PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Thật và giả.

Photobucket



Mới đây bạn phuongvu nhắn qua nhà Lan Trần xem entry mới. Hồi này cô bạn Lan Trần ít thấy vào Multiply, nghe nói "sầu đời" sao đó không muốn nghe chuyện thế thái nhân tình, mà chuyên vào việc "làm vườn" bên Facebook, cho nhẹ cái đầu... Sáng sớm chạy thử qua xem, thì ra "vấn đề thì cũ", nhiều bạn cũng đã nói rồi, nhưng "bức xúc" có lẽ mới toanh, nên bạn Lan Trần mới lên tiếng. Đó là chuyện ảo thật - thật ảo gì đó trên mạng, và ở ngoài đời...

Cha, chuyện ảo thật - hay thật giả, sao thấy "rối" quá. Như các bạn thử xem tấm hình bên trên tôi chụp một con chuồn chuồn đậu trên thân cây nhô lên khỏi mặt ao. Phía trên là con chuồn chuồn và thân cây, rồi đến mặt nước lung linh, phản chiếu con chuồn chuồn và thân cây, phản chiếu cả mây trời... Xưa Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy nghĩ lẩn thẩn chẳng biết mình mơ hóa bướm, hay bướm đã hóa ra mình... Tôi thử tưởng tượng ra chuyện như thế này, tôi sẽ đem tấm hình bên trên đi hỏi: "Trong hình này cái nào là ảo cái nào là thật". Người thứ nhất trả lời: "Trời, nhà anh có tâm thần không đấy! Đây là hình chụp rõ rành rành, đương nhiên con chuồn chuồn và thân cây phía trên mặt nước là thật, còn cái bóng soi dưới nước là ảo, hỏi vậy mà cũng hỏi, rõ dở người!". Câu trả lời thật chính xác.

Người thứ hai khi được hỏi trả lời: "Người ta nói cuộc đời là vô thường, bể dâu biết đâu mà lường, ngày hôm nay thấy là như thế ngày mai có khi trở lại chuồn chuồn đã bị chim chóc ăn mất, cây khô cũng không còn, tất cả chỉ là ảo...". Chao, rất hay, ý nghĩ thật là minh triết... Đến người thứ ba lại trả lời ngược hẳn lại: "Tất cả đều là thật, chẳng có gì ảo hết, nếu nói ảo tại sao anh lại nhìn thấy nó...".

Tuy chỉ là chuyện tưởng tượng, nhưng nghĩ đến đây tôi đã thấy toát cả mồ hôi, đầu óc lùng bùng, chẳng dám đi hỏi tiếp nữa, biết đâu sẽ còn nhiều ý kiến khác nữa, ảo hay thật - chân hay giả, chao ôi, cuộc đời này, biết đâu mà lường...

33 nhận xét:

  1. Em nghĩ tất cả đều bắt nguồn từ thực mà ra. Nếu không có con chuồn chuồn đậu ở đó liệu dưới nước có gì hay không? Cái mà người ta gọi là ảo ảnh trên sa mạc cũng là phản chiếu đâu đó chứ tự nó không sinh ra được.
    Trên blog này, người tưởng là ảo không giữ gìn ý thức, sớm hay muộn sẽ gặp những sai lầm rất thực. Lúc đó, những tổn thương về tinh thần thật khó lành.

    Trả lờiXóa
  2. Trần Gian vốn là mộng. Thật giả khó lường, thôi thì cứ sống với cái mộng để thực và ảo lung linh với nhau .
    T quan niệm , biết mới sống , nên ảo hay thực, với T cũng chỉ là một trong những điều ắt có và đủ để làm nên cuộc sống mà thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Thật giống như một cái nấm
    Ảo mới đúng là con chuồn chuồn ...
    ( Tấm hình bác H chụp )

    Trả lờiXóa
  4. Hư hư thực thực... Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc bác H nhỉ?!

    Trả lờiXóa
  5. @hanggraphic, thoạt đầu là thực, rồi từ thực sinh ra ảo, ảo lại biến thành thực, hehe, vỡ cái... trốc mất! Đùa vậy thôi, suy nghĩ của GR. hay lắm.

