. Một thi nhân và cũng là một trà nhân danh tiếng khác của Trung Hoa là Lô Đồng đời nhà Đường cũng được xưng tụng là "Trà thần" với bài thơ Trà ca của mình.

Cây trà tương truyền là do ngày xưa sư tổ Đạt Ma tham thiền buồn ngủ, bèn lấy dao cắt phăng hai mí mắt của mình vứt xuống đất, sau nơi ấy mọc thành cây trà, sư lấy lá nấu nước uống cảm thấy tỉnh táo, không còn cảm thấy buồn ngủ khi thiền định...

Các cụ ngày xưa của ta uống trà rất cầu kỳ, tôi còn nhớ hình như trong tác phẩm Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân có nói về uống trà của các cụ, trà phải ngon đã đành, rồi nước pha trà cũng phải chọn lựa kỹ lưỡng, phải lấy từ giếng của ngôi chùa trong làng, nước giếng trong vắt, hay sáng sớm tinh mơ con cháu đã phải ra ao sen lấy những giọt sương mai đọng trên lá sen về để các cụ nấu nước pha trà... Rồi tiếp đến những dụng cụ pha trà, ấm, chén tống chén quân... đâu phải bất cứ loại ấm chén nào cũng pha trà được, có những bộ ấm chén xưa lưu truyền từ đời này sang đời nọ, được cất giữ còn hơn cả một gia tài. Cũng có câu chuyện một gã ăn mày đi xin ghé nhà nọ thấy mấy cụ đang ngồi thưởng trà, gã ăn mày xin một chén trà chứ không xin cơm gạo, uống xong chén trà gã ăn mày gật gù khen ngon, nhưng nói thêm tiếc là có mùi trấu, khi gã ăn mày đi khỏi có cụ tò mò mở ấm trà ra xem, thì thấy lẫn trong bã trà có vài mảnh vỏ trấu thật...

Bây giờ có cả ngàn loại trà, nhưng có thể chia làm ba loại trà chính là Trà Xanh (Lục Trà), Hồng Trà (nói theo Âu Mỹ là Black Tea), và loại thứ ba nửa giống Lục Trà nửa giống Hồng Trà, thường được gọi là trà Ô Long, vì Ô Long là loại trà phổ thông nhất trong loại trà này. Nói đến Lục Trà, mà điển hình là loại trà Long Tĩnh nổi tiếng xưa nay của quê hương  trà Triết Giang Trung Hoa, khi pha sẽ cho nước màu xanh nhạt. Loại Hồng Trà, như "Lục An Hồng Trà" (hay trà Lipton ở Anh, Mỹ), khi pha cho nước màu đỏ nâu đậm. Còn loại trà Ô Long như trà "Thiết Quan Âm" khi pha sẽ cho nước màu đỏ nâu nhạt... Thật ra các loại trà khác nhau là ở cách chế tạo (sấy, ủ...), đa số người Á Đông (Việt, Hoa, Nhật, Hàn) quen uống Trà Xanh và Ô Long, trong khi người Âu Mỹ lại quen uống Hồng Trà (gọi theo họ là Trà đen), và loại trà người Á Đông ưa thích là Trà Xanh lại được chế biến đơn giản nhất.

Về uống trà thì xưa bên Trung Hoa người ta hay cho thêm những thứ khác vào trà, chẳng hạn như muối, vỏ cam, quít, gừng... cách uống này với những cao nhân về trà họ không thích, bởi làm mất đi cái hương vị chính của trà. Loại Trà Xanh là loại được ưa thích xưa nay ở Á Đông, được chế biến rất đơn giản, không qua giai đoạn ải, ủ lên men, bởi sau khi ải, ủ lên men hương vị của trà đã mất hay đổi khác. Người ta cũng không uống trà ướp hoa như sau này ở ta hay ướp hoa nhài, sen, vì cũng làm mất đi mùi hương chính của trà.  Sau khi hái vào buổi sáng sớm mờ sương (không bao giờ hái trà khi nắng đã lên), chỉ nội trong buổi chiều là đã được sấy xong có thể dùng được.

