PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Am không.

Photobucket

Photobucket




Ta về giữa chốn am không

Rừng xưa níu lại bụi hồng đường xa.



Không biết sao có mấy bạn gọi tôi là hoa súng, cũng có bạn gọi là... người cõi trên, và cũng có bạn kêu chú tiểu. Hà hà mấy cái tên gọi này kể cũng hay ra phết, có vẻ ngộ nghĩnh, vui vui... Nghĩ lại thấy các bạn ai cũng có lý, tôi đã chụp khá nhiều hoa súng và hoa súng là loại hoa dân dã nhưng đẹp và dễ thương, người cõi trên thấy cũng có lý, bởi nhiều khi tôi cũng tự thấy mình có vẻ ngơ ngáo giữa cuộc đời, còn chú tiểu thấy cũng hay, ít ra tôi cũng có bộ đồ chú tiểu, và ở nhà cũng hay mặc...

Thỉnh thoảng tôi cũng hay vào chùa ngồi lơ ngơ ở một góc sân nghe đánh chuông gõ mõ, cũng có khi là để nghe chú dế mèn trú ở góc sân sân kể chuyện, hoặc chỉ để ngó trời ngó đất... Thỉnh thoảng tôi cũng bày đặt đọc vài cuốn sách Phật giáo, và thích một vài nhân vật, chẳng hạn Bồ Đề Đạt Ma, tương truyền là tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa, người chín năm ngồi diện bích, hay Huệ Năng, tổ thứ sáu, đắc đạo khi chỉ là chú tiểu không biết chữ thổi cơm giã gạo trong chùa... Thích những câu chuyện về thiền, những vị sư chẻ tượng Phật để sưởi ấm, hay những câu chuyện đầy nghịch lý của những thiền sư...

 

Một ngày lãng đãng qua, nghĩa là ta có thêm một ngày và cũng mất đi một ngày, cuộc sống là như thế, trong cái được đồng thời đã có cái mất, trong cái sinh đã có sẵn cái tử. Có mấy ai hồn nhiên như ngài Ca Diếp, khi Đức Phật thuyết pháp, không nói chỉ lặng lẽ đưa lên một cành hoa, chúng sinh ngơ ngác, duy chỉ có Ca Diếp mỉm cười... Hay như vấn nạn của Huệ Khả cả ngàn năm vẫn còn nguyên đó, làm sao con người có được cái tâm an, để thanh thản bước đi giữa chông chênh của cuộc đời...



 

"Khuya về nhẹ mở tâm kinh

Trang nào cũng thấy có hình bóng em

Mở bờ sinh tử ra xem

Em trong tiền kiếp là em bây giờ"

Câu thơ tôi không nhớ của ai đó, đã khép lại trong tôi một ngày, trong muôn trùng những ngày tháng....

 

Saigon, tháng 10/2009.

 

24 nhận xét:

  1. Về thiền sư Bồ Đề Đạt Ma có nhiều chuyện ly kỳ giật gân lắm.
    Theo giáo sư Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Bồ Đề Đạt Ma đã từng đến Việt Nam (Giao Châu) cuối đời nhà Tống (420-447) cùng với một vị sư Ấn Độ tên là Pháp Thiên. Cũng theo GS Lê Mạnh Thát và GS Nguyễn Lang (Nhất Hạnh) thì Phật Giáo đến Việt Nam trước Tàu khoảng 150 năm,
    Ngày 8.10.2009 Phật Giáo đến Quảng Bình lần thứ 2, bằng chứng là ngày đó Bu có được mời đi dự đại hội thành lập Tỉnh hội Phật giáo QB. Người ta bảo Bu vào làm Phật tử, Bu kính cẩn chắp tay, lắc đầu, và niệm: Nam mô a di đà Phật !! hihhhi!

    Trả lờiXóa
  2. @bulukhin, có tài liệu nói Phật giáo Ấn Độ đã du nhập VN trước khi đến Trung Hoa như bác Bu viết bên trên.
    Tôi mà cũng chẳng dám làm Phật tử nữa là bác Bu, hehe!

    Trả lờiXóa
  3. @bulukhin, bác Bu là con người của Chân lý, không phải là con người của Thế lực, cho nên Tỉnh hội PG làm sao "dụ" được bác làm Phật tử, cho dù tôi dám chắc cái hiểu của bác về PG không thua bất cứ ông Đại đức nào.