    Trả lờiXóa
  6. @ngocthuan, "Trần gian vốn là mộng/ Thực giả thật khó lường/ Thôi thì ta cứ sống/ Với thực - giả vô thường". Có phải thế không bạn ngocthuan?

    Trả lờiXóa
  7. @bangtamngt, M. nhận ra điều này, cái... bóng con chuồn chuồn mới giống con chuồn chuồn. hehe!

    Trả lờiXóa
  8. @torovn, Sắc đích thị Không, về với đất là hết, hehe!

    Trả lờiXóa
  9. Thấy có hai khuôn mặt mờ ảo trong tấm hình này!

    Trả lờiXóa
  10. Nghĩa là cho dù như thế nào đi nữa , ta vẫn phải sống và được sống . Nghĩa là biết yêu là khổ mà vẫn muốn được ..yêu .Hư hư ảo ảo..đôi khi lại rất cần để ta biết được thế nào là thực.

    Trả lờiXóa
  11. @anhkim01, một khuôn mặt mờ và một khuôn mặt ảo, hiiiii!

    Trả lờiXóa
  12. @ngocthuan, bravo bạn ngocthuan, suy nghĩ như bạn quá hay, tôi chắc bạn là người rất biết sống...

    Trả lờiXóa
  13. Nói cho rốt ráo chính là anh bạn của PNH hôm nọ kể chuyện về ông sư chẻ tượng phật làm củi sưởi ấm: "Vạn pháp giai không".
    Thở ra chẳng hẹn thở vào
    Thở ra ta khác thở vào khác ta
    Chỉ sau một lần thở thôi thì ta đã khác chính ta rồi. Bu gõ mấy dòng này hết 4 phút tức 240 giây, cũng là có 240 lần Bu khác nhau. Nếu chia nhỏ 1giây ra vô cực lần thì có vô cực ông Bu, cũng là không có ông nào là Bu thứ thiệt cả. Đấy là tính không, trái tim của Phật Giáo, do đồng chí Thích Ca giảng giải. Bu mà không có Bu ??? huhuhuhu!!!

    Trả lờiXóa
  14. Mỗi người có thể lập luận khác nhau về chân giả, giả chân.
    Giả chân gì cũng tùy tâm trạng, nó sẽ không bất biến em tin vậy.

    Nhưng câu này ""Tất cả đều là thật, chẳng có gì ảo hết, nếu nói ảo tại sao anh lại nhìn thấy nó..."." - Em có cảm giác là mới đọc nghe như triết lý sâu xa, thực ra nó là một kiểu nói đánh tráo khái niệm.

    Trả lờiXóa
  15. @bulukhin, Bu mà không có Bu, mà lại chính là Bu... hehe, rối quá rối bác bu ơi, tôi theo ngài Huệ Năng, đói ăn khát uống thôi...

    Trả lờiXóa
  16. @comieng, "Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần..." (BG), Đức Phật nói "Ta có ba vạn sáu trăm ngàn pháp để dạy chúng sinh", cũng như người Tây phương nói đại khái "Chân lý bên này dãy núi Pyrénées chẳng phải là chân lý ở bên kia dãy núi". Uống cà phê nghe chim hót là sướng nhất, he!

    Trả lờiXóa
  17. @Bác Bu: Lúc nào "không không thiệt thiệt", bác kêu bác Bu gái véo cho cái thật mạnh xem câu trả lời ra sao nhé. :D. Ái chà!

    Trả lờiXóa
  18. Hình bác chụp độc đáo quá, bóng rõ hơn hình...ảo rõ hơn thật...

    Có khi nghĩ rằng...ảo nên chân tướng mới thoải mái lộ rõ. Còn cái thật thì...bưng bít che dấu khá công phu he..he..