Xưa có những loại trà đã đi vào truyền thuyết như trảm mã trà, chọn ngựa giống khỏe mạnh cho nhịn đói vài ngày, sáng sớm dắt vào vườn trà cho ngựa ăn những đọt trà non, sau đó chặt đầu, mổ bụng ngựa lấy trà ra, trà đã được tẩm với dịch vị trong dạ dày ngựa đem sao sẽ cho một loại trà đặc biệt. Hầu trà là loại trà hoang mọc tuốt trên núi cao con người không lên đến được phải huấn luyện những con khỉ để leo lên hái, chắc tựa như bên Indo, Thái Lan người ta dạy khi leo hái trái dừa... Rồi trùng điệp trà cũng là loại trà hoang mọc trong rừng thẳm, núi cao, có loại sâu sống trên cây trà này ăn lá, người ta bắt những con sâu này mang về mổ bụng lấy dịch ủ với lá trà tạo thành loại trà vô giá... Đấy là những loại trà truyền thuyết, chẳng biết có thật hay không?

Sau khi có được trà ngon phải nói đến trà cụ, là dụng cụ pha trà, xưa nay người ta chỉ dùng đồ gốm (chỉ chung đồ dùng pha trà bắng đất nung, đồ sành và đồ sứ), chẳng thấy người sành uống trà pha trà trong ấm, ly cốc kim loại, còn loại bình, ly, chén bằng ngọc lại được dùng để uống rượu. Người sành uống trà cũng không bao giờ dùng loại tách có quai như loại ta uống cà phê bây giờ, có lẽ ngoài việc thưởng thức trà, người uống trà cũng muốn được cảm nhận cái hơi nóng ấm áp của chén trà trong buổi sớm mai lạnh giá chăng? Ngày xưa bên Trung Hoa có những vùng chuyên sản xuất đồ gốm danh tiếng để uống trà, chẳng hạn câu "chén sứ Cảnh Đức, ấm đất Nghi Hưng", là hai nơi sản xuất chén, ấm uống trà nổi tiếng...

Sau trà, trà cụ, thì nước pha trà cũng là một phần quan trọng của uống trà, nước pha trà phải là nước tinh khiết không pha hay có rất ít tạp chất. Xưa bên Trung Hoa còn liệt kê hẳn hai mươi nguồn nước pha trà đệ nhất thiên hạ, mà thứ nhất là nước ở động Thủy Liêm, ở Khang Vương Cốc trên núi Lô Sơn. Thứ nhì là nước suối Thạch Tuyền, chùa Huệ Sơn ở huyện Vô Tích. Thứ ba là Thạch Tuyền Lan Khê ở Kỳ Châu. Thứ tư là Độc Tình Lãnh, trên núi Phủ Tử Sơn ở Hạp Châu. Thứ năm là Thạch Tuyền ở Hổ Khâu Tự, Tô Châu. Thứ sáu nước đầm Phương Kiền, Quải Hiền Tự, Lô Sơn. Thứ bảy là Nam Linh, thuộc Dương Tử Giang. Thứ tám là nước suối Tây Sơn, Hồng Châu. Thứ chín là Hoài Thủy, huyện Bách Nham, Đường Châu. Thứ mười là nước trên đỉnh Long Trì Sơn, Đường Châu. Mười một nước chùa Quan Âm, huyện Đan Dương. Mười hai nước chùa Đại Minh, Dương Châu. Mười ba nước thượng nguồn Hán Giang. Mười bốn nước Hương Khê trong Ngọc Hư Động, Quý Châu. Mười lăm nước Tây lạc, Vũ Quan, Thương Châu. Mười sáu nước Ngô Tùng Giang. Mười bảy nước ở thác cao ngàn trượng Tây Nam Lãnh, Thiên Đài Sơn. Mười tám nước suối Viên Tuyền, Liễu Châu. Mười chín Hán Thủy, huyện Nghiêm Lăng, Đồng Lô. Hai mươi là tuyết thủy, nước tan chảy từ băng tuyết. Ngày nay không biết hai mươi nguồn nước này còn được mấy nguồn, hay đã bị ô nhiễm.

Có trà ngon, trà cụ ưng ý, nguồn nước tinh khiết, cách pha trà cũng rất quan trọng, người xưa thường chỉ tự pha trà cho mình, hay để mời bạn hữu, không như rượu là có người hầu, nước phải sôi ở độ nào, nước pha trà không được sôi bùng, nghĩa là không đến 100 độ C, nghe đâu nước chỉ vừa sủi bọt lăn tăn, rồi trước khi pha chính thức phải "rửa trà"... vân vân, nghĩa là pha được một ấm trà cũng kỳ công lắm.

Cuối cùng là thưởng thức trà, xưa các cụ thường độc ẩm, hoặc đối ẩm, vừa thưởng thức hương vị tuyệt vời của ấm trà, vừa làm thơ hay bàn chuyện thơ phú, thật là thi vị, không như chúng ta bây giờ, vừa uống trà đá ướp hương hóa chất ly cối, vừa nói cười rổn rảng...