    Trả lờiXóa
  4. xuống tóc. Theo em khép cửa đời
    vào thiền để chỉ thấy viền môi
    yêu nhau ai bảo tâm không trụ?
    quên hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi.
    .............

    vì em tôi đã làm Sa Di
    không đi nên ý vẫn quay về
    bế quan toạ thị. Tôi và vách
    em tụng kinh gì? Cho nghe đi
    hôn em Bồ Tát. Chuông kinh hãi
    rung hoảng vì tôi ? hay cả em?"

    ( Thơ Du Tử Lê )

    Trả lờiXóa
  5. Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
    Tôi buồn như phố cũ mưa bay
    Bàn chân từng ngón ngưng không thở
    Lạc mất đường đi tận dấu bày

    Hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
    Tôi gầy như phiến lá trên cây
    Gió khuya thôi rớt ngàn tâm sự
    Thiên đường tôi là người hay ai

    Và hỏi chúa đi ! Chúa sẽ trả lời
    Trong tay thánh nữ có đời tôị

    ( Thơ DTL )

    Trả lờiXóa
  6. Vào am chẳng lẽ không chào . Thôi cứ cho vào một ít thơ hay . hi hi ...

    Trả lờiXóa
  7. Có thấy xuống tóc đâu nà. Tóc vẫn sợi dài trắng lấn át đen đó kia. Ai chơi khăm gọi Ðại Lão Ngoan Ðồng này là chú tiểu vậy ha?

    Trả lờiXóa
  8. PNH

    1-Chú em Bu trên Đà Lạt và thằng con dưới SG tự dưng cao hứng lên mê Phật Giáo. Chúng nó đọc vô số sách Thiền, sách nói về PG. Thực ra chúng đang mê một bóng hồng đi giữa nhân gian mà không hề biết nàng là ai, gốc gác ở đâu ra. Bu thì ngược lại, biết rõ nàng từ trên trời rơi xuống, là người đấy mà không phải người. Cho nên mê là mê vậy thôi chứ không thể cưới nàng về làm vợ để má ấp môi kề được. Đấy là lý do mà Bu chỉ niệm Nam mô a di đà Phật chứ không dám làm Phật tử. Chủ tịch tỉnh hội PGQB là thầy Thích Tánh Nhiếp người Quảng Trị, tu ở Huế. Phó là các cư sĩ đầu trọc, vợ con tùm lum, chuyên đi làm thầy cúng kiếm tiền. Ban chấp hành có nhiều em sồn sồn, xinh đẹp, nhưng không hề biết Nam mô a di đà Phật là gì! Chưa nói đến các giai đoạn phát triển của PG qua Bát Nhã, Duy thức, Mật Tông ra sao...
    2- Xem ra chính PNH cũng là Bồ đề Đạt Ma chứ thua kém gì cái ông nằn trong quan tài đến mấy năm, rồi vùng dậy ra đi, bỏ quên một chiếc dép dưới huyệt? Ông ta đối diện bích để tu thiền thì PNH cũng đối diện bích tu âm nhạc. Gậm nhấm được Musique classique như bạn khó bằng tu thiền chứ chẳng chơi, Với lại Bồ Đề là tỉnh thức, giác ngộ. Đạt Ma là pháp trong tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) thì PNH không kém gì cái ông người Ấn Độ ấy cả.
    3- Bài thơ bạn dẫn ra hay lắm. Bu lục tìm tác giả mà chưa thấy ai, lại gặp câu: "Tôi thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ cây". ......: "Em trong tiền kiếp là em bây giờ" . Hai câu này đặt cạnh nhau làm Bu bị ám ảnh bởi thuyết luân hồi. . Chao ôi, cái bà vợ bên cạnh Bu đây mà Bu đã từng gặp trong tiền kiếp ? cũng hay hay mà cũng sợ quá...huhuhu.

    Trả lờiXóa
  9. @bangtamngt, cám ơn bạn M. đã gởi cho những câu thơ tôi vẫn thích, thì ra bạn M. cũng thiền đâu kém ai.

    Trả lờiXóa
  10. @bangtamngt, một câu thơ nữa cũng không nhớ của ai "Sá gì thân náu cửa không/ Cạo đầu bởi chút má hồng ni cô", hì hì, sư này mơ mộng ác.

    Trả lờiXóa
  11. @anhkim01, cạo đầu xuống tóc chỉ là hình thức, tu này dân gian gọi là tu... hú mà anhkim, hiiiii!

    Trả lờiXóa
  12. @bulukhin, hehe, bác Bu nhìn thấy rõ quá, chắc bác còn nhớ câu "phùng Phật sát Phật" trong thiền, dĩ nhiên chữ "sát" ở đây không hiểu theo nghĩa thông thường... Nhiều người bị mê hoặc bởi những triết lý cao siêu (tưởng thế) của đạo Phật, mà có ngờ đâu Phật của Vân Môn là như thế này: "Một ông tăng hỏi ngài Vân Môn: -Phật là gì? Sư đáp: -que cứt khô." (Công án thứ hai mươi mốt Vô Môn Quan).