    Trả lờiXóa
  19. * Bạn hanggraphic
    Rất tiếc Bu không phải là phật tử, càng không phải nhà sư để bàn về cái tính không trong Phật học. Dù muốn hay không đây là điểm cốt yếu, điểm mấu chốt của Phật Giáo, nghe vừa bí hiểm vừa siêu hình, không biết diễn đạt thì người nghe không chấp nhận được. Với việc Bu bị bà xã véo thì nó thế này:
    1- Như Bu đã nói ở còm trên: Ông Bu đang liên tục thay đổi, nếu chia một giây đồng hồ ra vô cực phần sẽ có vô cực ông Bu khác nhau sau một giây ( mà cái khác cuối cùng là ông Bu đang gõ máy tính đến ông Bu nằm trong quan tài, huhuhu)
    2- Khi bị véo đến khi kêu: ôi đau quá phải mất một khoảng thời gian, tức là ông Bu kêu đau và ông Bu bị véo hoàn toàn khác nhau rồi. Đấy là chưa kể khi bắt đầu kêu đau cho đến khi người khác nghe được lại có vô số ông Bu khác nhau nữa....
    3- Vậy thì có một ông Bu bị vợ véo đau và kêu lên, nhưng là ông nào trong hằng hà sa số ông Bu ấy ???? Có mà không có (sắc sắc không không) là vậy.

    Trả lờiXóa
  20. Cùng một cảm nhận với bạn graphic và nghĩ rằng : Người ta có thể ngụy trang cho con người thật, nhưng không thể ngụy trang cho cái bóng phản ảnh đúng chính mình.... (-:

    Trả lờiXóa
  21. E chịu không thể hiểu nổi.
    Thế có phải theo lí thuyết này thì hôm nọ GRAPH lỡ mắc tội gì gì... rồi thì hôm nay GRAPH xí xoá phải không bác?

    Trả lờiXóa
  22. @thaiphuc, hehe, vậy đấy, cái bóng nhiều khi lại rõ hơn cái thật...

    Trả lờiXóa
  23. @Các bạn, tôi e rằng tất cả những điều rối rắm như bác Bu, GR. và các bạn nêu ra trong giáo lý (hay triết lý) mà rõ nhất là Phật giáo, như tính không, tính có, chấp trước, chấp sau..., là do những nhà triết học đời sau nghĩ (bày) ra cả, để mà... mờ mắt chúng sinh, hay để thỏa những suy nghĩ... cao siêu của họ. Trong thiền tôi thích Huệ Năng nhất, lục tổ của thiền, một người được trao y bát, khi chỉ là một chú tiều quét lá, thổi cơm nấu nước giã gạo trong chùa, thậm chí còn không biết chữ, thần thông diệu vợi đối với ngài là bửa củi, nấu cơm...

    Trả lờiXóa
  24. @ Banhanggraphic

    Cái chữ tội ta chỉ nghe trong đạo Thiên Chúa. Ai có tội thì đến nhà thờ xưng tội với cha. Ta cũng nghe chữ tội trong các thể chế nhà nước. Ai phạm tội gì thì bộ luật hình sự chiếu ra mà trừng trị. Ở ta, tội nặng nhất là tử hình. Trong đạo phật không thấy nói đến chữ tội và cách trị tội đó như thế nào. Đạo Phật chỉ khuyên người ta đừng phạm ngũ giới, tức phạm vào một trong 5 giới: Sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Phạm vào một trong các giới đó thì đương sự sẽ chịu sự tác động của luật nhân quả, và gặt hái điều không hay trong kiếp luân hồi. Tức là tòa án của đương sự tự xử lấy mình chứ Phật Giáo không có tòa án để xử. Thiên chúa vận hành theo quy trình xin cho (xin đức mẹ tha thứ, xin chúa ban phước lành) Đạo Phật vận hành theo quy trình phát huy nội lực, mình tự cho lấy mình, chứ Phật không cho ai cái gì cả. Dùng triết lý "vạn pháp giai không" như đã nói thì đương sự nào (trong hằng hà sa số đương sự) ở trong cái con người bằng xương bằng thịt ấy gây ra tội. Chỉ có đượng sự tự biết lấy và thường xuyên thiền định, thường xuyên tu tập. Biện pháp của Thiền sư Nhất Hạnh là ăn trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, làm mọi việc trong chánh niệm, lấy chánh niệm để bao vây và tiêu diệt tập khí. Đụng đến khái niệm này là vô thiên lũng điều để nói, tức là bất tận ngôn....huhuhu!