Tham khảo: Trà kinh, Vũ Thế Ngọc, nhà xuất bản Văn Nghệ 2006.

 

18 nhận xét:

  1. Quả là nhiều kiến thức quá, đọc qua cho biết rồi .... quên chứ nhớ sao nổi chừng này hiiii.

    Vụ gã ăn mày thưởng trà xong bảo có hương trấu đó, coi bộ là tay sành điệu chẳng hiểu làm sao mà lại ra thành ăn mày. Hoặc là "thần tiên" giả dạng, hoặc là do uống trà cầu kỳ quá, mà chẳng chịu làm ăn thành ra sạt nghiệp ra ngoài làm ăn xin, độ nhựt heeee.

    Xưa em đi học có thầy nói cũng chẳng biết đùa hay thật, bảo có "trinh nữ trà" nữa á. Mấy cô sơn nữ đi hái trà không mang gùi, thắt chỗ eo áo lại, bao nhiêu lá trà hái xong bỏ từ cổ áo rơi xuống tới thắt lưng, thấm vào giọt mồ hôi lao động tảo tần (ặc ặc) và hương trinh nữ tự nhiên thành ra Trà Trinh nữ"

    Heee, bác có biết lọai trà này hong ?

    Trả lờiXóa
  2. @comieng, gã ăn mày này chừng như cũng một thời khá giả lắm, nhưng lo "tom, chát" cô đầu ăn chơi quá nên... sạt nghiệp như cô Mây nói đó thôi?!
    Tôi cũng có nghe chuyện "Trinh nữ trà", chắc có lẽ cũng như chuyện... tắm bia mà báo đăng một thời, xưa nay có gì khác? hehe

    Trả lờiXóa
  3. Uống trà được nâng lên thành một nghệ thuật thật tinh tế! Tuy nhiên thời xưa khi mà thong dong lưng túi gió trăng, tâm hồn thanh thản, có bạn hiền tri kỷ thì các cụ mới cầu kỳ thưởng thức được trọn vẹn cái thú vui tao nhã ấy còn thời đại @ bây giờ khó thưởng thức được tách trà tiên vậy lắm.
    Em còn nhớ ở Miền Bắc, khi có khách đến nhà chủ nhà thường mời trà một cách rất khiêm nhường :"mời bác xơi tạm chén trà nhạt rồi cho chúng em được hầu chuyện...", bây giờ những lời xã giao ấy cũng xưa xửa xừa xưa lắm rồi! :D

    Trả lờiXóa
  4. Đợt vừa rồi em vào Hà Tĩnh quê chồng, uống chén trà xanh nóng hổi thấy ngon thế, lại nhớ câu ca :"Nước trà xanh xứ Nghệ/Càng chát lại càng ngon"

    Trả lờiXóa
  5. @nguyenthuthuy, xưa uống trà là Đạo, mà những gì liên quan đến trà là Kinh, trước khi pha một ấm trà độc ẩm, hay mời bạn hữu, cũng có những nghi thức như trước khi tham dự một buổi lễ cầu nguyện.
    Những lời nói như TT viết ở trên khi mời trà, bây giờ mình cho là khách sáo, nhưng nếu thật lòng, chứng tỏ ông bà ta rất khiêm cung trong mọi vấn đề chứ không "bỗ bã" như thời nay, đấy là văn hóa...
    Chè xanh (như "người mình" gọi), biết hãm uống ngon lắm, hiiiii!

    Trả lờiXóa
  6. Trà có Trảm mã trà, Trùng Điệp trà v.v..
    Cà phê cũng có kiểu Cà phê Chồn vì dùng hạt cà phê qua bụng con chồn. Những gì thưởng thức thông qua một cơ chế chọn lọc đều tốt.
    Những cái đó đắt đỏ, khó kiếm.
    Có lẽ kiếm một ông chồng nghiền trà dễ hơn.
    Em nói vậy có đúng không bác?