    Trả lờiXóa
  13. Chú Tiểu ơi , làm ơn quay mặt lại !

    Trả lờiXóa
  14. @ngocthuan, quay mặt lại mọi người... chạy mất tiêu rồi còn gì, hihi!

    Trả lờiXóa
  15. Anh mà quay mặt lại thì T chạy đến xin..chữ ký đó.

    Trả lờiXóa
  16. @ngocthuan, tiểu này là tiểu... yêu bạn ngocthuan à, mà yêu này là yêu... ma mới chết, hehe!

    Trả lờiXóa
  17. Tưởng am không là nơi vắng lặng thế mà lại đông tao nhân mặc khách thế này!
    Em thì vẫn gọi bác Hiệp từ xưa là bác Hiệp thôi như một người anh đáng kính, tài hoa và cũng hiền nữa vì đôi khi em út láo lếu có chọc quậy bác một chút cũng không sợ bác...giận! hehe

    Trả lờiXóa
  18. @nguyenthuthuy, hồi nào tới giờ tớ chẳng bao giờ dám giận phụ nữ, các chị các em bao giờ cũng luôn đáng quý mến, hehe!

    Trả lờiXóa
  19. Sắp lên đường rồi nhưng cũng ngồi nói thêm vài câu cho rôm rả cái am đã chật ních người.
    - Bu tin rằng người thế tục với các tri thức truyền thống thì không thể giải thích được công án nào trong số 48 công án của phái thiền Vô môn quan. Bản thân 3 chữ Vô môn quan đã là một công án. Quan là cửa ải (như ải Nam Quan) vô môn là không cửa, vậy Vô môn quan là cái cửa ải không có cửa vào. Cửa mà không cửa, lại là cửa vì sao? Vì không có cái ải ấy, mà nó chỉ là giả tướng mà thôi. Tóm lại ta phải tu tập để chuyền hóa không gian mới hòng hiểu được cái oái oăm của các công án ấy. Ông Từ Thức chuyển không gian sống từ thế tục lên cõi tiên đến khi trở về thì làng quê họ tộc ông đã khác đi tất cả rồi. Ông Lô ba sép ki cũng chứng minh rằng trong vũ trụ hai đường thẳng song song cắt nhau tại một điểm, và 3 góc trong một tam giác cộng lại khác 180 độ. Đấy là nói cho vui chứ không gian cà phê chim thì không bao giờ thay đổi hehehe !

    Trả lờiXóa
  20. @Bulukhin, nói đến Phật giáo Thiền tông là nói đến cả trăm ngàn những nghịch lý, những vị thiền sư là những người lắm khi rất dị thường, ngôn ngữ hoặc một hành động đối với họ chỉ là phương tiện để chuyển tải một "mật ý" nào đó, như một tia chớp bất chợt lóe lên giữa bầu trời, chói sáng trong khảnh khắc...
    Nhưng mà lý luận, triết lý, kinh sách... cũng chỉ có một giá trị rất tương đối, cà phê chim cũng có lúc sẽ không còn, nhưng không gian và tình bạn ở cà phê chim thì bất diệt... hehehe!

    Trả lờiXóa
  21. Con cũng thích được ngồi gốc chùa, nghe tiếng kinh ngân vang, lòng bình yên làm sao! Nhưng mà...hiếm khi con làm được chú ah!

    Vậy là giờ con mới hiểu ra câu chuyện chú nói chiều nay là mọi người gọi chú là...chú tiểu!

    Con thích 4 câu thơ ở cuối bài này ấy!

    Chúc chú cuối tuần thảnh thơi! Chú biết con là ai rồi chứ? Hihi, con rất vui vì được hạnh ngộ cùng chú!

    Trả lờiXóa
  22. @phonuicao, cuộc sống là như thế, tất cả chỉ là khoảnh khắc, nhưng là một khoảnh khắc vĩnh hằng.
    Một chút bình yên giữa đời thường, thế là đủ, phải không bạn?

    Trả lờiXóa
  23. Tui thích nhất cái còm "Chú Tiểu ơi , làm ơn quay mặt lại !"
    Chú Tiểu ơi, làm ơn đi, quay mặt lại :-))

    Trả lờiXóa
  24. @hongdang, chẳng biết thích cái còm hay là thích... người còm, hì hì!

    Trả lờiXóa