    Trả lờiXóa
  25. @Bulukhin, @hanggraphic, kakaka, bác Bu đúng là người nghiên cứu kỹ lưỡng về Phật pháp, và cả Thiên chúa giáo. Đúng là theo đức Thích ca (tôi muốn nói đức Thích ca chứ không phải Phật giáo hay giáo hội Phật giáo nào), muốn đạt được đến giác ngộ thì mỗi người phải "tự thân vận động", không có "cơ chế xin cho" nào, hoặc cầu khẩn đấng tối cao hay thần linh ban cho được, khác với đạo Thiên chúa (tôi cũng muốn nhấn mạnh là đạo Thiên chúa) chứ không phải là ngài Jesus. Cái câu trong kinh thánh tôi đã trích dẫn "Hãy vác thập giá mà vào thiên đàng" của Chúa giống y hệt tư tưởng mỗi người phải "tự thân vận động" để đạt được giác ngộ như của Phật.
    Nhưng đạo Phật bây giờ thì khác, cũng đã chuyển sang "cơ chế xin cho" y như thế, các chùa đều "hoan hỉ" mỗi ngày nhận tiền của bá tánh để cầu an, cầu siêu cho chúng sinh, chẳng là xin cho thì là gì? Thêm nữa, trong đạo Phật chúng sinh mà phạm tội chẳng phải do tòa án lương tâm xét xử, mà có "thập điện diêm vương" xử và trị tội đàng hoàng.
    Tôi vẫn cứ e rằng đủ mọi thứ điều răn của Thiên chúa giáo, cũng như ngũ giới hay gì gì khác của tôn giáo (chưa kể bao nhiêu cái gọi là "giáo luật" khác), là để quản lý và chi phối ít ra là "phần hồn" của con người, và do những người đời sau bày (đặt) ra với một dụng ý nào đó, chứ không phải là của Chúa và Phật.
    Phật bỏ ngai vàng đi tìm giải thoát có bao giờ mong được trở thành "đấng tối cao" của một tôn giáo như thế này không? Cả đức Jesus nữa, lúc sinh thời ngài sống với những người thợ, những người nghèo khổ đầu trần chân đất lang thang đây đó để rao giảng bác ái, chứ đâu có muốn ngự trong đền thờ, vàng son chói lọi như bây giò... huhuhu!

    Trả lờiXóa
  26. @Bạn PNH

    Bạn nói đúng lắm, ông Thích ca thuyết pháp 49 năm nhưng khi sắp nhập diệt thì gọi Văn Thù đến mà nói rằng Ngươi nhắc hậu thế là ta chưa hề nói gì cả. Tai sao như vậy là chuyện dài, ta chỉ nói ở chổ vô vàn kinh sách nhà Phật đều do các vị bồ tát, alahán, các nhà tu hành nhớ và chép lại. Ông này chép kiểu A, ông kia chép kiểu B,... cho nên đạo phật mới chia ra nhiều bè nhiều phải tranh cãi nhau tùm lum. Hai chữ "Tiểu Thừa" là từ mà mà do phái đại thừa nói ra để thóa mạ phái không nghe theo mình. (tiểu thừa là cái xe nhỏ, Đại thừa là cái xe lớn). Cái vụ vẽ các hình phạt như nấu vạc dầu, thiêu cháy...là do ảnh hưởng các tín ngưỡng dân gian, một phần do biến tướng của đạo Lão. Bu tui đọc Việt Nam Phật Giáo sử Luận của Nguyễn Lang (Nhất Hạnh), Lịch sử Phật Giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát ...không thấy mấy vụ đó.
    Đến tận bây giờ thì Phật Giáo biến tấu đi, méo mó thảm hại. Từ chủ trương vô ngã thành ra hữu ngã, thể hiện ở chỗ xin phật phù hộ cho ăn nên làm ra, thăng quan tiến chức, thậm chí làm tiền như PNH nói. Mà rồi chủ thuyết nào cũng biến tấu đi cả: Pôn pốt, Tàu, Cu Ba, Triều Tiên...đều cộng sản mà có ai nghe ai đâu.