    Trả lờiXóa
  7. @hanggraphic, Trảm mã trà, Hầu trà, Trùng điệp trà.... có lẽ chỉ là huyền thoại. Xưa trên Kontum, Pleiku, tôi được uống và ăn 2 loại này, thứ nhất là cà phê cứt... dơi, không phải cứt chồn, loại cà phê này do chính nhà bạn tôi trên ấy trồng, trái chín dơi ăn rồi phóng uế hạt đầy ngoài vườn, nhưng sau khi lượm về chế biến pha uống cũng chẳng khác gì loại hái trên cây, có lẽ cà phê cứt chồn cũng thế, chỉ là huyền thoại, bởi mùi xạ hương cũng chỉ có ở cái tuyến chứa nơi con chồn thôi, không phải dịch vị trong dạ dày. Vả lại dơi thì nhiều lắm có cả đàn, phá trái chín kinh khủng, cứ thấy trái chín ở vườn như nhãn chẳng hạn người ta phải lấy lưới bao lại chống dơi ăn, còn chồn may ra có được vài con, có ăn trái chín đi nữa cũng chẳng thải ra được bao nhiêu hạt cà phê để mà bán.
    Thứ hai là được người Thượng trong bản làng cho xơi "ra gu cứt trâu", ấy là hồi ấy tụi tôi gọi thế, mà đây là món "quý" của họ, khách quý mới được mời. Trâu sau khi hiến tế (chẳng hạn Lễ đâm trâu, hay cầu cúng việc gì), con trâu được giết mổ, phần thức ăn (cỏ) trong ruột non của trâu được lấy ra, nấu với vài loại lá, muối... rồi mang ra xực, vì không có nhiều nên thành ra quý, chỉ những vị già làng, hoặc khách mới được mời món này. Một loại cháo không ra cháo, súp không ra súp, cũng chẳng phải ragu, mùi vị của cỏ bị lên men, dịch trong dạ dày trâu... ngửi mùi cũng đã muốn... ói huống chi ăn, thật kinh khủng.
    GR. nói đúng, rất đúng, cứ thế mà làm... hì hì.

    Trả lờiXóa
  8. Thôi thôi ạ, không dám thử đâu, nghe bác kể mấy món đó mà rút ra kết luận rồi. :)

    Trả lờiXóa
  9. Em mê tập truyện "Vang bóng một thời" này lắm bác ạ.
    Sáng chủ nhật đọc cái ẻn này, sướng!

    Trả lờiXóa
  10. @thaiphuc, sáng chủ nhật trời đẹp không đi đâu sao, viết lan man chơi thôi, cám ơn Cool.

    Trả lờiXóa
  11. Hồi nhỏ T đọc rất nhiều sách về nghệ thuật uống trà , thích nhất là xem nghệ thuật trà đạo của người Nhật. Nhà T còn giữ bộ ấm , chén uống trà của một gia đình người Nhật tặng lại trước khi họ trở về quê , đó là năm 1971. Thấy cái cách uống trà của họ công phu quá và thấy mình, cho dù có xem nhiều sách vở mà không mục sở thị thì coi như chưa biết gì hết về ...Trà.
    Mà nè anh H, người miền Bắc gọi trà là chè ..vậy thì với Trảm mã trà, Trùng điệp trà hay trà đá thì gọi là sao nhỉ ? :)

    Trả lờiXóa
  12. @ngocthuan, người Nhật coi việc uống trà như một nghi lễ chứ không phải nghi thức. Họ đã nâng lên hàng Đạo là đủ biết.
    "Chè" là chữ Nôm mà người miền Bắc hay dùng trong ngôn ngữ nói, trong khi âm Hán Việt đọc là "Trà", trong văn học và sách vở vẫn dùng âm Hán Việt là "Trà", cho nên người miền Bắc vẫn đọc Trảm mã trà, Trùng điệp trà chứ không nói Trảm mã chè, Trùng điệp chè... hì hì!

    Trả lờiXóa
  13. Nhắc đến trà, con nhớ đến những chén trà xanh khi còn ở quê nhà, cứ sáng sáng hay ngắt mấy ngọn trà vô mà nấu. Giờ vô SG nhưng con toàn uống trà Bầu cạn hiệu ông già ở quê con. Lúc trước chú ở Pleiku hỏng biết có thích uống trà đó hông hè?

    Năm ngoái con có dự một buổi Thiền trà với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đó mới là lần đầu tiên con cảm nhận một buổi Thiền trà, nó hay hay chú ah!

    "Chén trà trong hai tay
    Chánh niệm nâng tròn đầy
    Thân và tâm an trú
    Bây giờ và ở đây

    Khi uống chén nước trong
    Ta nhớ nguồn nhớ cội
    Khi nhấp miếng trà thơm
    Hỏi nước đến từ đâu

    Nước từ nguồn suối cao
    Nước từ lòng đất sâu
    Nước mầu nhiệm tuôn chảy
    Ơn nước luôn tràn đầy..."

    Trả lờiXóa
  14. @phonuicao, chè xanh biết hãm uống ngon lắm, ở nhà tôi vẫn uống chè xanh. Xưa ở Pleiku tôi uống cafe chứ không uống trà, còn hiệu cafe Đông Sanh không?
    Được dự Thiền trà với TS Nhất Hạnh hay đấy.

    Trả lờiXóa
  15. @ngocthuan, thực ra vì "Chè" là chữ Nôm nên ta có thể gọi như thế này được (không sai về mặt ngữ pháp), chè trảm mã, chè Trùng điệp... như chúng ta vẫn nói chè xanh, chè tàu, chè Thái nguyên... Tôi cũng không hiểu sao chè là chữ Nôm để chỉ trà, mà gần như trở thành phương ngữ của miền Bắc.

    Trả lờiXóa
  16. Chieu Kim biet chut it ve tra va pha tra vi Chieu Kim thinh thoang co uong tra xanh nen khi mua co chiu kho tim toi hoc hoi o nguoi chu tiem ngoi nghe ho chi day. ( khong phai ai ban tra cung biet dau nhe tai vi Chieu Kim mua tra nay o trong tiem chuyen ban tra dac biet loai mac tien khong ah va nguoi quan ly tiem dung hon la nguoi chu vi nguoi chu chinh thuc co hang tra ben trung quoc va Nhat ban . Nhung nguoi quan ly tiem tra phai la nguoi hieu biet ve tra va duoc day huan luyen ky cang va duoc di den tan noi san xuat tai trung quoc va nhat ban nhin thay tung khau san xuat cho nen ho hieu biet chi day cho minh ) Tiem tra nay mac lam 1 bls tra tu 100 do tro len hihihiih uong hoai la ngheo luon hahahah . Cho nen thinh thoang uong thoi . Theo ho noi la moi loai tra thi do nuoc soi khac nhau va cung dzung loai bih khac nhau . Tra Nhat la kho pha nhat . vi pha khong dung do nuoc soi va khong dzung dung loai binh va de hoi lau thi tra nat het khong uong duoc nua . tra nay thi mac lam ah 200 do chi co 1 bls thoi hihihihi . Cho nen chua tung thu qua vi phai mua ca do nghe nua muh uong cung chang duoc bao nhieu lan vi tiec tien va khong co du tien uong ihhiih . nen Chieu Kim chi uong loai tra xanh thoi . phai co cai binh bang dong va cai lo nho nho dzuoi cai lo dot 1 ngon den cay nho nho cho no chay vua du giu am binh tra chu khong lam cho tra nat ra . truoc tien pha tra phai nau nuco that soi che len ca binh tra va tach tra tu trong ra ngoai de rua cho binh va tach tra nong truoc roi sau do do het nuoc di ( dzuoi cai khai dung tra co cai thau dung may thu nuoc soi vua moi tran rua binh va tach tra ) roi cho tra vao nau nuoc soi khac che vao binh co tra nhung che tu do cao hai gang tay de cho tra no nhay lang tang bui dzo thoat ra ngoai roi sau do do bo nuoc do di moi che nuoc soi moi vao . va che cung tu do cao hai gang tay luon de cho tra no nhay lang tang thi tra no moi bung ra tham deu nuoc soi chi duoc che nua binh thoi .Sau khoang 1 hoi vai phut moi che day binh va sau do ngoi cho vai phut nua cho tra no tham nuoc soi no tan chat tra ra roi moi che vao cai to cung che tu do cai hai gang tay de cho tra deu roi tu do moi che tra vao tach nhu vay tach tra nao cung co mui vi deu nhu nhau va do tra deu nhu nhau :) do la 1 bi quyet pha tra don gian nhat con nhieu thu nua :)

    Trả lờiXóa
  17. @chieukim, thì ra bạn chieukim cũng khá rành về uống trà, đúng là như chieukim nói, uống trà khó lắm, là cả một nghệ thuật, trà ngon, ướp đúng cách rất công phu và đắt tiền, khi pha chế cũng "nhiêu khê" mất thời giờ lắm. Có lẽ thế nên chỉ để dành cho "các cụ" đã lớn tuổi.
    Tôi thì chỉ uống cafe, pha ở nhà hay ra quán ngồi tán dóc thôi, hihi!

    Trả lờiXóa
  18. Chieu Kim thi chi uong tra o nha ngoi nhin ngam can nha muh minh dzon sach se va trang tri thoi nhin toi nhin lui 1 hoi phat hien ra cho nay dzo cho nay co bui roi dung dzay di lau dzon ahahahah Enjoy kieu do ah ahahahah

    Trả lờiXóa