    Trả lờiXóa
  27. Có lẽ nên phân biệt Triết Thuyết (giáo lý) của Ðức Phật, Ðức Jésus và Ðạo, Giáo Hội (Phật Giáo, Công Giáo).
    Ðức Jésus sinh ra trong máng cỏ, suốt cuộc đời sống nghèo hèn,còn Giáo Hoàng ở trong cung điện; Ðức Thích Ca bỏ hoàng cung sống cuộc sống nghèo khổ, chay tịnh, Thiền sư, hòa thượng giờ sống trong "chùa son, am tía".
    Những lời thuyết giảng của Thích Ca, Jésus theo thời gian đã bị các giáo hội Phật Giáo, Công Giáo biến đổi cho phù hợp với sự- cai- trị- về- phần- hồn của mình.
    Viết đến đây chợt nhớ câu của Johann Wolfgang Von Goethe: Lý thuyết thì màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi".

    Trả lờiXóa
  28. 1- Cách nay 2553 năm ngài Thích ca đi thuyết pháp những chân lý của ngài có lẽ ở trong rừng, trên bờ suối hoặc trong những ngôi nhà tranh dân giả. Ngài cùng một số đệ tử chu du thiên hạ và hồi đó không thấy nói đến giáo hội, để từ đó sinh ra giáo quyền. Mà khi có chữ quyền là có trên dưới, có cấp bậc, có người chỉ huy và kẻ bị chỉ huy. Dần dà phật giáo bị thế tục hóa và càng lúc càng xa bản gốc nguyên thủy.
    2- Ngày nay phật giáo biến hóa chủ yếu thành 4 hình thái
    - Phật giáo truyền thống
    - Phật giáo tôn giáo
    - Phật giáo học thuật
    - Phật giáo tà môn ngoại đạo
    Chữ giáo trong Phật giáo truyền thống là giáo dục. Thích Ca là ông thầy ngộ ra chân lý giải thoát và dạy cho học trò phương pháp gải thoát. Theo đó phật giáo không phải là tôn giáo mà là một nền giáo dục trí huệ (khác trí tuệ) làm cho chúng sinh nhận biết rõ toàn triệt nhân sinh và vũ trụ. Khổng học chỉ chỉ đề cập một đời người từ khi sinh ra đến khi chết, còn Phật giáo (dục) là nền giáo dục thông cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
    3- Từ nền giáo dục biến thành tôn giáo thì cái phật giáo (đạo) đã tách rời và đi xa khỏi nguyên lý truyền thống. Từ một cái trường để các thấy truyền thụ kiến thức thành ra chùa chiền nguy nga đồ sộ , nói như bạn anhkim01 là "chùa son am tía". Tất cả những gì Bu tui nói trong các còm trước là nói về Phật giáo (dục) tuyền thống. Than ôi, những gì diễn ra trước mắt thì không còn biết nó là cái gì nữa. Thôi thì xin hạ một câu "bất khả tri luận vậy". huhuhu

    Trả lờiXóa
  29. @anhkim01, @bulukhin, nhìn ra vấn đề như các bạn tại hạ xin bái phục.

    Trả lờiXóa
  30. Nhiều ý kiến thú vị thật, Hằng gần đời hơn, anh Bu gần sách hơn, nhưng "chú tiểu" H mới là người dọn món ngon cho chúng mình ăn và đàm đạo. Cảm ơn chủ nhà :-))

    Trả lờiXóa
  31. giua ao va that khong cach xa nhau may chi la 1 vach ngan rat mong neu nhu minh nghi no ao thi no chinh la ao chi vay thoi . va tuy theo 1 nguoi dung o khia canh nao nhin no nua kia :) vi moi nguoi dung moi phia khac nhau nhin cho nen khong ai sai het vi ho nhin o goc canh ho dung ho thay sao noi vay thi sao goi la sai cho duoc :)

    Trả lờiXóa